Mây về miền viễn xứ

15.08.2024
Khương Quỳnh
Buổi triển lãm cuối cùng kết thúc, căn phòng chỉ còn lại một mình Nguyễn. Anh nhìn xoáy vào tác phẩm của mình đang đặt ở vị trí trung tâm.

Mây về miền viễn xứ

Minh họa: VĂN TIN

Trong ảnh, một đám mây trắng mỏng nhẹ là đà, ôm trọn khoảnh khắc người phụ nữ cúi xuống hôn trán đứa con nhỏ bại não, dưới ánh đèn vàng vọt và rừng thông u tịch phía sau. Bức ảnh được giới chuyên môn hết lời khen ngợi, từng đoạt giải nhất cuộc thi nhiếp ảnh toàn quốc.

Ảnh được chụp ở thị trấn Thanh Vân vào một ngày mùa đông - mùa của mây lớp lớp phủ mờ vùng đất trên cao nguyên. Nguyễn ôm máy ảnh đứng trên một gò đất, ống kính hướng về vùng rừng trũng thấp, mây đang vờn trên những đám cây cao. Anh bấm máy hàng trăm shot ảnh.

Trời lạnh, tay chân tê buốt, anh tạm nghỉ ngơi, châm một điếu thuốc cho ấm người, tìm góc chụp khác. Anh hướng về con đường quanh co dẫn về phía rừng, nơi những người bán hàng đã về hết, chỉ con hai mẹ con người bán hoa hồng trụ lại, chắc là cố bán nốt chỗ hoa đã bung nở.

Cô ngồi bên đường, hơi thở như khói tỏa, những bông hoa hồng đỏ rực cắm trong xô trông như những đốm lửa giữa mùa đông. Thỉnh thoảng cô xoa tay rồi áp vào má đứa bé nằm trong chiếc xe đẩy có mái che. Nguyễn vặn xoay ống kính, phóng to vào chiếc xe, nhận ra sự bất thường của đứa trẻ. Thằng bé có chiếc đầu to và méo mó, bàn tay co quắp quơ loạn xạ vào không gian.

Trời càng ngày càng trở lạnh, dưới ánh đèn soi rõ hơn những đám mây trắng bay là đà trên mặt đất, có đám lao thẳng vào người đi đường. Anh hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc. Tim đập mạnh hơn khi đám mây lãng đãng trôi về phía hai mẹ con, chờm lấy người họ, đúng lúc người phụ nữ cúi xuống hôn con. Anh nín thở bấm máy, dự cảm nghề nghiệp cho biết đây là bức ảnh đắt giá.

Sáng hôm sau, trời dội xuống một cơn mưa bóng mây bất chợt, đang đứng ở ban công khách sạn, Nguyễn để ý một chiếc xe đạp lao vù vù xuống dốc như thể đứt thắng.

Anh nhận ra đó là người mẹ bán hàng rong và đứa con nhỏ trong bức ảnh anh chụp hôm trước. Thằng bé ngồi trên gác-ba-ga được gia cố bằng ghế tựa lưng. Hai tay nó bấu chặt vào áo mẹ, đầu lúc lắc sang hai bên, thích chí cười giòn tan.

Bỗng “uỳnh”, hai bánh xe chổng ngược lên trời. Người mẹ ôm thốc con lên, gương mặt tái mét vì lo lắng. Cô run rẩy, sờ nắn khắp người con, thằng bé vẫn cười khanh khách. Người phụ nữ bế con đi, bỏ lại chiếc xe đạp với hai chiếc bánh đã cong vênh, méo mó. Nguyễn lẳng lặng xốc nách chiếc xe đạp đi theo, trên xe vẫn treo lủng lẳng chiếc túi có vài quả cà chua và mấy bìa đậu hũ đã giập nát.

Thằng bé nhận ra và nhìn về phía anh, nó nhoẻn miệng cười như đã quen biết từ lâu. Nguyễn theo hai mẹ con rẽ vào một con dốc nhỏ thoai thoải hướng về phía nông trường, có một dãy nhà tập thể sơn màu vàng mỡ gà đã cũ kỹ.

Phía trước là những luống hoa hồng nhung đỏ rực nổi tiếng xứ Thanh Vân. Người mẹ bế con vào căn nhà cuối dãy, không nhận ra sự hiện diện của Nguyễn. Anh lẳng lặng dựng xe bên hiên nhà rồi ra về.

Tản bộ xuống chân đồi, Nguyễn nghe lòng nhoi nhói. Anh cũng từng có một người em trai dị tật bẩm sinh, trông nó hao hao giống thằng bé này. Cha anh mất sớm, mẹ có gia đình riêng. Từ khi hai anh em còn nhỏ, mẹ đã để hai đứa tự trông nhau. Trong xóm, đám trẻ con thường tụ tập bắn bi, đánh cầy.

Thằng bé bám anh như sam, quắp chặt hai chân vào người anh, chẳng cách nào để anh rảnh rang mà vui chơi với chúng bạn. Nhiều khi ham chơi đến phát cáu, Nguyễn đứng lắc mạnh để nó buông mình ra, nhưng thằng bé vẫn cắn răng mà càng quắp chặt anh hơn. Về sau, khi trưởng thành, anh đi khắp nơi để tìm chụp ảnh nghệ thuật, phớt lờ những lần thằng em mếu máo khóc trong điện thoại: “Em nhớ anh hai”.

Một chiều, Nguyễn cố tình dừng bước trước dãy nhà tập thể của nông trường. Người mẹ trẻ đang chăm bón những gốc hoa hồng phía trước. Đứa con trai ngồi trên chiếc chiếu trải dưới hiên nhà, tha thẩn chơi với một con lợn con ba chân.

Nguyễn xin phép, muốn chụp thêm những tấm ảnh về họ. Cô nhìn điệu bộ lâu ngày không cắt tóc, cạo râu trông có vẻ khắc khổ của anh, miễn cưỡng đồng ý.

Dãy phòng tập thể có chục phòng, mỗi phòng chỉ rộng khoảng hơn mười lăm mét vuông là nơi sinh hoạt của những gia đình công nhân nông trường. Căn phòng của hai mẹ con vừa là chỗ tiếp khách vừa để ngủ và làm bếp, lỉnh kỉnh đồ đạc.

Những bộ quần áo trái mùa được bỏ vào túi ny lon cỡ lớn, treo lủng lẳng trên tường. Căn phòng sực nức mùi ngai ngái của dầu hỏa. Trong một góc nhà, chiếc bếp dầu ám khói đặt cạnh rổ chén bát úp lô xô.

Người phụ nữ là một bà mẹ đơn thân. Chồng cô trước đây làm công nhân nông trường. Sau khi anh gặp tai nạn lao động và qua đời, nông trường để cho hai mẹ con ở đây, được phân cho một mảnh đất trồng hoa hồng nhung bán kiếm tiền nuôi con.

Đứa con trai đã năm tuổi, nhưng nó bị bại não nên dáng nhỏ thó, tay chân như những khúc củi khô, khớp xương gồ ra có phần hơi kỳ dị. Khu tập thể tuy đông trẻ con mà thằng bé chẳng có ai làm bạn.

Dạo đó, nông trường có đàn lợn con mới đẻ, một con bị dị tật, chỉ có ba chân, nếu bán đi sẽ rất rẻ. Người mẹ xin về nuôi, cho nó chơi với con mình. Con lợn gần người, cũng quấn chủ chẳng khác gì một con chó.

Nguyễn chụp được sự cô đơn của hai mẹ con vào một buổi chiều, khi chiếc giếng nước trước sân tập thể trở thành nơi tụ tập, tắm gội giặt giũ của cả xóm. Thằng bé con trần truồng ngồi trong chiếc thau nhựa chờ mẹ múc nước.

Mặt nó thộn ra, nhìn đám trẻ hiếu động vừa tắm vừa đùa giỡn nước tung tóe. Người phụ nữ lẳng lặng tắm cho con, thỉnh thoảng ngước lên chào những người cùng khu tập thể, trên gương mặt chỉ còn nét buồn đọng lại.

Nguyễn thường xuyên đến nông trường chụp ảnh. Những ngày có anh, thằng bé con vui ra mặt. Đôi mắt trong veo của nó bám dính lấy anh. Miệng ú ớ như muốn bắt chuyện. Nguyễn vừa dang tay, nó cười đáp lại. Khi bế thốc thằng bé lên, hai chân nó quắp vào sườn anh chặt cứng, miệng nó áp vào thái dương anh, thơm lấy thơm để. Nguyễn chực trào nước mắt, tưởng tượng như ôm đứa em trai nhỏ trong lòng.

Anh ở lại thị trấn Thanh Vân hàng tháng trời. Hai mẹ con đã quá quen với sự có mặt của “chú thợ ảnh”. Mỗi lần anh đến, căn phòng được dọn dẹp tươm tất hơn một chút. Chiều chiều, anh bế thằng bé đi dạo quanh thị trấn, mua cho nó những quả bóng bay, những viên kẹo đầy sắc màu. Người phụ nữ thỉnh thoảng nhìn hai chú cháu mỉm cười. Lần đầu tiên thấy cô cười, anh cũng nghe lòng rộn rã.

Nhưng anh phải đi. Nguyễn cũng chưa biết mình sẽ đi đâu, chỉ đi theo thói quen. Chục năm qua, anh không có nhà, cứ rong ruổi hết nơi này đến nơi khác. Mỗi nơi anh sống một vài tháng để chụp ảnh rồi lại đi.

Hôm ấy, Nguyễn đã rửa ra những tấm ảnh anh chụp hai mẹ con và mua hẳn một hộp kẹo thật đầy, một chùm bong bóng đủ màu: “Để thằng bé chơi dần”. Người mẹ hiểu đó là cách anh nói lời tạm biệt. Cô ngập ngừng: “Chú thợ ảnh đừng nói gì với thằng bé. Để từ từ tôi giải thích”. Anh xoay lưng đi, không biết rằng phía sau có ánh mắt chơi vơi đang dán chặt vào lưng mình.

Anh bước lên một chuyến xe đêm để quay trở về thành phố. Nguyễn choàng tỉnh sau một giấc ngủ tròng trành. Anh nhìn ra cửa kính, chỉ thấy màn đêm đen kịt, không biết mình đang trôi qua vùng đất nào.

Anh sợ hãi cảm giác mông lung này, nó gợi nhớ chuyến xe đêm của hơn chục năm trước. Nguyễn vội vã bắt xe về nhà sau cuộc gọi của mẹ báo em trai bị tai nạn. Khi anh về, thằng bé cố mở mắt nhìn anh một cái rồi mới trút hơi thở cuối cùng. Từ ngày không còn nó, anh chẳng thấy ngôi nhà có sức nặng nào có thể giữ chân được mình.

Thỉnh thoảng nhìn lại tấm hình chụp hai mẹ con ở thị trấn Thanh Vân, Nguyễn ngẫm nghĩ thấy đời mình cũng vô định như đám mây kia, lãng đãng trôi qua bao miền đất xa lạ, hời hợt lướt qua những phận người.

Vào một ngày trời rả rích mưa, ngồi ôm ba lô ở bến xe, vẫn chưa biết sẽ đi đâu, Nguyễn thèm nhớ cảm giác được ngủ vùi trong một căn phòng ấm áp. Anh dứt khoát tiến về phòng vé, đặt một chuyến sớm nhất về thị trấn Thanh Vân. Chẳng biết nơi ấy còn ai nhớ tên mình, mà sau rất nhiều năm, Nguyễn nôn nao đợi chờ được một chuyến xe đò.

(baoquangnam.vn)