Khởi động Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) do Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 25-TTg ngày 19/01/1993 và giao cho Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đây là Giải thưởng chính thống cao nhất, có uy tín lâu đời nhất về Kiến trúc tại Việt Nam và được Nhà nước Việt Nam công nhận là cơ sở để xét tặng các Giải thưởng Quốc gia cao quý khác bao gồm: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như các Giải thưởng quốc tế về thành tựu kiến trúc… Tác giả đoạt GTKTQG sẽ được miễn điều kiện phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) khi gia hạn Chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
GTKTQG được tổ chức xét chọn, trao giải định kỳ 2 năm 1 lần, đối với các thể loại công trình, tác phẩm gồm: Kiến trúc công trình (Kiến trúc nhà ở, Kiến trúc công cộng, Kiến trúc công nghiệp, Công trình đặc biệt, Bảo tồn và thích ứng di sản kiến trúc); Kiến trúc nội - ngoại thất và Kiến trúc cảnh quan - Thiết kế đô thị; Quy hoạch (Quy hoạch đô thị, Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, Quy hoạch xây dựng vùng huyện và Quy hoạch nông thôn, Quy hoạch xây dựng các khu chức năng); Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình kiến trúc (Tác phẩm nghiên cứu kiến trúc và Tác phẩm lý luận, phê bình kiến trúc, Tạp chí chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch, Tác phẩm điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình về kiến trúc).
Đối tượng dự giải là công dân Việt Nam có tác phẩm, công trình ở trong và ngoài nước; tác giả là công dân nước ngoài có tác phẩm và công trình kiến trúc tại Việt Nam với một số điều kiện. Các công trình kiến trúc - Thể loại A, B đã hoàn thành xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng trước hạn nộp hồ sơ dự giải; Đồ án quy hoạch - Thể loại C được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước hạn nộp hồ sơ dự giải (khuyến khích các quy hoạch đã thực hiện hoàn chỉnh hoặc đa phần); Tác phẩm Nghiên cứu - lý luận - phê bình kiến trúc - Thể loại D đã được in ấn, xuất bản, phát hành, công chiếu trước hạn nộp hồ sơ dự giải.
Các công trình và tác phẩm chưa từng tham dự GTKTQG nào, đáp ứng các tiêu chí chung gồm: Ý tưởng thiết kế có tính mới, sáng tạo kiến trúc theo hướng tiên tiến, hiện đại. Chú trọng tính bản sắc, bản địa, có ý nghĩa văn hóa, xã hội và nhân văn. Khuyến khích sáng tạo theo tiêu chí Kiến trúc Xanh Việt Nam và các tiêu chuẩn Kiến trúc xanh thế giới đang áp dụng. Khuyến khích các tác phẩm có tính lan tỏa cộng đồng, góp phần định hướng kiến trúc một cách tích cực.
Tác giả tác phẩm đạt GTKTQG 2022 - 2023 sẽ được trao Cúp, Bằng chứng nhận và phần thưởng cho mỗi giải. Cụ thể: Giải thưởng Lớn (50.000.000đ); Giải Vàng cho mỗi thể loại, hạng mục chuyên ngành (30.000.000đ); Giải Bạc cho mỗi thể loại, hạng mục chuyên ngành (20.000.000đ); Giải Đồng cho mỗi thể loại, hạng mục chuyên ngành (10.000.000đ); 01 Giải thưởng cho tác phẩm được Cộng đồng bình chọn (10.000.000đ); Bằng khen "Kiến trúc sư Trẻ tiêu biểu" dành cho kiến trúc sư dưới 35 tuổi đoạt giải thưởng Lớn, Giải Vàng hoặc Bạc (10.000.000đ); Bằng khen Đơn vị/ Tập thể dành cho các Chi Hội, Hội KTS cơ sở hoặc đơn vị đạt nhiều thành tích nhất tại GTKTQG 2022-2023 (10.000.000đ); Giải thưởng "Vì sự phát triển kiến trúc" dành cho các chủ đầu tư có công trình đoạt giải thưởng cao và có đóng góp tích cực trong việc đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng tiên tiến, bền vững, giải quyết được những vấn đề cấp thiết trong xã hội…
Các tác phẩm/tác giả đoạt giải cao sẽ được Hội KTSVN đề cử lên cấp có thẩm quyền để xét trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Tác phẩm đoạt giải sẽ được công bố và giới thiệu trong Sách GTKTQG, cũng như các phương tiện truyền thông của Hội KTSVN, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Hạn gửi hồ sơ tác phẩm dự thi đến ngày 30/11/2022.