Đi theo dòng chảy của 'Nghệ thuật xứ An Nam'

27.03.2017

Đi theo dòng chảy của 'Nghệ thuật xứ An Nam'

Bằng bút pháp ngắn gọn, súc tích, cuốn sách của Henri Gourdon đã khái quát được phần nào diện mạo của nghệ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Giai đoạn đầu của thế kỷ 20 được ghi nhận như một trong những khoảng thời gian mà việc nghiên cứu, tìm hiểu về nền văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam lúc bấy giờ được người Pháp chú trọng nhiều hơn cả.

Bên cạnh những ghi chép, bút ký rời rạc và mang cảm quan cá nhân, vào thời điểm này, một số những công trình nghiên cứu quy củ hơn của những hội nhóm người Pháp, đặc biệt là những giáo chức giảng dạy tại các trường thuộc địa hoặc các giáo sĩ cũng ra đời.

Đặc biệt, có những công trình mà giá trị to lớn của nó còn có giá trị và tác động khá to lớn đến cả các nghiên cứu Việt Nam được thực hiện về sau này có thể kể đến như bộ tập san Những người bạn Cố đô Huế của Hội Đô thành hiếu cổ do Linh mục Leopold Cadiere khởi xướng.

Đồng thời, đây cũng là giai đoạn mà việc hệ thống hóa những nghiên cứu về thuộc địa của Pháp, đặc biệt ở khu vực Đông Dương được chú trọng và thực hiện.

Bên cạnh việc tạo nên cái nhìn cụ thể hơn về đời sống, văn hóa của cư dân ở thuộc địa, việc hệ thống hóa những nghiên cứu như đã nêu còn góp phần tạo nên một khuôn dạng hoàn chỉnh cho nền nghệ thuật Pháp nói chung. Bởi cùng với sự mở rộng lãnh thổ bằng con đường xâm lược, trên một bình diện nhất định, nền văn hóa và nghệ thuật Pháp không phải chỉ gồm những gì giới hạn trong phạm vi của chính quốc mà đã bao gồm cả các thuộc địa.


Với vỏn vẹn gần 130 trang, đây chỉ có thể được coi như một công trình nghiên cứu mang tính tổng quan. Có nghĩa là, thay vì đào sâu nghiên cứu, phân tích về kỹ thuật, đặc trưng, tính chất của các hình thái nghệ thuật, Henri Gourdon chỉ đưa ra một cái nhìn bao quát nhất về những hình thái đó cũng như sự phát triển nghệ thuật ở một trong những thuộc địa đặc biệt nhất của Pháp lúc bấy giờ.Nằm trong tủ sách Nghệ thuật xứ thuộc địa do Albert Maybon khởi xướng, cuốn sách Nghệ thuật xứ An Nam do Henri Gourdon, Giám đốc đầu tiên của Nha học chính Đông Dương và đồng thời là giảng viên Trường Thuộc địa thực hiện được phát hành năm 1933 bởi nhà xuất bản E. de Boccard là một trong những công trình nghiên cứu về nghệ thuật Việt Nam đương thời với những tính chất và đặc trưng riêng biệt của nó.

Trong Nghệ thuật xứ An Nam, tác giả lần lượt điểm qua những nền tảng về tự nhiên, xã hội và những hình thái mà qua đó nghệ thuật biểu hiện một cách cụ thể nhất như: kiến trúc, điêu khắc và hội họa, nghề thủ công…

Không chỉ nêu bật được những đặc trưng, thuộc tính của các hình thái này trong việc biểu hiện nghệ thuật của thuộc địa, Henri Gourdon còn đặt nó vào trong mối tương quan với những nền nghệ thuật của các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Champa hay Nhật Bản để từ đó rút ra được những nét riêng đặc sắc cũng như những yếu kém, thua thiệt của nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Theo lập luận của tác giả, trong quá khứ, nền nghệ thuật Việt Nam chịu tác động và ảnh hưởng to lớn của nghệ thuật truyền thống Trung Quốc đến mức ở một số phương diện, ông cho rằng nghệ thuật truyền thống Việt Nam gần như là một bản sao của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, sự chi phối về mặt xã hội, tinh thần cũng như việc chuộng sao chép và bó buộc trong một khuôn mẫu nhất định đã phần nào làm nghèo nàn nền nghệ thuật của quốc gia này.

Khi bàn về sự diễn tiến và phát triển của nền nghệ thuật Việt Nam, bằng các lập luận được đưa ra từ quan sát, tìm tòi thực tế cũng như tham khảo một số tư liệu của những người đi trước, Henri Gourdon nhận định rằng sự kế thừa và tiếp nối trong dòng chảy nghệ thuật của người Việt Nam dường như rất kém. Đặc biệt trong kiến trúc.

Bên cạnh việc ghi nhận những nguyên nhân khách quan từ địa lý, lịch sử, tác giả cũng đánh giá rằng: “người An Nam vốn không phải là những người có chuyên môn về bảo tồn, ít nhất là với những công trình về xây dựng. Họ không thích công việc duy tu (…) Trong suy nghĩ của họ, xây dựng một ngôi đền mới có giá trị hơn nhiều so với tu sửa một ngôi đền cũ…”

Tuy nhiên, Henri Gourdon bên cạnh việc chỉ ra sự nghèo nàn nhất định trong ý tưởng, đề tài, kiểu thức của nền nghệ thuật truyền thống của thuộc địa, ông cũng đồng thời ca ngợi khả năng của những người thợ thủ công Việt Nam ở khả năng cũng như tay nghề của họ. Đơn cử như nghề khảm trai, theo tác giả, đây có thể coi là nghề duy nhất mà những người thợ Việt Nam “đạt đến mức hoàn thiện”.

Ngoài ra, trong Nghệ thuật xứ An Nam, Henri Gourdon còn nêu lên những biến đổi và tác động nhất định đến những hình thái nghệ thuật và nghề thủ công của xứ sở này sau khi nền văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập một cách mạnh mẽ.

Sự biến đổi về kỹ thuật, đề tài, những mô-típ trang trí đã phần nào khiến nền văn hóa, nghệ thuật bản địa dần trở nên phong phú và có cá tính hơn và phần nào đi ra khỏi những ảnh hưởng cố hữu của nền nghệ thuật Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử.


Đồng thời, những đánh giá, nhận định của tác giả vẫn phần nào mang tính chất của thời đại mà theo cùng với sự phát triển và biến đổi của xã hội cũng như những khám phá mới trong tư liệu, nghiên cứu về sau khiến chúng có thể không còn chính xác nữa.Và như đã nói, Nghệ thuật xứ An Nam chỉ là một cuốn sách mang tính chất tổng quát nhằm đưa ra cho người đọc những cái nhìn chung nhất về nghệ thuật Việt Nam trong quá khứ. Để có thể đi sâu và có cái nhìn trọn vẹn hơn, chúng ta buộc phải tìm hiểu, tham khảo và chọn lựa từ nhiều nguồn tư liệu cũng như quan sát thực tế hơn nữa.

Mặc dù vậy, giá trị to lớn của cuốn sách trong việc đưa ra những hình dung thú vị cho chúng ta về văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam qua cái nhìn của một học giả Pháp trong thời kỳ thuộc địa là một điều không thể phủ nhận. Đây cũng sẽ là một trong những nguồn tham khảo quý giá cho những ai yêu thích sự tìm tòi và muốn hiểu thêm về Việt Nam trong quá khứ.

Cường Nguyễn
(news.zing.vn)