Vị của mùa hè

29.05.2024
Trần Huyền Trang
Cuối cùng thì trời cũng chịu nhả xuống một trận mưa như trút hết bao hỉ nộ xuống cái thành phố lúc nào cũng ngộp nóng như lò rèn. Cơn mưa đến khiến người ta tỉnh hẳn giữa cơn ngái ngủ lưng chừng.

Vị của mùa hè

Minh họa: HIỂN TRÍ

Thụy cũng muốn tỉnh, sau những năm tháng chìm trong mê mải. Đã có lúc cô tự hỏi liệu chỉ cần một trận mưa tạt vào thì có đủ sức kéo mình ra khỏi cơn mê?

*
* *

Tháng Năm đến cùng những đốm lửa đỏ rực trên nhánh phượng đâu đó dọc những con đường vốn đang ít dần cây xanh trong thành phố.

Nhiều lần tan ca trực, Thụy cố hạ ga xe thật chậm, rề rà mấy con hẻm chỉ để ngắm những tàng cây. Mùi thơm của cà phê chiều tỏa ra từ hàng quán. Mùi bánh nướng ngào ngạt dần lấn át mùi cỏ ngai ngái mới được cắt tỉa gọn gàng bên dưới những gốc me xù xì.

Thụy thích ngắm nhìn những cây me, nhất là vào mùa đơm bông, kết trái. Bệnh viện nhi nơi cô công tác có hai hàng me trước khoảnh sân rộng bên khu hồi sức.

Đầu hè, đứng từ ban công tầng hai nhìn ra, những vòm me nở bông trắng xóa như những cụm mây là đà. Vào mùa kết trái, những chùm trái non xanh lủng lẳng như reo vui dưới những vệt nắng xuyên qua vòm lá.

Bữa đó, Thư ngại ngùng nhìn cô rồi hỏi nhỏ:

- Cô y tá ơi, mấy trái me ngoài đó, mình có được ăn không?

Thụy hơi khựng lại trước câu hỏi đột ngột của bệnh nhi nhỏ tuổi nhất phòng. Thư có khuôn mặt tròn trịa, trắng hồng và đôi mắt trong veo.

Sau ca mổ ruột thừa, Thư phải nằm lại phòng hồi sức để các y tá chăm sóc vết thương và giúp em tập đi. Đây là ca bệnh mà Thụy đặc biệt chú ý, không phải vì độ tuổi hay tính chất của ca mổ.

Thư lạ lắm, Thụy có cảm giác cô bé này có một sức hút đặc biệt khiến cô không thể rời mắt. Thay vì mếu máo níu áo y tá khóc lóc, mít ướt, hỏi xem chừng nào thì vết thương mới lành như các bệnh nhi khác, Thư dường như chẳng quan tâm đến việc mình vừa trải qua ca mổ.

Thư chỉ nhìn ra vòm me xa tít bên ngoài lan can. Những trái me có vẻ như hút lấy hết tâm trí cô bé, hơn là sự đau đớn của vết thương sau khi hết thuốc tê.

- Con thích ăn me à? Được rồi, mau khỏe, khi nào xuất viện, cô sẽ tặng con một ít me ngọt, con chịu không?

Cô bé chớp mắt:

- Con cảm ơn cô! Nhưng… cô chưa trả lời câu hỏi của con!

Thụy lau rửa, sát trùng vết thương cho cô bé, dịu dàng hết mức.

- Cô sẽ kể cho con một bí mật. Nhưng con phải hứa đừng thất vọng khi biết bí mật này nhé?

Thư gật đầu, nhướng mắt lên nhìn Thụy chờ đợi. Niềm tin của trẻ con bao giờ cũng trong trẻo. Thật khó để Thụy tiết lộ cho cô bé biết điều này: những chú sóc đã ăn hết mớ trái me non trên cây, trước khi chúng kịp già và chín tới.

- Con có buồn không, cô bé?

Thụy hỏi dò. Thư chỉ chớp mắt.

- Con buồn ngủ quá cô ơi!

Rồi cô bé nhanh chóng rơi vào giấc ngủ, chắc sẽ kèm một chút khó chịu, vì vết mổ và vì bí mật không mấy vui vẻ kia. Giấc ngủ đó ngắn lắm, đâu chừng chưa tới một tiếng đồng hồ.

Khi Thụy đi chăm sóc bệnh nhi các phòng khác, quay lại đã thấy Thư trò chuyện với ba. Trông hai cha con như đang tận hưởng cả thế giới, không phải vật vã buồn rầu hay tỏ vẻ nghiêm trọng như cảnh tượng Thụy thường gặp ở những bệnh nhân trong khu hồi sức này. Có vẻ như họ đang trò chuyện về nhân vật trong quyển sách mà người ba đang đọc cho Thư nghe.

- Tại sao con mèo lại dạy con hải âu bay được vậy ba?

- Tại sao con ốc sên luôn chậm chạp?…

Thụy giả vờ như không nghe thấy cuộc trò chuyện đó. Cô mỉm cười. Cô bé ấy đúng là tràn đầy năng lượng. Một tâm hồn trẻ thơ chứa đựng hàng triệu câu hỏi tại sao, hàng tỷ thắc mắc mà người ba ấy có trả lời suốt đời cũng không hết được.

Không dưng Thụy lại thở dài. Cô cũng có hàng tỷ câu hỏi để hỏi Hoàng đó thôi. Nhưng có lẽ Hoàng không đủ kiên nhẫn để trả lời cô.

Thụy mở điện thoại. Tin nhắn gần đây nhất của Hoàng cũng cách một tháng. Chỉ một tin nhắn báo bận, từ đó, không một cuộc gọi, không một lời hỏi thăm, ngay cả sinh nhật vợ mình, Hoàng cũng quên, hay giả vờ quên. Thụy không biết, hoặc cô cũng không cần biết để đau lòng thêm.

Hoàng đi công trình trên Tây Nguyên. Tháng vừa rồi là ngay mùa hoa cà phê nở rộ. Hoàng chỉ nhắn cho Thụy tin nhắn nhanh bằng một tấm ảnh vườn hoa cà phê trắng muốt.

Anh muốn nói với cô điều gì? Rõ ràng, càng ngày, anh càng trở nên bí ẩn. Nhiều ngày trôi qua lặng lẽ, chậm rãi. Thụy chống chọi với nỗi cô đơn mãi rồi cũng quen: tan làm về một mình, nấu cơm qua loa, ăn một mình, xem phim, nghe nhạc, đọc sách, đi cà phê…

Đôi lúc Thụy cười méo xệch. May quá, còn có cái bóng đi theo mình. Rõ ràng là, chỉ khi cô đơn nhất, người ta mới nhận ra, biết thương cái bóng của mình hơn. Cô cảm nhận rõ mình và chồng đang tuột ra khỏi nhau.

Có những sự thật, nhắc đến thì đau lòng: chỉ cần một ngày không thăm hỏi nhau, một tuần không quan tâm nhau, một tháng không còn cần nhau nữa, thì có thể một năm, mười năm, vài chục năm sau cũng không còn ý nghĩa gì.

Khi một người muốn rời đi, ta không cách gì ngăn bước chân họ được. Chỉ cần có thời gian, khoảng cách nới dần ra, người tưởng là thân cũng sẽ thành người dưng như đã từng trước đó.

*
* *

Người đàn ông ấy dường như ngủ rất ít. Nhiều đêm liền, Thụy đảo qua đảo lại phòng hồi sức để canh chừng các bệnh nhi, cô vẫn thấy anh ta ngồi bên cạnh giường bé Thư, đọc sách, hoặc làm việc trên máy tính. Sáng sớm, kiểu gì cô cũng nhận được ly cà phê sữa được đặt chỉn chu trên bàn.

- Cảm ơn cô đã giúp con bé những ngày qua. Nhờ có cô, Thư vui lắm, dù vết thương còn khá đau.

Thụy nói, anh đừng bận tâm, đó là việc cô phải làm, nhưng bé Thư vui, cô cũng vui lây.

- Có vẻ như cô bé rất thích trò chuyện, anh nhỉ!

Người đàn ông nhìn ra ban công, phía những vòm me lủng lẳng trái non.

- Và còn thích nhìn ra ngoài cửa nữa, cô ạ! Con bé luôn trông đợi một phép màu! Trẻ con mà, luôn tin vào phép màu và cảm tính. Giá như chúng ta cũng như những đứa trẻ thì sẽ bớt đau lòng, phải không cô?

Phép màu của con bé đã theo mẹ nó đi xa, lâu rồi. Tôi biết, cô ấy sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa. Nhưng con bé vẫn luôn ngóng ra cửa. Bởi nó tin ngày nào đó mẹ sẽ xuất hiện trước khung cửa đó, chứ không phải chỉ là bầu trời và những tán cây.

Nhưng cái cách con bé quyết liệt với niềm tin đó cũng khiến tôi có hy vọng một ngày nào đó con bé sẽ gặp mẹ. Một người mẹ với dáng vẻ khác. Nhưng đó sẽ là người phù hợp để làm mẹ một đứa trẻ đáng thương như con tôi! Có lẽ, cần phải có một người rời đi để nhường chỗ cho một người phù hợp hơn, cô nhỉ!

*
* *

“Chồng à! Mùa này, phố mình cũng bắt đầu mưa nhiều và có dông nữa. Chỗ anh có mưa không?”.

Đáp lại tin nhắn của Thụy là một cuộc gọi: “Chỗ này vẫn đang mùa khô nhưng thỉnh thoảng có mưa”. Khuôn mặt chồng đen đúa hơn nhưng ánh mắt hừng hực niềm vui, nỗi háo hức mà trước đây cô chưa bao giờ thấy.

Sau lưng anh, mưa trút xuống rẫy cà phê đã lú nhú trái non. Vài đứa con nít cởi trần nhún nhảy tắm mưa, cười nói rộn ràng dưới làn nước tung tóe. “Em thấy không? Con nít vui ha!”.

Nghề của cô, ngày nào mà không gắn liền với con nít. Con nít thì lúc nào cũng vui, trừ những khi nằm trên giường bệnh, như bé Thư đây. Chỉ có người lớn là càng ngày càng khan hiếm niềm vui, dù nhỏ bé.

Chồng biết nỗi buồn lớn nhất của Thụy là không thể nào sinh cho anh một đứa con, sao anh nỡ thốt ra được câu nói đó. Nó vô tình hay vô tâm. Anh hiểu mà!

“Thụy à! Mai anh về. Chúng ta cần nói chuyện”.

*
* *

Cuộc nói chuyện nào cũng cần có người kết thúc. Thụy phải là người kết thúc, dù người mở đầu cuộc nói chuyện là chồng cô. Không sao, Thụy ổn, như cái cách cô đi qua những tháng ngày vắng bóng chồng đó thôi, trống trải, cô đơn, nhưng bình an.

Hoàng trở lại Tây Nguyên với người phụ nữ của anh trên đó. Mùa cà phê này chín rộ cũng là lúc Hoàng sẽ đón một đứa trẻ chào đời.

*
* *

Thụy bàn giao ca trực vào đúng lúc hai cha con Thư lỉnh kỉnh đồ đạc xuất viện. Trời chừng như cũng hiểu lòng Thụy, bắt đầu giăng những quầng mây đen kịt rồi trút xuống một trận mưa như hờn dỗi lâu năm.

Chiếc xe máy chao đảo bên lề đường. Áo mưa bị gió tạt ngang, nước mưa thấm hết nửa người Thụy. Cô vẫn đi dưới mưa. Nếu không đi dưới mưa, cô còn biết giấu nước mắt vào đâu. Nhưng tiếng xe rề rà tấp lại, giọng người đàn ông qua khung kính hạ thấp làm cô giật mình:

- Cô gửi xe lại đi, tôi đưa cô về! Mưa lớn lắm!

Cô còn lúng túng thì anh ta đã nhảy phốc xuống, giằng lấy xe máy, quay ngược vào bãi xe bệnh viện.

Lần đầu tiên cô ngồi xe người lạ, không phải chồng mình, mà có thể khóc lên thành tiếng. Bé Thư nắm bàn tay gầy guộc của cô, lo lắng:

- Cô đừng buồn, có con đây rồi!

Thụy để yên bàn tay mình trong tay con bé. Hoàng nói đúng, con nít lúc nào cũng vui. Vậy thì hà cớ gì, người lớn như cô cứ buồn mãi?

“Cô sẽ mua me ngọt cho con nhé? Con thích không, Thư ơi?”.

(baoquangnam.vn)