Phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân

09.12.2019

Phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân

 Phong cách tôn trọng nhân dân của Hồ Chí Minh thể hiện nhiều cách. Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình.

Phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân xuất phát một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước, vì dân của Người. Hồ Chí Minh là con người sinh ra từ nhân dân, sống giữa lòng dân và cuối đời lại muốn trở về với nhân dân, làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em, chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi. Người thường nói không có nhân dân thì không có Bác. Hồ Chí Minh có trái tim đập cùng nhịp, có tâm hồn biết xót xa đến thân phận của những người cùng khổ, của nhân dân. Chính nhân cách lớn và cuộc đời oanh liệt của Hồ Chí Minh đã tạo ra phong cách tôn trọng nhân dân ở Người.

Đứng ở đỉnh cao quyền lực 24 năm từ năm 1945 đến năm 1969 nhưng Hồ Chí Minh không bao giờ hành xử như một người có quyền. Người luôn luôn coi nhân dân là chủ, giữ địa vị cao nhất, còn mình chỉ là người đày tớ trung thành của dân, phục vụ nhân dân. Khi được Quốc hội giao giữ vị trí Chủ tịch Chính phủ, Người coi việc “phải gánh chức Chủ tịch là do đồng bào ủy thác”, đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch là thực hiện mệnh lệnh của Tổ quốc và nhân dân. Vì vậy, khi nào “đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”. Đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến giữa chừng, Người dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”” thật bất ngờ nhưng cũng thật dễ hiểu, vì đó là bản tính bình dị, hồn nhiên của Người luôn đề cao đồng bào, không đặt mình đứng trên nhân dân. Về thăm lại Pác Bó, Cao Bằng năm 1961, thấy đồng bào tổ chức đón tiếp, Người nói: “Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi!”. Kêu gọi kháng chiến, kiến quốc, xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh thường đặt “đồng bào” lên vị trí hàng đầu. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “từ trong quần chúng, trở lại nơi quần chúng”, và phải “theo đúng đường lối nhân dân”.

 

Phong cách tôn trọng nhân dân của Hồ Chí Minh thể hiện nhiều cách. Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, vì “quần chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”; tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng theo tinh thần lãnh đạo là đày tớ, quần chúng là chủ. Người không bao giờ tự đặt mình cao hơn người khác để đòi hỏi một sự tâng bốc, suy tôn; không bao giờ tỏ ra vĩ đại để đòi hỏi nhân dân thừa nhận mình là vĩ đại. Hồ Chí Minh có cách giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân, thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người. Người có sự độ lượng, khoan dung, nâng con người lên, chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người.

Hồ Chí Minh yêu trẻ, kính già, trọng phụ nữ. Đón các cháu thiếu niên, nhi đồng, Người nói với các đồng chí phục vụ rằng “ở nhà các cháu là con, là cháu của các chú, nhưng vào đây các cháu là khách của Bác”. Nhiều chuyện kể cho ta biết về phong cách Hồ Chí Minh tôn trọng phụ nữ như việc Người quan tâm một tỷ lệ nữ thích đáng trong lãnh đạo, số lượng phụ nữ dự các hội nghị và bao giờ Người cũng mời đại biểu phụ nữ lên ngồi những hàng ghế trên. Trong Di chúc, Người dặn Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Những điều đó toát lên một tư tưởng lớn về một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.

Hồ Chí Minh kính trọng người già với một thái độ khiêm nhường thật sự, “vô tiền khoáng hậu”, thể hiện một nhân cách văn hóa. Là một lãnh tụ được tôn vinh là “cha già dân tộc”, được các tầng lớp nhân dân, cả bè bạn thế giới gọi là Bác Hồ, nhưng Hồ Chí Minh vẫn xưng hô mình là cháu đối với cụ Phùng Lục 90 tuổi, một phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) đã đem món tiền 500 đồng kính dâng Chủ tịch để sung vào Quỹ kháng chiến kiến quốc vào hồi tháng 2/1948.

Phương Nam
(congly.vn)