Di tích Chăm làng Cẩm Toại

28.12.2021
Lê Thí
Khu vực Cấm Mít, làng Cẩm Toại (nay là thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), qua các đợt khai quật của các nhà khảo cổ thuộc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đã phát lộ một khu đền tháp Chăm đặc biệt, cung cấp nhiều thông tin mới rất bổ ích về nền văn minh “vừa gần gũi, vừa kỳ bí” này.

Di tích Chăm làng Cẩm Toại

Là làng cổ của Quảng Nam, Cẩm Toại là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong được ghi trong Ô châu Cận lục của Dương Văn An (1553) với tên gọi ban đầu là Kim Toại. Về sau, do kỵ húy tên thân phụ của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Kim, làng được đổi thành Cẩm Toại, có lẽ sau năm 1558 hoặc 1570 khi Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ Thuận Hóa rồi sau đó (năm 1570) kiêm luôn Quảng Nam.

Làng cổ Cẩm Toại

Theo sách Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, làng Cẩm Toại được xác định là một trong 21 làng thuộc tổng Lệ Sơn của huyện Hòa Vang.

Sang thời Gia Long, sách Địa bạ Gia Long (1812-1818) cho biết, Cẩm Toại thuộc tổng An Châu Thượng, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Tạp chí BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Hué - Những người bạn Cố đô Huế) cho biết, đến thời Khải Định, vào năm 1919, Cẩm Toại thuộc tổng An Phước, huyện Hòa Vang.
Thời Việt Minh, Cẩm Toại thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Từ năm 1958-1975, Cẩm Toại thuộc xã Hòa Hưng, quận Hiếu Đức. Sau năm 1975, quận Hiếu Đức không còn tồn tại, Cẩm Toại trở lại trực thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cho đến ngày nay.

Cẩm Toại là ngôi làng độc đáo, không chỉ vì là làng cổ thuộc loại hàng đầu của Quảng Nam mà còn vì những trầm tích văn hóa trải dài theo lịch sử. Theo nhận định của cuốn Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới (Võ Văn Thắng chủ biên, NXB Đà Nẵng 2017), đây là ngôi làng còn ẩn chứa nhiều “bí ẩn Chăm” với rất nhiều hiện vật Chăm được tìm thấy và trong lòng đất còn ẩn chứa dấu tích một khu đền tháp đồ sộ đang chờ được tái khai quật, nghiên cứu, và biết đâu sẽ có cơ may được phục dựng trở lại.

Cẩm Toại cũng là nơi có Trường Tiểu học An Phước hơn 100 năm tuổi, một trong những ngôi trường đầu tiên dạy chữ Quốc ngữ của Quảng Nam theo tinh thần của phong trào Duy Tân mà ngày nay vẫn còn tồn tại và phát triển.

Di tích Cấm Mít và câu hỏi còn bỏ ngỏ

Cấm Mít là tên gọi một vùng đất ít ai lui tới hoặc khai thác vì mục đích bảo vệ (theo lệnh của triều đình) hoặc vì yếu tố tâm linh (thường có di tích Chăm). Đây là một gò đất có diện tích độ hơn 1ha, cao hơn các vùng chung quanh độ 2 mét, trồng toàn mít, ngày trước không có dân cư sinh sống vì tại đây có nhiều dấu tích một khu đền tháp Chăm.

Trên cơ sở những hiện vật Chăm tìm thấy ở đình làng Cẩm Toại, Bồ Bản và một số nhà người dân trong khu vực (được cho là được đưa về từ Cấm Mít), Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã thực hiện 2 cuộc khảo cứu điền dã vào các năm 2000 và 2009, xác định Cấm Mít là nơi còn nhiều bí ẩn chưa khám phá hết. Năm 2012, bảo tàng kết hợp cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) tiến hành một cuộc khai quật có quy mô khá lớn kéo dài trong suốt 3 tháng (từ tháng 9-12) và phát hiện tại đây dấu tích một quần thể tháp Chăm với 3 tháp liền kề, một tháp cổng, một nhà dài. Tất cả được bảo vệ bằng một hệ thống tường bao có chu vi lên đến 160 mét, với bề doc 44 mét, bề ngang 36 mét.

Theo mô tả của sách đã dẫn, 3 tòa tháp nằm liền kề có bề dọc gần 40 mét. Tháp Giữa có niên đại khoảng thế kỷ thứ X, nằm ở giữa, có quy mô lớn nhất và cao nhất, giữa tháp là một hố thiêng có dạng hình thang. Tháp Bắc có nền móng là một hình gần vuông, cửa chính hướng về phía đông, trung tâm tháp cũng là một hố thiêng có dạng hình thang. Tháp Nam nằm đối xứng với tháp Bắc qua tháp Giữa tạo thành trục Bắc - Nam, trung tâm tháp cũng là một hố thiêng có dạng hình thang. Hai tháp Nam và Bắc đều nằm cách tường bao 1,7 mét và có niên đại khoảng thế kỷ XIII-XIV.

Phía đông của tháp Giữa là tháp Cổng (Gopura) - lối duy nhất đi vào khu đền tháp. Phía tây của tháp Giữa là dấu vết nền móng của một tiền đường, tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy những nét kiến trúc rất giống với Mỹ Sơn E3, E7 (có niên đại thế kỷ thứ X), Cụm tháp Bình Lâm (có niên đại thế kỷ XI) và Bánh Ít (niên đại thế kỷ XII). Từ đó, các nhà nghiên cứu dự đoán có thể khu đền tháp ở Cấm Mít có niên đại từ thế kỷ X-XIV.

Có thể nói, Cấm Mít là một di tích Chăm độc đáo, một quần thể đền tháp Chăm chẳng kém gì quần thể đền tháp ở Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) và Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang).

Sau cuộc khai quật khảo cứu năm 2012, khoảng 600 hiện vật đã được phát hiện tại Cấm Mít, trong đó có 132 hiện vật vẫn còn nguyên dạng. Một số các hiện vật đó đã được đưa về trưng bày hoặc lưu trữ bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội.

Độc đáo nhất trong đợt khai quật khảo cứu ở Cấm Mít là những hiện vật tìm được trong 3 hố thiêng nằm ở trung tâm của 3 ngôi tháp. Thông thường trong các hố thiêng phải chứa các hiện vật quý bằng đá quý, kim loại quý (vàng, bạc, đồng)..., hoặc các chum mộ đựng xương cốt của chủ nhân ngôi tháp sau khi hỏa táng. Tuy nhiên, khi khai quật các hố thiêng trong các ngôi tháp ở Cấm Mít không thấy nhiều hiện vật liên quan. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, các hố thiêng ở Cấm Mít đã bị “ai đó” đào phá từ trước. Ai, lúc nào và mục đích của cuộc đào phá vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

(baodanang.vn)