Gió từ phía cây me và mái đình – Ký Viên Phúc Quân
Ông cụ ngoại bát tuần lò dò cây gậy trúc, cùng với người cháu kêu bằng cậu từ cơ quan UBND phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, đi qua sân đình Mỹ Khê. Đến trước tấm bia di tích gắn bên mái hiên đình, ông đưa tay khẽ chạm vào ngực mình rồi vỗ lên vai người cháu, nói với tôi: “Tui là nguyên chủ tịch và hắn là đương kim chủ tịch phường. Hồi tui đi làm cách mạng, hắn đã đẻ ra đâu”.
Về thăm cây me Phước Trường để cảm nhận hào khí năm xưa vẫn còn bàng bạc đâu đó...
Nắng sớm lấp lóa bên những hàng chữ Hán chạm nổi trên cột đình. Ông nheo đôi mắt: “Bốn chữ lớn phía trên cửa là Mỹ Khê đình sở, mới được cẩn từ hồi trùng tu đình năm 1998”. Đình có từ bao giờ, ông không rõ, theo truyền khẩu thì lúc đầu bằng tranh tre nằm ngoài bãi biển, cách mép nước khoảng trăm mét. Đến đời Tự Đức, đình bị trôi dạt sau một cơn đại hồng thủy, tiền nhân cho dựng đình vào sâu trong đất liền ở vị trí hiện nay. Cũng phải mãi đến năm Duy Tân thứ bảy (1913), dân làng mới có điều kiện góp công góp của xây dựng ngôi đình làng uy nghi, bề thế với đầy đủ tiền đình, hậu tẩm. Ở phía sau cơ quan UBND phường hiện còn lưu tấm bia bằng đá xanh ghi công đức của “thập nhị tôn phái” (12 chư phái tộc) trong việc dựng đình ngày trước.
Ông chống cây gậy trúc ngồi xuống hiên đình, thong thả kể chuyện xưa.
Làng Mỹ Khê trước có 3 xóm, dù được gọi theo tên hành chính là Mỹ Lợi, Mỹ Hạnh và Mỹ Quang nhưng mọi người vẫn quen gọi theo cách dân dã là xóm Trên, xóm Ngoài và xóm Trong. Trước năm 1945, cả làng có chưa tới 100 nóc nhà với khoảng 750 nhân khẩu. Buổi mai lên núi đốt than. Buổi chiều xuống biển đào hang bắt còng. Quanh đi quẩn lại, cuộc sống của người dân quanh vùng một thời không vượt ra ngoài câu ca đó. Những người chuyên nghề đi biển thì thả mái chèo ra là tay cuốc, tay gàu lên cồn làm nông, phải “chân biển, chân cồn” mới đủ sống qua ngày. Kiếm cái ăn đã lắm gian nan, nói chi tới cái học.
Trong ký ức của cậu bé ngày đó là ông, việc học trong làng xem ra còn gian nan hơn chuyện du học thời nay. Cả Mỹ Khê lẫn Phước Trường không có lấy một lớp học. Muốn con hay chữ, cha mẹ phải gởi các thầy giáo làng. Khi ông ngoài 10 tuổi, có hai thầy giáo người Nghệ An đến dạy học tại các nhà tư nhân trong làng. Nhiều học trò ở An Hải, Mân Quang nghe tiếng cũng mang gạo đến nhờ gia đình các thầy ở trọ nấu ăn. Thầy Luân dạy quốc ngữ, thầy Lược dạy chữ Nho. “Mấy chú biết không - ông cụ lục lọi trong trí nhớ, lúc đó học trò họ vứt bút lông mà nắm bút chì hết. Theo xu thế chung thì học quốc ngữ dễ tiến thân hơn, mà điều quan trọng là cán bộ cách mạng nhờ đó cũng dễ tuyên truyền hơn”.
Ngày 19-3-1945, ông quyết định bỏ ngang lớp Tú tài bán phần, về quê theo tiếng gọi sục sôi lòng yêu nước từ bài hát Xếp bút nghiên của Lưu Hữu Phước. Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân. Ông không bao giờ quên cái ngày đáng nhớ đó, đúng 5 tháng trước khi diễn ra Tổng khởi nghĩa 19-8-1945. Ông từng xuôi ngược trên đường cái Tây (nay là đường Nguyễn Công Trứ), lúc đầu không rõ vì sao người ta lại gọi con đường “xương sống” có từ ngày khai lập làng như thế. Khi về lại quê nhà lần đó, ông mới hiểu là do Pháp mở rộng đường làng ra 4 mét, rải đá để phục vụ cho các quan Tây, rồi các quan Nhật xuống biển nghỉ mát. Người dân Mỹ Khê, Phước Trường sống ngay trên quê mình nhưng lại bị ngoại bang bóc lột bằng sưu cao thuế nặng, ngay cả cái sự tung tăng thỏa thích trên bãi biển cũng bị dòm ngó.
Đó là những năm tháng hừng hực ngọn lửa yêu nước trong tim những người trai trẻ trong làng như ông. Lúc đó, một cán bộ trẻ là ông Nguyễn Văn Đoài được Việt Minh khu Đông giao nhiệm vụ phụ trách xã Mỹ Khê, đứng ra tuyên truyền lôi kéo học sinh, thanh niên, nhân dân trong xã. Các hội đoàn lần lượt ra đời, tập hợp được một lực lượng đáng kể, trong đó nổi bật là Hội Nông dân cứu quốc xã Mỹ Khê – tổ chức cách mạng hoạt động công khai đầu tiên ở làng. Trung tuần tháng 5-1945, Trung đội Tự vệ cứu quốc ra đời, gồm một số thanh niên khỏe mạnh hoạt động bí mật. Mã tấu, dao găm, gậy gộc... ai có gì dùng nấy, ban ngày đi biển, làm ruộng, ban đêm hết tuần tra lại tập luyện võ nghệ.
Ông lúc đó 20 tuổi, đổi tên là Nguyễn Văn Lợi, nằm trong Ban lãnh đạo Việt Minh xã, tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hướng đạo sinh. Bên ông còn có nhiều đồng chí đã gắn liền với sự nghiệp cách mạng của địa phương như Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Trí Quang, Nguyễn Văn Vọng, Nguyễn Văn Thái... Tất cả cùng với các đoàn thể cứu quốc sẵn sàng chuẩn bị khởi nghĩa. Ông sao quên được đêm 20-8-1945, đêm mà Ủy ban Khởi nghĩa họp cách đình làng Mỹ Khê khoảng 300 mét, vừa thảo luận chương trình hành động, vừa dự kiến người giới thiệu vào Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Mỹ Khê. Đêm sau đó, cả Mỹ Khê lẫn Phước Trường sục sôi khí thế cách mạng. Đội tự vệ tập xếp đội hình, cán bộ các đoàn thể cứu quốc đến từng nhà vận động bà con sáng sớm hôm sau ra đình tham gia khởi nghĩa.
Rạng sáng ngày 22-8, nhân dân Mỹ Khê rủ nhau kéo về đứng khắp sân đình. Hàng ngũ chỉnh tề dọc theo các bàn hương án bày trước tiền đình là cán bộ các đoàn thể cứu quốc, các cụ bô lão, ban lý hương đương chức, đông nhất là dân tráng trong làng. 7 giờ sáng, hai hàng tự vệ từ cổng đình rải dọc vào địa điểm hành lễ, mặc đồng phục đầu đội ca-lô, ngực áo đính huy hiệu cờ đỏ, tay nâng mã tấu đứng nghiêm chào đoàn đại biểu Việt Minh thành phố và Khu Đông. Trong thời khắc thiêng liêng đó, ông Lê Văn Quí đại diện Thành bộ Việt Minh Đà Nẵng tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến ở Mỹ Khê, thành lập chính quyền cách mạng. Cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Lý trưởng Hồ Văn Mảng nộp ấn triện, Hương bộ giao toàn bộ hồ sơ điền địa.
4 ngày sau, một buổi lễ tương tự được tổ chức tại đình làng Phước Trường, chính thức đặt dấu chấm hết của chính quyền cũ trên xã bạn…
Mấy chục năm nhìn lại, hạnh phúc nhất trong đời làm cách mạng của ông, có lẽ là lần với tư cách Chủ tịch UBND xã Mỹ Khê ông dẫn đầu đoàn đại biểu xã khoảng 300 người đi dự mit-tinh mừng thắng lợi Cách mạng Tháng Tám do thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Sân vận động Chi Lăng sáng ngày 28-8-1945. Đoàn đại biểu Mỹ Khê được xếp lên hàng đầu, vinh dự dành cho xã giành chính quyền sớm nhất ở Đà Nẵng, trước thành phố những 4 ngày. Có điều, tiếp theo sau đó là những tháng ngày gian khổ, vừa xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ, vừa chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông Huỳnh Ngọc Huệ, Chủ nhiệm Việt Minh Đà Nẵng lúc đó, bảo ông: “Cậu phải đổi tên khác vì Liêm, Lợi có đầy trong sổ của địch rồi”. Thế là từ đó ông lấy tên là Nguyễn Như Trinh.
Phường Phước Mỹ hiện nay là tên ghép giữa Phước Trường và Mỹ Khê. Nếu Mỹ Khê có đình làng được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng thì Phước Trường có cây me cổ thụ đã đi vào lịch sử. Nó cao khoảng 30 mét, sum suê cành lá, hai người ôm không hết gốc. Ngày 19-8-1947, đông đảo nhân dân khu Đông đã tề tựu dưới bóng cây me tham dự mit-tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức. Cờ đỏ sao vàng đã được treo thị uy sát đồn giặc suốt ngày hôm đó…
Đã 6 năm qua rồi, chuyện kể của ông Nguyễn Như Trinh, đại tá nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ, vẫn còn phảng phất hào khí của một thời, khi chúng tôi theo những người “hành hương” về thăm di tích xưa. Gần 70 năm trước, cơn gió cách mạng từ cây me Phước Trường và mái đình Mỹ Khê đã bùng thổi ngọn lửa yêu nước của các tầng lớp người dân nơi này. Giờ đây, giữa những gì đã làm được và chưa được của một Phước Mỹ ngày mới, hào khí năm xưa vẫn còn bàng bạc đâu đó, thúc giục các thế hệ mai hậu bước tiếp trên con đường tiền nhân đã dày công khai mở bằng cả máu xương và tâm lực…
V.P.Q