Miếu thờ trong đời sống làng xã của người Việt - Huỳnh Thạch Hà

26.05.2016

Miếu thờ là nơi tôn nghiêm, kính cẩn để thờ phượng các bậc thánh hiền, khai quốc công thần hoặc có các vị thần có công giúp đời, linh hiển và cũng là những di sản văn hóa. Hằng năm, đến ngày cúng các vị thần, nhân dân tổ chức đúng hạn kỳ, tạo nên một nét đẹp của đời sống văn hóa làng xã Việt Nam.

Miếu thờ trong đời sống làng xã của người Việt - Huỳnh Thạch Hà


Cho đến nay, văn hóa làng xã của người Việt vẫn luôn tồn tại và không ngừng biến đổi, với sự ngưng kết đậm đặc biểu hiện trong lối sống, phong tục tập quán, kho tàng văn hóa dân gian, tín ngưỡng - tôn giáo. Văn hóa làng xã còn có cả một hệ thống cơ sở vật chất là đình, chùa, miếu, lũy tre, bến nước, cây đa… Những yếu tố vật thể và phi vật thể trên luôn đan xen, hòa quyện vào nhau, tích hợp lại thành bản sắc văn hóa làng xã, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được gìn giữ qua mọi biến thiên, thăng trầm của lịch sử.

Tín ngưỡng phổ biến nhất trong văn hóa làng xã là thờ “Đất” và “Nước”. Cư dân nông thôn Việt Nam sống nhờ vào đất và nước. Đất và nước được thờ biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: thổ thần, bổn cảnh thành hoàng, thủy thần,… Dân gian Việt Nam ở đâu cũng có câu “đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Bên cạnh thần đất, thần nước là các vị thần của tự nhiên liên quan đến nông nghiệp như mây, mưa, sấm, chớp, cây cối,… và các vị thần người. Các vị thần trên thường được phân loại là nhiên thần và nhân thần. Giáo sư Phan Đại Doãn đã nhận xét một cách khái quát và đầy đủ về tín ngưỡng làng xã người Việt như sau: “Tín ngưỡng làng quê là tín ngưỡng đa thần; có thần Thành hoàng, có thần tổ tiên, có Ngọc Hoàng thượng đế, có thần mẫu… Các vị thần này đồng thời tồn tại, không có mâu thuẫn mà lại bổ sung cho nhau”.[1]

Bên cạnh nền văn hóa bản địa, người Việt không kỳ thị với những tôn giáo ngoại lai. Những tôn giáo khác khi vào Việt Nam thì được Việt hóa, sống chung với văn hóa bản địa. Trong những ngôi miếu thờ, ngoài những vị thần bản địa thì có cả những vị thần tiên của Đạo giáo, thậm chí có miếu thờ cả Quán Thế Âm Bồ Tát.

Thông thường, mỗi cuộc đất, ông bà xưa thường lập cái miếu để thờ ông Thổ Thần, Thổ Địa. Theo tương truyền từ các bậc cao niên thì từ lâu đời, ông Thổ Thần hoặc ông Thổ Địa không phải là để chỉ chung ông thần đất đai theo nghĩa rộng, mà chỉ là ông thần nhỏ phù trợ trong miếng vườn, mảnh ruộng riêng tư của mỗi gia đình. Vì vậy, phải lập miếu thờ ông Thổ Thần để cho cuộc đất được bình yên.

Trong các miếu thờ Thổ Thần, Thổ Địa, người dân thường viết hai chữ Hán 土 神 “Thổ Thần” hoặc 土 地 “Thổ Địa” bằng mực Tàu lên tờ giấy màu hồng điều dán trong miếu, rồi để một lư hương, vài cái chung nhỏ đựng cúng nước. Vào các ngày giỗ chạp tổ tiên, ngoài mâm cơm cúng ông bà, cô bác khuất mặt, theo lệ thường phải có thêm một mâm cúng “đất đai viên trạch” mới gọi là đủ lễ. Điều đó cho thấy người dân luôn tin tưởng những vị thần dù nhỏ nhưng ở gần với con người và đã ban cho con người cuộc sống yên ổn.

Miếu là nơi thờ thần thánh chung cho cả làng nên trách nhiệm thuộc về tất cả người dân trong làng. Theo tín ngưỡng của dân gian người Việt, thì các cơ sở miếu thờ đó bao gồm cả khu vực xung quanh đều là “cấm địa”, là chốn linh thiêng “bất khả xâm phạm” nên ai cũng không được xâm phạm thậm chí như chặt cây, bẻ cành.

Vào những ngày lễ Tết, ngày mồng một hoặc rằm thì người dân thường tới miếu thắp nén nhang để cầu phúc, cầu an, cầu được mùa… là nơi thể hiện những ước vọng của nhân dân. Đặc biệt vào những ngày tế thần hàng năm ở miếu thì dân trong làng tập trung lại tổ chức nấu nướng các đồ lễ, các cụ già thì chuẩn bị cho buổi tế, không khí diễn ra nhộn nhịp và tôn nghiêm. Hầu như nhà nào cũng tắt bếp để tập trung ra miếu tham gia, ở đây không hẳn là bởi cái sự “ăn” mà là dịp để con cháu trong làng ngồi lại với nhau, hỏi thăm nhau về công việc làm ăn,... Không những thế, con cháu còn có dịp được các cụ già trong làng trao truyền lại những câu chuyện về lịch sử, thần tích của những vị thần được thờ tự, qua đó góp phần gìn giữ và bồi đắp những truyền thống của cha ông ta ngày trước. Đó chính là nét đẹp trong sinh hoạt làng xã. Tuy lễ cúng ở miếu thường có quy mô nhỏ và ít diễn ra phần hội nhưng sự tụ họp của dân chúng đã thể hiện tinh thần cộng cảm, cộng mệnh.

Như vậy, miếu thờ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cư dân Việt. Mỗi vùng miền thì có những đặc trưng văn hóa tín ngưỡng riêng của vùng ấy. Nhưng chung quy lại, miếu thờ là nơi người dân thể hiện sự sùng kính, nhớ ơn các vị thần, đồng thời là nơi để người dân nói lên những ước vọng trong cuộc sống của mình.


H.T.H

Chú thích:

([1]) Phan Đại Doãn, Mấy vấn đề văn hóa Việt Nam trong lịch sử, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006, tr 19.