KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN XUÂN (10/5/1921 - 10/5/2021): Nguyễn Văn Xuân - người xác quyết theo nghiệp viết chuyên nghiệp

08.05.2021
Vũ Đình Anh
Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921 tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; qua đời vào lúc 21 giờ 30 ngày 4 tháng 7 năm 2007 tại Đà Nẵng. Ông là một học giả, nhà văn, nhà nghiên cứu. Ông để lại cho văn hóa, văn học Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị như Bão rừng, Dịch cát, Hương Máu, Kỹ nữ họ Tống, Phong trào Duy Tân, Khi những lưu dân trở lại...

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN XUÂN (10/5/1921 - 10/5/2021): Nguyễn Văn Xuân - người xác quyết theo nghiệp viết chuyên nghiệp

Nguyễn Văn Xuân bước vào văn đàn Việt Nam bằng hai chân: nhà văn và nhà nghiên cứu lịch sử. Nhìn lại văn nghiệp của Nguyễn Văn Xuân, ta không khỏi ngạc nhiên, khâm phục vì sức sáng tạo dồi dào, của một học giả uyên bác đồng thời của một nhà văn tài hoa. Ông đã góp phần tích cực vào việc khơi dậy cái hồn của xứ Quảng – một bộ phận hữu cơ của Việt Nam hồn”. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, học giả Nguyễn Văn Xuân, Trang thông tin điện tử tổng hợp Văn nghệ Đà Nẵng xin gửi đến bạn đọc bài viết Nguyễn Văn Xuân - người xác quyết theo nghiệp viết chuyên nghiệp của tác giả Vũ Đình Anh.

 

Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921, lớn lên độ tuổi thanh thiếu niên trong giai đoạn nền văn học Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với nhiều trào lưu, trường phái, thể loại rất phong phú và đa dạng (1930 - 1945). Những thành tựu, đỉnh cao văn học quan trọng như Thơ Mới, Tự Lực Văn Đoàn, văn xuôi hiện thực phê phán… mà đến nay bạn đọc cũng như giới nghiên cứu, phê bình vẫn thường tìm về. Khi ấy, một lớp nhà văn chuyên nghiệp đã được hình thành, họ có thể sống bằng nhuận bút, được thể hiện tài năng và lại có cả danh tiếng. Vì vậy, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu học sinh tên Xuân đã sớm nuôi mộng văn chương. Tên tuổi các nhà văn, nhà thơ có tiếng thời ấy có lẽ trở thành mẫu hình lý tưởng để “một đứa bé lau mũi chưa sạch đã sớm nuôi những mộng văn hào” (Bão rừng).

Một động lực to lớn để Nguyễn Văn Xuân xác quyết theo đuổi nghiệp viết chuyên nghiệp ấy là truyện ngắn đầu tay Bóng tối và ánh sáng được báo Thế Giới trao giải nhất. Giải thưởng như là một sự ghi nhận để ông quyết tâm dấn thân trên con đường nghệ thuật, học thuật. Điều này, chính ông đã từng khẳng định: “Từ đó, tôi tâm nguyện trở thành nhà văn, chuẩn bị chí hướng lẫn ý tứ để theo nghề văn chuyên nghiệp. Tôi quyết phải trở thành nhà văn chuyên nghiệp sau ba mươi tuổi, bởi tôi biết những nhà văn nổi tiếng hầu hết sáng tác tác phẩm lừng lẫy của đời họ đều ở sau tuổi bốn mươi”[1]. Và sự thực là suốt đời ông theo đuổi tâm nguyện này. Cố nhà văn sống 86 tuổi đời thì có gần 70 năm cầm bút. Đặc biệt hơn, Nguyễn Văn Xuân thực sự là cây viết tự do, sống bằng ngòi bút, bằng nhuận bút. Suốt cuộc đời, ông là ngòi bút tự do từ thời Pháp thuộc trước 1945, dưới chế độ Mỹ - ngụy Sài Gòn 1954-1975 và sau này vẫn vậy. Điều này cũng được nhà văn Đà Linh gọi ông là nhà văn 4 không: “Không biên chế, không lưu (hưu), không hưởng chế độ ưu đãi, không hội viên Hội Nhà văn Việt Nam”[2]. Cũng chính vì sự tự do ấy mà lúc ông mất đi, “có một chi tiết không vui, theo nhà văn Thái Bá Lợi, lúc đó Hội Nhà văn Việt Nam không thể có vòng hoa viếng ông do Nguyễn Văn Xuân không có tên trong danh sách... hội viên!”[3].

Là một người quan niệm hết sức nghiêm túc về nghề viết, ông muốn biết thế mạnh mà phát huy, nên đã thử bút ở nhiều lĩnh vực để như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, kịch thơ, khảo cứu... Về thơ, hồi trẻ ông từng cho rằng, “hễ ai muốn đi vào đường văn chương thì trước hết phải làm thơ”, ông cũng có sáng tác một số bài như Thu, Bến thề, Trường ca mùa xuân… Nhưng khi đã thử nghiệm thì ông nhận ra thơ mình “phần trí vẫn thường lấn phần tình”. Ông cho rằng nếu không “có tài năng bẩm sinh” và không quyết chí rèn luyện thì không nên làm thơ, vậy nên ông đã bỏ làm thơ. Vì coi nghề viết là chuyên nghiệp nên ông không thích một số người sau khi có những bài thơ được tán dương, đã thành danh thì không nỗ lực để phát huy tiếp. Ông nhận định, sau khi tên tuổi nhiều nhà thơ đã được Hoài Thanh khẳng định trong Thi nhân Việt Nam thì “có được mấy người đủ tài năng để phát huy, để trở thành danh sĩ xứng đáng với kỳ vọng của người đọc”[4].

Ông cũng sáng tác kịch, một số vở kịch vẫn được các nhà nghiên cứu nhắc tên như Kẻ xu thời, Một chuyện không tiện nói ra… Kịch thơ ông cũng từng viết, một vở mà ông còn kể lại là kịch thơ về cuộc đời, tâm trạng, nỗi đau khổ của công chúa Huyền Trân… Sau khi thử nghiệm, ông nhận ra thế mạnh của mình và từ đó ông chuyên tâm ở mảng văn xuôi, mà trước 1945 tiêu biểu nhất là truyện ngắn. Về tiểu thuyết và nghiên cứu văn học, văn hóa, lịch sử cũng nằm trong dự định của cố nhà văn từ lúc trẻ tuổi, nhưng ông cho rằng phải chờ một ngày mình tích lũy đủ tri thức, đủ lông đủ cánh[5]. Vì vậy, phải đến năm 1957, tiểu thuyết Bão rừng mới ra đời sau gần 20 năm ấp ủ từ những trang nhật ký hồi 16 tuổi. Đặc biệt, từ những năm 1960 trở về sau, khảo cứu lịch sử, văn hóa, nghiên cứu và phê bình văn học cũng là lĩnh vực tạo nên tên tuổi của học giả xứ Quảng.

Nghiệp viết đối với ông, vừa là nơi thể hiện đam mê, tài năng, nhân cách và cũng là nguồn kinh tế để trang trải cho cuộc sống gia đình. Con đường công bố các bài viết, tác phẩm của ông thường trước tiên là trên báo, tạp chí, rồi sau đó mới tập hợp in thành sách theo một chủ đề, lôgíc nào đó. Như vậy, ông sẽ vừa có tiền nhuận bút thường xuyên và cũng sẽ có tiền bản quyền sách khi xuất bản. Chẳng hạn, khảo luận Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân. Công trình đã được đăng 6 kỳ trên Tạp chí Bách Khoa từ tháng 7 đến tháng 11/1967 (các số: 253, 255, 256, 257, 259, 260) trước khi được Thời Mới  ấn hành vào năm 1969. Các tập truyện ngắn như Dịch cát, Hương máu cũng là các tác phẩm đã đăng báo, tạp chí rải rác từ những năm 1954 đến 1969 được tập hợp lại. Tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống đăng dài kỳ trên báo Nông thôn ngày nay… Thậm chí, Kỳ nữ họ Tống còn được đăng lại dài kỳ trên Thời báo Văn học Nghệ thuật bắt đầu số 01, ngày 30/7/2020 (ấn phẩm mới được cấp phép thêm cho Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, phát hành 01 kỳ/tuần).

Vì vậy, khi đề cập đến Nguyễn Văn Xuân, trước tiên mọi người hay chú ý với tư cách là một nhà báo. Trước 1945, ông cộng tác với các báo, tạp chí cả ở Hà Nội và Sài Gòn; giai đoạn 1954-1975 ông cộng tác với nhiều tạp chí ở Sài Gòn; sau 1975 ông tiếp tục xuất hiện thường xuyên với tư cách nhà báo. Giai đoạn nhà văn lớn tuổi, cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn, nên ngoài các số báo thường, ông còn đăng bài trên nhiều tờ báo số Tết để có nhuận bút cao. Như nhà văn Trần Trung Sáng kể lại, trước Tết “các tờ báo từ Sài Gòn, Hà Nội đều nhanh chóng chuyển nhuận bút đến cho ông kịp thời. Thường ngoài thù lao bài viết, dịp này họ gửi kèm theo chút đỉnh tiền quà để ông tiêu tết. Ông nói, sau mùa làm báo tết như vậy, ông có thể trang trải lo việc gia đình được vài tháng”[6]. Như vậy, rõ ràng để sống được bằng nghề viết văn quả không dễ dàng, như Tản Đà từng đề cập: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, hay như Nguyễn Vỹ than thở: “Nhà văn An nam khổ như chó!”. Dù biết đam mê nghiệp viết thì đời sống vật chất thường khó khăn, nhưng không phải vì thế mà người ta không theo đuổi. Bởi chính Nguyễn Văn Xuân nhận thức rất rõ rằng, trước tiên, văn học nghệ thuật chính nhằm thỏa mãn cho bản thân tác giả, và còn cho “độc giả tri âm”, “người thưởng thức”… Như ông từng khẳng định: “Văn nghệ sĩ có thể biết chắc là tác phẩm của mình không được hưởng một đồng một hào nào, nhưng vẫn có thể sáng tác mạnh dạn, hăng hái, nhiệt cuồng nếu biết chắc sẽ có người thưởng thức. Họ có thể hi sinh tài lực để không cầu mang lại một phần thưởng nào, ấy thế mà có khi còn bị tù đầy, chém giết như đã xảy ra suốt mấy nghìn năm dưới trời Á Đông”[7].

Từ việc xác quyết theo nghề viết một cách rõ ràng, ông đã thực sự lao tâm khổ tứ, đầu tư rất nghiêm túc, bài bản, cống hiến hết mình cho niềm đam mê. Nguyễn Văn Xuân tậm niệm rất rõ ràng (và hẳn những người cầm bút cũng cần có tâm niệm này): muốn có uy tín hay danh tiếng phải từ tác phẩm của mình. Vì vậy, ông luôn mong muốn có tác phẩm hay, đạt đến sự “thâm viễn” trong nhiều lĩnh vực. Để đạt được điều đó, tự học chính là sự lựa chọn phù hợp và đúng đắn. Là một người không được học đầy đủ qua trường lớp nhưng với con đường tự học suốt đời, ông thực sự trở thành người “hiểu sâu, biết rộng”. Chính quá trình tự học và sự lựa chọn nghiệp viết tự do đã giúp ông nuôi dưỡng ước mơ thuở thiếu thời. Các bài viết, tác phẩm của ông đã thể hiện được sự độc lập, sắc sảo trong tư duy, tính nhân văn trong tư tưởng, độc đáo trong cách thể hiện.

Con đường tự học, tự trau dồi, trải nghiệm tích lũy tri thức, vốn sống để nâng tầm bút lực của ông thể hiện rõ từ năm 16 tuổi. Vì gia cảnh khó khăn, ông phải rời ghế nhà trường, bắt đầu cuộc sống tự lập. Chuyến đi xa đầu tiên của Nguyễn Văn Xuân sau khi nghỉ học ở Huế là lên Tây Nguyên làm thầy thông, dạy kèm tiếng Pháp cho chủ đồn điền me Tây họ La. Những trang nhật ký trong chuyến đi mấy tháng trên đồn điền trồng cà phê, chè ở Tây Nguyên, sau này được Nguyễn Văn Xuân hoàn thiện thành tiểu thuyết Bão rừng năm 1957. Cậu thiếu niên ấy thể hiện khát khao đi lên chốn đồn điền không chỉ vì kiếm tiền mà chủ yếu do muốn trải nghiệm để tích lũy vốn sống, nuôi giấc mộng văn chương. Bởi chốn núi rừng Tây Nguyên là nơi mà khi đọc sách, báo ông đã có mơ ước được khám phá. Ông muốn “mơ màng được đứng trên điểm cao nhìn về phía quê hương để nhớ nhung và… có lẽ còn được biết những mối tình thơ ngây, kỳ lạ vẫn thấy xảy ra trong tiểu thuyết”. Vì vậy, trước khi đi, ông đã háo hức hình dung đó là “Cả một pho sách vẽ ra cuộc sống phong phú, xô bồ, náo nhiệt trong đó những tiếng kêu bí mật, những hấp dẫn của rừng núi, của đồn điền, của cuộc đời cần lao và tranh đấu thao thao mở rộng từng trang”[8].

Nhưng tất cả những hào hứng, háo hức tuổi trẻ của nhà văn nhanh chóng qua đi sau thời gian ngắn ở đồn điền, chốn rừng thiêng nước độc. Ông chứng kiến bao cảnh khổ ải chốn trần gian của các phu đồn điền cũng như những người phục dịch trong nhà chủ. Thậm chí, có phu đồn điền khi chết cũng chẳng được về quê hương, hòm chôn cũng không có, đành gửi xác giữa đồn điền. Đọc đoạn văn này khiến ta liên tưởng đến những câu ca dao tương tự: “Cao su xanh tốt lạ đời,/ Mỗi cây bón một xác người công nhân”. Những mơ mộng của một văn sĩ trẻ đã sớm gặp phải một thực tại phũ phàng, đầy đổ vỡ và chết chóc. Nhà văn đã ghi lại chính xác đến từng chi tiết, thậm chí cả những cảm nhận tức thời khi sự việc xảy ra. Ban đầu, nhà văn chỉ cảm nhận nỗi đau khổ, bệnh sốt rét, sự bóc lột qua những người ông gặp gỡ, tiếp xúc xung quanh. Sau mấy tháng nếm trải, bản thân ông cũng bị chủ bóc lột tiền lương, công lao động, và bị căn bệnh sốt rét rừng quái ác hành hạ. Qua các ghi chép như những trang phóng sự điều tra ấy, giá trị tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai ở chốn đồn điền được thể hiện rõ nét.

Những viễn cảnh trong văn chương, nghệ thuật lãng mạn về cảnh nhà sàn bên sườn núi thơ mộng bị vỡ vụn khi nhà văn cọ xát với thực tế: “Tôi hay xem tranh vẽ, thấy những cảnh nhà đơn sơ, cheo leo trên núi thì rất thích. Nhưng bây giờ lại gần, mới thấy rõ cái nghèo khó và bất tiện của nó. Dưới sàn có nuôi bò, heo, gà, vịt. Phân bò, phân heo, hôi hám xông lên”[9]. Hay như cảnh sơn nữ trong mộng tưởng thơm ngát hương rừng bên bờ suối cũng không còn hiện hữu khi trực tiếp gặp gỡ. Dù đã cố khám phá “một vẻ đẹp riêng biệt của núi rừng, nhưng thật tình, tôi chỉ thấy họ khét. (…) Mặt họ ngắn và thô; tóc bị nắng đốt, cứng như lông ngựa hoe vàng, tưởng nếu ngửi vào sẽ bắt gặp mùi thú vật. Môi họ vẩu ra như hầu hết các dân dã man”[10]. Những trải nghiệm của nhà văn đã cho thấy một cuộc sống hoàn toàn khác với những suy nghĩ ban đầu của mình. Ông chua chát nhận ra mình hoàn toàn “vỡ mộng” bởi khi ở thành phố đầy tiện nghi đã từng muốn trốn thật xa lên vùng rừng núi hoang sơ đang vẫy gọi. Cũng qua những trải nghiệm đó mà nhà văn khái quát: “có bao giờ chúng ta hết thấy cuộc đời chật hẹp và bao giờ chúng ta cùng ước ao chân trời khác”[11]. Nhưng những ao ước được trải nghiệm các cảnh đời vẫn luôn thôi thúc, là niềm khát khao bởi ông “vẫn thích về một vùng mỏ, hoặc trôi theo một con tàu thủy lênh đênh bến nầy, bờ nọ” dù biết cuộc sống nơi đó cũng chẳng hơn gì nơi đây…

Cuối cùng, sau khi khỏi bệnh sốt rét, nhà văn đã quyết tâm phải rời khỏi chốn địa ngục trần gian, muốn thoát khỏi “cuộc đời đen tối” để tránh “một tình trạng tuyệt vọng” trước khi nó xảy ra. Nhà văn tâm sự, “Tôi không muốn cái tuổi chứa chan hy vọng của tôi sẽ chóng cằn cỗi như một cây gỗ mục và thể xác tôi sẽ là mồi ngon cho các giống vi trùng sốt rét”[12]. Sau khi lập mưu nhờ anh trai đánh điện báo mẹ bệnh nặng phải về gấp không thành (bà chủ không cho về, vì bà biết đây là cái kế khi người ta không muốn ở). Nhân vật tôi phải nhờ đến người em họ cùng quê, là cháu của bà chủ đồn điền này, cũng là người giới thiệu lên làm việc, nhờ đó mới được bà chủ cho về.

Như vậy, qua cách quan sát và miêu tả cuộc sống, cảnh đời của những con người ở chốn đồn điền cà phê của Nguyễn Văn Xuân, cho ta thấy một lối nhìn đậm tính hiện thực phê phán. Những cách thức, mánh khóe bóc lột hết sức tàn bạo, vô nhân đạo, sự sa đọa về đạo đức của các chủ đồn điền người Pháp cũng như người Việt đã cho ta thấy mặt trái đáng ghê tởm của cái xã hội dưới ách thống trị thực dân nửa phong kiến. Sự vất vả, khốn cùng của các dân phu, tạp dịch trong các đồn điền cũng như cuộc sống nghèo đói, khó khăn của các dân tộc thiểu số cũng được nhà văn ghi lại với đầy máu và nước mắt. Đọc những trang viết của Nguyễn Văn Xuân làm tôi gợi nhớ đến một luận điểm nổi tiếng của Nam Cao: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…”. Qua đó, chúng ta có thể xếp Nguyễn Văn Xuân vào nhóm các nhà văn hiện thực chủ nghĩa. Điều này cũng được chính nhà văn nói lên quan điểm của mình: “Thời còn trẻ, do đọc văn học trong nước và nước ngoài, nhất là của các nhà văn học phái tự nhiên, văn học hiện thực nên khi cầm bút, không tự hỏi, không do dự”[13].

Để có tri thức của phương Tây, ông từng khẳng định: “Tôi đọc nhiều sách, hầu hết là Pháp văn, là thứ văn hóa mà tôi tiêm nhiễm”[14]. Để hiểu về dân tộc, quê hương, quá khứ của cha ông, di sản của của đất nước, về chữ và nghĩa tiếng Việt thì “phải học chữ Nôm? Mà muốn học chữ Nôm, tôi phải có vốn chữ Hán ba nghìn từ” (Tại sao tôi cầm bút). Tiếng Pháp ông được học trong nhà trường, còn chữ Hán, chữ Nôm chủ yếu là tự học. Nhà văn đã thuê thầy riêng (ông Biện Chanh) về nhà vừa học chữ Hán, vừa học chữ Nôm, vừa thuê chép tuồng. “Nhờ đó tôi tiến bộ trông thấy vừa Hán vừa Nôm”[15]. Theo ông, mục đích của việc học chữ Nôm, chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh là “cốt để nắm cho được phần cốt tủy và tinh túy của nó để đọc, để học, để nghiên cứu, sáng tác chứ không phải để lọc nhau văn hay, văn dở”. Nguyễn Văn Xuân phê phán lối học tầm chương, trích cú; nhấn mạnh đến tính thực tế, tính ứng dụng của việc học để giúp ích cho cuộc sống, cho đất nước: “Học để viết câu văn cho hay, điển tích cho cao mà suốt bao nhiêu thế kỷ nào học tiếng Tàu, rồi tiếng Tây, nay lại học tiếng Anh có được bao nhiêu người viết nên những cuốn sách có giá trị về nội dung”[16].

Nhờ sự nỗ lực học tập, sự đầu tư đúng hướng ấy mà ông có vốn kiến thức Đông - Tây, kim - cổ uyên thâm. Như lúc sinh thời, ông từng nhấn mạnh: “Nhà văn thì phải biết, biết hết. Viết văn như Vũ Trọng Phụng viết về người miền Bắc nếu không lăn lộn trong cuộc sống đó, biết rõ nó như biết cái mặt vợ mình, thiết tưởng không làm sao viết được. Mà không viết được như thế thì chắc không bao giờ đạt được chỗ thâm viễn”[17]. Nhờ những nỗ lực đó, tài năng của Nguyễn Văn Xuân từ giai đoạn sau 1954 vào độ chín muồi. Các hoạt động trên cả ba lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu và dạy học của ông đều thành công rực rỡ. Ông “trở thành một gương mặt tiêu biểu trong đời sống văn chương - học thuật của miền Nam 1954-1975” (Phong Lê).

Không chỉ mong muốn được trải nghiệm, chăm lo tích lũy tri thức, ông cũng có cách thức và thái độ làm việc khoa học, nghiêm túc, chuyên sâu. Khi nghiên cứu về lịch sử tuồng hát bội, bên cạnh việc tìm hiểu, khảo sát kỹ càng trên sử sách, Nguyễn Văn Xuân còn thường xuyên trò chuyện với diễn viên tuồng lớn tuổi, “những bậc thức giả miền Trung”, các “cựu chủ gánh hát bộ”, “những bậc trưởng thượng trên bảy mươi, sành về hát bộ”[18]... Khi nghiên cứu lịch sử, ông không chỉ dựa vào các tư liệu có sẵn rồi sao chép, tổng hợp lại, mà còn đi khảo sát thực tế, gặp người trong cuộc, tìm kiếm tư liệu mới, nhất là tư liệu gốc. “Ông coi trọng việc thu thập tư liệu sách vở, nhưng ông đi “điền dã”, gặp gỡ những nhân chứng sống và từ đó ông có những tư liệu sống vô giá mà sách vở không hề chép”[19]. Đứng về phương diện sử liệu, với sự cẩn trọng, học giả xứ Quảng đã tiếp cận và khai thác được rất nhiều dạng thức tài liệu khác nhau, từ văn bia, gia phả, bút kí đến các tài liệu thành văn cả trong và ngoài nước. Ông luôn xem trọng từng hiện vật mà các thế hệ cha ông đã để lại. Từ những giá trị mang tính phổ quát cho đến những vấn đề nhỏ nhất như sổ ghi chép thu chi của các gia đình trong từng bữa ăn hàng ngày đều được Nguyễn Văn Xuân chú trọng khai thác. Chính vì vậy, các tác phẩm của ông vừa cho thấy sự gần gũi, những sắc thái riêng của đời sống xã hội từng địa phương, vừa bao quát được những vấn đề lớn lao của khu vực, đất nước. Nên dù nội dung ông viết chủ yếu là về vùng đất xứ Quảng, nhưng vẫn có những thành công lớn, đã đưa đến những nhận thức mới và những trải nghiệm mới đối với các giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất miền Trung, của đất nước.

Tìm hiểu về cuộc đời cũng như đọc các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân, chúng ta còn cảm nhận được sự tâm huyết và đam mê của một nhà văn, học giả. Điều này cũng được chính tác giả bộc bạch, ông có một cứu cánh của cuộc đời là nghiện đọc, nghiện học, nghiện viết. Ông tâm sự: “tôi trót bị... nghiện nặng mất rồi anh ạ. Không cầm bút, không cầm quyển sách là tôi không chịu được. Mà tôi nghĩ chắc người cầm bút nào cũng mắc phải chứng nghiện như thế, nghiện đọc, nghiện học và nghiện viết. Hoặc ta sống mà si mê những cái ấy, hoặc ta sống nữa. Tiền bạc hay danh vọng là những thứ người cầm bút cũng si mê, nhưng nếu không “mắc nghiện” học, đọc và viết thì lấy đâu ra tiền bạc và danh vọng”[20]. Thậm chí, chính nhà văn tự so sánh và cho rằng: thói “nghiện đọc” của mình còn gây ham thích hơn khi thử nàng tiên nâu. Đó là thời điểm trước 1945, ông thường xuyên gặp gỡ Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Phạm Văn Hạnh… ở Huế, Hội An, Đà Nẵng. Họ gặp gỡ, giao lưu bởi cùng là những người ham thích hoạt động văn nghệ, và cũng là thầy giáo của nhiều trường ở các địa phương này. Nguyễn Văn Xuân nhận thấy số đông văn nghệ sĩ thời ấy, nhất là ở Hà Nội vào, họ thường “ham mê thú á phiện”. Cũng vì vậy, nhà văn đã thử thú vui này, song “tôi chỉ dùng nó có một đôi lần rồi không cảm thấy ham thích, tuy không tránh xa nó, tôi thấy không gì thú bằng được nằm đọc sách bên bàn đèn yên tĩnh”[21].

Nhờ niềm đam mê, sự nghiện đó đã giúp ông vượt qua bao khó khăn, trở ngại vì gánh nặng gia đình đè xuống đôi vai gầy guộc. Từ sau năm 1975, vợ ông bị bệnh tâm lý, trí nhớ không ổn định, con ông cũng có người mắc căn bệnh tương tự mẹ. Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn là lao động chính, làm chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình. Có người ví hình ảnh ông ngồi viết tựa như nhân vật Điền trong truyện ngắn Trăng sáng của Nam Cao. Nhưng với niềm đam mê, niềm tin vào sức sống của những đứa con tinh thần của mình, ông vẫn an nhiên tự tại, vẫn yêu đời, vẫn đủ nghị lực sống và viết trong cõi vô thường của cuộc đời. Qua đó, ta thấy rằng, để được gọi là nhà Quảng học với hiểu biết sâu rộng về nhiều mặt của lịch sử, văn hóa, xã hội, văn học... ông phải trải qua quá trình tích lũy, chuyên tâm nghiên cứu, rèn nghề khổ hạnh mới có được.

Nói chung, cuộc đời cầm bút của Nguyễn Văn Xuân suốt gần 70 năm, trải dài qua các giai đoạn lớn, các cột mốc lịch sử của đất nước cũng như sự vận động của lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX. Mỗi thời kỳ có những đặc điểm của thời đại chi phối, ông cũng có những thay đổi trong cách lựa chọn chủ đề, tư tưởng, nội dung, cách viết… Song nhìn lại toàn bộ sự nghiệp sáng tác và nghiên cứu của cố nhà văn xứ Quảng, tôi nhận thấy có một sự thống nhất, tạo nên nét đặc trưng, những đặc điểm lớn. Đó là việc xác quyết theo nghiệp viết chuyên nghiệp, vừa để kiếm sống, vừa để khẳng định bản thân, để khám phá và lưu giữ những sắc thái của địa phương, để thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Mà muốn làm được điều đó thì phải học nhiều, biết rộng mới có sự uyên thâm, mới có những đóng góp, những dấu ấn. Suốt một đời nhà văn xứ Quảng luôn lao động cần mẫn, vui với những phát hiện mới, những sáng tạo độc đáo, những suy tư sâu sắc. Vì vậy, Nguyễn Q. Thắng đánh giá “phần lớn” sáng tác và nghiên cứu của ông đều “giàu tính khoa học, khách quan mà không thiếu vắng chất nghệ thuật”, đặc biệt hơn là tác phẩm nào cũng đều “có cái mới chưa được các cây bút khác đề cập đến”[22]. Đó là cơ sở để Nguyễn Văn Xuân tạo nên vị trí riêng, khó thay thế, không lặp lại.

 

[1] Thanh Thảo (2002), “Nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân: Tôi viết nghiên cứu bắt đầu do... hay cãi”, Báo Thể thao và Văn hóa, số 65, ngày 13/8/2002 (bài phỏng vấn)

[2] Thanh Thảo (2002), Tlđd.

[3] Đặng Ngọc Khoa (2009), Một người hạnh phúc, http://www.baodanang.vn/channel/5433/200907/tuong-niem-2-nam-ngay-mat-nha-van-nguyen-van-xuan-4-7-2007-4-7-2009-mot-nguoi-hanh-phuc-1988992/, 04/07/2009.

[4] Nguyễn Văn Xuân (2011), Nguyễn Văn Xuân – Sức sống văn hóa xứ Quảng, Nxb Hội Nhà văn, tr.41.

[5] Thanh Thảo (2002), Tlđd.

[6] Trần Trung Sáng (2017),Chờ tết cùng nhà văn Nguyễn Văn Xuân, http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201701/cho-tet-cung-nha-van-nguyen-van-xuan-720048/index.htm, ngày 22/01/2017

[7] Nguyễn Văn Xuân  (2002), Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb. Đà Nẵng, tr.596.

[8] Nguyễn Văn Xuân (1957), Bão rừng, Trùng Dương xuất bản, Sài Gòn, tr.18.

[9] Nguyễn Văn Xuân (1957), Sđd, tr.106.

[10] Nguyễn Văn Xuân (1957), Sđd, tr.107.

[11] Nguyễn Văn Xuân (1957), Sđd, tr.146.

[12] Nguyễn Văn Xuân (1957), Sđd, tr.313.

[13] Nguyễn Văn Xuân (2020), Nguyễn Văn Xuân toàn tập, tập 7, Nxb Hội Nhà văn, tr.278.

[14] Nguyễn Văn Xuân (2011), Sđd, tr.37.

[15] Nguyễn Văn Xuân (2020), Sđd, tr.280.

[16] Nguyễn Văn Xuân (2011), Sđd, tr.44.

[17] Nguyễn Văn Xuân  (2002), Sđd, tr.654

[18] Nguyễn Văn Xuân (1968), “Thế kỷ XIX - thế kỷ của văn học trình diễn”, Tạp chí Tân Văn, số 4, tháng 8/1968

[19] Mai Quốc Liên (1995), “Một vài ý nghĩ...”, Phong trào Duy Tân, Nxb Đà Nẵng tái bản, tr.7

[20] Thanh Thảo (2002), Tlđd.

[21] Nguyễn Văn Xuân (2011), Sđd, tr.37.

[22] Nguyễn Q. Thắng (2011) Hương Gió phương Nam, Tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.481-482.