Làm thế nào để trở thành một nhà văn?

13.06.2024
Ursula K. Le Guin (1929 - 2018) là tác giả nổi tiếng và được yêu mến với 21 cuốn tiểu thuyết, 11 tập truyện ngắn, 4 tập tiểu luận, 12 cuốn sách thiếu nhi, 6 tập thơ và 4 cuốn sách dịch.

Làm thế nào để trở thành một nhà văn?

Nhà văn Ursula K. Le Guin.

Bà có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong thể loại khoa học viễn tưởng, và được coi là tên tuổi vĩ đại của thể loại này. Năm 2014, bà được trao huân chương của Quỹ sách Quốc gia vì những đóng góp quan trọng cho Thư viện Mĩ. Bài viết sau đây nằm trong cuốn tiểu luận The Language of the Night bàn về việc viết và thể loại hư cấu.

“Làm thế nào để trở thành một nhà văn ư? Chỉ cần viết thôi. Thật ngạc nhiên là câu trả lời này có thể khơi dậy bao nhiêu oán giận, ghê tởm và trốn tránh. Thậm chí những người đã sáng tác rồi cũng cảm thấy thế, hãy tin tôi đi. Đó là một trong những sự thật khủng khiếp mà người ta không muốn đối mặt.

Chiến thuật lảng tránh ta thường gặp nhất là người sắp viết sẽ nói, “Nhưng trước khi viết được điều gì đó thì tôi phải có trải nghiệm trước đã”.

Vâng, điều đó sẽ đúng nếu như bạn muốn trở thành nhà báo. Nhưng tôi không biết gì về báo chí cả và tôi chỉ đang nói về mảng tiểu thuyết thôi. Và tất nhiên tiểu thuyết cũng được tạo nên từ trải nghiệm, từ toàn bộ cuộc đời đi từ ấu thơ cho đến những gì bạn nghĩ, bạn làm, bạn thấy, bạn mơ. Nhưng trải nghiệm không phải là thứ bạn đi và sẽ có được - nó là một món quà và điều kiện tiên quyết duy nhất để nhận được nó là phải cởi mở để đón nhận nó. Một tâm hồn khép kín có thể có những cuộc phiêu lưu bao la nhất, trải qua một cuộc nội chiến hoặc một chuyến du hành đi lên mặt trăng, nhưng nó không thể kể lại được chuyện gì cả, trong khi tâm hồn rộng mở thì có khả năng tạo điều kì diệu.

Hãy cùng tôi suy ngẫm về trường hợp của hai chị em Emily và Charlotte Bronte nhé. Họ sống quanh quẩn trong một ngôi làng nhỏ buồn tẻ ở Anh và kinh nghiệm sống của họ là một vài năm tồi tệ ở trường nữ sinh rồi tiếp sau đó là ở Brussels - nơi chắc chắn là thành phố buồn tẻ nhất châu Âu. Tuy vậy từ chính từ những gì họ đã trải qua với các khúc ngoặt sôi sục, sống động, tàn bạo, dũng cảm mà họ đã cho ra đời 2 tuyệt tác của thế giới này là Jane Eyre và Đồi Gió Hú.

Tất nhiên là họ viết từ trải nghiệm, viết về những gì họ biết. Đó là những gì mọi người luôn bảo bạn làm. Nhưng trải nghiệm của họ là gì? Họ biết được điều gì chứ? Nếu như phải nói thì là rất ít về “cuộc sống” này. Họ biết tâm hồn, họ biết tâm trí cũng như trái tim của bản thân mình, và đó không phải là điều dễ dàng có được. Từ lúc 7 hoặc 8 tuổi, các chị em họ đã viết, suy nghĩ và tìm hiểu về bối cảnh cuộc sống và mô tả nó. Họ viết bằng trí tưởng tượng vốn là “công cụ” của người nông dân và là “chiếc cày” để họ vun xới tâm hồn chính mình. Họ viết từ trong sâu thẳm và bằng cách sử dụng tất cả sức mạnh, lòng can đảm và trí thông minh. Và đó là nơi mà sách ra đời. Tiểu thuyết viết từ nội tâm.

Bộ 3 xứ hải địa nổi tiếng của Ursula K.Le Guin

Tôi khá nhạy cảm ngay ở điểm này, bởi vì tôi viết khoa học viễn tưởng, huyễn tưởng, hay nói chung là những thứ không thật - những thứ mà tôi không thể trải qua trong cuộc đời mình. Vì vậy khi tôi còn trẻ, lúc tôi gửi những mẫu chuyện lạ lẫm về du hành vũ trụ hay về con rồng nào đó, thì lời hồi đáp tôi thường được nhận đó là “Hãy viết những gì mà cô biết thôi”. Nhưng nào họ có biết những chuyến du hành hay các sinh vật thần thoại ấy là bạn bè trong trí tưởng tượng của tôi. Bạn nghĩ ai biết về chính đất nước nằm trong đầu mình?

Nhưng họ không nghe vì họ không hiểu. Họ tưởng rằng mình biết rồi. Họ nghĩ một nghệ sĩ giống như một cuốn phim vậy. Họ chụp, phơi sáng, dùng hóa chất và hình ảnh hiện ra. Nhưng thực tế luôn có hai chiều. Nếu có bất kì người nghệ sĩ nào nói “Tôi là một chiếc máy ảnh” hoặc “Tôi là một tấm gương”, thì bạn hãy ngay lập tức hoài nghi họ đi, vì họ chỉ đang giả dối và lôi kéo bạn thôi. Nghệ sĩ là người không hề quan tâm đến thực tế mà chỉ đơn giản là sự thật thôi. Thực tế đến từ bên ngoài, nhưng sự thật thì đến từ bên trong.

Được rồi, nhưng làm cách nào để vươn đến được sự thật? Bạn muốn kể sự thật. Bạn muốn trở thành nhà văn. Vậy bạn làm gì?

Thì viết nó ra.

Thành thật mà nói, tại sao mọi người lại hỏi câu hỏi nói trên? Có ai từng đến gặp một nhạc sĩ và nói, ‘Hãy nói cho tôi biết, tôi phải làm sao để thổi được kèn tuba?’ không. Dĩ nhiên là không! Nó quá rõ ràng. Nếu bạn muốn trở thành người chơi kèn tuba, bạn phải có một chiếc kèn và vài giai điệu. Bạn sẽ yêu cầu những người hàng xóm biến đi đâu đó hoặc là nhét bông vào trong tai họ. Và có thể bạn sẽ tìm được một giáo viên dạy kèn tuba, bởi vì có khá nhiều quy tắc và kĩ thuật cho việc chơi nhạc cũng như biểu diễn. Và sau đó bạn ngồi xuống và chơi kèn tuba hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm cho đến khi nào bạn thành bậc thầy, cho đến khi nào mà bạn có thể - nếu bạn muốn - chơi kèn tuba để nói sự thật.

Nó hoàn toàn giống với việc viết lách. Bạn ngồi xuống và viết, viết, viết, viết đến khi biết mình đi đúng hướng.

Tất nhiên cũng có những sự khác biệt. Viết không tạo ra tiếng động, ngoại trừ những tiếng rên rỉ, và nó có thể được thực hiện ở bất cứ đâu và chỉ mình bạn.

Có lẽ chính những trải nghiệm hoặc linh cảm về sự cô đơn đã thúc đẩy rất nhiều nhà văn trẻ lao vào hành trình. Bản thân tôi cũng rất ghen tị với các nhạc sĩ. Họ chơi cùng nhau, nghệ thuật của họ phần lớn mang tính đám đông và có quy tắc dành riêng cho nó. Trong khi đó viết không thể chia sẻ, cũng không thể dạy như một kĩ thuật, ngoại trừ ở mức độ hời hợt nhất. Tất cả quá trình rèn luyện của một nhà văn đều được thực hiện chỉ một mình thôi, từ việc suy nghĩ, đọc sách của người khác cho đến viết như một cách luyện tập.

Một lớp học viết hay một buổi hội thảo có thể cho ta một số hình ảnh về điều mà các nhạc công vẫn luôn luôn làm. Kết quả ra đời là sự hợp tác, là thành tựu chung như tứ tấu đàn dây hay một buổi trình diễn giao hưởng. Trong khi việc viết hoàn toàn riêng tư, mang tính biệt lập và chỉ thể hiện tâm hồn cá nhân. Do đó nó không tuân theo quy tắc nào cả, ngoại trừ quy tắc do mỗi cá nhân tự mình tạo ra.

Tôi biết có rất nhiều quy tắc mà bạn tìm thấy chúng trong các cuốn sách về Nghệ thuật hư cấu hay Nghệ thuật truyện ngắn... Tôi biết những người đã viết ra chúng. Một số người dạy: Đừng bao giờ bắt đầu câu chuyện bằng lời thoại! Người ta không đọc nó đâu. Nhưng thực tế là có một tác phẩm bắt đầu thế này:

“Eh bien, mon prince [1] ! Genes và Lucque nay chỉ còn là những thái ấp, những điền trang của dòng họ Bonaparte mà thôi!”

Đoạn mở đầu ấy không chỉ được viết theo kiểu hội thoại mà còn bắt đầu bằng cụm tiếng Pháp, dẫu nó không phải là tiểu thuyết Pháp. Thật là một cách khủng khiếp để bắt đầu một cuốn sách nhỉ! Nhưng nó chính là Chiến tranh và Hòa bình – một tuyệt tác đấy.

Ngoài ra cũng có một quy tắc khác mà tôi từng biết: giới thiệu tất cả các nhân vật chính ngay từ đầu sách. Điều đó thoạt nghe hoàn toàn hợp lí, tôi cũng nghĩ thế, nhưng không thể coi nó là quy tắc, bởi Charles Dickens đã không làm vậy mà vẫn thành công đó thôi!

Được rồi, ngay thời khắc này rồi bạn sẽ nói “Tolstoy có thể phá luật, Dickens có thể phá luật, bởi họ là những thiên tài! Chẳng phải những quy tắc được đặt ra để những thiên tài phá vỡ đó sao? Nhưng với những nhà văn bình thường, chưa được chuyên nghiệp, thì chẳng phải chúng là kim chỉ nam?”

Một mặt nào đó tôi cũng đồng ý với nhận định trên, dẫu rất miễn cưỡng, hầu như dè dặt đến mức mà cuối cùng tôi nghĩ mình không chấp nhận. Nói theo cách này: nếu bạn cảm thấy cần có quy tắc và muốn tuân theo các quy tắc đó, thì hãy cứ tìm và tuân theo chúng. Nhưng nếu nó không hấp dẫn hoặc là không có tác dụng với bản thân bạn thì hãy bỏ qua”.

Vấn đề là với tư cách một nhà văn thì bạn được tự do cho việc sáng tạo. Bạn là người tự do nhất từng có trên cuộc đời này. Tự do là thứ bạn mua bằng sự cô độc, bằng nỗi cô đơn. Bạn đang ở trong “vương quốc” nơi mình tự đặt ra các quy tắc cũng như luật pháp. Bạn vừa là nhà độc tài, vừa là người dân hiền ngoan. Đất nước của bạn là một vùng đất chưa ai từng đến. Việc tạo bản đồ, xây dựng các thành phố là tùy ở bạn. Không ai khác trên thế giới có thể làm được điều đó, hoặc có thể làm được, hoặc sẽ làm được như bạn. Nhớ lấy điều đó”.

ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ bài luận được trích đăng trên LitHub

---------------

[1] Nghĩa tiếng Việt: “Đấy công tước thấy chưa”.

(VNQĐ)