Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019
Đại hội Đại biểu Liên hiệp các hội VHNT thành phố Đà Nẵng (Liên hiệp Hội) lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019 tổ chức trong 2 ngày 23/9 và 24/9/2014.
Đại hội chính thức diễn ra vào sáng ngày 24/9/2014.
Đại hội đã vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố đến dự: Đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng; đồng chí Văn Hữu Chiến, Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể ở thành phố.
Đại hội vinh dự được đón tiếp các vị đại biểu Trung ương: bà Lê Thị Bích Hồng, Vụ phó Vụ văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn-Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam
Đại hội vui mừng đón tiếp đại diện lãnh đạo các Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Hải Phòng kết nghĩa.
238 đại biểu hội viên trên tổng số 250 đại biểu hội viên chính thức được Liên hiệp Hội triệu tập gồm ủy viên Ban chấp hành và Ban kiểm tra Liên hiệp Hội khóa VII, các ủy viên Ban chấp hành, Ban Kiểm tra, Hội đồng nghệ thuật, Hội đồng khoa học của 9 tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội gồm Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Văn nghệ dân gian và Hội Kiến trúc sư đã tham dự Đại hội.
Nhà thơ Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp Hội, thay mặt Đoàn Chủ tịch phát biểu khai mạc Đại hội.
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội thay mặt Đoàn chủ tịch trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2009-2014 và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2014-2019.
Đại hội cũng đã nghe Đoàn chủ tịch trình bày Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành, Báo cáo sửa đổi Điều lệ, các tham luận đề cập đến những vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật và ý kiến thảo luận đóng góp vào phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2014-2019 trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo để khắc phục những hạn chế trong nhiệm kỳ qua và đưa hoạt động văn học nghệ thuật thành phố lên một bước phát triển mới.
Tại Đại hội, nhiều khen thưởng cao quí về thành tích hoạt động trong nhiệm kỳ qua như Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước, Bằng khen của Ủy ban nhân thành phố đã được trao tặng cho văn nghệ sĩ Đà Nẵng. Đón nhận sự khen thưởng này cả Đại hội đều tự hào bởi niềm vui và vinh dự ấy không chỉ dành cho những người hoạt động văn học nghệ thuật mà còn thuộc về Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố.
Đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng thừa ủy nhiệm Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Liên hiệp Hội.
Đồng chí Văn Hữu Chiến, Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trao Bằng khen cho 9 Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Đà Nẵng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn-Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam phát biểu chào mừng đại hội, ghi nhận những đóng góp của Liên hiệp Hội đối với hoạt động văn học nghệ thuật cả nước thời gian qua và mong muốn Liên hiệp Hội tiếp tục hoạt động có hiệu quả.
Thay mặt Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh trao cờ thi đua xuất sắc năm 2014 cho Liên hiệp Hội.
Đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng phát biểu biểu dương những thành tích của Liên hiệp Hội trong nhiệm kỳ qua, chỉ đạo chú trọng công tác định hướng tư tưởng trong sáng tác, tích cực thâm nhập thực tế để có những tác phẩm tốt phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển của thành phố, phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước và chủ quyền độc lập dân tộc. Đồng chí Bí thư thống nhất với những nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ mới và xác định trách nhiệm Ban Chấp hành phải phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, chú trọng củng cố tổ chức, phát triển lực lượng sáng tác trẻ, nâng cao chất lượng, tính xã hội trong sáng tác và lãnh đạo hội viên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2014-2019.
Thay mặt Thành ủy Đà Nẵng, đồng chí Võ Công Trí trao tặng Liên hiệp Hội bức trướng có dòng chữ “Đoàn kết, đổi mới, dân chủ, nhân văn”.
Nhiệm kỳ 2014-2019, Đại hội đã bầu :
BAN CHẤP HÀNH LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC-NGHỆ THUẬT
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NHIỆM KỲ 2014-2019
(xếp theo A,B,C)
1- Nhà thơ Lê Anh Dũng
2- Nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Trường Hoàng
3- Nhà nghiên cứu Võ Văn Hoè
4- Đạo diễn-NSƯT Huỳnh Hùng
5- Kiến trúc sư Vũ Quang Hùng
6- Biên đạo múa-NSND Lê Huân
7- Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương
8- Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha
9- Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm
10- Nghệ sĩ múa Phan Thục Linh
11- Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa
12- Nhạc sĩ Thái Nghĩa
13- NSNA Ông Văn Sinh
14- Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm
15- Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng
Ban Thường vụ gồm 5 thành viên:
1- Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng Chủ tịch
2- NSNA Ông Văn Sinh Phó Chủ tịch
3- Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm Phó Chủ tịch
4- Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương Phó Chủ tịch
5- Nhạc sĩ Thái Nghĩa ủy viên
Ban kiểm tra gồm 3 thành viên:
1/ Nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Trường Hoàng : Trưởng ban
2/ NSNA Dương Xuân Bình : Ủy viên
3/ Bà Huỳnh Thị Tuyết : Ủy viên
Ban chấp hành mới đã ra mắt Đại hội. Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thay mặt Ban chấp hành nhiệm kỳ 2014-2019 phát biểu nhận nhiệm vụ lãnh đạo Liên hiệp Hội thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII đã thông qua để xứng đáng với sự quan tâm, tạo điều kiện và mong đợi của lãnh đạo và công chúng yêu thích văn học nghệ thuật của thành phố.
NHỮNG THÀNH TÍCH HOẠT ĐỘNG TRONG NHIỆM KỲ 2009 – 2014
1/ Tổng số hội viên: 1.013, Hội viên Trung ương: 343 2/ Văn học nghệ thuật bám sát sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội thành phố, sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng, góp phần quan trọng phục vụ đời sống tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân: Góp phần xây dựng đạo đức lối sống, biểu dương những gương điển hình tiên tiến, phê phán những hiện tượng tiêu cực, cố vũ cho các chương trình mang tính nhân văn như Chương trình “5 không”, Chương trình “3 có”, Chương trình xây dựng thành phố môi trường v.v… Tham gia những dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước và của thành phố, những lễ hội du lịch, các cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hàng năm, những chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân các địa bàn thành phố, kể cả các xã vùng xa của huyện Hòa Vang v.v… Quán triệt sâu rộng và duy trì thường xuyên Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Trung ương phát động, có những tác phẩm tốt về đề tài này. Tổ chức nhiều chuyến đi thực tế của tập thể và cá nhân và hoàn thành nhiều tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật với chất lượng tốt hưởng ứng chủ trương “xây dựng nông thôn mới”, đề tài xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang. Đầu tư sáng tác về đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng, con người và cuộc sống thành phố hiện tại, biển đảo theo hướng cách tân, đáp ứng thị hiếu mới của công chúng. Nhiều tác phẩm được đánh giá tốt, một số tác phẩm giành giải cao ở trong nước và quốc tế: tiểu thuyết Minh sư của nhà văn Thái Bá Lợi được giải thưởng văn học Đông Nam Á, tập thơ Sương đẫm lá khộp khô của nhà thơ Ngân Vịnh, tiểu thuyết Xôn-ve của nhà văn Hoàng Minh Nhân được giải thưởng văn học sông Mê Kông, 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh Thân Nguyên và Đặng Văn Nở đạt 2 huy chương vàng của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP, 1 tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Dương Mộng Thu đạt giải cao nhất hạng mục phim tài liệu Châu Á tại Liên hoan phim Quốc tế Yamagata 2013 Nhật Bản. Nhiều công trình dài hơi, mang tính tổng kết giai đoạn đã xuất bản như Thơ Đà Nẵng 1997-2012, Ký chọn lọc Đà Nẵng 1997-2010, Truyện ngắn hay Tạp chí Non Nước 1997-2010, tập thơ chọn lọc Gửi lòng con đến cùng Cha về đề tài chủ tịch Hồ Chí Minh, tập thơ Ngàn năm thương nhớ-tuyển thơ về Hà Nội nhân kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long, tập truyện ngắn và thơ của các tác giả trẻ Giao hưởng và đốm lửa, những tập sách cho thiếu nhi như Chong chóng gió (tuyển văn thơ), tập sách tranh Sắc màu tuổi thơ 2000-2010, Đĩa CDMp3 Tình yêu sông Hàn, tập sách ảnh chọn lọc về Đà Nẵng. 3/Hoạt động quảng bá tác phẩm được đầu tư thích đáng, góp phần nâng mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân thành phố: Giới thiệu nhiều sản phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng dưới nhiều hình thức: xuất bản hàng trăm đầu sách; tổ chức và cử tham gia nhiều triển lãm, liên hoan mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, qui hoạch, kiến trúc ở trong nước, khu vực và nước ngoài; sinh hoạt âm nhạc đường phố; sinh hoạt giới thiệu tác phẩm, giao lưu kinh nghiệm sáng tác; biểu diễn nghệ thuật … Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình thành phố xây dựng chuyên mục định kỳ Trang Văn nghệ Đà Nẵng giới thiệu các hoạt động văn học nghệ thuật thành phố và một số nội dung chuyên đề hoạt động các hội chuyên ngành và giới thiệu tác giả tác phẩm của văn nghệ sĩ thành phố; các hội chuyên ngành xây dựng một số chương trình giới thiệu tác giả tác phẩm trên sóng Đài truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng. Tạp chí Non Nước, Trang thông tin điện tử vannghedanang.org.vn giới thiệu, quảng bá tác phẩm, đưa văn học nghệ thuật đến với công chúng rộng rãi. 4/ Công tác đào tạo, bồi đưỡng được chú trọng: Phối hợp với Ban tuyên giáo Thành uỷ tổ chức cho đông đảo hội viên nghiên cứu các nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết liên quan đến văn học nghệ thuật và thường xuyên thông báo những thông tin cập nhật về tình hình đất nước cũng như tình hình thành phố để có thêm đề tài sáng tác. Phối hợp với Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành Trung ương tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo chuyên đề để nâng cao nghiệp vụ sáng tác cho hội viên. Tổ chức 10 trại sáng tác, trong đó 5 trại tổng hợp và 5 trại sáng tác văn học và mỹ thuật dành cho các em học sinh với sự tham gia phối hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố; tổ chức các lớp hướng dẫn nghệ thuật hát dân ca, múa trong nhà trường giúp các em bước đầu làm quen với nghệ thuật. Tổ chức 10 cuộc hội thảo, tọa đàm với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có một số buổi tọa đàm có sự tham gia của các học giả, văn nghệ sĩ đến từ các nước như Nhật Bản, Ấn độ, Lào, Trung Quốc v.v… 5/ Công tác phối hợp hoạt động và mở rộng giao lưu văn học nghệ thuật có nhiều chuyển biến: Về công tác phối hợp: xây dựng mối quan hệ gắn bó thường xuyên để nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo của Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành Trung ương; của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận TQVN thành phố và các các sở ban ngành liên quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, không ngừng cải thiện điều kiện hoạt động, cải cách hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác văn học nghệ thuật. Về giao lưu văn học nghệ thuật: đã tổ chức 2 chuyến đi thực tế ở Quảng Tây (Trung Quốc) và có 2 đoàn đi Lào; đón nhiều văn nghệ sĩ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm có tính chuyên môn cao; tổ chức giao lưu với đồng nghiệp các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và nhiều địa phương trong cả nước. 6/ Quan tâm củng cố và phát triển đội ngũ; cơ bản hoàn thiện bộ máy tổ chức và nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị: Không ngừng phát triển về tổ chức và hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ, đồng thời chú trọng xây dựng cơ quan thường trực ngày càng vững mạnh. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa, Hội nghệ sĩ múa của thành phố vẫn cố gắng duy trì hoạt động của Đoàn nghệ thuật dân gian Non nước; một số Hội khác đã hình thành các Câu lạc bộ, góp phần làm phong phú thêm các loại hình hoạt động văn học nghệ thuật. Cải tạo và nâng cấp trụ sở làm việc, đảm bảo cho các Hội chuyên ngành có trụ sở giao dịch và bố trí phương tiện làm việc, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và yêu cầu từng bước hiện đại. Thiết kế và thông qua lô-gô của Liên hiệp hội, giúp cho việc giao dịch được thuận thiện. Hoàn chỉnh tất cả các loại quy chế, quy định, nội quy cơ quan; quan tâm xây dựng các chuẩn mực của cơ quan văn học nghệ thuật gắn liền với tiêu chuẩn của một cơ quan văn hóa, gắn với cuộc vận động “5 xây”, “3 chống”, xây dựng đạo đức công vụ v.v…theo các quy định của thành phố. 7/Khen thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2010 đến năm 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Cờ thi đua về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2013, 2014 của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2009, 2010, 2011, 2012 của UBND thành phố Đà Nẵng. Bằng khen về thành tích đóng góp tích cực trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới Hòa Vang trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2012 của UBND thành phố Đà Nẵng. 8/Giải thưởng: 30 Giải thưởng quốc tế, 1 Tước hiệu FIAP. 8 Giải thưởng Nhà nước, 2 Nghệ sĩ Nhân dân, 12 Nghệ sĩ Ưu tú, 1 Nghệ nhân dân gian. 172 Giải thưởng quốc gia, khu vực, các ngành. 60 Giải thưởng văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ II (1997-2009) 35 Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NHIỆM KỲ 2014 – 2019
1. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lên một bước mới với chất lượng mới, gắn với hưởng ứng Cuộc vận động “Sáng tác và quảng bá các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đặc biệt là thấm nhuần và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về sứ mệnh cao cả của văn học nghệ thuật và trách nhiệm vẻ vang của người nghệ sĩ. Nâng cao chất lượng thực hiện Nghị quyết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Thường xuyên rà soát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch 1991 của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết 23. Tổ chức tốt việc nghiên cứu và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết mới của của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành Trung ương, nhất là những nội dung có liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tiếp tục hưởng ứng Chỉ thị 18/CT-TU của Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Đăng kí và kí kết giao ước giúp đỡ huyện Hòa Vang xây dựng nông thôn mới”; tổ chức nhiều đợt đi thực tế, nhiều hình thức sinh động giới thiệu hình ảnh nông thôn mới tại huyện Hòa Vang. 2. Bằng nhiều biện pháp đầu tư nâng cao chất lượng sáng tác, nghiên cứu, phê bình, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ. Tạo điều kiện thuận lợi để có nhiều tác giả được tham gia các đợt đi thực tế, các Trại sáng tác do Trung ương và địa phương mở; đồng thời quan tâm hỗ trợ việc giới thiệu quảng bá tác phẩm. 3. Nâng cao một bước chất lượng nội dung và hình thức Tạp chí Non Nước, Bản tin và Trang thông tin điện tử. Chú ý cải tiến khâu phát hành, quảng bá Tạp chí Non Nước. 4. Tăng cường công tác phối hợp hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sáng tác và quảng bá văn học nghệ thuật. Cụ thể: - Thường xuyên giữ mối quan hệ với các cơ quan lãnh đạo thành phố và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương và các Sở, Ban, Ngành liên quan của thành phố để tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ và phối hợp, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đã được Đại hội thông qua. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo duy trì và nâng cao chất lượng Trại sáng tác Văn học – Mỹ thuật dành cho học sinh vào dịp hè hàng năm để phát hiện, bồi dưỡng mầm non nghệ thuật. Đặc biệt, có kế hoạch thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp hoạt động với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013 – 2015 và những năm tiếp theo. - Thực hiện tốt cơ chế phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố, Đài truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng và các cơ quan báo chí để giới thiệu các hoạt động, tác giả, tác phẩm vv… - Phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt các hoạt động văn học nghệ thuật chào mừng 40 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng và các ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố năm 2015. 5. Tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng về tư tưởng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là chú ý phát hiện và bồi dưỡng lớp văn nghệ sĩ trẻ. Có kế hoạch tổ chức hội thảo về lực lượng sáng tác trẻ và có hình thức gặp mặt Liên hoan tài năng văn nghệ sĩ trẻ của thành phố. Đề xuất với thành phố có cơ chế ưu đãi thu hút tài năng nghệ thuật về phục vụ thành phố, đồng thời chọn lọc một số ít các em có năng khiếu, có triển vọng được theo học các ngành nghệ thuật trong và ngoài nước theo chương trình đào tạo nhân lực của thành phố. Duy trì đều việc mở các Trại sáng tác văn học nghệ thuật tổng hợp, cũng như trại sáng tác chuyên ngành; phối hợp với các Hội chuyên ngành Trung ương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực sáng tạo cho các hội viên. Phối hợp với cơ quan hữu quan có chức năng để tổ chức lớp bồi dưỡng công tác quản lý Hội văn học - nghệ thuật cho Ban chấp hành các Hội chuyên ngành. 6. Quan tâm đúng mức đến công tác lý luận, phê bình. Từng bước xây dựng đội ngũ những tác giả chuyên sâu về lĩnh vực này. Thành lập Ban (hoặc Hội đồng) lý luận, phê bình của Liên hiệp hội trên cơ sở tinh gọn, hoạt động có hiệu quả thực chất, phù hợp với điều kiện và thực tiễn địa phương. 7. Tiếp tục rút kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng của Giải thưởng và Tặng thưởng văn học nghệ thuật của Liên hiệp hội và các Hội chuyên ngành hằng năm. Tham mưu đề xuất việc triển khai xét tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật thành phố lần thứ ba, giai đoạn 2010-2015. 8. Sử dụng có hiệu quả Quỹ đầu tư sáng tạo từ nguồn của Trung ương, chú trọng các tác phẩm, công trình có chất lượng, tránh đầu tư dàn trải, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác và phổ biến tác phẩm. Tiếp tục kiến nghị lãnh đạo thành phố đưa Quỹ hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật của thành phố đi vào hoạt động đầu năm 2015. 9. Củng cố tổ chức và hoạt động của các Hội chuyên ngành, đặc biệt là công tác quản lý hội viên về số lượng và chất lượng đội ngũ. Cố gắng phát triển hội viên đi đôi với nâng cao chất lượng; quan tâm thường xuyên bồi dưỡng giới thiệu hội viên được kết nạp vào các Hội Trung ương. Nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan thường trực Liên hiệp hội. Tranh thủ nhiều nguồn tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng cơ quan đạt chuẩn cơ quan văn hóa, xây dựng các đoàn thể chính trị trong sạch, vững mạnh hàng năm, hưởng ứng cuộc vận động “5 xây 3 chống”. Tích cực tham mưu đề xuất các chính sách hỗ trợ cho những văn nghệ sĩ cao tuổi, văn nghệ sĩ đã kinh qua chiến tranh và các văn nghệ sĩ đạt các danh hiệu cao quý, các giải thưởng trong nước và quốc tế. Đối với các văn nghệ sĩ kiêm nhiệm công tác thường trực các Hội chuyên ngành, kiến nghị thành phố có chính sách hỗ trợ để động viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. 10. Tiếp tục mở rộng giao lưu, hợp tác trong và ngoài nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tổ chức tham quan trao đổi kinh nghiệm công tác với các Hội văn học nghệ thuật địa phương trong cả nước, đặc biệt có kế hoạch phối hợp hoạt động chuyên đề với Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam anh em. 11. Xây dựng đề án triển khai xã hội hoá hoạt động văn học nghệ thuật một cách có bài bản và mạnh mẽ hơn với những biện pháp cụ thể và bước đi thích hợp. Quan tâm tạo điều kiện hoạt động cho Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước và các câu lạc bộ trực thuộc các Hội chuyên ngành trên cơ sở các chủ trương về xã hội hóa của Nhà nước và của thành phố. |
Trần Mạnh