Loay hoay hai cảnh Phố - Quê - Tản văn Phạm Thị Hải Dương
Tôi thấy mình thờ ơ với phố, dù đã ở phố nhiều năm. Đã không thương phố thì thôi, lâu lâu tôi còn mang theo quê về ở cùng với phố.Là khi tôi lom khom kéo túi hành lí cuối cùng ra khỏi hầm xe. Lúc thẳng người lại, tôi chỉ kịp thấy một làn khói xam xám đang tan dần trong không trung. Cùng với vali quần áo, tôi đang loay hoay với mươi kí gạo, hai con cá quả được xỏ bằng dây chuối khô và những rau muống còn nồng nồng mùi nước ruộng. Có đêm, tắt hết điện rồi mới phát hiện chưa buông rèm cửa sổ. Tật lười, dù biết đôi mắt sẽ không chịu nhắm lại nếu có ánh sáng.
Ánh sáng từ đâu hắt vào cửa kính. Chọn đầu giường đậu lại. Thành phố có thứ phát sáng rất kì lạ. Những tòa nhà cao nằm chen chúc thi nhau thả điện lên bầu trời. Vùng trời đón lấy rồi gieo vào mặt đất u minh những làn sáng nhờ nhờ. Cùng nửa vầng trăng bị bỏ rơi, hỗn hợp sáng ấy dễ khiến người ta trằn trọc tới sáng. Đêm trở thành mảnh đất gieo trồng hồi ức.
Đêm trăng xưa, chốn có con nước cũ lững thững chảy ngang nhà, vạ vào thành mương đầy vơi theo hai mùa mưa nắng. Trăng tròn bầu bĩnh thả từng mảng sáng phủ lên con đường li ti sỏi đá. Dưới trăng, con đường như được dát một lớp lụa vàng mát lành lạnh. Trăng chui vào từng kẽ lá nên thấy rõ tôi đang ngồi trên chạc ba cây xoài, đợi Miên bưng mủng dâu da đi qua. Tôi tưởng mình sẽ khóc rồi ngủ luôn trên cây khi không thấy Miên về. Nước mắt quyện với trăng, không rơi được xuống đất nên nằm im trên phiến lá, tôi nhìn xuống và tưởng tượng. Nhưng chưa đến một hồi, nghe tiếng dép Miên từ đằng cây me dội lại, tôi lật đật phóng ầm xuống đất, chạy ù đến chỗ nó thò tay bốc trái dâu, bóc vỏ bỏ nguyên trái vô miệng. Lần nào Miên cũng cười tủm tỉm khi nghe tôi hứa sẽ đưa nó về nhà, vì chốc nữa thôi, người “đưa bạn về nhà” không phải tôi, mà là nó.
Tôi bỏ gối, tựa đầu vào cửa sổ, mảnh trăng ốm yếu như sắp rơi ra khỏi bầu trời nhìn tôi tha thiết. Tôi muốn hỏi trăng có nhớ hết từng bước chân dài, ngắn của hai đứa tôi trên con đường cũ, nhưng không đành lòng. Sợ trăng phố tủi thân vì tôi chỉ hoài nhớ vầng trăng óng ả, ngủ yên trong trang kí ức ngày xưa đã vắng.
Đám cưới ngày cuối tuần. Mười người một bàn. Chén trơn, trắng sứ. Vải voan tím hoa cà buộc thân ghế trắng. Cổng hoa cũng hai màu trắng và tím. Hẳn cô dâu là người chu đáo và tự tôn. Bồi hồi về lại đám cưới Miên, lúc màn hình thông minh chiếu hình ảnh của cô dâu chú rể từ lúc mới yêu nhau. Phải chi Miên có chồng trễ chừng vài năm, gì chứ bộ ảnh đẹp như thế này không khó. Lúc khách chưa đến đủ, tôi thong thả đảo mắt một vòng. Ba mảng tường được đèn phủ màu vòi voi nền nã. Tôi thích kiểu không gian trước mắt. Thiết kế không làm tôi có cảm giác cần thêm oxy để ngồi đến tan tiệc. Thứ cảm giác dễ thở thế này đã không trở lại bên cạnh tôi, từ sau đám cưới Miên.
Miên cưới Tháng Mười âm lịch. Miền Trung có câu: “Ông tha bà chẳng tha. Trời hành cơn lụt hai ba tháng Mười.” Thế mà năm đó, cả ông lẫn bà đều tha cho Miên yên ba ngày cưới. Đêm trước, trời còn mưa lót ngót. Thanh niên xúm xít căng bạt che mưa, ngồi quanh cây đèn hột vịt, kết lá dừa đựng rạp. Vậy mà sáng sớm cúng rạp xong, trời hửng nắng. Hai bên đường, đất từ từ ráo mặt. Tối trước ngày rước dâu, Miên còn sốt ruột: “Mây coi cu Hải đã xúc cát đổ xuống mấy chỗ sình chưa. Họ trai tới nơi mà lai quần lấm lem, kì lắm!. Mai Mây nhớ đứng gần má Miên lúc làm lễ nghen, chặm nước mắt cho bả, không thôi trôi hết phấn.” Nhìn lên sân khấu, cô dâu mặc váy cưới màu oải hương, tôn thềm ngực đầy đặn và trang nhã. Thanh tú đến mức tôi thấy nhoi nhói nhớ cưới Miên. Sao cũng đây với đấy, chừng một kiếp người lại có thể vời vợi xa nhau đến thế! Kiểu như cô dâu này và Miên của tôi, nhất quyết phải tròn đều như khuôn. Hạnh phúc cũng từ khuôn đúc ra. Tăm tắp đều. Không được suy suyển, nhốn nháo.
Tôi chưa bao giờ đem phố về kể cho Miên nghe. Mỗi lần nghe Miên hỏi thăm, Mây còn giữ cửa sổ chung cư mùa gió, kì này Mây con đã chuyển trường hay vẫn còn lội nước bì bõm, trả lời chung chung vẫn vậy. Phố, thường là nơi người ta nhận diện rõ ràng sự lớn đổi, vậy mà nhẩm đi nhẩm lại cốt chẳng có gì hệ trọng khiến ta đặc biệt để tâm lưu luyến. Đặc biệt như kiểu nhớ miếng bánh bò lén bẻ cho thằng bên kia hàng rào, khi nó cạ vai nó vào vai mình. Phố có chừng ấy thứ: Việc làm. Đẻ. Giao tế. Đổi chác. Ngoại tình cộng làm tình. Lâu lâu có người chết. Một cái váy đen quá gối tới đám ma. Mặt rơi như quả cóc, quả ổi trên cành bị chém ngang. Hết chuyện!
Có chồng ở phố. Loi ngoi bảy tám năm cũng chen được một phòng ở tầng 12, chung cư tầm trung. Sống như nhiều cặp vợ chồng thành phố khác. Ban ngày chen chúc đưa đón con rồi đến chỗ làm. Xong bữa cơm tối, lại nói với nhau chuyện cơ quan, nghe bé Mây thỏ thẻ chuyện trên lớp. Cất cho mình vài thứ phố tặng để lỡ ra đường ai hỏi, có mà lấp vô. Như quán cà phê bolero hẻm Phan Thành Tài với bìa menu hình nhạc sỹ Tú Nhi. Những ngày không đến nghe hát, đứng trên tầng bảy quán, nhìn về phía sở thú trung tâm thành phố, nơi có con khỉ già còm cõi tự đếm tuổi rồi khóc một mình.
Mỗi lần bế Mây về ngoại, tôi cũng đinh ninh trong đầu, nhất định kể chuyện phố cho Miên nghe. Kể về cô ca sỹ tên Phương đến quán cà phê bolero mỗi tối thứ tư và chủ nhật. Mỗi khi cô cất giọng: “Xin trả lại những kỉ niệm buồn vui. Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi…”, là cả quán lặng đi. Sẽ đưa Miên đi nghe Phương hát. Đưa Miên đi siêu thị lớn sắm quần áo cho bé Bông. Hai bà mẹ vừa nấu ăn, vừa canh chừng Mây và Bông khi hai con chơi đồ hàng cạnh cửa chính.
Nói với Miên đủ chuyện. Rằng sáng hôm qua đi làm, đường ách quá, hình như chống chân lâu hơn hôm kia. Chiếc xe máy trước mặt coi chừng mới được mua. Ưng văng tục. Đã chật chội lại còn xe cộ. Vân vân và mây mây. Muốn ẵm con về quê luôn cho xong. Mà đếm can đảm, thiếu mất mấy miếng mới đủ lót thành con đường từ chung cư ra tới bến xe. Đành bám víu ở phố. Định kể Miên nghe nhiều lắm! Thế mà xe đò vừa qua hết đường lộ, len qua đồng lúa nhưng nhức mùi rạ mới. Xe như bị hút vào miên viễn. Đẩy tất cả những gì của phố ở lại. Hệt kẻ phụ bạc rũ tay cô gái trẻ tội nghiệp. Phố như cô gái ấy. Ngu ngốc và Cuồng si. Cô gái đáng thương tên Phố rơi khỏi vòng nhớ. Biến hẳn.
Ai nhẩm tính giùm tôi, hãy còn bao nhiêu năm tôi phải loay hoay san sẻ mình cho quê và phố?
P.T.H.D