Ban Tuyên huấn khu V Anh hùng: Sự hình thành và hoạt động của Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V
Một số nhà văn, nhà báo gặp nhau sau khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 2-1973)
* Giai đoạn chống Pháp (1946 - 1954)
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, các tổ chức văn nghệ theo hình thức thống nhất chưa hình thành nhưng việc sáng tác và biểu diễn văn nghệ phục vụ cách mạng, phục vụ các công tác trước mắt do chính quyền cách mạng và Mặt trận Việt Minh đề xướng dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn được tiến hành ngày càng sôi nổi, phong phú. Các văn nghệ sĩ sống riêng lẻ hoặc tập hợp trong các nhóm thơ, họa, nhạc, kịch... trong các Đoàn tuyên truyền xung phong, các Ty Thông tin - tuyên truyền để hoạt động. Thể loại sáng tác phổ biến lúc bấy giờ là thơ, ca dao, vè, bài hát, kịch "cương", tranh cổ động, tranh ký họa...
Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, các tỉnh Liên khu V lần lượt tổ chức các Đoàn Văn hóa kháng chiến. Văn học nghệ thuật là một bộ môn trong Đoàn Văn hóa gồm cả khoa học và giáo dục. Giữa năm 1948, Liên khu V mở Đại hội thành lập Liên đoàn văn hóa kháng chiến miền Nam Trung Bộ. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung từ Hà Nội vào công tác, đã được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn. Đại hội có đồng chí Phạm Văn Đồng là đại diện Chính phủ ở miền Nam Việt Nam đến dự.
Đầu năm 1949 Đại hội văn hóa kháng chiến miền Nam Trung Bộ họp tại Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Đại hội tập hợp rất đông văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động khoa học, giáo dục. Đại hội đã bầu ra Ban đại diện văn hóa kháng chiến Liên khu V thay thế cho Liên đoàn văn hóa kháng chiến miền Nam Trung Bộ trước đó. Lúc này họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Củ tịch Liên đoàn, đã lên đường ra Bắc. Nhà thơ Nam Trân được bầu làm Chủ tịch Ban đại diện văn hóa kháng chiến, nhà văn Phan Thao được bầu làm Tổng thư ký. Các ngành khoa học, giáo dục đều thành lập Chi hội Văn nghệ Liên khu V do nhà văn Phan Thao làm chi hội trưởng. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm chi hội phó. Nhà phê bình văn học Phan Xuân Hoàng, nhà thơ Tế Hanh làm ủy viên thường vụ. Các nhà thơ Trinh Đường, Nguyễn Viết Lãm, Vương Linh, nhà văn Ngọc Cư, họa sĩ Hoàng Kiệt, nhạc sĩ Đức Tùng, nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký làm ủy viên. Về sau có các nhà thơ Khương Hữu Dụng, Lưu Tùng Dương, Phạm Hổ làm ủy viên dự khuyết. Nhà văn Nguyễn Thành Long và nhà thơ Phạm Hổ phụ trách Văn phòng chi hội.
Các ngành họa, nhạc cũng tổ chức thành các chi đoàn. Chi đoàn nhạc do nhạc sĩ Đức Tùng làm chi đoàn trưởng. Chi đoàn họa do họa sĩ Hoàng Kiệt làm chi đoàn trưởng.
Các tỉnh có các Phân hội văn nghệ tỉnh. Phân hội trưởng văn nghệ tỉnh: Quảng Nam là nhà thơ Trinh Đường, Quảng Ngãi là nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, Bình Định là nhà thơ Vương Linh, Phú Yên là nhà văn Ngọc Cư, Bình Thuận là nhạc sĩ Vương Gia Khương. Phân hội văn nghệ các cơ quan khu do Lê Anh Trà làm phân hội trưởng.
Sự phân công trong chi hội văn nghệ khu và các phân hội văn nghệ tỉnh thay đổi tùy tình hình thực tế như nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhà thơ Phạm Hổ lúc đầu phụ trách nghiên cứu kịch, về sau phụ trách tờ báo văn nghệ...
Nhờ có phương hướng công tác chính xác và nội dung cụ thể cho nên các phân hội văn nghệ hoạt động thông suốt, thuận lợi. Các phân hội tích cực xây dựng lực lượng, tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế để sáng tác, in thơ, ca dao, vè, viết kịch... gây căm thù giặc Pháp xâm lược, động viên nhân dân tham gia chiến đấu, bố phòng, sản xuất, đóng góp quỹ nuôi quân (về sau là thuế nông nghiệp) công tác bình dân học vụ, thực hiện các chủ trương công tác do Đảng và chính quyền cách mạng ban hành.
Về tổ chức, Chi hội văn nghệ khu chủ trương xây dựng ở mỗi xã một tổ văn nghệ. Từ đó, các tỉnh đã xuất hiện nhiều tổ văn nghệ hoạt động rất sôi nổi. Tổ văn nghệ xã Nghĩa Kỳ ở Quảng Ngãi được bình chọn là tổ văn nghệ xuất sắc của toàn Liên khu.
Lực lượng sáng tác ở địa phương cũng đồng thời là lực lượng biểu diễn. Các tổ văn nghệ đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức tư tưởng, phổ biến chủ trương công tác, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các công tác kháng chiến và xây dựng hậu phương.
Hình thức hoạt động văn nghệ phổ biến lúc bấy giờ là "đêm văn nghệ" được tổ chức ở các nơi tập trung đông nhân dân ở các làng xã, đặc biệt là ở các thị trấn, thị xã như Tam Kỳ, Sông Vệ, Bồng Sơn, La Hai, Đập Đá .v... Nội dung "đêm văn nghệ" rất phong phú, linh hoạt, ngoài việc biểu diễn ca nhạc, ngâm thơ, diễn kịch "cương", kịch khoa học thường thức, công tác giáo dục, đời sống mới v.v... Đêm văn nghệ thu hút rất đông người xem. Các hội trường hoặc sân bãi có "đêm văn nghệ" đều chật ních người xem và thường kéo dài đến một hai giờ sáng.
Chi hội văn nghệ lập một nhà xuất bản do nhà văn Nam Trân và nhà văn Nguyễn Thành Long phụ trách. Nhà xuất bản đã lần lượt in các tác phẩm do các văn nghệ sĩ trong Liên khu sáng tác như "Hồ Chủ Tịch hình ảnh của dân tộc" của Phạm Văn Đồng và một số sách của các văn nghệ sĩ.
Các phân hội tỉnh cũng xuất bản tác phẩm ở địa phương.
Khu V bị bao vây bốn mặt, giấy in sách báo là giấy sản xuất ở vùng tự do gặp rất nhiều khó khăn nhưng số lượng sách in thường cũng vài nghìn bản. Có sách như cuốn "Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc" đã in đến trên mười nghìn bản.
Chi hội văn nghệ còn ra tờ tạp chí Miền Nam do nhà văn Nguyễn Văn Bổng phụ trách. Tạp chí in máy, khổ 19 x 27cm, dày 100 trang, ra được 12 số vì thiếu giấy phải đình bản. Sau khi Hội Văn nghệ Trung ương ra tờ Văn nghệ thì Chi hội văn nghệ Khu V cũng ra tờ bản Văn nghệ Liên khu 5, mỗi tháng một kỳ dày 12 trang, số đặc biệt ra 18 trang in màu. Nội dung in thơ, văn, nhạc, họa (chủ yếu là tranh vui, đã kích địch), ký họa, kịch ngắn. Có cả những bài phê bình văn nghệ. Người phụ trách chính tờ Văn nghệ là Nguyễn Văn Bổng. Trong tòa soạn có nhà thơ Phạm Hổ làm biên tập. Tòa soạn lưu động theo cơ quan chi hội, chủ yếu đóng trong nhà dân, có khi toàn soạn nằm trong "túi dết" của các anh Nguyễn Văn Bổng, Phạm Hổ. Báo Văn nghệ ra được một thời gian ngắn thì đình bản vì thiếu giấy. Theo quyết định của Khu ủy, báo Cứu quốc của khu dành mỗi tuần một trang cho phần sinh hoạt văn nghệ. Từ 1953 phân hội Quảng Ngãi xuất bản một tờ tập san lấy tên "Sáng tác nhân dân".
Từ khi có tổ chức Chi hội văn nghệ khu và Phân hội văn nghệ tỉnh, các chi đoàn hội họa, âm nhạc, hoạt động sáng tác và biểu diễn được động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho nền phát triển ngày càng sôi nổi, rầm rộ.
Ở khu có Đoàn văn công Liên khu do các anh Huỳnh Văn Cát, Ngô Quang Thắng, Dương Minh Hòa phụ trách. Đoàn dùng các hình thức ca nhạc, kịch, bài chòi... để tuyên truyền kháng chiến, sản xuất, phục vụ tiền tuyến, xây dựng hậu phương... Văn nghệ quân đội và các tỉnh đều có đội văn công của mình. Quảng Ngãi là nơi đóng trụ sở của các cơ quan cấp khu, nơi tập trung nhiều văn nghệ sĩ của khu và Trung ương vào công tác cho nên hoạt động ở đây rất sôi nổi, phong phú. Quảng Ngãi có các đội kịch nói, đội văn công xung kích do nhà thơ Trương Quang Lộc phụ trách và có cả một đoàn tuồng hát bội. Vở diễn thường là tự biên soạn theo các sự tích lịch sử như hội nghị Diên Hồng, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám...
Về kịch nói, ở Khu V không có đoàn kịch chuyên nghiệp nhưng kịch nói vẫn được trình diễn với phần lớn các vở "kịch cương" của các đội tuyên truyền kháng chiến, đội "công tác văn nghệ", sau này thường gọi là đội văn công của địa phương. Có những đội văn công diễn những vở kịch viết hẳn hoi, có trình độ diễn xuất khá như đội văn công xung kích Quảng Ngãi, đội văn công cơ quan đường sắt Liên khu. Đội này đã diễn vở kịch "Trở về" của Lê Ngọc Cầu, "Em Sinh" của Nguyễn Văn Bổng trong đại hội văn hóa Liên khu V. Vở kịch "Trở về" lần đầu được diễn ở trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ do đội kịch nhà trường dàn dựng. Vở kịch "Đà Nẵng đêm đông" của Nguyễn Văn Bổng, "Dưới bóng chúa" của Tế Hanh cũng được trình diễn.
Liên khu V là đất của tuồng hát bộ. Trước Cách mạng tháng Tám, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... đều có các gánh hát tuồng rất được làm dân ưa thích. Có nhiều nhà soạn tuồng nổi tiếng từ xưa như Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Văn Diêu, Nguyễn Bá Nghị, Vũ Đình Phương .v.v... và nhiều nghệ sĩ tuồng bậc thầy như Nguyễn Phẩm, Nguyễn Nho Túy (đội Tảo), Nguyễn Lai, Chánh Ca Chặng... Có rất nhiều gánh hát tuồng chuyên nghiệp diễn ở các rạp thành phố và diễn lưu động ở nông thôn.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, thật ra không một tỉnh nào ở Liên khu V cấm đoàn tuồng nhưng các đoàn tuồng, gánh hát bộ đã tự tan rã vì thấy tích tuồng hầu hết nói chuyện vua quan, cho rằng tuồng phục vụ cho chế độ phong kiến. Nhưng tuồng không thể chết. Dần dần trong kháng chiến, ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, một số nghệ nhân tuồng trong số đó có những người rất nổi tiếng như Quảng Nam có Đội Thảo (Nguyễn Nho Túy), Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi...; Quảng Ngãi có Lệ Thi, Minh Đức, Nguyễn Hùng; Bình Định có Mười Thân, Đinh Quả, Võ Sĩ Thừa; Phú Yên có Chánh Ca Chặng, Nguyễn Thị Bẻo, Mười Thông... mỗi nơi tổ chức hợp nhau lại, biểu diễn những trích đoạn tuồng cũ hoặc tuồng cũ cải biên.
Về hội họa, ngoài các họa sĩ đã được đào tạo trước cách mạng như Hoàng Kiệt, Vương Trình, Song Văn có tranh vẽ triển lãm từ sau cách mạng tháng Tám, tiếp tục có sáng tác trong kháng chiến, còn có các họa sĩ từ miền Bắc vào như Nguyễn Đỗ Cung, Văn Giáo, đã đi vẽ ở nhiều tỉnh, tổ chức triển lãm cho người xem biết thưởng thức tranh. Năm 1948 Liên khu V tổ chức một lớp hội họa do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung dạy, Lưu Thọ, giám đốc Sở Thông tin - Tuyên truyền khu phụ trách. Học viên từ các tỉnh trong khu đến học gồm có các ngành dân, chính, quân đội: Nguyễn Huynh, Hoàng Mạnh (Quảng Nam), Nguyễn Thế Vinh, Đường Ngọc Cảnh (Quảng Ngãi), Phạm Hổ (Bình Định), Lê Sanh (Phú Yên), Hồ Quảng (Khánh Hòa), Trương Qua (Phòng Chính trị Quân khu VI), Vũ Trung Lương (trong đoàn 12). Sau này nhiều người là họa sĩ nổi tiếng có đóng góp cho nền hội họa nước nhà, đã đoạt những giải thưởng lớn về hội họa trong nước. Lớp học đã có tổ chức triển lãm tranh ở một số trường học ở Bình Định. Từ khi thành lập Chi đoàn họa 1949, Chi đoàn mở một xưởng họa do họa sĩ Vương Trình phụ trách.
Về âm nhạc, từ khi thành lập Chi đoàn nhạc Liên khu, lực lượng sáng tác có tổ chức ở khu cũng như tỉnh, có phương hướng sáng tác, được động viên khích lệ cho nên hoạt động sôi nổi, có hiệu quả lớn. Nhiều nhóm nhạc ra đời như nhóm nhạc các trường trung học Lê Khiết, Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ, Tiểu ban Văn nghệ Phòng Chính trị Quân khu, nhóm nhạc Đài Tiếng nói Nam Bộ (đóng trên đất Quảng Ngãi), nhóm nhạc của Phân ban quốc dân thiểu số, nhóm nhạc của Quân y Khu V, các nhóm nhạc của các huyện, nhiều nhất là ở Quảng Ngãi, sau đó là Bình Định, Quảng Nam.
Về lý luận, những năm đầu kháng chiến, hoạt động văn nghệ theo phương châm phục vụ nhân dân, đất nước, chống giặc ngoại xâm, còn phương hướng sáng tác không mấy ai hiểu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là gì. Nhưng Chi hội văn nghệ Liên khu V cũng đã sớm chú ý đến vấn đề nghiên cứu lý luận. Chi hội và các phân hội tỉnh đã mở nhiều cuộc họp (sau này gọi là hội thảo) nghiên cứu các vấn đề về văn nghệ nói chung và văn nghệ dân gian nói riêng, dựa theo một số báo chí và tài liệu từ Trung ương gửi vào và những chủ trương công tác văn nghệ của Đảng...
Về công tác sưu tầm vốn văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc miền núi tuy không được đề ra một cách chính thức nhưng những cán bộ hoạt động văn hóa văn nghệ trong nhân dân đã có ý thức sưu tầm, ghi chép các câu chuyện truyền miệng, những bài vè, bài chòi để nghiên cứu, khi có điều kiện thì phát huy như đã sưu tầm các trường ca Đam San, Xing Nhã của Tây Nguyên... Nhạc sĩ Nhật Lai đã ghi chép được khá nhiều điệu nhạc, điệu múa của đồng bào các dân tộc Gia Rai, Ê-đê, Ba Na...
* Giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, miền Nam tạm thời đặt dưới quyền quản lí của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, cán bộ văn nghệ Khu V phần lớn tập kết ra miền Bắc. Một số ít ở lại sống trong vùng địch. Có một số được bố trí hoạt động bí mật. Khi địch tập kết đến các tỉnh tự do Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp, chúng ráo riết khủng bố những người kháng chiến cũ, gây ra các vụ thảm sát hàng loạt như Vĩnh Trinh, chợ Được (Quảng Nam), Ngân Sơn - Chí Thạnh (Phú Yên)... Lúc này một số văn nghệ sĩ còn ở lại vùng địch kiểm soát đã làm ca dao, diễn ca tố cáo tội ác của địch khủng bố nhân dân. Những câu ca dao của Nguyễn Hồ viết về vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh ngày 7-9-1954 đã được đăng trên báo văn nghệ Trung ương.
Ngó về Chí Thanh - Ngân Sơn
Núi không cao lắm căm hờn ngút cao
Ai ơi có nhớ hôm nào
Quân Ngô Đình Diệm bắn vào dân ta
Giáo lương trai gái trẻ già
Máu pha chung máu, thây hòa chung thây
Bến sông Phường Lụa còn đây
Hòn Chồng còn đó, hận này nào quên!
Từ cuối năm 1954 đến năm 1958, cán bộ cách mạng, đảng viên và quần chúng nhân dân bị địch đàn áp, khủng bố ác liệt. Hàng vạn người đã bị địch khủng bố, bắt, giết, tù đày, tra tấn. Đặc biệt là ở các tỉnh tự do cũ: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, Đảng ta không dùng bạo lực vũ trang chống địch cho nên quân địch càng hung hăng. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm đã hoàn toàn phá bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 đầu năm 1959, phát động phong trào chống Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam bằng bạo lực vũ trang, chính trị và binh địch vận, phong trào cách mạng của quần chúng có chuyển biến tích cực. Năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Các đoàn thể giải phóng trong đó có Hội văn nghệ giải phóng được thành lập.
Ở Liên khu V, lúc này các tổ chức mặt trận và đoàn thể giải phóng cấp khu được mang tên địa phương là "Miền Trung - Trung Bộ".
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn Khu ủy V, các bộ phận công tác văn nghệ từng bước được tổ chức từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, từ khu đến tỉnh, huyện, xã. Được sự chi viện của Trung ương, đầu năm 1961, một nhóm văn công 3 người là Phạm Thủy, Nay Quách, Hiền Minh người Khu V tập kết ra Bắc trở về cùng với cán bộ tại chỗ làm nòng cốt tổ chức các công tác văn nghệ. Tháng 6-1961 một số cán bộ văn nghệ của Tuyên huấn khu được điều động sang Cục Chính trị Quân khu, phối hợp tổ chức Đoàn Văn công giải phóng Quân khu V. Đồng chí Phạm Thủy (tức Phạm Tân) được chỉ định làm trưởng đoàn. Vào khoảng cuối năm, nhạc sĩ Thanh Anh được bổ sung vào Ban chỉ huy đoàn.
Miền núi là căn cứ kháng chiến của Khu cho nên các tổ chức văn nghệ đầu tiên cũng được hình thành từ miền núi. Hai đồng chí cán bộ văn nghệ đầu tiên được phân công xây dựng phong trào văn nghệ miền núi là Hiền Minh (biên đạo múa) và Nay Quách (tức Nay Len), cán bộ văn nghệ Tây Nguyên. Bắt đầu từ năm 1962, các hoạt động xây dựng phong trào văn nghệ miền núi từng bước phát triển. Nổi bật là việc xây dựng thành công đoàn văn công giải phóng tỉnh Kon Tum và đoàn văn công giải phóng miền Tây tỉnh Quảng Nam. Hoạt động của 2 đoàn chủ yếu là biểu diễn ca múa nhạc phục vụ nhân dân, tuyên truyền kháng chiến, bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, kể cả ốm đau, đói kém, nhưng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển của phong trào văn nghệ hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và cả miền Trung Trung Bộ.
Ít lâu sau, đoàn văn công giải phóng tỉnh Gia Lai và đoàn văn công giải phóng Quảng Ngãi, Tây Bình Định cũng được thành lập. Hai đoàn Gia Lai và Kon Tum trở thành nòng cốt xây dựng đoàn văn công miền núi Khu V. Ban Tuyên huấn khu cũng thành lập đoàn văn công giải phóng khu V với số lượng nghệ sĩ biểu diễn được tăng cường, phương tiện nhạc cụ cũng được trang bị tốt hơn, địa bàn hoạt động rộng rãi hơn và chất lượng nghệ thuật được nâng cao.
Đoàn văn công giải phóng khu V vừa thành lập chưa được bao lâu thì được cử vào Trung ương cục phục vụ Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam họp ở miền Đông Nam Bộ. Đồng chí Nay Quách được cử làm trưởng đoàn. Đoàn gồm có 20 cán bộ và diễn viên, trong đó non một nửa là nữ. Sau khi phục vụ đại hội mặt trận, đoàn đã đi biểu diễn phục vụ đồng bào và diễn ở nhiều tỉnh thuộc miền Đông và miền Tây Nam Bộ đã được hoan nghênh nồng nhiệt.
Từ sau Nghị quyết Trung ương lần thứ 15, phong trào cách mạng ở Liên khu V phát triển ngày càng mạnh. Tháng 8-1959 cuộc khởi nghĩa qui mô toàn huyện nổ ra ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Nhân dân nổi dậy diệt địch, giành chính quyền, làm chủ nhiều xã trong huyện. Đến năm 1960, một cuộc đồng khởi mạnh mẽ nổ ra ở xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Liên tiếp sau đó, phong trào nhân dân được lực lượng vũ trang giúp sức đã phá tan ách kìm kẹp của địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở đồng bằng và miền núi. Năm 1962, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ thành lập. Lực lượng văn nghệ của các tỉnh và khu cũng phát triển. Những người có khả năng sáng tác, nhất là thơ, đã viết một số bài thơ thể hiện lòng yêu nước, căm thù địch, dùng vũ khí văn nghệ chống địch. Một số bài thơ và bút kí, thư tố cáo tội ác giặc đã vượt Trường Sơn gửi đăng báo ở miền Bắc với ghi chú "Bài từ miền Nam gửi ra". Một số thư đã được tập hợp in trong các tập "Từ tuyến đầu Tổ quốc" xuất bản ở Hà Nội.
Thời kỳ này, lực lượng văn nghệ Khu V được miền Bắc chi viện thêm một cây bút vững vàng là nhà văn Phan Tứ (Lê Khâm) và một số cây bút trẻ rất hăng hái như Ngọc Anh, Phan Đình Côn, bên văn nghệ quân đội có thêm Thái Nguyên Chung (Nguyễn Chí Trung), Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành), Hà Đức Trọng (Thu Bồn), Liên Nam...
Từ năm 1964 - 1966, lực lượng văn nghệ trong và ngoài quân đội của khu lần lượt được bổ sung nhiều nghệ sĩ có tên tuổi thuộc nhiều ngành văn học, nghệ thuật như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, đạo diễn Nguyễn Khánh Cao, nhà thơ Vương Linh, các họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, Siu Man, Ca sĩ Thanh Đính, Châu Hoàn, Trần Việt Sơn, Trần Hữu Chất, một số sinh viên văn khoa mới tốt nghiệp, sau này trở thành nhà văn có nhiều sáng tác như Chu Cẩm Phong (Trần Tiến), các nghệ sĩ múa Phương Thảo, Phương Anh...
Ở các tỉnh có những cây bút trẻ xuất hiện: Quảng Nam - Đà Nẵng có Đoàn Xoa, Hoài Hà, Vũ Dương; Quảng Ngãi có Vũ Hải Đoàn, Nguyễn Trung Hiếu; Bình Định có Hà Giao, Xuân Phước; Phú Yên có Văn Công..., cực Nam Trung Bộ có Phan Minh Đạo...
Một số tác phẩm văn thơ trong giai đoạn này được bạn đọc hoan nghênh như các truyện "Về làng, "Gia đình má Bảy" của Phan Tứ, trường ca "Bài ca chim Chơ Rao" của Thu Bồn, "Bức thư làng Mực" của Nguyễn Chí Trung, "Đường chúng ta đi" (tùy bút), "Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông" (ký) của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), "Bóng cây Kơ-nia" thơ của Ngọc Anh...
Năm 1965 đánh dấu bước ngoặt mới của văn nghệ Khu V. Tiểu ban Văn nghệ trực thuộc Ban Tuyên huấn khu được thành lập do đồng chí Hồ Quốc Phương (Hồ Dưỡng) làm trưởng tiểu ban. Lãnh đạo tiểu ban còn có đồng chí Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc, Vương Linh...
Lúc này ở cơ quan Tiểu ban Văn nghệ có các cán bộ là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, đạo diễn Nguyễn Khánh Cao, nhà thơ Vương Linh, Ca sĩ Thanh Đính và nhiều cán bộ trẻ rất năng nổ.
Từ năm 1965 về sau, Trung ương tiếp tục chi viện cho nhiều trường Khu V, nhiều cán bộ văn nghệ thuộc ngành văn, thơ, họa, nhạc, quay phim, biên kịch, đạo như như Văn Cận, Dương Thị Xuân Quý (nhạc), Cao Duy Thảo, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Nguyễn Mỹ (văn, thơ), Phương Thảo, Phương Anh (múa), Kpá Na Nao, Kpa Púi, Trần Việt Phong, Trần Hữu Chất, Hà Xuân Phong, Giang Nguyên Thái, Phạm Hồng (họa), Trần Thế Dân, Nguyễn Giá, Trần Văn Thủy (điện ảnh)...
Tiểu ban Văn nghệ đã chú ý đào tạo cán bộ múa hát cho địa phương. Đạo diễn Khánh Cao, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, các diễn viên múa Phương Thảo, Phương Anh đã về các tỉnh, huyện trong khu mở lớp huấn luyện biểu diễn dân ca Bắc, Trung, Nam, sắc bùa, kịch vui, tấu, bài chòi. Mở lớp nghệ thuật ở khu cho học viên các tỉnh Tây Nguyên, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi về học trong 3 tháng. Họ trở thành nòng cốt cho các đoàn văn công các tỉnh, huyện.
Nhờ sự chi viện của Trung ương, năm 1965, Khu tổ chức đoàn nghệ thuật Tuồng và Dân ca Bài Chòi có các diễn viên nổi tiếng như Sỹ Thừa, Kim Hùng, Hải Liên, Hồng Ân, Hữu Ích...
Đoàn đã đi biểu diễn nhiều nơi trong khu, có ảnh hưởng rất lớn, gây phấn khởi trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Năm 1966, đoàn đã đi biểu diễn ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, bị lọt vào vòng vây càn quét của địch. Hầu hết diễn viên của đoàn bị bắt đày ra nhà tù đảo Phú Quốc, trong đó có Sỹ Thừa, Kim Hùng, Hải Liên. Trước sự khủng bố của địch, anh chị em đã giữ vững khí tiết của người nghệ sĩ, chiến sĩ cách mạng, không khuất phục địch. Đặc biệt, trong phong trào vũ trang tuyên truyền lúc đầu khi mới vùng lên, có những cán bộ về trong thôn xã triệu tập đồng bào để nói chuyện, đồng bào sợ mắc mưu địch không dám đến nghe nhưng khi có một anh trong đội vũ trang cất lên tiếng hát Bài Chòi thì đồng bào liền xúm quanh lại, biết đúng là "mình" nên không còn sợ sệt, giữ gìn gì nữa.
Nhân dân say mê dân ca Bài Chòi, những vở kịch hát Bài Chòi trong chương trình biểu diễn của các đoàn văn công khu, tỉnh và quân giải phóng của miền. Nhiều bài ca, vở diễn đã đi vào lòng dân như: "Quảng Nam trong cánh chim bằng" của Phạm Liên Châu, "Gương em Vũ Bảo" (thiếu niên Bình Định), "Bốn dũng sĩ Nghĩa Hiệp" (Quảng Ngãi) của Đặng Phú Hà, "Một mạng người" (Hồng Hải chuyển từ kịch nói). Những đoạn trích, những vở từ miền Bắc gửi vào hoặc do các diễn viên các đoàn ghi chép qua Đài Tiếng nói Việt Nam như: "Tiếng sấm Tây Nguyên" (trích đoạn) của Thanh Nha và Thế Lữ, "Đêm" (từ kịch nói của Nguyễn Văn Niệm) được đông đảo người xem ca ngợi. Những vở kịch "Bà mẹ Gò Nổi" của Phan Trần, "Người con cái quê tôi" của Trần Chức viết về người phụ nữ của tỉnh Quảng Nam, "Ba cha con" của Phan Trần, "Trước giờ xuất kích", "Bà mẹ cầm súng" của Ngọc Kỳ (theo truyện "Người con gái đất Quảng") của Nguyễn Trung Thành.
Đồng bào quí mến, săn sóc như em, như con các diễn viên An Giang, Văn Bảy, Hải Ân, Hùng Lợi, Mai Xuân, Minh Đức, Văn Giới, Hồ Thủy, Thu Vân, Ánh Tuyết, Ngọc Kỳ của đoàn văn công giải phóng quân khu.
Tháng 3-1965, quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ bờ biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ ở Việt Nam. Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt ở Khu V và cả miền Nam. Vùng tự do bị địch lấn chiếm, căn cứ kháng chiến từ huyện, tỉnh đến khu đều bị đánh phá dữ dội. Lực lượng cách mạng bị tổn thất lớn, trong đó cán bộ văn nghệ sĩ cũng bị mất mát rất nhiều.
Nhưng hoạt động sáng tác biểu diễn văn nghệ vẫn rất sôi nổi từ các tỉnh, đặc biệt là ở căn cứ kháng chiến miền núi rộng lớn. Lực lượng văn nghệ từ xã đến khu đã phát triển đông đảo và phong phú, đã thực sự có phong trào toàn dân làm văn nghệ. Đội ngũ văn nghệ chuyên nghiệp và nửa chuyên nghiệp cũng lớn mạnh hơn nhiều so với bất cứ thời kì nào trước đây. Riêng ở tỉnh Quảng Đà, lực lượng này đã có trên 4.000 người. Huyện Điện Bàn ở ngay vùng Mỹ đóng quân đã có 1.448 diễn viên nam nữ chuyên nghiệp và nửa chuyên nghiệp. Một xã A ở Gia Lai nằm sát nách căn cứ lớn của Mỹ ở An Khê đã có 30 đội văn công văn nghệ từ xã đến thôn, bản. Tất cả các tỉnh trong Khu, một số huyện và đơn vị quân giải phóng đều có đội văn công, có tỉnh có đến hai, ba đội. Nhiều tác phẩm văn nghệ, những câu ca dao, hò, vè, thơ, ca quần chúng ngắn gọn, nhỏ lẻ về hình thức, thể tài nhưng sâu sắc tính hiện thực và thắm đượm tinh thần thời đại đã xuất hiện như những đóa hoa rực sáng giữa khói lửa chiến tranh ác liệt. Một số tác phẩm tiêu biểu của văn nghệ sĩ chuyên nghiệp đã được giải thưởng lớn như các tác phẩm được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Phan Tứ (Lê Khâm), Thu Bồn...
Ngoài ra còn có các mảng thơ ca của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt đã sáng tác trong các nhà tù của đế quốc, tố cáo tội ác của địch, nêu cao chí khí của người cách mạng, cổ vũ tinh thần yêu nước, đấu tranh chống địch rất mãnh liệt. Rất tiếc là những sáng tác này chưa được chú ý sưu tầm đầy đủ.
Càng về sau này, lực lượng văn nghệ sĩ Khu V được bổ sung từ Trung ương vào ngày càng nhiều. Năm 1970, Trung ương đã chi viện cho một bộ khung để thành lập đoàn Tuồng hát Bội do anh Trần Hưng Quang làm đoàn trưởng có các diễn viên thành thạo nghề như: Cao Đình Cựu, Xuân Viên...
Từ khi thành lập, đoàn đã đi biểu diễn nhiều nơi trong Khu, có tác động rất lớn.
Vừa chăm lo công tác sáng tác và biểu diễn, Chi hội Văn nghệ Khu tiếp tục chăm lo đào tạo xây dựng lực lượng, cử cán bộ, đạo diễn có năng lực đi mở lớp đào tạo cán bộ làm công tác nghệ thuật sân khấu cho các tỉnh. Cuối năm 1972, Khu thành lập Trường Nghệ thuật do đạo diễn Khánh Cao và biên đạo múa Hiền Minh phụ trách.
Năm 1971, Trung ương đã chi viện cho Khu V một đoàn gồm 21 anh chị em viết văn trẻ: Nguyễn Khắc Phục, Hà Phan Thiết, Đỗ Văn Đông, Bùi Thị Chiến, Hoàng Minh Nhân, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Bá Thâm, Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh, Từ Quốc Hoài, Phan Nghĩa An, Nguyễn Trí Huân, Hoàng Hởi, Nguyễn Bảo, Nay Nô... Giữa năm 1972, Trung ương lại chi viện cho một đoàn họa sĩ đã tốt nghiệp Đại học và Trung cấp Mỹ thuật: Lê Khắc Cường, Triệu Khắc Lễ, Đoàn Văn Nguyên, Lê Văn Thìn, Trần Trung Chính...
Các anh đã có những đóng góp xứng đáng cho văn nghệ Khu V. Sau này một số người đã trở thành những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ có tên tuổi.
Trong những điều kiện chiến đấu hết sức gay go, gian khổ, quyết liệt, những khó khăn nhất của cách mạng, từ khi Mỹ ngụy chiếm đóng miền Nam, qua chiến tranh đặc biệt đến chiến tranh cục bộ do đế quốc Mỹ và tay sai tiến hành, văn nghệ cách mạng ở Liên khu V vẫn luôn có mặt trong nhân dân, bám sát mọi nhiệm vụ của cách mạng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, xây dựng con người mới quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược trên quê hương miền Trung Trung Bộ. Văn nghệ cách mạng đã đánh bại mọi âm mưu nô dịch văn hóa, văn nghệ phản động, thậm độc và điên cuồng của địch.
Cho đến năm 1967, lực lượng văn nghệ Khu V đã phát triển đông đảo và phong phú chưa từng có với nhiều tài năng, đã thành một phong trào văn nghệ quần chúng rộng rãi.
Từ ngày 1 đến ngày 10-1-1967, Đại hội Văn nghệ Giải phóng khu Trung Trung Bộ đã được tổ chức tại Nước Vin, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam - Vùng căn cứ kháng chiến của Khu V. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại của văn nghệ Khu V trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong 10 ngày họp, Đại hội đã nghe và thảo luận hơn 20 báo cáo, tham luận, phát biểu ý kiến, kể chuyện điển hình. Đại hội đã tổng kết và đánh giá hoạt động của văn nghệ Khu V từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đặc biệt là từ sau khi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ năm 1962 đến năm 1967, biểu dương những thành tích to lớn của văn nghệ toàn khu là đã động viên quần chúng hăng hái chiến đấu chống địch, thực sự trở thành một mũi tiến công mãnh liệt vào kẻ thù xâm lược và tay sai.
Tại Đại hội, lực lượng văn nghệ khu đã được trao tặng 15 huân chương giải phóng các loại, 92 bằng khen và nhiều tặng phẩm cho những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trên trận tuyến văn học nghệ thuật.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 24 thánh viên (và dành một số ủy viên chấp hành cho các văn nghệ sĩ trong vùng bị địch kiểm soát).
Ban Thường vụ: Chi hội trưởng: Nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Chi hội phó: Đạo diễn sân khấu Khánh Cao, nhà thơ Hải Lê (Vương Linh), nhạc sĩ Huy Quang (Phan Huỳnh Điểu). Các ủy viên thường vụ: Nhạc sĩ Văn Cận, nhà nghiên cứu văn học Như Cảnh, họa sĩ Vĩnh Nguyên, nhà văn Nguyễn Chí Trung. Các ủy viên chấp hành: Y Bâk (nữ, đoàn trưởng văn công, dân tộc Triêng), nhà thơ Thu Bồn, nhà thơ Văn Công, diễn viên múa Trương Thị Điệu, nhà quay phim Trần Đống, nhà nghiên cứu âm nhạc Lâm Hồng Hải, họa sĩ Châu Hoàn, đoàn trưởng văn công Nay Len (dân tộc Gia Rai), họa sĩ Sa Man (dân tộc Ba Na), ký giả kịch trường Tân Nhân, nhà thơ Cao Phương, biên đạo múa Giang Nga (dân tộc Triêng), nhà thơ Xuân Phước, nghệ sĩ tuồng Trần Ngọc Tư.
Chi hội văn nghệ khu đã phát động cuộc thi sáng tác phục vụ nhiệm vụ chính trị "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, tất cả để giành chính quyền về tay nhân dân" và cuộc vận động tiến tới hội diễn văn nghệ các cấp.
Chi hội đã xuất bản tờ tạp chí "Văn nghệ giải phóng" do nhà văn Nguyễn Trung Thành làm chủ nhiệm, nhà văn Nguyễn Chí Trung và nhà thơ Hải Lê làm thư ký tòa soạn. Tạp chí khổ 14 x 21cm, mỗi kỳ xuất bản từ 100 đến 150 trang. Từ 1968 đến tháng 4-1975, trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tạp chí đã xuất bản 23 số.
Chi hội cũng đã xuất bản một số tiểu thuyết, truyện ngắn, tuyển tập thơ miền Trung (1960 - 1973).
Các tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên cũng lần lượt mở Đại hội thành lập Phân hội văn nghệ tỉnh.
Quân khu V cũng xuất bản một tạp chí Văn nghệ quân giải phóng. Hai tháng sau khi thành lập Chi hội Văn nghệ giải phóng, tất cả các binh chủng văn nghệ đã khẩn trương hoạt động phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy đầu xuân Mậu Thân 1968. Sau cuộc tổng tiến công, cuộc chiến đấu chống Mỹ trên chiến trường Khu V diễn ra cực kỳ ác liệt. Có thể nói 2 năm 1968, 1969 là thời kỳ ác liệt nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quân dân ta bị nhiều tổn thất, trong đó một số văn nghệ sĩ Khu V đã anh dũng hy sinh như nhạc sĩ Văn Cận, diễn viên múa Phương Thảo, nhà quay phim Nguyễn Giá, nhà văn Dương Thị Xuân Quý... Cả đoàn văn công Quảng Nam - Đà Nẵng, 11 người đã hy sinh cùng một lúc ở Điện Bàn (Quảng Đà).
Dù bị tổn thất, hoạt động văn nghệ vẫn giữ vững và phát triển. Chính trong thời kỳ này, nhiều tác phẩm văn, thơ, hội, họa, nhạc... có chất lượng nghệ thuật đã ra đời: tiểu phẩm "Đất Quảng" của Nguyễn Trung Thành, tranh của Nguyễn Thế Vinh, Hà Xuân Phong, nhạc của Phan Huỳnh Điểu, thơ của Thu Bồn, Dương Hương Ly, phim của Trần Văn Thủy, Trần Thế Dân...
Đầu năm 1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Vùng giải phóng được củng cố và mở rộng. Lực lượng cách mạng lớn mạnh vượt bậc. Lực lượng văn nghệ trên chiến trường Khu V cũng phát triển vượt bậc ở tất cả các ngành văn, thơ, họa, nhạc, dân ca, điện ảnh... cả sáng tác và biểu diễn. Nổi bật là các hoạt động sâu rộng, của các đoàn văn công và điện ảnh, lực lượng làm phim và thiết bị điện ảnh được tăng cường.
Tháng 9-1973, theo đề nghị của nhà thơ Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương (đang đi công tác ở miền Nam, ghé qua Khu V), Chi hội Văn nghệ giải phóng Khu V được đổi thành Hội Văn nghệ giải phóng Khu V (hay Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ). Từ nay Hội Văn nghệ giải phóng Khu V là tên chính thức.
Tháng 3-1975, cuộc tổng tiến công lịch sử mở đầu giai đoạn tổng phản công giải phóng hoàn toàn miền Nam nổ ra ở Ban Mê Thuột. Lực lượng văn nghệ Khu V đã có mặt trong các đội hình tiến công và nổi dậy của các quân, binh chủng trên khắp các địa bàn xung yếu của Quân khu V, từ Tây Nguyên đến các tỉnh đồng bằng, các đô thị, ven biển, trong đó có căn cứ chiến lược Đà Nẵng của địch. Anh chị em ăn nghệ sĩ đã tham gia giải phóng hoàn toàn các tỉnh Khu V từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Bình Thuận.
Ngay sau khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được giải phóng, đầu tháng 4 năm 1975, Hội Văn nghệ giải phóng Khu V đã được dời trụ sở từ miền núi về đóng ở Đà Nẵng. Hội đã phải giải quyết hàng loạt chuyện mới mẻ, phức tạp. Hội tổ chức ngay một lực lượng tham gia cuộc hành quân thần tốc, chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn đồng thời lấy trụ sở ở số 10 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng làm trạm đón tiếp, tổ chức cho văn nghệ từ khắp nước đến Đà Nẵng để tiếp tục tiến vào Nam Bộ.
Cuối năm 1975, Trung ương chủ trương giải thể cấp khu. Hội Văn nghệ giải phóng Khu V cũng giải thể vào đầu năm 1976 sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Các đồng chí lãnh đạo Quân khu V cùng với Hội Văn nghệ giải phóng Khu V đã phối hợp tổ chức một trại sáng tác, tập hợp một số cán bộ viết văn do nhà văn Nguyễn Chí Trung phụ trách để anh chị em có điều kiện ngồi viết. Trong 3 năm ở trại, hưởng lương quân đội, các anh đã viết được những tác phẩm tâm huyết của mình về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Một số người đã trở thành nhà văn và tác phẩm văn học được bạn đọc hoan nghênh như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi, Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Ngô Thế Oanh, Thanh Thảo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo...
Trong suốt 21 năm chống Mỹ cứu nước, các văn nghệ sĩ hoạt động trên chiến trường Khu V đã có nhiều công hiến xuất sắc. Rất nhiều tác phẩm văn thơ, nhạc kịch, tuồng, dân ca, họa, phim... có giá trị đã được in, phổ biến và tái bản nhiều lần, góp phần to lớn vào thành tích văn nghệ nước nhà.
Hàng chục văn nghệ sĩ đã hy sinh trên chiến trường Khu V trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước như Ngọc Anh, Phan Đình Côn, Văn Cận, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quí, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Giá, Phương Thảo, Hà Xuân Phong...
Hơn 20 năm hoạt động, lực lượng văn nghệ Khu V đã gắn bó máu thịt với cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng, đã phát huy tác dụng rất lớn lao. Văn nghệ đã có sức truyền cảm, giáo dục, thuyết phục, động viên quần chúng và tấn công mạnh mẽ kẻ thù trong những ngày đen tối cũng như trong cuộc chiến đấu quyết liệt, toàn diện với quân địch. Văn nghệ đã kết hợp chặt chẽ với các mũi tấn công vũ trang, chính trị và binh địch vận, thực sự trở thành một mũi tấn công mãnh liệt có hiệu quả.
Những đặc điểm trở thành truyền thống của văn nghệ Khu V là ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ mà biểu hiện rõ nhất là tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi thử thách ác liệt của chiến tranh.
- Luôn luôn giữ vững đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng trong mọi hoạt động văn nghệ. Đó là nhân tố quyết định để xây dựng và phát triển sự nghiệp văn nghệ, tạo ra tác giả và tác phẩm.
- Tính tổ chức và tinh thần đoàn kết luôn được nâng cao trong hoàn cảnh bị bao vây, chia cắt, bị quân địch tiến công, chia rẽ hòng làm suy yếu lực lượng cách mạng.
- Văn nghệ Khu V luôn đặt mình trong vị trí là một bộ phận của văn nghệ cả nước, là một binh chủng của cách mạng, kề vai sát cánh với đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Luôn coi trọng bản sắc dân tộc, tính dân tộc trong đời sống, sự nghiệp, phát huy tài năng phong phú đa dạng của văn nghệ dân gian.
- Có ý chí vươn lên, tinh thần sáng tạo, không giáo điều, dập khuôn. Do đó đã tạo nên được những tác phẩm phản ánh được đặc điểm của cuộc chiến tranh của chiến trường Khu V.
(vanhoavaphattrien.vn)