"Đây thôn Vĩ Dạ" - Tốc ký tâm trạng của Hàn Mặc Tử - Nguyễn Thuận
Một trong các bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng độc giả là bài “Đây Thôn Vĩ Dạ”, nó thể hiện lung linh vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại, mang âm hưởng của “thơ mới” rất rõ nét:
Từ khi Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, được đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông trung học, đã có tới hàng trăm bài viết dành cho thi phẩm này.
Lúc đầu, người ta cho rằng Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ phong cảnh, miêu tả vẻ đẹp giàu thơ mộng của xứ Huế. Sau đó, dựa vào những nguồn tư liệu khác nhau, nhiều người lại lớn tiếng khẳng định: Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ tình yêu, viết về mối tình đơn phương nhưng sâu nặng giữa Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc.
Vài năm nay, người ta không nghĩ như thế nữa, nhưng khi phân tích bài thơ, không mấy ai thoát khỏi sự ám ảnh bởi những chi tiết đời tư của Hàn Mặc Tử. Trong tư duy phân tích của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, hình như không có chỗ đứng cho ý thức lịch sử. Người ta sẵn sàng quên đi, rằng Đây thôn Vĩ Dạ là sự kết tinh văn hóa nghệ thuật của một thời đại. Đó là tiếng nói của một cá nhân, nhưng thể hiện tâm trạng của một thế hệ, và còn hơn thế, thể hiện khát vọng ngàn đời của con người. Và cũng rất lạ, không hiểu vì sao, khi phân tích Đây thôn Vĩ Dạ, không mấy ai nhớ, bài thơ là một văn bản ngôn từ, và xuyên qua lớp ngôn từ ấy, là một văn bản hình tượng. Cắt nghĩa bài thơ tức là cắt nghĩa lôgíc nội tại của văn bản ngôn từ và văn bản hình tượng trong chỉnh thể nghệ thuật của nó.
Văn bản ngôn từ của bài thơ là một chuỗi phát ngôn liên tục của cái tôi trữ tình. Đây thôn Vĩ Dạ có ba khổ thơ xinh xắn. Điểm tựa cấu trúc tạo thành ba khổ thơ ấy là một chuỗi phát ngôn mà hạt nhân cơ bản là bốn câu nghi vấn. Câu thứ nhất hỏi: “Sao anh không về…”. Ba câu còn lại hỏi về “vườn ai”, “thuyền ai”, “ai biết… tình ai”. Muốn nắm bắt được nội dung tình cảm của bài thơ, chúng ta phải xác định: những câu nghi vấn này hỏi ai? Ai hỏi? (đối tượng tác động của phát ngôn và chủ thể của phát ngôn ấy), hỏi về cái gì, nhằm mục đích gì? (nội dung và mục đích của phát ngôn).
Rất dễ nhận ra, cái tôi trữ tình của nhà thơ chính là chủ thể phát ngôn của ba câu hỏi về “vườn ai”, “thuyền ai”, “ai biết… tình ai”. Riêng câu hỏi “Sao anh không về…”, thường được các nhà phê bình, nhà giáo phân tích như thế này: câu hỏi được cất lên một cách tự nhiên, nửa như trách móc, nửa như chào mời. Phân tích như thế tức là mặc nhiên thừa nhận, trong Đây thôn Vĩ Dạ, bên cạnh tiếng nói thể hiện ý thức, giọng điệu cái tôi trừ tình nhà thơ, còn có một tiếng nói lạ thể hiện một ý thức khác, giọng điệu khác.
Thực ra không phải như vậy. Nếu trong tâm hồn nhà thơ quả có âm vang một tiếng nói lạ, tỏ ý phiền trách, chào mời, “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” thì tâm thế phát ngôn của cái tôi trữ tình sẽ khác đi. Lúc bấy giờ, giữa cái tôi và cái thôn Vĩ sẽ bị gián cách bởi một khoảng không gian xa vời vợi, và hẳn cái tôi trữ tình của nhà thơ sẽ nói về thôn Vĩ trong tâm thế ngóng về, ngưỡng vọng. Nhưng đọc bài thơ lại thấy, thi sĩ họ Hàn nói về thôn Vĩ giống như người đang đứng trước cảnh, đang nhìn tận mắt những “cau”, những “nắng”, những “vườn ai” để thả hồn theo “thuyền ai” giữa một vùng “sông trăng” hư ảo, mờ mờ “sương khói”. Lại nữa, nếu trong tâm hồn nhà thơ quả có âm vang một tiếng nói lạ, thể hiện một ý thức khác thì chắc chắn, hai câu đầu bài thơ, chắc sẽ có tiếng nói hứa hẹn, cảm tạ, phân bua, giãi bày ở những câu thơ tiếp theo.
Khi đó cấu trúc điệu giọng của thơ sẽ là cấu trúc đối thoại, đa thanh. Nhưng đọc bài thơ, ta không tìm thấy một tiếng nói phân bua, giãi bày như vậy. Khi cái tôi trữ tình không cần lời nói phân bua, giãi bày thì cũng có nghĩa, ở hai câu đầu, chẳng có tiếng chào mời, phiền trách nào cả. Ở đây “anh” là chủ thể của sự phát ngôn, chứ không phải là đối tượng tác động của lời nói trữ tình. Cái tôi trữ tình tự xưng là “anh” để bộc lộ tâm trạng, trò chuyện với lòng mình. Có thể tạm diễn xuôi tiếng nói trữ tình ở khổ thơ thứ nhất theo mạch phát ngôn như thế này. Sao anh (ta, mình) không về chơi thôn Vĩ, (để được) nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên (như thế này). (Ô kìa!) vườn ai mướt quá…
Cho nên, tiếng nói trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ là tiếng nói độc thoại, một giọng, cái tôi trữ tình của nhà thơ là chủ thể phát ngôn duy nhất của tiếng nói ấy.
Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Nhưng tính nghệ thuật trong việc tổ chức chất liệu ngôn từ được biểu hiện đầy đủ nhất ở thơ. Lời thơ tạo nên nhạc, vẽ ra hình. Đằng sau nhạc và hình là tình và ý. Ý - tình - hình - nhạc là bốn yếu tố cơ bản tạo nên cấu trúc văn bản ngôn từ và văn bản hình tượng thơ. Nhà thơ cổ điển gửi tình và ý nghĩa của hình và sự. Ý là điểm tựa, là hạt nhân cấu trúc thơ cổ điển. Trước khi làm một bài bát cú, nhà thơ cổ điển đã xác định được thi để và biết cần phải triển khai thi đề, thi tứ trong bốn ý chính: đề - thực - luận - kết. Cho nên, trong thơ cổ điển, cảnh được gợi tả phù hợp với lôgíc ngữ nghĩa thông thường. Các thể thơ cổ điển có luật lệ riêng là vì thế.
Thơ lãng mạn không dựa vào ý, mà lấy tình làm điểm tựa cấu trúc. Như đã nói, chuỗi phát ngôn của cái tôi trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ được liên kết nhau bởi bốn câu nghi vấn. Nhưng nghi vấn không nhằm mục đích để hỏi, mà chỉ là hình thức độc thoại nội tâm. Cho nên sẽ hết sức ngớ ngẩn, nếu ta đặt ra những tiền giả định này nọ, để hy vọng nắm cái ý của những câu nghi vấn ấy. Mỗi câu nghi vấn bộc lộ một trạng thái cảm xúc. Cho nên, mọi chi tiết phong cảnh được nhắc tới ở đây đều thấm đẫm vào tâm trạng và cảm hứng trữ tình. Ba khổ thơ, khổ nào cũng có cảnh, có người, người và cảnh hoà quyện vào nhau.
Mặc dù được viết theo hình thức câu thơ thất ngôn, bài thơ có ba khổ, mỗi khổ bốn câu, nhưng Đây thôn Vĩ Dạ hình như không có chút bóng dáng nào của Đường thi, Tống thi. Có thể gọi bài thơ là một bản tốc ký tâm trạng.
Vĩ Dạ trong bài thơ của Hàn Mặc Tử là tín hiệu về cuộc đời trần thế ấm nồng tình ngưòi. Và nếu để ý sẽ thấy, vẻ đẹp của bức tranh phong cảnh được gợi tả ở đây chính là vẻ đẹp trần thế trong cảm hứng lãng mạn. Này nhé, câu thơ thứ hai có hai chữ “nắng”, chữ sau (“nắng mới lên”) bổ sung và giải thích ý nghĩa cho chữ trước (“nắng hàng cau”).
Thì ra, Vĩ Dạ đẹp không phải vì nơi đây có cau, có nắng, mà vì cái mới mẻ, tinh khôi gần như trinh nguyên của nó. Chữ “mướt” ở câu thơ thứ ba có nghĩa là mượt mà, lại có nghĩa là non tơ, óng chuốt, gây ấn tượng về một vùng cây lá còn lóng lánh sương mai. So sánh màu xanh của vườn tược với “ngọc” là lối nói ước lệ. Nhưng đó cũng là cách nói lý tưởng hoá đối tượng. Thành thử, tuy tả màu xanh, nhưng câu thơ lại thể hiện cảm hứng về một vẻ đẹp trong sáng. Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Chất thơ của nét vẽ này được toát lên từ mối quan hệ giữa người và cảnh. Người thấp thoáng, ẩn hiện phía cạnh cảnh gợi ra một vẻ đẹp e lệ, kín đáo.
Kín đáo - e ấp, trong sáng - non tơ, tinh khôi - mới mẻ đều là biểu hiện của vẻ đẹp trinh nguyên rất trần thế mà cảm hứng lãng mạn thường gửi gắm qua những bức tranh quê.
Cảm hứng rạo rực đắm say trước vẻ đẹp trinh nguyên, trần thế được cất lên thành tiếng nói trữ tình rưng rưng, tha thiết. Khổ thơ được chia thành hai nhịp giọng, mỗi nhịp hai dòng, được tổ chức theo hình thức của câu nghi vấn.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên!
Như đã nói, khi nội dung nghi vấn tự nó đã đầy ắp thông tin, thì câu nghi vấn không dồn vào từ để hỏi, mà dồn vào các từ gợi tả động tác trữ tình, các từ địa danh, định tính làm nổi bật vẻ đẹp của đối tượng cảm hứng. Biết bao nhiêu thiết tha, rạo rực được bộc lộ qua các chữ “về chơi”, “nhìn” và sự luyến láy của các tiếng “nắng hàng cau - nắng mới lên”!
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?
Câu nghi vấn biến thành câu cảm thán. Nội dung và điệu giọng trữ tình tụ kết vào chữ “quá”, vào cách so sánh mang màu sắc lý tưởng hoá, vào câu thơ đột ngột chuyển qua gợi tả, giống như lời nói không phải của ai. Cách nói so sánh mang màu sắc lý tưởng hoá “xanh như ngọc”, nhất là chữ “quá” đã nâng giọng điệu trữ tình rạo rực, thiết tha lên cung bậc cao nhất của cao trào tình cảm. Đó là điệu giọng của cái tôi trữ tình trong tâm thế mê đắm, chiêm bái vẻ đẹp trần thế trinh nguyên, trong sáng. Câu thơ thứ tư nằm trong mạch thác đổ ngôn từ. Nó đột ngột chuyển qua gợi tả, lời trữ tình giống như không phải lời của ai, nên giọng điệu trữ tình cũng giàu chất thơ mộng.
Thi sĩ lãng mạn rất nhạy cảm trước vẻ đẹp e lệ, trinh nguyên. Nhưng trong cảm hứng lãng mạn, đó cũng là vẻ đẹp tiềm ẩn, không thể chiếm lĩnh, không thể sở hữu. Vườn là “vườn ai”, thuyền cũng là “thuyền ai” và “tình ai” thì “ai biết”… được! Ta thì hữu tình. Tình yêu của ta với cuộc đời hoá thành “nước đổ lá khoai”. Cho nên càng rạo rực, mê đắm bao nhiêu, thi sĩ lãng mạn càng thấy cô đơn trống vắng bấy nhiêu. Và thế là, đằng sau các từ để hỏi và hình thức nghi vấn của câu thơ, khổ đầu Đây thôn Vĩ Dạ đã thổi ra khí lạnh của chút thoáng buồn man mác, bâng khuâng, man mác buồn ấy hoá thành đám mây che phủ kín tâm hồn thi nhân:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Đó là một thế giới rất khác. Có gió, mây nhưng mây gió phân lìa, chia ly. Có sông nước, nhưng “dòng nước buồn thiu”. Có hoa, lá, nhưng chỉ là hoa bắp, một thứ hoa màu xám, nhè nhẹ lay động. Không gian rất trống vắng. Thời gian như ngừng lại. Cảnh vật hờ hững với con người. Những người cho rằng, Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ nói về cảnh đẹp mộng mơ của xứ Huế, không còn đất dụng võ, khi giảng bình những câu thơ này. bởi vì, thoắt cái, một cõi nhân gian ăm ắp sự sống, mướt mát sắc màu, rưng rưng một vẻ e ấp, trinh nguyên, đã nhường chỗ cho vũ trụ lạc điệu, hiu hắt, vô sắc, vô hương.
Mọi chi tiết phong cảnh hoá thành nét vẽ của một tâm trạng u tối, cô đơn. Cả hai câu thơ đều chuyển qua gợi tả. Tiếng nói trữ tình rạo rực, đắm say đã lắng xuống, để chỉ còn lại tiếng nói hững hờ của một cõi lòng nguội lạnh, giá băng.
Thi sĩ lãng mạn buồn đời, mà không chán đời. Bởi vì yêu đời, ham sống là quan niệm nhân sinh đã hoá thành cảm hứng của thi nhân lãng mạn. Trong tâm hồn thi nhân lãng mạn, ánh sáng và bóng tối, niềm rạo rực đắm say và cảm giác cô đơn trống vắng chỉ là hai mặt thống nhất, hai cách biểu hiện của niềm ham sống, yêu đời. Không tìm thấy sự hài hoà trong thế giới thanh sắc của cõi thực, thi sĩ lãng mạn đi tìm sự đồng điệu trong thế giới của cõi mộng. Thế cho nên, nửa đầu của khổ thơ thứ hai vừa kéo lại một đợt sóng tình cảm, nửa sau của khổ thơ làm nổi dậy những con sóng mới.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Một bến sông, một con thuyền và bóng “ai” thấp thoáng trên con thuyền ấy, vốn là những chi tiết đơn sơ trong cõi thực và nhờ được tắm đẫm trong vùng ánh sáng kỳ diệu của cảm hứng lãng mạn, đã tạo nên một cảnh thơ đẹp nhất của Đây thôn Vĩ Dạ. Mở đầu bài thơ là cảnh nắng. Cách chỉ có mấy dòng, lại có thêm cảnh trăng. Trăng và nắng đều là ánh sáng. Nhưng nắng là ánh sáng của cõi thực, thổi sinh khí vào cỏ cây, làm dậy lên đường nét, màu sắc của sự sống trần thế. Trăng là ánh sáng của cõi mộng. Được vậy bọc trong ánh sáng của cõi mộng, vạn vật như thoát xác, rũ bỏ mọi đường nét, màu sắc phàm trần, thế tục để sống hoá thành “sông trăng” thuyền hoá thành “thuyền chở trăng và bóng “ai” đó thành người mộng tưởng của thi nhân. Lời thơ như miên man, phiêu lãng trong mộng mị, xoá nhoà những nét nghĩa thông thường để phủ lên cả vũ trụ một màu bàng bạc của trăng.
Thi nhân xưa vì chán đời, mà tìm đến cõi tiên để thoát tục. Thi sĩ lãng mạn vì ham sống, nên tìm về cõi mộng mong nhập thế. Dõi theo cái ảo ảnh của bóng “ai” trong con thuyền “chở trăng” mà ướm hỏi, thi nhân hình như vẫn đau đáu dò tìm chân ảnh một con người. Bồng bềnh, phiêu lãng trong cõi mộng, người “mơ” vẫn phấp phỏng một chữ “kịp”. Bao nhiêu khao khát, hy vọng gặp được sự đồng cảm, đồng điệu dồn cả vào chữ “kịp” và cất lên thành tiếng nói trữ tình bâng khuâng, da diết qua hình thức nghi vấn của câu thơ. Nhưng cả cõi tiên, lẫn cõi mộng đều là chốn hư ảo. Cho nên, tiệc thiên thiên vui mấy rồi cũng tàn. Mộng trần gian say bao nhiêu rồi cũng tỉnh. Chính chữ “kịp” đầy luỵ tục kia đã trả nhà thơ về với cõi thực.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Trong tâm linh thi nhân, chữ “khách” vang lên tới hai lần, lần sau tàn mất chữ “mơ”, nên thanh âm càng khô lạnh hơn, chói gắt hơn. Ánh nắng hoá thành xa xôi, ánh trăng vụt tắt, người trong mộng chỉ còn là một ảo ảnh. Ảo ảnh hiện lên lồ lộ trắng lạnh cả khổ thơ. Điệu giọng trữ tình tụ kết vào chữ “quá” như nghẹn ngào, như xót xa, tiếc nuối. Chao ôi! Nếu ảo ảnh chỉ là ảo ảnh thì làm sao rõ được lòng nhau! Biết ai cũng đồng cảm, đồng điệu!
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Nàng thơ cất cánh, thần tiên tan vào sương khói. Bản tốc ký tâm trạng dừng lại. Tiếng nói trữ tình chỉ còn rung lên trong câm lặng bởi một nỗi niềm bâng khuâng, day dứt, có pha đôi chút oán trách, giận hờn.
Tình ai? Ai biết? Đại từ phiếm chỉ “ai” đã biến tiếng nói nội tâm rất riêng tư của thi nhân thành câu hỏi ngàn đời, dành cho tất cả những ai đang khao khát yêu thương, khao khát sự đồng điệu, đồng cảm.
Đi tìm cái đẹp của cõi thực, cõi thực hờ hững. Đi tìm sự đồng cảm, đồng điệu trong cõi mộng, cõi mộng hư ảo, mù mịt. Cho nên, đắm say rồi nguội lạnh, băng giá, mộng rồi tỉnh. Đó là lôgic vận động tâm trạng của một cái tôi ham sống, yêu đời trong Đây thôn Vĩ Dạ. Lôgic tâm trạng đã chi phối lôgic phong cảnh và tổ chức giọng điệu trữ tình. Cảnh lúc như gần, lúc như xa, lúc rất thực, càng về sau càng trở nên hư ảo. Sắc điệu tiếng nói trữ tình lúc âm u, lúc chói lạnh. Nhưng giọng điệu chủ đạo của tiếng nói ấy vẫn là giọng điệu bâng khuâng, đầy mơ mộng. Đây thôn Vĩ Dạ là tiếng nói của một cái tôi bơ vơ, cô đơn, là khát vọng ngàn đời của con người về sự đồng cảm, mà tình yêu và hạnh phúc lứa đôi là biểu hiện cao nhất.
Đây thôn Vĩ Dạ thể hiện khát vọng về sự đồng điệu, Hàn Mặc Tử đã tạo ra một công trình nghệ thuật đạt tới sự hài hoà lý tưởng, là tốc ký tâm trạng. Lời thơ trong sáng, tao nhã, mà vẫn giản dị. Được tắm đẫm trong cảm hứng, lãng mạn, cuộc sống trần thế trong Đây thôn Vĩ Dạ hiện lên lung linh, kỳ diệu, mà không kì bí.
Kinh nghiệm cái tôi cá nhân Hàn Mặc Tử vẫn đứng giữa mảnh đất của thi ca lãng mạn, chưa bước qua địa hạt của chủ nghĩa tượng trưng siêu thực. Cho nên, diễn đạt theo cách của Hoài Thanh, bài thơ “Vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế”.
Thông qua việc phân tích kết cấu, nghệ thuật sử dụng ngôn từ và “Cảnh - tình - ý ” trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đã làm nổi bật lên vẻ đẹp truyền thống và xen lẫn vẻ đẹp hiện đại trong thơ Hàn Mặc Tử nói riêng và phong trào “Thơ mới” nói chung của giai đoạn văn học 1932 - 1945. Có thể xem đây là “tốc ký tâm trạng” của tác giả một thời./.
N.T