Chìa khóa để “mở cửa” cuộc sống mới

01.10.2021
Minh Hằng
*Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiêm được gần 37 triệu liều vacxin, đồng thời đã chính thức phê chuẩn có điều kiện 8 loại vacxin gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Vắc xin Spikevax (Tên khác là Moderna), vắc-xin Janssen, vắc-xin Hayat-Vax và vắc-xin Abdala.

Chìa khóa để “mở cửa” cuộc sống mới

*Hiện công tác xét nghiệm, kết hợp tiêm chủng đang được đẩy mạnh trên cả nước nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, sẽ không thể có cuộc sống mới “ Zero 0” nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Bảo vệ “thành quả” của nhân dân

Liên tiếp trong những ngày gần đây tỷ lệ bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh Covid 19 liên tục tăng cao trong khi tỷ lệ mắc và tử vong giảm, cho thấy chiến lược phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị xã hội đã đi đúng hướng, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Nhiều địa phương trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng xây dựng phương án phòng, chống dịch mới phù hợp hơn với điều kiện thức tế, theo tinh thần kiến quyết bảo vệ “ vùng xanh”; “ xanh hóa vùng cam”; “ vùng vàng” và thu hẹp “ vùng đỏ”. Bên cạnh đó là đẩy mạnh xét nghiệm thần tốc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải “ nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh” và khoanh vùng nhỏ nhất, hẹp nhất có thể để không ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp… Đồng thời nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, an toàn, quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch của nhân dân.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia  về phòng chống dịch Covid 19, đến thời điểm hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 100 ngày chống dịch theo các cấp độ 15, 16 và 16 +. Tương tự, thành phố Hà Nội cũng đã trải qua 60 ngày trong trạng thái chống dịch cao nhất 16+, dịch cơ bản đã được khống chế. Hoạt động sản xuất, giao thương trên hầu hết các địa bàn của Hà Nội và “ vùng xanh” của thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương đang chống dịch trên cả nước đã trở lại trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch Covid 19 đã bắt đầu xuất hiện, đe dọa thành quả chống dịch mà chúng ta đã phải đổi bằng rất nhiều sự hy sinh, mất mát, thắt lưng buộc bụng mới có được trong suốt nhiều tháng qua.

Gần đây nhất là tình trạng người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu ( Hà Nội); tập thể dục tại các thành phố lớn; tâm lý ra đường xả hơi tại các vùng xanh đã làm giấy lên lo ngai về một đợt bùng phát dịch mới, và về sức khỏe của hệ thống y tế nói riêng, nền kinh tế nói chung vốn đã và đang kiệt sức, cần thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo quốc gia, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều chỉ thị cụ thể để các địa phương, cấp ngành lấy đó làm kim chỉ nam cho hành động chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh:   “qua gần 2 năm phòng chống dịch, chúng ta đã hiểu rõ hơn về virus và dịch bệnh, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Chúng ta chống dịch trong điều kiện bị động; hầu như toàn bộ trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vaccine và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu; nền kinh tế còn khó khăn; các biện pháp công nghệ cũng chưa bảo đảm; việc phân cấp, phân quyền còn không ít bất cập. Các ý kiến tại cuộc họp đều đánh giá, các giải pháp phòng, chống dịch cơ bản là đúng hướng, phù hợp, hiệu quả trong điều kiện Việt Nam. Các biện pháp về cách ly, xét nghiệm, điều trị, vaccine, an sinh xã hội về cơ bản phù hợp, vấn đề là phải tiếp tục điều chỉnh để lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, có tính hệ thống; tổ chức thực hiện quyết liệt hiệu quả ở các cấp, nhất là cấp cơ sở, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương nhưng linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị. Trong lãnh đạo chỉ đạo phải định hướng cho phù hợp, tăng cường giám sát, kiểm tra để phát hiện, điều chỉnh ngay những gì chưa phù hợp…” Thủ tướng khẳng định, thắng lợi trong phòng, chống dịch bệnh là thắng lợi của nhân dân vì thế, kiên quyết không lơ là, chủ quan và thỏa mãn với những thành quả đã đạt được, nếu để dịch bùng phát trở lại là chúng ta đã lãng phí nguồn lực, đổ sông, đổ bể tất cả những gì chúng ta đã nỗ lực, cố gắng trong suốt thời gian qua.

“Tấm thẻ xanh” trong trạng thái bình thường mới

 Sở Y tế Hà Nội cho biết, 100% người dân trong độ tuổi từ 18 trở lên đã được tiêm mũi 1 và  có 782.077 người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine, đạt 13%. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh tính đến hết ngày 15/9, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm 8.452.609 liều vaccine phòng COVID-19; trong đó gồm 6.667.018 mũi 1 và 1.785.591 mũi 2. Đây là căn cứ đề hai thành phố lớn triển khai các hoạt động nới lỏng giãn cách, dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Theo các chuyên gia y tế, hiện dịch đã được kiểm soát tại  hầu hết các địa phương. Song để có thể yên tâm phục hồi sản xuất và khôi phục lại các hoạt động  chính trị, xã hội thì việc đẩy mạnh tiêm chủng và tuân thủ yêu cầu 5K là vô cùng cần thiết thậm chí nên được coi là nghiêm lệnh. Việc thực hiện tiêm chủng  và tuân thủ 5 K chính là “ tấm thẻ xanh” để cá nhân đủ điều kiện tham gia vào hoạt động cộng đồng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, truyền bệnh và giảm áp lực khám chữa bệnh lên hệ thống y tế hiện nay. Tuy nhiên, để có được 70% dân số được tiêm đầy đủ 2 mũi ( theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới WHO) thì Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. Sự nỗ lực không chỉ trong tìm nguồn cung vacxin mà còn phải đẩy mạnh nghiêm cứu và sớm đưa vào sử dụng nguồn vacxin trong nước. Đây vốn là việc làm không dễ khi nguồn cung vacxin đang trở nên khan hiếm trên toàn thế giới trước sự xuất hiện biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh hơn, lẩn tránh vacxin của virut corona hiện nay.

Trước những diễn biến mới của dịch Covid 19, Thủ tướng nêu rõ, “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. Đạt “Zero Covid” sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vaccine đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Để đạt được mục tiêu mới, trong tình hình mới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham gia ý kiến đựa trên 6 nguyên tắc : (1) Y tế là trụ cột, là trung tâm; (2) Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; (3) Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; (4) Ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; (5) Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; (6) An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn  để xây dựng kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, thực tế, khi đã có lộ trình thực hiện, một kịch bản an toàn về mọi mặt đã được hình thành, thì những khó khăn chưa hẳn đã hết. Hiện dịch Covid 19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp tại các thành phố lớn, khu công nghiệp thiếu lao động trầm trọng ( do lao động di cư khỏi vùng dịch); nhiều địa phương chưa gỡ bỏ các chốt kiểm dịch liên tỉnh khiến lao động chưa thể quay lại nhà máy. Ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhà máy tại TP.HCM đang tăng cường tuyển dụng người lao động mới để đào tạo và sẵn sàng cho giai đoạn tái sản xuất, do phần lớn nguồn nhân lực đã trở về quê để tránh dịch, khiến kế hoạch tái sản xuất kinh doanh gặp nhiều trở ngại. Không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh "khủng hoảng nhân sự" do thiếu người lao động. Việc các lao động về quê tránh dịch cũng đồng nghĩa với việc họ chưa được tiêm vacxin ( do thời gian qua lượng vacxin được phần bổ theo hướng ưu tiên cho lực lượng chống dịch và các địa phương có dịch) nên  với những lao động có ý định quay trở lại thành phố điều kiện tiêm đủ 2  mũi vacxin, giấy xét nghiệm Covid 19 có hiệu lực trong vòng 72 giờ là bài toán vô cùng khó, thậm chí không có câu trả lời trọn vẹn….Và “ tấm thẻ xanh” trong trạng thái bình thường mới sẽ  vẫn ở Thì tương lai. Thiết nghĩ, việc  đặt ra những “Tấm thẻ” hay “ Giấy đi đường” là cần thiết trong điều kiện đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, nhưng  nếu để những tấm thẻ này trở thành kỳ đà cản mũi cho sự phát triển, thì e rằng chỉ đạo của Thủ tướng sẽ không thể thành công, bởi sẽ không thể vừa phòng chống dịch tốt, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới lỏng và tập trung phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu đã đề ra khi có quá nhiều điều kiện để có được những “ Tấm thẻ xanh”.

(baovannghe.com.vn)