Mối quan hệ giữa bài tổ tôm với bài chòi - Thiếu Anh

14.05.2018

Mối quan hệ giữa bài tổ tôm với bài chòi - Thiếu Anh

Có người nhận xét rằng, bộ bài chòi bắt nguồn từ bài tổ tôm. Căn cứ của ý nghĩ ấy, là hiện tượng các quân bài trong bộ bài chòi, cũng có đủ từ 1 đến 9, có những tên gọi nhứt, nhì, tam, tứ v.v..., và có thể xếp theo như các pho văn, vạn, sách của tổ tôm. Hiện tượng trên không đủ để chứng minh sự “dân gian hóa” tổ tôm, mà có thể là chứng minh cho sự “nho hóa” bài chòi, có thể do tình hình nho hóa của ngữ vựng, và dụng tâm tham khảo tổ tôm, để chỉnh lý bài chòi, của các nhà nho bình dân chăng?(1)

Thử so sánh pho sách của tổ tôm và pho bài chòi mà nhiều người cho là tương ứng. Tổ tôm có Nhất sách, Nhị sách, Tam sách, Tứ sách, Ngũ sách, Lục sách, Thất sách, Cửu sách; Bài chòi có Nhứt nọc, Nhì nghèo, Ba gà, Tứ tượng, Ngũ nhặt, Sáu bường, Bảy thưa, Tám nức, Cửu điều.

Mặt quân bài chòi không có ghi chữ như quân bài tổ tôm, mà chỉ là những hình vẽ rất thô sơ, như lối văn tự tượng hình. Ví dụ, quân bài Tám miểng (miểng có lẽ thổ ngữ, có nghĩa là mảnh) vẽ 8 mảnh đen xếp thành 2 cối đối mặt, quân bài Ông ầm vẽ một cái mặt vằn vện như mặt quỷ ngay ở giữa. Ngày nay, có chữ Việt ở đầu quân bài, Sáu tiền, Rún, Xơ, Đấu v.v...

Thật ra đồ hình của các quân bài tương ứng giữa bài chòi và bài tổ tôm có nhiều khác biệt: bài tổ tôm vẽ đa số 26/30 quân là hình người Nhật Bản (đầu, mình, chân, tay, dụng cụ cầm tay, vác vai), và thêm vào đó là hình tháp (quân Ngũ vạn), cá (quân Bát vạn), trái đào (quân Nhị vạn), thuyền buồm (quân Ngũ sách). Còn ở quân bài chòi thì đồ án trang trí, mang tính trừu tượng và hình người trừu tượng, chủ yếu là bán thân hay mặt người (chiếm 11/30 quân). Dù vết của quân tổ tôm ở bộ bài chòi là các biểu tượng và chữ Hán xác định số thứ tự của quân bài.

(Chữ Hán: Từ chữ nhật đến chữ cửu trên chữ quân của pho vạn và các chữ ghi tên ba quân Yêu, Ông ầm, Thái tửBạch huê (Bạch Tuyết).

Biểu trưng có hai loại:

Một là hình tròn nhỏ có chấm ở giữa (tạm gọi là “nút”, hiểu là nút chỉ số điểm của mặt xúc xắc, cũng có thể hiểu là đồng tiền điếu. Hai là đồng tiền điếu (là một đồng nguyên/ tròn giữa vuông hay một nửa đồng tiền/ bán nguyệt).

Biểu tượng “phức nghĩa”, đặc biệt là các đồ hình trên chín quân của pho sách là đối tượng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, và theo đó có những biện giải khác nhau. Chẳng hạn, quân Nọc đương (có tên gọi khác: Học trò, Nhứt nọc, Nọc thược), được gán cho hình vẽ dương vật, và cho rằng nó có nguồn gốc từ linga của người Chăm. Theo đó, quân Bạch huê (Bạch tuyết Liễu) lại được coi là âm vật, yogi (Chăm). Thế là từ cặp yoni - linga ấy, một số nhà nghiên cứu cho rằng bài chòi có gốc gác chi đó với người Chăm, văn hóa Chăm, phản ánh tục thờ sinh thực khí. Thật ra, cách gọi tên quân bài chòi của dân gian là phương “coi mặt đặt tên” tức dựa trên hình tượng đặc trưng nào đó của hình họa mà gọi tên.

Thật khó mà nghĩ rằng, những quân bài Nhứt nọc, Nhì nghèo, Ba gà v.v... lộn xộn đủ thứ ấy, lại có thể là sự “dân gian hóa” những quân “sách” rất chặt chẽ trên kia. Ở pho văn, pho vạn, cũng có tình trạng như thế. Như thế, có lẽ, ta nên nghĩ đến một quá trình nho hóa của bài chòi, hơn là quá trình dân gian hóa tổ tôm. Sự biến chuyển của bài chòi đến gần tổ tôm, cũng có thể do sự giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Chiêm Thành từ xa xưa. Vì ở Bình Định, bài tổ tôm xuất hiện rất lâu sau bài tới hay bài trùng và bài tổ tôm cũng chỉ lưu hành ở tầng lớp trên, nhất là nhà nho và quan lại. Bài tới lại rất phổ biến từ Quảng Nam trở vào là vùng đất cũ của dân tộc Chăm, trong khi bài tổ tôm ít phổ biến ở vùng này mà lại rất phổ biến từ Thuận Hóa trở ra. Có hiện tượng gọi một số quân bài tổ tôm theo tên bài chòi như Cửu vạnChùa, Bát vạnBát bồng v.v...; nhưng tuyệt nhiên, không thể có hiện tượng gọi những quân bài chòi bằng tên bài tổ tôm. Và, cách xếp bài chòi theo 3 hàng văn, vạn, sách, như tổ tôm có ở Quảng Nam, lại rất ít thấy ở Bình Định. Và, cách xếp ấy, cũng chỉ xảy ra trong cách chơi của tầng lớp trên, chứ không thấy trong dân gian. Điều ấy, cũng góp thêm chứng minh cho luận điểm “bài chòi bị nho hóa”, và góp phần “xét lại” luận điểm “bài tổ tôm được dân gian hóa”.

T.A