Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu tuồng Việt Nam

26.09.2023
PV
Chiều 26/9, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phối hợp với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức tọa đàm khoa học "Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu tuồng Việt Nam".

Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu tuồng Việt Nam

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường dự và phát biểu khai mạc.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam và vinh danh Giáo sư Hoàng Châu Ký; nhằm ghi nhận những đóng góp của Giáo sư đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường khẳng định: "Nói đến Nghệ thuật tuồng xứ Quảng, chúng ta phải nói đến Giáo sư Hoàng Châu Ký với những đóng góp đồ sộ và tình yêu lớn lao mà ông dành cho nghệ thuật tuồng. Việc tổ chức tọa đàm thể hiện sự tri ân, vinh danh Giáo sư Hoàng Châu Ký - “người truyền giáo hát Bội”, “ngọn lửa Hồng Sơn đất Quảng”, người vừa được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật.

Thời gian qua, với sự quan tâm của chính quyền thành phố Đà Nẵng và sự đồng lòng, chung sức, tận tâm, yêu nghề của các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu đã giúp nghệ thuật tuồng tại thành phố Đà Nẵng lan tỏa, mang một sức sống mới.

Nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật tuồng, nhiều hoạt động được tổ chức. Đặc biệt, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân và du khách.

Để tiếp tục nguồn mạch này, thời gian tới, đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao cùng đồng hành với các nghệ sĩ, nghệ nhân thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản nghệ thuật Tuồng, để những giá trị này cùng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người Đà Nẵng".

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý nghệ thuật, tác giả, đạo diễn, diễn viên và khán giả yêu nghệ thuật sân khấu tuồng Việt Nam đã thảo luận các vấn đề trọng tâm gồm: Bối cảnh thời đại và xã hội tác động đến phong cách, xu hướng sáng tác của Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật tuồng; Giá trị của các công trình nghiên cứu lý luận của Giáo sư Hoàng Châu Ký với công tác nghiên cứu lý luận, phê bình sân khấu tuồng và nghệ thuật sân khấu, những đóng góp của Giáo sư với sự nghiệp giáo dục nghệ thuật sân khấu Việt Nam và chia sẽ những kỷ niệm trong những ngày còn làm việc với GS Hoàng Châu Ký.

Các tham luận trình bày tại hội thảo đều góp phần làm rõ thêm sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Châu Ký và di sản đồ sộ về nghệ thuật tuồng Việt Nam mà ông đã dày công nghiên cứu, soạn thảo và để lại. Từ đó, đề xuất những định hướng, giải pháp thỏa đáng trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị của nghệ thuật bác học này trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

“Giáo sư Hoàng Châu Ký suốt đời đau đáu với nghệ thuật sân khấu dân tộc và luôn lo lắng “Không còn đủ quỹ thời gian” để cùng mọi người tiếp tục sự nghiệp. Nhưng thời gian còn đó với chúng ta, với các đồng nghiệp trẻ tuổi. Tôi tin chắc rằng, dù công việc nghiên cứu, thực nghiệm gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ thu được kết quả. Kết quả dù rất nhỏ cũng cần được nâng niu, trân trọng để sân khấu kịch hát của chúng ta sẽ đạt được thành tựu rực rỡ, đóng góp vào vườn hoa văn hóa nghệ thuật đầy hương sắc của thế giới. Tôi tin vậy, bởi văn hóa vừa là nền tảng, vừa là động lực và mục tiêu để phát triển kinh tế-xã hội”, đạo diễn Hoàng Hoài Nam - con trai Giáo sư Hoàng Châu Ký, xúc động nói về cha mình.

Đạo diễn Hoàng Hoài Nam, con trai Giáo sư Hoàng Châu Ký chia sẻ tại tọa đàm.

Thay mặt Ban Tổ chức, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố nhấn mạnh: Có thể thấy được sự đóng góp lớn lao của GS. Hoàng Châu Ký không chỉ đối với nghệ thuật Tuồng mà cả với nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Nói như NNC Hoàng Hương Việt, ông là "người truyền giáo hát Bội", là người thầy, là người truyền cảm hứng cho các thế hện đi sau về tình yêu dành cho nghệ thuật sân khấu Tuồng. Từ buổi những ý kiến tại tọa đàm, Ban Tổ chức sẽ kiến nghị lên lãnh đạo thành phố làm ngay 3 việc: Thứ nhất là xuất bản Tổng tập Hoàng Châu Ký. Thứ hai là xây dựng một Bảo tàng Hoàng Châu Ký (hay ít nhất là tạo một không gian trưng bày các tác phẩm, các kỷ vật của giáo sư Hoàng Châu Ký tại nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh). Ba là từ trước đến nay, thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng như hoạt động đưa Tuồng vào trường học nhằm góp phần giới thiệu về Tuồng cho học sinh hiểu về Tuồng để yêu Tuồng, cũng chính là những khán giả trong tương lai có thể gìn giữ Tuồng; hoạt động đưa Tuồng xuống phố, tuy là một giải pháp mang tính tình thế nhưng cũng đã giới thiệu, quảng bá được nghệ thuật Tuồng, chống lại sự thờ ơ của công chúng đối với nghệ thuật truyền thống; đã tổ chức in ấn và phổ biến tuyển tập các tác phẩm của giáo sư Hoàng Châu Ký đến công chúng; thành phố đã đặt tên đường mang tên giáo sư Hoàng Châu Ký... Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phổ biến, quảng bá Tuồng sâu rộng hơn nhằm góp phần bảo tồn, phát huy hơn nữa di sản nghệ thuật Tuồng do cha ông để lại.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật phát biểu kết luận Tọa đàm.

 

Giáo sư Hoàng Châu Ký (1921-2008), sinh ra tại Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi và trải qua nhiều chức vụ.

Từ năm 1951, ông chuyển sang hoạt động sân khấu tuồng, làm Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hiệu trưởng Trường nghệ thuật Ca kịch dân tộc Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu sân khấu Việt Nam...

Năm 1952, ông được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn tuồng liên khu V. Đoàn đã quy tụ nhiều nghệ sĩ tài hoa như: Đội Tảo (Nguyễn Nho Túy), Phó Sơn, Sáu Lai, Ngô Thị Liễu...

Ông được phong học hàm Giáo sư năm 1984. Năm 2001, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật.

Năm 2022, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật với cụm tác phẩm “Sách: Tuồng cổ; kịch bản sân khấu Thanh gươm chủ chiến; kịch bản sân khấu Trần Quý Cáp".