Mảnh ghép thâm tình – Truyện ngắn Huỳnh Mai
Ông Nên lửng thững dạo giữa dòng người tấp nập trên đường. Chợ hoa những ngày giáp Tết người xe chen nhau nghẽn cả lối đi. Ai cũng hối hả như sợ thời gian vụt qua không chọn được nhành hoa xuân để kịp đón giao thừa. Đã thành thói quen, năm nào vào những ngày này ông Nên cũng đi Hội hoa xuân, ông len giữa các dãy hoa, ngắm nhìn khắp lượt những chậu hồng, cúc đại đóa, thược dược, mãn đường hồng, hải dường rực rỡ sắc màu để xem còn có loài hoa lạ nào không. Mỗi lần trông thấy một loài hoa lạ, ông tần ngần đứng ngắm và hỏi cho được tên hoa cùng cách chăm sóc như ngươi có thú chơi hoa cây cảnh. Biết thêm môt lòai hoa lạ ông cảm thấy vui dẫu chẳng hề có ý mua làm gì. Càng ngày, vốn hiểu biết về hoa của ông lại nhiều thêm lên. Theo đó, ông gởi gắm vào mùa xuân niềm thanh thản trong những tháng năm còn lại của đời mình.
Nơi ông Nên dừng lại lâu nhất là bên những cành mai vẫn còn chăt nụ, dựng san sát nhau suốt một khoảng đất rộng. Bao giờ những cành mai cũng làm thức dậy cảm xúc một thời trai trẻ trong ông để rồi trong niềm lâng lâng ấy, ông lại nhìn chúng với vẻ đăm đắm như đang tưởng nhớ đến một người ở cõi nào đó xa xôi. Cứ thế, đôi chân ông trùng trình ngỡ không muôn bước đi. Nhưng rồi ông cũng dạo nhìn hết cả vạt mai. ông cố tìm ngươi bán mai năm trước. Nhìn đi nhìn lại chỉ toàn những gương mặt lạ, một thoáng buồn gợn lên trong lòng khiến ông ngập ngừng bước chân.
-Xin lỗi... Bác có phải là bác... Nên... không?
Giật mình, ông Nên ngẩng lên, ngơ ngác nhìn người vừa hỏi. Không để ý đến vẻ ngạc nhiên của ông Nên, cô gái trước mặt ông vẫn hỏi dồn:
-Bác là bác Nên phải không ạ?
Ồng Nên nhìn cô gái, cố lục tìm trong trí nhớ có gương mặt, giọng nói nào như thế này mà ông đã gặp những năm qua. Chịu, ông không sao nhớ nổi cô gái đang đứng kia là ai. Mãi vẫn chẳng thấy ông Nên lên tiếng, không nén lòng được, cô gái gợi nhắc:
-Cháu là Thơm đây!
-Thơm...Là Thơm...
Ồng Nên nhíu mày suy nghĩ. Cô gái nhoẻn cười, lúm đồng tiền hiện lên hai bên má. ông Nên vỗ trán, cười váng lên:
-Trơi ơi, Thơm "lúm đồng tiền" đây mà! Sau lần đó cứ ngỡ là không gặp lại cháu nữa. Cháu chững chạc thế này, làm sao mà nhận ra là cô bé Thơm giao liên hồi đó chứ? Cháu cũng thích mai à?
Cô gái nhìn cành mai trên tay, nét mặt thoáng buồn:
-Tết nào cháu cũng chọn mua một cành mai thật đẹp cho mẹ cháu...
-Cành mai đẹp đấy! Nhà bác ở gần đây, cháu đến chơi nhé ? Lâu quá bác cháu mình mới có dịp gặp lại nhau.
Ồng Nên đón cành mai trên tay cô gái. Cô gái theo ông rời khỏi chợ hoa, lòng dậy lên một cảm xúc khó tả.
Cô gái bươc vào nhà. Căn phòng khách hẹp, bày biện đơn sơ. Trên tủ thờ đặt ở giữa phòng không một khung ảnh càng tăng thêm cảm giác quạnh quẽ khiến cô ngỡ ngàng. Cô kín đáo dõi nhìn khắp phòng như cố tìm kiếm dấu vết của những ngươi cùng sống trong ngôi nhà này.
-Cháu ngồi đi. Nhà chỉ có mỗi mình bác thôi.
Anh nhìn của cô gái bất giác dừng lại ở ông Nên. Ông Nên nhận ra nỗi ngạc nhiên lẫn dò hỏi trong đôi mắt cô gái.
-Hồi ở cứ, bác bảo đã có vợ. Vậy giờ bác gái ở đâu?
-Bác gái đã mất trước ngày bác về cứ...
-Sao chẳng bao giờ cháu nghe bác nói điều này?
-Mất mát trong chiến tranh là điều không thể lường được. Hồi đó chiến tranh còn dài, đâu thể khư khư ôm mãi nỗi đau. Phải biết dằn lòng để còn hoạt động, chiến đấu nữa chứ.
Cô gái nhìn ông Nên, cô hình dung lại những ngày làm giao liên đưa ông qua bao điểm chốt của địch để hoạt động. Làm sao có thể quên được những ngày đói cơm phải ăn rau môn thục, thân cây chuối rừng cho đến những con vật ở rừng có thể ăn được và những lúc vượt hiểm nguy trên đường đi để hoàn thành nhiệm vụ. Ngày ấy cô hãy còn rất trẻ nên nào nhận biết được nỗi đau mà ông giấu kín trong lòng. Mỗi khi bắt gặp vẻ thẩn thờ ở ông, cô lại nghĩ là ông đang nhớ đến người vợ ở xa. Cô muốn hỏi chuyện nhưng rồi lại lặng im bởi sợ sẽ phá vỡ giây phút thiêng liêng của ông. Dần dà rồi cô cũng quen với những giây phút ấy ở ông nên chẳng bận tâm về điều đó nữa.
-Hồi đó bác là cán bộ giao thông Thành, còn bác gái là cán bộ giao thông Huyện. Hai bác quen nhau qua một hòm thư "chết", được một thời gian thì báo cáo với tổ chức. Khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, bác phải tập kết ra Bắc. Bác gái là cán bộ hợp pháp nên ở lại đảm nhận hòm thư "chết" để chuyển chỉ thị từ chiến khu về thành phố và báo cáo từ thành phố lên chiến khu. Đêm trước ngày đi tập kết, tổ chức bố trí cho hai bác gặp nhau tại một địa điểm bí mật. Bác đã hẹn hai năm nữa sẽ trở về...
Ông Nên ngừng lời cũng đột ngột như khi lên tiếng. Căn phòng im ắng chỉ nghe tiếng gió lùa qua khung cửa để ngõ mang theo hơi lạnh hây hây. Cô gái ngồi lặng im lắng nghe. Những chuyện như thế này cô đã nghe kể nhiều rồi. Mẹ cô cũng đã kể về cuộc chia tay của mẹ vào những ngày ấy. Cô hiểu đây là nỗi đau của một thời đã qua nhưng sao trong cô vẫn mang mang buồn khi nghe nhắc đến. Hẳn nỗi niềm ấy cũng chưa nguôi ngoai trong lòng người đàn ông đang ngồi trước mặt cô đây nên mới khiến giọng ông buồn đến vậy. Trông gương mặt ông, cô bỗng thấy nao lòng. Ông Nên chợt ngẩng lên, nhìn cô gái với ánh mắt trìu mến.
-Sau khi bị thương trong lần đưa bác đi nhận hàng chi viện của miền Bắc, cháu làm gì từ ấy đến giờ?
-Lần đó may mà chuyển đi kịp nên mới cứu được. Lành vết thương, cháu trở lại làm giao liên nhưng không còn gặp bác nữa. Cháu không dám hỏi, cứ mong có dịp được gặp lại bác. Chờ mãi, cháu lại nghĩ hay bác đã trở ra Bắc...
Ông Nên cười buồn:
-Sao lại ra Bắc? Tập kết một thòi gian, bác được trên bố trí trở về Nam hoạt động, về đúng địa bàn cháu làm giao liên đấy. Về đây bác mới được biết sau khi sinh con, bác gái bị địch bắt tra tấn rất dã man và đã hy sinh trong tù. Còn con thì chẳng hay lưu lạc nơi nào...
Mái đầu ông Nên rung rung. Nhìn vào mái đầu ấy, cô gái có cảm nhận mỗi sợi tóc bạc đi là bởi nhuốm bao nỗi buồn day dức theo năm tháng ở ông. Trước đây thỉnh thoảng ông có hỏi thăm hoàn cảnh của cô. Lúc bấy giờ không hiểu sao cô lại lảng đi. Giá mà cô được biết những điều này sớm hơn thì có lẽ cô đã mở lòng ra với ông rồi. Ngẫm ra mới hay, ở đời sự chân tình là cần thiết biết bao. Vậy mà sao ngươi ta cứ giữ lấy cho riêng mình, đến ngay cả cô cũng vậy.
Ngoài hiên nắng đã dịu hẳn. Những tia nắng còn rớt lại xuyên qua tán lá in từng vệt tròn chỏng chơ trên nền gạch cũ. Ngước nhìn lên tủ thờ, một bên là đòn bánh tét gác chếch cạnh chiếc bánh chưng lá xanh mơn, một bên là đĩa hoa quả còn tươi ròng với bát hương đã lặt hết chân hương cũ, cô gái chạnh lòng bởi sự thiếu vắng một khung hình của người đã khuất. Đoán được ý nghĩ của cô gái, giọng ông Nên rười rượi như được chắt ra từ nỗi đau:
-Ngày ấy ai ngờ sự thể thế này. Chiến tranh loạn lạc nào thiết đến ảnh hình, nên giờ chẳng có được tấm ảnh để thờ. Hằng ngày, bác chỉ thắp hương khấn vọng thôi. Mong sao bác gái được ấm lòng mà yên nghỉ.
-Cho cháu thắp cho bác gái nén hương. Cô gái dè dặt ướm hỏi.
Ồng Nên khẽ gật đầu. Cô gái rời ghế theo chân ông đến trước tủ thờ. ông Nên châm lửa rồi đặt ba nén hương vào tay cô gái. Sau ba lần vái vọng hương hồn người đã khuất, cô gái cắm hương vào bát. Vô tình ánh mắt cô dừng lại ở chiếc hộp nhỏ bằng kính đặt cạnh bát hương. Cô nhìn xoáy vào chiếc phong bì đã bị xé đôi, trên mặt bì chỉ còn một nửa con tem và một nửa dấu bưu cục. Người cô run lên tựa không đứng vững, đôi tay bám vào tủ thờ, cố nhìn để xác định một lần nữa vật đã nhìn thấy.
Một lúc sau cô gái mới trấn tỉnh. Quay lại bên bàn, cô mở xắc tay lấy ra nửa phong bì đã ố vàng, trao cho ông Nên. Hai tay ông Nên lật bật nâng hai nửa phong bì ráp lại với nhau. Hai nửa phong bì liền khít như chưa hề bị xé rời. Ông Nên reo lên, giọng đầy nước mắt:
-Đúng là nửa phong bì vợ bác giữ lại đêm chia tay đây rồi! Trước lúc bác lên đường không có vật gì làm tin, vợ bác xé vội chiếc phong bì dúi vào tay bác một nửa để sau này có thể nhận được nhau. Bao năm qua bác đã lặng lẽ dò tìm khắp nơi nhưng vẫn chẳng thấy. Nào ngờ...
-Ba ! Ba ơi !...
Cô gái ôm chầm lấy ông Nên. Tận cõi sâu thẳm trong cô bật lên tiếng gọi đã nén chặt bao năm trời.
Từ góc phòng những nụ mai trên cành khẽ cựa mình chực nở. Căn phòng vụt mất đi vẻ quạnh quẽ thường ngày…
Ông Nên nhận ra mùa xuân đã về bên ông tự lúc nào...
H.M