Học tập và làm theo gương Bác phải từ chữ Tâm

11.05.2016

Học tập và làm theo gương Bác phải từ chữ Tâm

Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất”. Cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, Người đã hy sinh cho độc lập và thống nhất Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân, hòa bình và hữu nghị cho các dân tộc trên toàn thế giới. Đó là biểu hiện tập trung nhất của đạo đức cách mạng. Hơn thế nữa, Người là một trong những nhà tư tưởng, những lãnh tụ cách mạng đã bàn nhiều nhất đến vấn đề đạo đức và đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản vô giá. Đó là hệ thống quan điểm về một nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng, và bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức cách mạng.

Và chính Bác Hồ cũng đã nói với chúng ta: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt… ngày càng thêm”.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, nhưng đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một con người chân chính, bình thường, ai cũng có thể học theo, làm theo để trở thành một người lãnh đạo tốt, một cán bộ tốt, một đảng viên tốt, một người công dân tốt. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp, mới gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu". Vì vậy, “Học Hồ Chủ tịch thực ra dễ lắm, vì những điều Hồ Chủ tịch dạy chúng ta đã có sẵn trong tâm hồn, trong trí óc. Chúng ta hãy phản tỉnh lại thì thấy trong đáy lòng, trong ký ức, câu Trung với Nước, Hiếu với Dân, đoàn kết phấn đấu, cần, kiệm, liêm, chính chúng ta đã học từ thời cha ông. Chúng ta hãy hồi tỉnh lại, chúng ta sẽ thấy hiểu Hồ Chủ tịch hơn nhiều và làm những điều Hồ Chủ tịch dạy sẽ không còn khó nữa” (Phạm Văn Đồng - Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc – tháng 8/1948).

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải xuất phát từ “chữ Tâm”. Điều đó trước hết là xuất phát từ tấm lòng yêu kính Bác, một con người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân, cho chính chúng ta. Mặc khác, mục đích của việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác còn vì mục đích là để “làm người”, để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, toàn tâm, toàn ý “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một cuộc vận động lớn vừa có ý nghĩa lâu dài trong đời sống văn hoá của dân tộc, vừa có ý nghĩa thiết thực đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay là phải chặn đứng và xoá bỏ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội, trước hết trong không ít cán bộ, đảng viên. Thực chất cuộc vận động là tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

 Vì vậy, học tập và rèn luyện theo gương Bác không phải chỉ ở những thử thách lớn lao, những công việc trọng đại sống còn… (mặc dù đây là nội dung chủ chốt nhất) mà còn ngay trong những hoạt động, sinh hoạt nhỏ nhặt đời thường nhất như Bác thường dạy chúng ta: “Muốn đi xa, trước hết phải đặt chân từ trong nhà”. Chính vì vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, mỗi chúng ta dù ở chức danh, địa vị nào xin hãy chớ vội nghĩ đến những gì to tát, cao xa mà trước hết hãy bắt đầu ngay từ những gì nhỏ bé nhất, đời thường nhất, như những câu chuyện nhỏ về việc tuân thủ kỷ luật của Bác.

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc tăng cường quản lý, giữ nghiêm kỷ luật, ghép mình vào tổ chức đối với cán bộ đảng viên. Người kết luận: “Tất cả cán bộ, đảng viên phải giữ tính kỷ luật, tính tổ chức. Nhớ rằng không có việc gì làm ngoài tổ chức, ngoài kỷ luật mà thành công”. Người cũng rất kiên quyết với những cán bộ, đảng viên mắc bệnh kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại mà không sửa chữa. Nếu không tăng cường giáo dục và kỷ luật, không đấu tranh chống tư tưởng tự do vô tổ chức, vô kỷ luật thì một số cán bộ, đảng viên dần dần sẽ “mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại, tự cho mình có đặc quyền, đặc lợi và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”.

Câu chuyện thứ nhất, trong quyển “Bác Hồ với chiến sĩ”- tập 1 (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân), tác giả Nguyễn Dung đã kể: Đầu năm 1946, cả nước ta tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội là nơi Bác Hồ ra ứng cử có 118 vị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và đại biểu các giới hàng xã, đã công bố một bản đề nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của Nước Việt  Nam Dân chủ Cộng hoà”. Từ nhiều nơi trong cả nước đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước đồng thanh nhất trí cử Bác vào Quốc hội. Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định, tôi đã ra ứng cử ở Hà Nội nên tôi không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.

Câu chuyện thứ hai được tác giả Phan Văn Xoăn, Hoàng Hậu Kháng và Hoàng Nam đã kể lại trong quyển “Những năm tháng bên Bác” (do Nhà Xuất bản Công an nhân dân xuất bản năm 1995): Sau ngày hoà bình lập lại, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư, khách nước ngoài và nhân dân đi lễ rất đông. Bác vừa vào chùa vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Người đừng cởi dép nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người xong mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ. Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố xe Bác đến một ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật. Sợ phố đông xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí công an bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại: “Các chú không được làm thế phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông, không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình”.

Qua những việc làm hết sức đơn giản, đời thường ấy, Bác dạy chúng ta một bài học sâu sắc về cách sống, cách làm người giữa xã hội với nhiều mối quan hệ rất đa dạng và nhất là bài học về sự gương mẫu chấp hành qui tắc, luật lệ chung với “chữ Tâm” của mình. 

Nói xuất phát từ “chữ Tâm” khi học tập và làm theo Bác còn bởi vì tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng luôn phải đối đầu với “kẻ địch nguy hiểm’ của đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân. Theo Bác, vì chủ nghĩa cá nhân mà nhiều người mắc bệnh tự phụ, tự cao tự đại... cho mình đã là người tốt rồi, tài giỏi hơn người rồi, tự cho mình là “cách mạng già”, “cách mạng cũ”, hoặc “biết mình có khuyết điểm nhưng không chịu sửa”, hoặc chỉ chú trọng về hình thức, nặng về phong trào thuần túy… thì khó có thể học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả. Hãy xuất phát từ “chữ Tâm” để thật sự khiêm tốn đánh giá lại mình, lắng nghe lời phê bình chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, của nhân dân…để “sửa mình” và ghép mình vào tổ chức, tuân thủ kỷ luật triệt để “hoàn thiện mình”…, đó là một cách học tập “có chất lượng” bài học đạo đức Hồ Chí Minh.

Tư tưởng  “phụng công thủ pháp” là nguyên tắc hoạt động mà người cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải ghi nhớ và thực hành triệt để, góp phần vào việc giữ vững “kỷ cương” của đơn vị…; không nên quá coi trọng “cái tôi” mà nhiều lúc sống theo suy nghĩ chủ quan, vi phạm các nguyên tắc chung của xã hội, của tổ chức và cần nghiêm túc khắc phục, sửa chữa, xứng đáng hơn nữa với tấm gương của Bác từ những việc làm thiết thực hàng ngày như Bác từng dừng lại vài chục giây trước đèn giao thông hay tự giác cởi dép khi vào chùa… Nếu xuất phát từ chữ “Tâm” thì việc tuân thủ một cách nghiêm túc “luật lệ”, kỷ luật, kỷ cương sẽ trở thành một thói quen bình dị, tự nhiên, không khiên cưỡng… từ những hành động “nhỏ” như đeo “thẻ viên chức”, “thẻ học viên”, “đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy” hoặc “vào cổng xuống xe” khi đến cơ quan theo qui định...; đến việc chấp hành nghị quyết của tổ chức, chỉ thị, kết luận của lãnh đạo…  Từ đó, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng sẽ trở thành một việc tự giác và thiết thực nhất, đáp ứng yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách của Đảng ta, Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung cũng như từng bước xây dựng và nâng cao “trình độ văn hóa” cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng./.

Phan Văn Thuận

(truongchinhtribentre.edu.vn)