Hình ảnh Bác Hồ trong thơ một số tác giả Đà Nẵng
Bác Hồ, ký họa của Phan Kế An
Qua các bài thơ viết về Bác trên tập chí Non Nước và nhát là tập thơ Gởi lòng con đến cùng Cha, do Hội nhà văn Đà Nẵng biên soạn, Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tôi có dịp được đọc các bài thơ viết về Bác Hồ của những cây bút từng công tác, chiến đầu ở Quảng Nam - Đà Nẵng và khu V trước đây cũng như các cây bút hiện đang sống và công tác tại Đà Nẵng. Có thể coi đây như tấm lòng, những nén tâm hương tưởng nhớ Bác của những đứa con ở khúc ruột miền Trung. Tôi xin được ghi lại đôi cảm xúc khi đọc những bài thơ viết về Bác của các tác giả Đà Nẵng.
Nghe tin Bác mất, từ chiến trường miền Nam, nhà thơ Thu Bồn đã Gửi lòng con đến cùng Cha để thắp nén hương viếng Bác. Bài thơ là tiếng lòng, là tình cảm tri ân của những người con miền Nam thành đồng nhớ Bác khôn nguôi:
“Hẳn trong đôi mắt sáng ngời
Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam
Con qua Cẩm Lệ sông Hàn
Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha”.
Nhà thơ đã nói lên được nỗi niềm của miền Nam mong đợi Bác. Bao yêu thương, mong chờ, hy vọng, hình ảnh Bác vẫn vẹn nguyên trong trái tim của những người con phương Nam:
“Bác nằm lòng trải ven đê
Quả tim khuya sớm đi về miền Nam
(…)
Mà con trông đợi Bác vô
Ngắm phương Bắc nhớ Thủ đô quặn lòng
Con xin gửi nắm đất nồng
Chắn che giữ nước sông Hồng đương lên
Cho con làm một mũi tên
Xòe nǎm cánh nhọn giương trên thành đồng”.
Tranh của Hoàng Hoa Mai
Dù chưa một lần được gặp lãnh tụ kính yêu nhưng trong tâm khảm của những người con miền Nam, Bác Hồ luôn dõi theo trong từng bước đi và trở thành động lực để chiến đấu, quyết tâm diệt Mỹ, đón Bác vào thăm.
“Người Tây Nguyên thạo tay ná
Cắm hàng rừng chông
Người Tây Nguyên thương Book Hồ lắm
Nhớ Book Hồ luôn
Tây Nguyên quyết diệt Mỹ
Đón Book Hồ vô thăm”
(Bài ca Book Hồ - Lê Huy Hạnh)
Có thể nói nỗi tiếc thương và những tình cảm mến yêu dành cho Người vẫn cháy bỏng khôn nguôi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Đó là những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng tất cả đều tựu chung ở một điểm là niềm tiếc thương vô hạn, là nguyện chiến đấu theo những lý tưởng mà Người đã vạch ra cho con đường cách mạng dân tộc.
“Nhớ lời Book Hồ dặn
Dù trường sơn cháy sạch
Cũng đánh giặc đến cùng
Cho ngày mai thống nhất
Thỏa lòng Book Hồ mong”
(Bài ca Book Hồ - Lê Huy Hạnh)
Đọc thơ của các tác giả Đà Nẵng viết về Bác Hồ, chúng ta càng hiểu thêm được tình cảm của những người con nơi khúc ruột miền trung đầy nắng, gió đối với Người. Mỗi bài thơ là cả tấm lòng tri ân của thi nhân tưởng niệm vị Cha già kính yêu của dân tộc. Và qua những vần thơ mộc mạc đó chúng ta khẳng định được rằng: cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở thành một hình tượng nghệ thuật sống động, một bài ca bất hủ về phẩm chất kiên trung, giản dị của người chiến sĩ cách mạng suốt một đời vì nước, vì dân. Người để lại là muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng. Lòng nhân ái Hồ Chí Minh rộng rãi, bao la. Bác thương các cụ già đông về đem biếu lụa, Bác thương đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà, Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương…
“Bát cháo trứng
Những ngày gian khó ở rừng
Bác mang đến cho người cao tuổi
Quả táo ngon
Trong buổi tiệc trọng thể ở Pháp
Bác cầm tay trao cho em bé Paris
(…)
Thăm chiến sĩ Bác tìm nơi ăn, chốn ở
Hôn các cháu nhi đồng Bác gửi cả gấm vóc non sông”
(Những điều đơn giản - Nguyễn Kim Huy)
Lòng nhân đạo bao la của Bác là một di sản quý báu. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: Bác “Ôm cả non sông mọi kiếp người… Nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Từ lòng nhân đạo cao cả ấy, Người đã hy sinh cả cuộc đời cho hạnh phúc của nhân dân, cho hôm nay và cho mai sau.
Hơn 50 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về với thế giới người hiền, thì nỗi tiếc thương và những tình cảm mến yêu dành cho Người vẫn cháy bỏng khôn nguôi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và bạn bè thế giới nói chung, những đứa con miền Nam thành đồng tổ quốc nói riêng. Bụi thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả, nhưng nỗi nhớ về Bác và khát vọng được trở về với Người thì không gì có thể cản nổi, vẫn còn đó những bài giảng của chàng trai Nguyễn Tất Thành khi thi nhân viếng trường Dục Thanh; vẫn còn đó là cột mốc lịch sử 108 nơi Người đặt bước chân đầu tiên về nước mùa xuân năm 1941, là ATK - thủ đô gió ngàn nơi Bác từng làm việc… tất cả vẫn như còn nghe hơi ấm của Người.
“Về đứng nơi đây bến Lán Nà Lừa
“Thủ đô gió ngàn” núi rừng xanh thẳm
Gian lều vắng ngập tình yêu đằm thắm
Như còn mang hơi ấm của Người”
(Như còn nghe hơi ấm của Người – Kim Thạch)
Hay:
“Tôi cuối nhặt viên sỏi nhỏ
Nghe ấm tình Bác nước non xa”
(Bên cột mốc 108 – Nguyễn Nho Khiêm)
Và mỗi khi tưởng nhớ về Người lòng ta như sáng hơn, mỗi con cháu của Người nguyện mang theo những lời dạy của Người, sống chiến đấu và dựng xây đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ trước lúc đi xa.
“Con xin nguyện theo lời Bác dạy
Một ngày còn máu chảy trong tim
Mang lời di chúc thiêng liêng
Con đi, đất ngã trời nghiêng chẳng sờn!...”
(Con nhớ rõ từng lời di chúc – Lưu Trùng Dương)
***
Bằng những cảm xúc riêng của mình, các nhà thơ đã phát hiện những khía cạnh khác nhau trong phẩm chất cao quý Hồ Chủ tịch. Người là linh hồn cho cách mạng Việt Nam với một sứ mệnh cao cả tìm ra con đường cứu nước cho cả dân tộc. Đồng thời. hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên thật gần gũi, đẹp đẽ trong mỗi chúng ta hôm nay.
V.X.T