Tư tưởng “Nói thì phải làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

20.03.2017

Tư tưởng “Nói thì phải làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần vô giá, đó là hệ thống tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong đó có nguyên tắc đạo đức: “Nói thì phải làm”. Bác nêu lên những đức tính cần phải có của một người cán bộ cách mạng, đó là: Đối với mình, đối với người và đối với công việc, trong đó đối với mình được Bác đặt lên hàng đầu, bởi cái khó nhất của con người là phải đấu tranh với chính bản thân mình trong việc rèn luyện tư cách đạo đức, phong cách, lối sống và công việc. Bác viết: “Tự mình phải: cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr.260). “Nói thì phải làm”, chỉ với bốn từ đơn giản tưởng chừng như rất dễ thực hiện ấy, nhưng suốt cả cuộc đời mình Bác Hồ của chúng ta đã không ngừng phấn đấu làm gương cho sự thống nhất giữa tư tưởng, lời nói với hành động có hiệu quả. Bác viết: “Đại đa số chiến sĩ cách mạng là người có đạo đức: Cả đời hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, sinh hoạt ngày thường thì làm gương mẫu: Gian khổ, chất phác, kính trọng của công... Đạo đức ấy có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi xã hội cũ thành xã hội mới và xây dựng mỹ tục thuần phong” (Sđd, t.7, tr.568). Lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Ngược lại nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm thì sẽ chỉ mang lại những kết quả phản tác dụng. Bác Hồ đã chỉ ra rằng: “Nhân dân chỉ quý mến những người có phẩm chất và tư cách đạo đức tốt, vì vậy muôn hướng dẫn họ thì mình phải làm mực thước “Cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... Phải thật thà nhúng tay vào việc” (Sđd, t.5, tr. 699). Cả cuộc đời mình Bác rất quan tâm đến việc rèn luyện tư cách đạo đức, tác phong của các cán bộ, đảng viên, đến lời nói phải đi đôi vói việc làm và bản thân Bác là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về cần, kiệm, liêm, chính để chúng ta học tập và noi theo. Nay Bác của chúng ta đã đi xa nhưng bài giảng về “Nói thì phải làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

Trong kháng chiến cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay, nhiều cán bộ, đảng viên đã làm tốt những lời Bác dạy, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu về sự hy sinh, lòng nhân ái, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... Song bên cạnh đó chúng ta cũng nhận thấy rằng: Một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút về tư tưởng, chính trị và đạo đức, bị tha hoá về lối sống. Tình trạng đạo đức giả, nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Tình trạng đó đã gây nên sự giảm sút lòng tin và uy tín của Đảng và Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để có một xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân dân thực sự được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng mạnh giàu, hơn lúc nào hết với phương châm và nguyên tắc sống “Nói thì phải làm” cần phải được thực hiện rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Làm đựơc như vậy là chúng ta đã làm tốt những điều mà lúc còn sống Bác Hồ luôn mong muốn và căn dặn.

 

Hoàng Hà

(sưu tầm)