Mùa thu không rụng lá ngô đồng - Hồ Sĩ Bình
Phượng hoàng minh hĩ, Vu bỉ cao cương
Ngô đồng sinh hĩ, vu bỉ triêu dương
Bổng bổng thê thê, ung ung dê dê
(Chim phượng hoàng hót, tiếng trên núi cao.
Cây ngô đồng mọc, trong nắng mai.
Tốt tươi xanh xanh, hài hòa vui vẻ).
Kinh thi
Ngô đồng nhất diệp phiêu kim tinh,
Sắt sắt tây phong xuy dạ vĩnh
(Một chiếc lá ngô đồng bay nhẹ trước lá
Hiu hắt ngọn gió tây thổi đêm dài)
Cao Bá Quát
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông
Bích Khê
Mấy ngày trước khi đi Trung Quốc, bỗng dưng tôi lại nhớ về Tịnh Khê, người bạn gái học cùng lớp Việt Hán ở Đại học sư phạm Huế. Những ngày trọ học ở Huế tôi thường đến nhà bạn chơi. Nhà bạn ở trong Thành Nội, đó là ngôi nhà vườn kiểu Huế. Cổng có mái, phía trên là một giàn hoa pháo màu hồng, hàng chè tàu phía trước, lối vào có bức bình phong, nhà cổ và chung quanh là một khu vườn đầy cây xanh và hoa. Tôi thường đạp xe qua ngồi chơi với bạn. Những đêm khuya, ngồi trong vườn mới cảm nhận sự tĩnh lặng, bình yên, lòng mình như trôi đi trong hương hoa giữa những đêm đầy gió. Nhất là hoa ngọc lan, và hoa bưởi, hương hoa như trốn tìm đuổi bắt khi nhặt khi khoan như mùi hương của người con gái đầy bí ẩn đánh thức những nỗi rạo rực trong lòng. Rất nhiều đêm ngồi giữa vườn khuya, đôi khi tôi chợt nghĩ, hương hoa như nỗi lòng thầm kín lấy bóng đêm để tỏ bày. Người bạn gái lớn lên trong hương hoa ấy, tâm hồn luôn nhạy cảm và tinh tế trong cảm nhận về hoa. Câu chuyện của chúng tôi thường xoay quanh chủ đề ấy.
Mùa xuân năm ấy, tôi mới từ Đà Nẵng ra, người bạn bảo, ngô đồng đã nở hoa, bạn rủ tôi chiều qua điện Cần Chánh trong Đại nội để ngắm hoa. Ngày đó trong Đại nội rất yên ắng và hoang phế. Dưới mái ngói cong cong của điện Cần Chánh, người bạn lại nói nhiều về loài cây này. Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu (Một chiếc lá ngô đồng rụng/ Thiên hạ đã biết thu sang). Câu thơ chỉ vỏn vẹn có 10 từ thôi mà đã được in dấu và lưu truyền trong cổ thi hơn cả 1000 năm nay. Câu thơ ngắn mà chữ nghĩa đầy ma lực, chỉ một chiếc lá khẽ khàng rơi nhẹ như là rơi nghiêng mà sao nghe như mông lung giữa mùa thu của đất trời. Hình như còn vương vấn bảng lảng một nỗi buồn chơi vơi. Câu thơ để lại cho hậu thế mà vẫn khuyết danh. Tôi nói thêm, gần 7 thế kỷ trước Công nguyên, cây ngô đồng đã xuất hiện trong Kinh Thi rồi. Mà Kinh Thi là thơ ca dân gian, là văn học truyền khẩu, Khổng Tử đã góp phần san định: Phượng hoàng minh hĩ, Vu bỉ cao cương/ Ngô đồng sinh hĩ, vu bỉ triêu dương/ Bổng bổng thê thê, ung ung dê dê (Chim phượng hoàng hót, tiếng trên núi cao. Cây ngô đồng mọc, trong nắng mai. Tốt tươi xanh xanh, hài hòa vui vẻ). Vì thế hình ảnh ngô đồng trong cổ thi đều thuộc về văn học dân gian. Bạn không đồng ý. Theo bạn, đó là một loài cây thuộc loại quý, con chim phượng hoàng chỉ đậu trên cây ngô đồng. Tương truyền vua Phục Hy thấy 5 ngôi sao rơi xuống trên cây ngô đồng rồi có chim phượng hoàng đến đậu. Biết là cây gỗ quý, người đời sau mới lấy thân cây ra làm đàn. Ngày nay, còn lại trong cổ lục, ngô đồng và chim phượng hoàng là hình ảnh biểu tượng cho cặp đôi cao quý, được mọi người coi trọng. Nói về nguồn gốc cây đàn Dao cầm, Tử Kỳ từng cho Bá Nha biết, cây ngô đồng là một loại gỗ quý để làm đàn. Người ta chặt bỏ phía trên ngọn và đoạn dưới gốc, chỉ lấy phần thân ở giữa là phù hợp để làm ra một nhạc cụ tuyệt vời gọi là Dao cầm.
Ngày trước, Vua Minh Mạng từng cho người sang tận Quảng Đông mang giống cây ngô đồng về trồng. Trên đất kinh xưa chỉ còn sót lại 2 cây ngô đồng thời ấy, một trong điện Cần Chánh, một ở vườn Tứ Tượng. Vua Minh Mạng từng lệnh cho các biền bình vào trong rừng sâu tìm cho được cây ngô đồng về trồng trong cung. Không biết đất đai thổ nhưỡng thế nào, ngô đồng không sống được. Vua còn cho khắc cây ngô đồng lên Du Đỉnh của Cửu Đỉnh. Vì vậy, ngô đồng luôn thuộc về nơi quyền quý, hoa ngô đồng là một loài hoa vương giả. Nghiệm lại, tôi thấy Tịnh Khê nói đúng. Ngày ấy, nhìn hoa ngô đồng nở tím ngát nơi cố cung, mới thấy hết cái nét lộng lẫy, sang trọng của nó. Mùa đơm hoa, cây như dồn hết sinh lực để kết thành những chùm hoa nhỏ đan dày bung lên không gian bảng lảng một sắc tím của mùa xuân.
Tịnh Khê còn cho rằng ngô đồng vĩnh viễn thuộc về mùa thu. Cũng trong một không gian bát ngát của mùa thu, thi nhân thường gắn lá ngô đồng với “giếng vàng” (kim tỉnh) chắc để tôn vinh sự sang trọng quyền quý của cây. Nguyễn Du lại viết: Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô. Rõ ràng để diễn tả nỗi nhớ nhung xa cách của Thúc Sinh với Thúy Kiều, nhớ lại ngày chia tay trong mùa thu năm trước, bây giờ mùa thu đã về mà vẫn còn xa cách. Sự tài hoa của nhà thơ chính là vẫn giữ được cái hồn cốt của câu thơ cổ bằng hai từ phiếm chỉ “một vài” thay cho một chiếc lá. Tịnh Khê nói rằng, khi nhắc đến ngô đồng rụng, người ta thường chỉ sử dụng hình ảnh “một chiếc lá rụng thôi” như để biểu đạt sự lẻ loi, nỗi cô đơn, cô quạnh nên Nguyễn Du đã “chuyển ngữ” thành “một vài lá ngô” đầy tài hoa để miêu tả tâm trạng và nỗi nhớ của Thúc Sinh đối với Thúy Kiều. Cao Bá Quát lại bộc lộ một cách nhìn riêng cũng đầy cảm xúc, tâm trạng: Ngô đồng nhất diệp phiêu kim tinh, sắt sắt tây phong xuy dạ vĩnh (Một chiếc lá ngô đồng bay nhẹ trước lá/Hiu hắt ngọn gió tây thổi đêm dài). Và trong thơ ca cận đại “Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông” trong thơ Bích Khê. Câu thơ toàn là âm bằng rung ngân nhè nhẹ mùa thu như thể vương vấn lan tỏa bao trùm cả không gian một màu vàng man mác.
Sau những câu chuyện về ngô đồng, Tịnh Khê khẽ buột miệng. Giá như mình đến được quê hương của Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị... để xem ngô đồng rụng lá mùa thu như thế nào. Chúng tôi là những người lỡ neo đậu đời mình với miền tâm tưởng trong thơ ca cổ của 2 nền văn học, đều có mong muốn đi đến nơi để trải nghiệm những miền đất đã sinh ra thơ, sinh ra thi nhân từng làm mình say đắm, âu đó cũng là điều rất bình thường. Từ sự mong muốn này có lần nhân nói về câu thơ: Con ong đã tỏ đường đi lối về. Tịnh Khê nói rằng, “trà mi là một loài hoa có sắc không hương” mà loài ong lại rất nhạy cảm với mùi hương, hoa mà không hương thì ong biết đâu mà “tỏ đường đi lối về”. Rồi cô khẳng định: “Nguyễn Du chắc là không sai, có lẽ hoa trà mi bên Trung Quốc có hương thơm ngào ngạt mới dẫn dụ được ong bướm. Nếu có dịp đến nơi ấy mới kiểm chứng được”. Chao ơi, bấy giờ đất nước còn chiến tranh, giang sơn hai miền còn cách trở...
Gần 10 năm sau, tôi có đọc một bút ký viết về khu vườn An Hiên ở Huế của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bà chủ nhân khu vườn cũng đã khẳng định, Nguyễn Du không sai vì hoa trà mi của Trung Quốc rất thơm... Riêng tôi trong thâm tâm sẽ kiểm chứng lại tất cả khi mình có điều kiện “mục sở thị”.
Mùa xuân, tôi nhàn du khắp miền Giang Nam. Đến Thượng Hải trong nỗi rạo rực được chiêm ngắm loài hoa sang trọng đầy quyền quý này. Người ta nói: Chỉ cần nhìn thấy cây ngô đồng là biết đã đặt chân đến Thượng Hải. Thật vậy, hai bên đường phố, trong công viên đều hiện diện loài cây vương giả. Nhưng chao ơi tất cả đã trơ cành khô khốc rũ rượi như Từ Hải đứng chết trân giữa sa trường. Mùa thu còn lâu mới về trên đất Giang Nam, hình như cây đã chết từ mùa thu trước. Sao vậy , đang là tiết xuân, mùa của cây cỏ tái sinh mà. Thơ xưa cũng đã từng khẳng định: Ngô đồng nhất diệp sinh/ Thiên hạ tận xuân tái (Một chiếc lá ngô đồng sống lại/ cả thiên hạ biết mùa xuân tái sinh). Còn có một phiên bản của câu thơ thiên hạ cộng tri thu khác, lời thơ như đóng đinh vào mùa lá rụng. Thiên hạ tận tri thu... Là “tận” chứ không phải “cộng” tri thu, nghĩa là khắp thiên hạ đều biết mùa thu sang. Thế mà...
Tôi nhớ lại, cũng vào khoảng trung tuần của tháng Hai, những lần về Huế từng ngồi uống cà phê với họa sĩ Bửu Chỉ ở quán Thiên Đàng sát bên công viên Tứ Tượng chỉ để ngắm hoa ngô đồng. Anh Bửu Chỉ mê mải say đắm với sắc màu hoa tim tím như ẩn chứa một nỗi dịu dàng quý phái của ngô đồng. Sang tháng hạ, hoa ngô đồng tàn, họa sĩ cũng đi mất, nơi góc quán vắng một chỗ ngồi. Ở Thượng Hải, tôi cứ phân vân, chắc tại có một sự cố gì với cây mà ngô đồng đã trơ cành hàng loạt như vậy. Nhưng đã lầm, rồi về tới Hàng Châu, Tô Châu vẫn thế, đi khắp nơi ngô đồng đều trong một tình trạng khô chết trơ cành.
Hướng dẫn viên của nhóm nhà văn chúng tôi là một phụ nữ Trung Quốc còn rất trẻ, dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt đẹp giống như là người Việt. Mà đúng vậy, cô cho biết mẹ cô là người Việt, và cũng thật bất ngờ, mẹ cô cũng là người bên sông Thu Bồn vậy mà cô lại chưa đến đó bao giờ. Cô làm hướng dẫn viên tiếng Việt cũng từ mẹ. Có một chút xao động, cảm giác như gặp lại người quen... Cứ gọi cô là Liên, phát âm theo kiểu tiếng Việt, cô giới thiệu như thế. Liên là hướng dẫn viên cho đoàn chúng tôi ở khu vực Giang Nam (ba thành phố Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu). Tự nhiên chúng tôi cảm thấy gần gũi, rất dễ bắt chuyện. Cô là một người ở nông thôn, sau khi cô tốt nghiệp đại học thì lên Thượng Hải tìm việc. Cô làm hướng dẫn đã 13 năm nhưng vẫn chưa mua được chung cư cho người thu nhập thấp nên phải ở nhà trọ vì nhà cửa và giá cả sinh hoạt ở Thượng Hải rất đắt. Gần đây nhà nước có chủ trương, chính sách xoay hướng về phát triển nông thôn và người nghèo. Về nhà cửa, đã có những khuyến cáo răn đe của nhà nước đối với các tập đoàn, công ty, các nhà đầu tư bất động sản lớn phải thực hiện chủ trương xây dựng thị trường bất động sản phải có chế độ ưu tiên, ưu đãi cho người có thu nhập thấp. Bên cạnh, nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ. Không chỉ về đất đai nhà cửa mà chủ trương của nhà nước cũng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để nâng cao đời sống cho người nghèo và người dân ở nông thôn. Người nghèo được giảm thời gian lao động, được khuyến khích nhu cầu tiêu dùng, mua sắm. Ngay cả phát triển du lịch, cũng tập trung vào việc khai thác ưu tiên cho người nghèo Trung Quốc, vừa có chính sách hỗ trợ vừa khuyến khích. Năm 2017, đã có hơn 3 tỷ rưỡi lượt khách Trung Quốc đi du lịch nội địa... Liên hy vọng với chính sách này, cô sẽ mua được nhà chung cư ở Thượng Hải. Cô còn cho biết, người dân rất ít đi lại bằng xe máy, đa phần người nghèo đều ở chung cư, nhà nước lại cung cấp miễn phí phương tiện xe đạp để người dân có thể sử dụng đi từ nhà (chung cư) đến trạm xe bus gần nhà rất ư thuận tiện. Bởi thế người dân rất thích ở chung cư, tiết kiệm được thời gian và đỡ tốn kém.
Thấy tôi thắc mắc về ngô đồng, Liên cho biết: “Ở Tô Châu và Hàng Châu đều trồng dọc hai bên đường 2 loài cây chính là ngô đồng và long não, việc này xuất phát từ một lề tục xa xưa: Ngày xưa khi mới sinh con, nếu là con trai thì người cha trồng một cây ngô đồng và chôn một vò rượu dưới gốc cây. Khi đứa con trai lớn, học hành đỗ đạt vinh quy bái tổ về quê, người cha mới đào hủ rượu lên để mời mọi người chung vui. Vò rượu này có tên là Trạng nguyên hồng. Nếu sinh con gái, thì người cha trồng một cây long não. Khi con gái lớn đến tuổi lấy chồng, tiệc mừng ngày con gái vu quy, người cha đào hủ rượu lên để đãi khách. Rượu này có tên là Nữ nhi hồng”. Với những loài cây, loài hoa quý thường đi kèm theo bằng những huyền thoại. Mà huyền thoại nào cũng sinh ra từ lòng ngưỡng mộ của nhân dân. Ở Hàng Châu, mùa này hoa đào, hoa anh đào và đặc biệt là hoa mộc lan nở đầy, màu đỏ của hoa đào, màu trắng của mộc lan nở chen nhau như để cứu vãn một không gian rũ rượi khô héo của ngô đồng trên khắp mọi nẻo đường. Đặc biệt hoa ngọc lan, những cánh hoa màu trắng mơ thơm ngát dặm dài như khoe hương hết độ mãn khai của mình. Lên Bắc Kinh, loài hoa này cũng mang theo cái màu trắng trinh nguyên thơ mộng ấy. Hỏi ra mới biết, tên hoa là tên của Từ Hy thái hậu khi chưa tiến cung, bà vốn là người Hàng Châu, vào kinh đô cũng mang theo cái sắc hoa cho đỡ nhớ quê nhà.
Bây giờ thì Liên đã phải trả lời cho tôi, tại sao tiết xuân mà ngô đồng lại khô héo khác biệt hoàn toàn trong thơ ca cổ điển. Liên ngần ngừ, ngô đồng hiện nay khắp vùng đất Giang Nam đều khác xưa, giống cây cũng lấy từ nơi khác mang về. Liên còn nói thêm: “Chỉ hơn một tháng nữa, anh đến đây thì ngô đồng ra lá xanh rợp hai bên đường phố, thậm chí che luôn ánh nắng mặt trời”. Lạ ghê nó như thu mình chịu chết giữa mùa xuân tươi vui sắc màu để chờ trỗi dậy hồi sinh mạnh mẽ trong mùa hè.
Biết đoàn chúng tôi gồm nhiều nhà văn, dù không có trong chương trình nhưng đã cho xe dừng lại uống cà phê bên sông Tiền Đường. Tôi lại nhớ Tịnh Khê. “Làm chi mà Nguyễn Du miêu tả Thúy Kiều khi trầm mình, sông Tiền Đường mà ngọn triều non bạc trùng trùng/ Vờn trông còn tưởng ánh hồng lúc gieo mà ghê gớm rứa” Nhưng hồi đó thiếu thông tin, chứ thường hằng năm vào rằm tháng 8, thủy triều dâng cao, có năm cao tới 20m, nên chi Tô Đông Pha mới viết: Bát nguyệt thủy triều, tráng quan thiên hạ vô (Thủy triều ngày 18 tháng tám, hùng vĩ nhất thiên hạ không nơi nào bằng). Thật ra do cửa biển rộng gần 100km, sông lại hẹp, khúc khuỷu nên khi thủy triều mới xảy ra hiện tượng đột biến như thế.
Thơ thẩn lên chùa Hàn Sơn, ngôi chùa nổi tiếng với bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế, lòng bỗng xúc động bởi trên cái mái ngói cong cong của mái chùa một cây ngô đồng mới nhú lá non li ti như những hạt mưa rơi tung tẩy giữa đất trời. Trong mấy ngày lại được đi qua ba nước, nước Sở (Thượng Hải), nước Việt của Câu Tiễn (Hàng Châu), nước Ngô của Phù Sai (Tô Châu), tôi miên man mê mải trong tâm thế của một hành giả lãng du qua những miền ký ức để tìm cho mình câu trả lời về những điều mà cả tôi và Tịnh Khê ngày ấy trong vườn khuya nhà bạn đã phân vân. Bây giờ thì người bạn gái ấy đã xa ngái bên kia bờ đại dương, không biết ai đó còn nhớ ngày trước đã nói với tôi điều gì không. Tôi đã đến đây, đã thấy hoa trà mi nở đỏ thắm trong khu vườn có hàng rào che chắn trong khuôn viên nhà lưu niệm của Nhạc Phi. Tôi tìm cách leo qua hàng rào để vào tận bên cây. Màu hoa đỏ tươi thắm hơn trà mi của mình nhưng Tịnh Khê ơi, cũng không có hương thơm, cũng hữu sắc vô hương. Còn với ngô đồng, cây không nở hoa và rụng lá đúng chu kỳ như ở ta, đã có một loài cây ngô đồng khác hiện diện trên những thành phố tôi qua.
Tôi không muốn trả lời, nhắn nhủ với Tịnh Khê về những câu hỏi, thắc mắc của bạn ngày trước. Vì để làm gì nhỉ? Tôi không muốn mất đi nỗi hoài vọng và mê đắm của người bạn gái với mùa thu mênh mang trong thơ ca cổ điển của một thời tuổi trẻ đầy xao động, nó như một giấc mơ của một thời.
H.S.B