Văn chương về Covid

04.09.2021
Hoàng Khánh Duy
Xưa nay, mục đích quan trọng của văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, ghi lại những chuyển biến của lịch sử, văn hóa bằng những hình tượng nghệ thuật. Mỗi chặng đường của đất nước đều được người nghệ sĩ phản ánh trong tác phẩm văn học. Hai mươi năm đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, nhiều tác phẩm có giá trị xuất hiện góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền văn học, để lại tiếng vang không nhỏ trong đời sống văn chương.

Văn chương về Covid

Từ cuối năm 2019 đến nay, đại dịch COVID-19 diễn ra trên đất nước ta, đe dọa sức khỏe của con người, làm trì trệ mọi hoạt động như kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể thao,… trong đó có văn học nghệ thuật. Tuy nhiên giữa lúc đại dịch COVID-19 diễn ra, trong văn học đương đại Việt Nam hình thành nên một mảng sáng tác viết về đề tài COVID, dịch bệnh. Sự nguy hiểm của dịch bệnh, những khó khăn mà dịch bệnh gây ra, đời sống con người trong mùa dịch nói chung, trong vùng cách ly nói riêng, hình tượng người “chiến sĩ áo trắng”,… đã trở thành nguồn cảm hứng của các văn nghệ sĩ. Bằng trải nghiệm thực tế, những tác phẩm viết về COVID-19 nhanh chóng ra đời mang tính chất phản ánh hiện thực, cổ vũ tinh thần chống dịch và ngợi ca những hành động cao đẹp, con người cao thượng trong giai đoạn khó khăn của đất nước. Nhìn chung, lực lượng sáng tác về đề tài COVID-19 ngày càng trở nên sôi động, nhất là lúc dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Văn xuôi viết về đề tài COVID-19 phần lớn quy tụ những cây bút vốn đã có tiếng trên văn đàn đương đại. Bằng phong cách và bút pháp khác nhau, các tác giả đã nỗ lực tái hiện lại hình ảnh của thành phố thân yêu và đất nước trong những ngày dịch bệnh hoành hành. Ở đó có những con người đang bộn bề trong nỗi âu lo về bệnh tật và gánh nặng áo cơm, nhưng họ không buông xuôi, bất lực, vẫn có niềm tin sâu sắc vào giá trị “Người”, biết đoàn kết, yêu thương và nắm níu lấy nhau. Một số thành tựu văn xuôi viết về đề tài dịch bệnh có thể kể đến truyện dài Tình người cách ly (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ, nhà báo Từ Nguyên Thạch, tiểu thuyết Những ngày cách ly (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh) của Bùi Quang Thắng,… Trong đó, có những tác giả còn rất trẻ thuộc thế hệ 9X cũng cho ra đời những trang viết về dịch bệnh từ những góc nhìn và cảm nhận đa dạng, chẳng hạn như tiểu thuyết Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19 (NXB Văn hóa Văn nghệ) của Iris Lê, truyện dài Đi qua hai mùa dịch (NXB Văn hóa Văn nghệ) của Dy Khoa.

Bên cạnh đó, trên văn đàn còn có sự xuất hiện của những cây bút đang sinh sống, học tập, làm việc hoặc bất đắc dĩ phải “kẹt” lại ở nước ngoài chưa thể về lại quê hương được trong mùa dịch. Những tác phẩm của họ chủ yếu tái hiện lại không gian sống và những trải nghiệm cá nhân trong mùa dịch, canh cánh trong trang viết là nỗi niềm hướng về quê nhà, ước mong đại dịch sớm đi qua để được đoàn viên. Paris 55 ngày cấm túc - Nhật ký viết từ tâm dịch (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh) của Giáng Hương và truyện ký Paris + 14 (NXB Hội Nhà văn) của Tiến sĩ Cù Thu Hương là những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị văn chương cao.

Truyện ngắn là thể loại văn học có đóng góp quan trọng cho mảng sáng tác viết về đại dịch COVID-19. Vì đây là dạng tự sự cỡ nhỏ, thời gian hình thành tác phẩm cũng khá ngắn nên truyện ngắn đề tài dịch bệnh nhanh chóng xuất hiện trên mặt báo. Khảo sát một số truyện ngắn in trên các tờ báo uy tín, có thể thấy hầu hết các tác giả (chuyên hoặc không chuyên) đều mong muốn truyền đi năng lượng tích cực, lối sống đẹp, tinh thần lạc quan trong mùa dịch COVID. Mặc dù có những truyện ngắn đậm chất tuyên truyền, nhân vật không được chú trọng xây dựng, cốt truyện cũng đơn giản, nói đúng hơn là tác phẩm mang bóng dáng của tản văn hơn truyện ngắn. Tuy nhiên, từ trên trang viết người đọc vẫn nhận ra được sự nỗ lực không nhỏ của các tác giả, đặc biệt tinh thần nhân văn và trái tim yêu thương của người cầm bút. Truyện ngắn Em đây, chị ơi! của nhà văn Bích Ngân (đăng trên Báo Văn nghệ số 04/2021) gây xúc động người đọc bởi một điều vô cùng sâu sắc: trong lúc khó khăn, khốn đốn người ta mới nhận ra và hối tiếc vì mình đã bỏ quên những điều giản dị mà thiêng liêng nhất. Bích Ngân viết: “M viết dài. Viết như không ngưng nghỉ. Viết những bao bọc giấu kín bất chợt, bục vỡ…M viết như trước mặt cô, Coronavirus hiện hình là những cỗ xe tóc tang đang lừ lừ tiến đến. Viết trong sự hãi hùng. Viết trong cơn dư chấn. Viết, như trốn thoát. Và viết để trải lòng. Viết, để bù đắp cho tháng ngày M và Ng bặt tin nhau”. Hay trong truyện ngắn Khởi nghiệp mùa Covid (đăng trên Báo Văn nghệ số 41/2020), An Bình Minh đau đáu nhận ra: “Covid mà giờ đây là đại dịch covid đã làm đảo lộn mọi mặt của cuộc sống. Chưa bao giờ vấn đề sức khỏe của người dân khắp địa cầu lại được đồng loạt quan tâm ở khắp nơi trên thế giới như bây giờ”. Ngoài ra, một số truyện ngắn của các tác giả khác liên tục được đăng tải trên báo, tạp chí văn nghệ, đáng kể là Lá thư mùa Covid của Ngô Trọng Cư (đăng trên Báo Phú Yên), Trong lặng yên của phố của Trần Thị Tú Ngọc (đăng trên Báo Hà Tĩnh), Lớp học thời Covid của Phan Thị Mùi (đăng trên Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ), Tin ở ngày về của Bùi Việt Phương (đăng trên báo Lâm Đồng)… và hàng loạt truyện ngắn khác.

Thơ viết về đại dịch COVID cũng sôi nổi không kém thể loại truyện ngắn. Năm 2020, bài thơ Đất nước ở trong tim của cô giáo Chu Thị Ngọc Thanh ra đời đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Chưa nói đến chất lượng, thơ ca viết về dịch bệnh của các tác giả (kể cả tác giả không chuyên) xuất hiện ngày càng nhiều với lối viết và phong cách khác nhau. Nội dung cốt lõi của thơ ca mùa COVID là tái hiện những khó khăn của nhân dân, nỗi buồn của đất nước trong những ngày có dịch, ngợi ca tình người, ngợi ca những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và bày tỏ khát vọng về một ngày đất nước an toàn, bình yên. Hình ảnh những “chiến sĩ áo trắng” đã đi vào thơ viết về dịch bệnh như một hình tượng chủ đạo, từ đó người viết thể hiện thái độ trân trọng, yêu mến, ngưỡng phục: “Hết dịch rồi anh về với em/ say đắm bên em nụ hôn chiến thắng/ sẽ nói với con về tình yêu dâng tặng/ nếu chọn việc nhẹ nhàng gian khổ phần ai” (Anh sẽ về với nụ cười chiến thắng - Ngô Đức Hành, đăng trên báo Văn nghệ Hà Tĩnh). Tình yêu trong mùa dịch cũng đã trở thành nguồn cảm hứng tác động đến người cầm bút. Những vần thơ tình mùa dịch nhanh chóng ra đời khẳng định sự bất diệt của tình người, tình yêu, vẻ đẹp tâm hồn con người tỏa sáng ngay trong những ngày gian nan nguy hiểm: “Không gặp được, mình xa cách quá/ ta gửi cho nhau nụ/ hôn qua mây/ ta gửi từ bên em, mùi hương vân vi lọn tóc/ tóc có dài sợi nhớ/ tận về anh” (Thơ tình thời Covid - Nguyễn Văn Thọ, đăng trên Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh). Sài Gòn - thành phố sôi động nhất phương Nam giờ đây cũng đang xót xa trong sự hoành hành của dịch bệnh, nhiều bài thơ thể hiện niềm đau của người viết trước cái buồn bã, lặng lẽ bất bình thường của thành phố vốn năng động và phát triển: “Sài Gòn ơi! Nỗi nhớ phương Nam/ Cô vít tràn qua, mang cơn gió bệnh/ Cả nước sẻ chia như là mệnh lệnh/ Để thành phố tôi yêu! Lại sống động nhịp đời/ Hãy vượt lên, Hòn ngọc Viễn Đông ơi!” (Sài Gòn ơi - Lại Hồng Khánh, đăng trên Báo Lâm Đồng).

Mặt khác, vì ra đời giữa lúc dịch bệnh và lực lượng sáng tác không chuyên chiếm số lượng lớn nên nhiều bài thơ không mang giá trị nghệ thuật cao. Nhiều bài thơ được viết rất vụng về theo kiểu “mì ăn liền”, không có sự lựa chọn về mặt ngôn từ, tứ thơ không hay, nội dung nặng tính tuyên truyền, đôi khi xáo rỗng. Nhiều bài thực chất chỉ mang màu sắc của vè chứ chưa thực sự thành thơ, chẳng hạn như một số trường hợp cụ thể sau: “Vẫn còn đó những ngày giãn cách/ Bao gian nan vất vả bộn bề/ Nơi tuyến đầu không hề ngơi nghỉ/ Cùng gồng minh chiến thắng Covi/ Thương em cô gái mảnh mai/ Áo blu trắng đêm nay thức ròng”“Yêu biết mấy những thiên thần áo trắng/ Yêu cả những gian nan vất vả/ Yêu những tâm hồn gió sương dầm dãi/ Đã xung phong trên trận tuyến cứu người” (thơ của một tác giả ở Cần Thơ), hay “Covid-19 - đại dịch rồi:/ Nhà nhà, khối phố… ta thời nhắc nhau:/ Cách ly nhưng chớ âu lo/ Tinh thần chống dịch trước sau vững vàng” (thơ của một tác giả ở Hòa Bình),…

Tóm lại, văn học viết về đại dịch COVID-19 ở nước ta đạt được những thành tựu đáng kể. Song song đó, vẫn còn những tác phẩm ra đời vội vã, nhanh chóng để “bắt kịp xu thế thời cuộc” nên chất lượng không cao, tác phẩm bị quên lãng ngay sau khi đọc. Dẫu vậy, ở một góc độ nào đó, chúng ta cũng nên nhìn nhận sự nỗ lực đáng trân trọng của những cây bút (chuyên và không chuyên), bởi văn chương được viết ra từ cảm xúc, từ sự rung động của trái tim, mặc dù không chạm đến “ngưỡng” của nghệ thuật nhưng ít ra tình cảm, tấm lòng mà người viết gửi trao trong tác phẩm là chân thành, đáng trân trọng.

(baovannghe.com.vn)