Lụa – Truyện Trần Văn

20.03.2013

Nàng có đôi mắt buồn và đẹp. Một vẻ đẹp bí ẩn của cô gái không còn tuổi mới lớn nhưng cũng không u huyền mệnh phụ. Dường như tôi đã gặp nàng đâu đó rồi nhưng không thể nhớ rõ. Đôi khi, tôi nhìn thấy nàng trên đỉnh núi trước sân nhà, xa xa, đôi khi gương mặt nàng là dòng sông miên man trôi qua phố, qua thị trấn, qua cầu, qua những con đường vừa lạ vừa quen. Đôi khi…

Lụa –  Truyện Trần Văn

Hồi còn học cấp II, tôi có thú vui trồng hoa thược dược đón Tết, mới đầu trồng vài chậu, dần dà, tôi trồng hàng trăm chậu và quen mùi từng loại màu sắc (cái độc đáo của hoa thược dược là mỗi màu sắc như: tím hoa cà, cánh sen, cổ đồng, điều nhung, mỡ gà… đều có riêng một kiểu lá, mùi lá khác nhau – nồng cay, khay kháy, nồng nhạt…). Thú vui của việc trồng hoa nằm ở giai đoạn chăm sóc, nhìn sương sớm đọng trên lá, nhìn những cặp lá nõn kép ba kép năm, chớm nụ, vươn trổ… Tôi, lúc đầu chẳng thú vị gì mấy trong chuyện đóng tấm ván ép lên xe bò cho rộng rồi chất hoa lên, kéo xe đi dọc đường lộ từ Vĩnh Điện vào ngã ba Nam Phước để bán. Nhưng thú thực là những năm 89 – 90, khi cái ăn cái mặc trong xóm tôi còn mỏng đạm, thiếu thốn thì Nam Phước đã sầm uất ngựa xe – một vẻ sầm uất, phồn thịnh mang âm hưởng cổ độ trầm bổng sông thu mây ngàn.

 

Đôi khi nàng khóc một mình cuối sân, đôi khi nàng ngồi hát trên bãi dâu, chiều sương khói, nàng là biền dâu, biền dâu là nàng, nàng là đồi nương, đồi nương là nàng dõi ánh nhìn xa ngái vào cổ kim huyền hoặc, mở một nét cười thân thuộc nơi tháp cổ rừng thiêng… Nàng xanh thẳm, nàng tím nhạt, nàng hồng tía, nàng ít nói, dường như nàng không nói gì. Mặc dù khi nhắm mắt nghe âm thanh nàng rất rõ!

 

Nhà chị nghèo, nhà tôi cũng nghèo, chị lớn hơn tôi 5 tuổi, tóc chị dài và đen. Năm tôi lên lớp 9, chị đã nghỉ học lâu rồi, chị giúp mẹ làm ruộng, làm vườn – một mảnh vườn nhỏ trồng rau, có hoa cải nở vàng mỗi độ tháng chạp. Chị ao ước có một chiếc áo lụa dài Mã Châu, chưa bao giờ chị nhìn thấy nó, nhưng trong câu chuyện mẹ kể về cha, chiếc áo lụa ấy đẹp lắm, mềm mại lắm. Nhiều lúc tôi ước mình có đủ tiền mua tặng chị chiếc áo. Nhưng Mã Châu ở đâu? Tôi chưa biết.

 

Nàng dịu dàng, nhu mì, nàng có chút buồn trắc ẩn nơi đôi mắt mẹ tôi, nàng có chút bướng bỉnh, kiêu hãnh nơi chị, nàng có chút thẹn thùng kín đáo của núi đồi mù sương tháng chạp và nàng có chút mơ màng hải hội nơi sông xanh tháng giêng.

 

Tôi dành dụm được một ít tiền bán hoa Tết, tôi sẽ mua tặng mẹ một chiếc áo lụa tím, tặng chị một chiếc áo lụa vàng. Tôi rủ chị cùng đi Mã Châu, hóa ra Mã Châu gần lắm. Tôi và chị đạp xe đến Nam Phước, rẽ lên chợ Chùa, nhằm hướng núi mà đi, qua con đường đậm mùi sương sớm và hương sầu đông, qua con kênh nhỏ, qua mấy ngôi chùa, mấy mái đình làng. Hồi đó, người ta chưa biết gì về du lịch, chưa có con đường nhựa rộng thênh, chưa nghe nói nhiều về tháp Mỹ Sơn. Dường như suốt con đường chỉ có khu trung tâm huấn luyện, nhà văn hóa là có vẻ bề thế, hiện đại. Hai chị em đi dạo suốt từ sớm, nào là thủy điện Duy Sơn, nơi có “bàn cờ tiên” bằng một hòn đá tự nhiên có vài vạch kỷ hà giống ô bàn cờ, đến nhà thờ Trà Kiệu, dọc đường sim và mua nở tím ngát, tôi chỉ biết trầm trồ và thèm bứng một cây mang về nhà trồng. Chị lườm tôi, chị bảo như vậy là không tốt.

 

Tôi nhờ chị mua hai khổ lụa, định bụng sẽ tặng chị trong dịp sinh nhật. Nhưng chị đâu có nhớ ngày sinh, chị bảo ngày sinh trong giấy khai sinh do khai muộn nên mẹ chị đã quên, khai cho có vậy thôi.

 

Tôi mang hình dong nàng lên phố, nơi thành phố xa xôi phía Nam, nơi ký túc xá nhộn nhịp ồn ào mỗi tối và im vắng chiều thứ bảy. Cuối năm, những người bạn về quê đón Tết, tôi cùng một vài người bạn sinh viên nghèo ở lại làm thuê. Những khi buồn quá, tôi đứng trên ban công nhìn ra cánh rừng cuối làng đại học, màu xanh xanh tịch lăng của nó khiến tôi nhớ về núi đồi Trung Việt quê tôi. Tôi như nhìn thấy mẹ mình đang lúi húi nhặt rau đi chợ Tết, tôi như nhìn thấy chị đang soi gương, và nàng đâu đó nơi heo hút đồi đang nhìn tôi buồn. Tôi như đang nhìn thấy mỗi gương mặt thân thương hóa dòng sông đi về qua phố. Và nàng cũng là dòng sông đang chảy vào tôi.

 

Ngày chị lấy chồng, tôi không thể tặng chiếc áo lụa vàng, tôi tự hẹn một ngày nào khác. Ngày mẹ chị qua đời, nhìn chị buồn hoang hoải trong sắc áo tang, tôi không thể tặng chị chiếc áo lụa vàng.

 

Đôi khi buồn quá, tôi mơ thấy mình là cánh đồng sim tím ngát, nàng là cơn gió tím vàng ngũ sắc rong chơi. Đôi khi tỉnh giấc giữa khuya, tôi nghe mơ hồ âm thanh nàng trầm bổng cuối phố. Nàng khiêm cung và lặng lẽ. Tiếng lách cách làng dệt xa quê.

 

Sau cơn lũ, đồng bãi hoang vu lạ, mọi thứ tưởng như thời lập địa. Chồng chị trở nên trầm lặng, cô đơn, đôi khi pha chút điên loạn. Căn nhà tranh không còn, anh và con chó sang ở tạm nhà tôi. Dường như anh vẫn chưa hết hãi hùng bởi nghe tiếng chị kêu anh mau bơi theo cứu con chó, chị đang ở cữ, chị không thể bước chân xuống nước bạc. Khi anh cứu được con chó, bỏ nó lên ghe bơi trở về nhà thì anh không thấy nhà mình đâu nữa, chị và đứa bé…

 

Mùa xuân, tôi dắt anh ra thăm mộ chị, cỏ đã mọc lơ thơ, vài bông cúc dại màu tím. Tôi đặt chiếc áo lụa vàng lên nấm mộ nhỏ, nơi mẹ con chị đang ở bên nhau mãi mãi. Tôi thấy đứa bé mỉm cười, còn anh thì khóc, anh vẫn chưa tặng được cho chị chiếc áo lụa vàng Mã Châu, thức hàng chị yêu quí. Tôi mơ hồ nhớ lại những ngày xa ngái, con đường có hàng cây xoan, những thước lụa mềm, dòng sông dài như dải lụa, những gương mặt hiền hòa, những suối tóc dài, những giấc mơ hiền, mềm và tha thướt dáng lụa… Nàng là ai? Mã Châu ơi!

 

Một bữa tôi thấy nàng về theo mùa chim làm tổ, tôi thấy nỗi buồn nàng ôm trong đôi cánh mềm sợ gió. Những chiếc trứng màu hồng pha cát, ám gợi những giấc mơ mềm trứng kén dưới cánh tay trần phù vân…                                                                            

                                                                                                                                                T.V