Chòi bên núi -Y Nguyên

14.05.2018

Chòi bên núi -Y Nguyên

1.

Núi nằm bên kia sông, xa hút tận đồng trong biệt lập với xóm làng. Ngày trước nghe nói núi hoang vu, có cả cọp beo về ẩn náu. Giờ thì hết thú dữ nhưng vẫn hoang vu lắm. Rắn rết chồn cheo khỉ sóc vẫn còn. Lũ ấy phá phách hoa màu không thể tưởng. Vậy nên đất quanh chân núi dù màu mỡ vẫn ít người dám nhận canh tác. Làm không giữ được, đem nuôi chim chóc khỉ vượn chồn cáo hết thôi... Hợp tác xã không giao ai được thì đành bỏ hoang. Lũ trẻ chăn bò vẫn ngày ngày lùa bò lội sông, thả rông quanh núi. Tha hồ chơi nhởi tự do, khỏi lo bò dậm khoai liếm bắp. Tự do có tự do thiệt; nhưng hoang vu quá đôi khi cũng thấy rợn. Lại buồn...

Giáp tết, lưng chừng núi Chai bỗng mọc một cái chòi. Mùa nước lớn, đám trẻ chăn bò ít qua sông nên không hay. Chòi bằng mấy cây cột gỗ chôn, xung quanh phủ nứa lá tranh tre. Mấy miếng đất hoang cũng được rào rẹt, cày xới phẳng phiu. Bắp đậu bắt đầu mọc lên kèm theo tiếng mõ lốc cốc khua rộn từ chòi mỗi khi có đám chim hoang sà toan ăn hạt. Chiều nhập nhoạng, lũ nhỏ lùa bò rời núi, ngoái nhìn sau lưng vẫn thấy xa xa trên chòi lắt lay vàng ệch một đốm đèn dầu...

2.

Chòi của ông Năm Lắc!

Đó là thông tin mới toanh mà thằng Đực, “hội trưởng” chăn bò hoan hỉ loan tin. Hoan hỉ đúng thôi bởi từ nay thả bò núi Chai đỡ sợ cảnh hoang vu; nhất là với tôi, con nhỏ chăn bò vốn có biệt danh “chết nhát”!

Ông Năm Lắc thương binh xuất ngũ, có một bà vợ bị bệnh tim và ba đứa con trai đang tuổi ăn chơi. Đó là tất cả những gì ít ỏi tôi biết về ông. Nhà cùng thôn nhưng khác xóm, ông Năm lại bươn chải đủ nghề kiếm gạo nuôi con, ít khi ở nhà. Sao người ta gọi ổng là ông Năm... Lắc hở ba? Thì mày cứ nhìn cái tướng đi của ổng sẽ rõ... Phải; ông Năm chỉ còn một bên chân nguyên vẹn, chân bên kia nửa phần chân giả. Vậy nên ông đi đứng phải chống kèm cây nạng; vậy mà tướng đi vẫn cứ lắc lư. Không chỉ một chân đâu, tay ông Năm cũng chỉ còn một thôi... Trời đất, sao con đi chận (chăn) bò, thấy ông còn đủ hai tay? Một thôi, ba tôi nói, chắc như đinh, mày không thấy cánh tay kia thõng thượt sao? Còn “trang điểm” cho vui chớ đâu làm ăn gì được...

Nghe ba nói mới hay. Thú thiệt, tôi thiếu điều ngã ngửa khi biết chuyện một ông-Năm-Lắc-thương-binh-chỉ-còn-một-chân-một-tay lại dám vô nhận khoán đất hoang tận núi Chai; lại còn cất chòi ở luôn lưng núi...

3.

Tôi thường hay bươn lên chòi ông Năm Lắc xin muối chấm lá dang, xin nước uống. Dưới dòm lên, chòi như cái tổ chim bám cheo leo; nhưng lên tận nơi mới thấy bề thế. Chòi chia ba gian riêng biệt: gian tiếp khách, chỗ ngủ, chỗ nấu ăn, ngăn nắp như nhà. Ai cất chòi cho ông vậy ông Năm? Tao cất chớ ai mày? Ông Năm xạo quài, hổng tin. Ông có một chân một tay sao mà cất được? Giỡn quài mày, tao còn chân... rưỡi, sao một chân? Ông Năm Lắc cười khà khà, giơ ra cái chân gỗ còn nguyên đoạn từ dưới gối lên. Tôi đuối lý, vớt vát: vậy còn... đánh tranh, ông Năm có một tay sao đánh?? Thì tao dùng... chân. Hổng tin na, coi nè... Ông Năm vói cánh tay lành rút soạt cây hom (miếng tre chẻ mỏng, gập đôi dùng để đánh kết tranh thành tấm lợp nhà) giắt mái lều, quơ thêm túm tranh khô dựng trong góc xong ngồi bệt xuống “tác nghiệp” luôn. Cái chân lành với các ngón ngo ngoe nhoay nhoáy kết hợp với bàn tay kia trong thao tác đánh tranh, cầm nắm thuần thục, gọn bâng như một “bàn tay” thực thụ. Thánh thần ơi, giờ thì tôi tin sái cổ: không những ông Năm có thể biến chân thành tay mà còn có thể biến đầu, miệng, khuỷu tay và vân vân; tóm lại, tất cả những chỗ nào có thể cử động trên thân thể ông thành “tay” để mà sử dụng. Khó tin; nhưng trăm phần trăm là sự thật. Bất giác, tôi nhìn ông Năm bằng đôi mắt chỉ dành cho những người nổi tiếng. Bác Năm mà đi thi hoa hậu..., ý quên, thi “chuyện lạ Việt Nam”, chắc sẽ được giải! Ông Năm lại khà khà: lạ gì đâu, chỉ mình mày thấy lạ thôi...

4.

Mẹ bảo: xưa, ông Năm đẹp trai nhất làng, gái theo chết hàng tá... Ba nói mát: có cả... bà trong số ấy chớ gì? Mẹ đỏ mặt, cứng lưỡi. Tôi đánh trống lảng cứu nguy: Giờ ông Năm vẫn đẹp mà. Ừ, đẹp; nhưng thiếu chân thiếu tay; đã vậy, không hiểu sao còn đi ưng bà Năm...

Bà Năm, cô gái cũng đẹp nhất làng nhưng nghèo; trầm trọng nhất là bị bệnh tim bẩm sinh, không ai dám lấy, lời ba kể. Chi tiết ấy khiến tôi chuyển ánh mắt nhìn ông Năm từ kính nể leo lên một bậc cao hơn: kính trọng! Bà Năm không lao động được nhưng cái máy đẻ lại quá tốt, đẻ liền tù tì cho ông năm năm ba đứa con trai. Mình ông Năm cáng đáng bốn cái “tàu há mồm” chỉ bằng một chân một tay cùng khoản trợ cấp thương binh. Vậy mà nhà cửa vẫn ấm êm, không nghe tiếng bấc tiếng chì, hay thiệt! Mẹ tôi tấm tắc. Khen xong mẹ giật mình lật đật đưa tay che miệng, nhìn lén ba tôi, chắc sợ phật lòng...

5.

Chuyện cái chòi ngăn nắp đu lưng núi của ông Năm chỉ mới chuyện dạo đầu. Công trình khai hoang núi Chai của ông thực tế còn “vĩ đại” hơn: vườn điều thênh thang mấy héc ta; hai cái hồ sen bát ngát gương cùng một đám bắp lúc lắc trái. Chưa hết; ông còn vô tận hóc Ngổ (nằm sâu trong kẹt núi) hì hục vỡ hoang, vun vồng trồng thêm đám khoai lang xanh mướt...

Toàn những món ngon, “dụ khị” cơn thèm của lũ chăn bò mất nết!

Tôi không dám; nhưng bọn thằng Đực, thằng Hiển, thằng Hy cứ rình ông Năm sơ hở là “đột kích”: bẻ bắp, móc khoai; còn to gan lội xuống hồ ngắt trộm gương sen. Ông Năm phát hiện ơi ới quát là chúng co chân bỏ chạy. Đừng lo, chạy chậm thôi; ông Năm có chân rưỡi đời nào đuổi kịp...; thằng Đực vừa nhảy chơn chơn vừa cười hi hí. Cả lũ cũng xúm vào hi hí, ha ha. Ba nghe tôi kể, quát to: bộ tụi mày muốn... sa hỏa ngục hết hay sao? Ăn của ai không ăn, lại đi ăn của ông già thương tật! Dạ, không phải con, là tụi nó..., tôi cuống quít. Bảo chúng thôi ngay, không tao nói ông Năm tới nhà từng đứa mắng vốn thì bầm đít! Ý hay. Tôi co cẳng chạy đi tìm ông Năm, xui ông tận dụng “sáng kiến” của ba. Ông Năm lại cười khà: thôi, hù chúng sợ chạy được rồi, con nít con nôi, đánh chúng chi mang tội...

Chẳng cần đi trộm tôi vẫn được ông Năm cho bắp, cho khoai. Đôi khi còn có cả gương sen. Ái ngại, từ chối; nhưng ông cứ nhất định dúi cho. Hàng bó!

6.

Tôi khôn lớn, giã nghiệp chăn bò, lấy chồng xa xứ.

Mười năm về thăm quê, cảnh cũ đổi thay nhiều quá. Hỏi ông Năm, mẹ bảo ông đã mất. Sao mất? Năm ngoái mùa mưa, ông Năm ra sông vớt củi rều. Thằng con bà Tám đuối nước, ông nhào xuống cứu. Thằng nhỏ đu nặng quá, ông một tay không bơi vào nổi... Tôi lặng người, cố nén mà sao nước mắt cứ chảy ròng, ruột gan đau quặn!

...Lang thang ra bờ sông, dõi mắt về hướng núi Chai xa hút, chòi vẫn còn như cái chấm đen nhỏ xíu xiu lưng núi. Tôi mường tượng thấy bóng ông Năm đang loay hoay khập khiễng với những công việc lệ thường. Tưởng chừng ông lại sắp sửa dừng tay, nở ngoác một nụ cười thân thiện hết ga mỗi lúc đón cô bạn nhỏ chăn bò hậm hụi từng bước chân leo lên sườn núi...

Y.N