Nhà thơ Lưu Trùng Dương và hai bài thơ chia tay

03.06.2014
...
Lớp độc giả trẻ thời bây giờ chắc không nhiều người nhớ đến thơ Lưu Trùng Dương nhưng với những người đọc thời chiến tranh cách mạng đặc biệt là trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì thơ của ông đã nhiều năm chiếm lĩnh tâm hồn họ. Những bài thơ như Mây biên giới, Đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng, Thương nhất anh nuôi, Mấy lời tâm huyết gửi người lính ngụy… đã trở thành hành trang tinh thần của những người lính năm xưa.
..

Nhà thơ Lưu Trùng Dương và hai bài thơ chia tay

Ông bà nội tôi sinh được 4 người con trai. Cha tôi, nhà thơ, nhà viết chèo Lưu Quang Thuận là anh cả, nhà thơ Lưu Trùng Dương (tên khai sinh Lưu Quang Lũy) là em út. Bà nội tôi họ Dương, qua đời khi còn rất trẻ. Lúc đó cha tôi 16 và chú Lũy mới lên 7 tuổi.

Kỷ niệm về mẹ thật ít ỏi, chỉ còn hiển hiện qua tấm hình một người phụ nữ có gương mặt trái xoan hiền dịu với đôi mắt buồn và đẹp. Thiếu vắng tình mẫu tử từ sớm là nỗi đau lớn nhất trong đời mấy anh em cha tôi. Đó cũng là lý do để khi bước chân vào con đường văn nghiệp Lưu Quang Lũy đổi tên thành Lưu Trùng Dương (sau này cả ba đứa con của ông đều mang tên Dương).

Đầu năm 40 của thế kỷ trước, cha tôi và chú Lũy rời thành phố Đà Nẵng quê hương ra Hà Nội sinh sống. Lúc này ông nội tôi đã tục huyền và có thêm một người con trai nữa cũng đang ở Hà Nội. Cha tôi làm thơ, viết kịch, rồi cùng với một số anh em, bạn bè sáng lập Nhà xuất bản Hoa Lư. Chú Lũy đi học ở Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An). Trước ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, theo lời kêu gọi của đoàn thể, chàng thanh niên Lưu Quang Lũy trở về quê hương làm cán bộ tuyên truyền xung phong Quảng Nam - Đà Nẵng.

Một thời gian ngắn sau đó, theo thư gọi của tướng Cao Văn Khánh, vốn là thầy giáo cũ từ hồi học ở Huế, ông đã đi bộ từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi để gia nhập quân đội, đúng vào năm thứ 17 ngày sinh của mình: 5/5/1947. Kể từ ngày đó, ông đã gắn bó đời mình với sự nghiệp văn học của đất nước, "trở thành nhà thơ của nhân dân, nhà thơ của anh bộ đội Cụ Hồ", như đồng nghiệp, bạn bè và bạn đọc vẫn thường nói về ông.

Trong bài viết "Thơ Lưu Trùng Dương có nhiều ánh thép" nhân đọc Tuyển tập Lưu Trùng Dương nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã viết: "Khi nhà thơ Lưu Trùng Dương làm thơ và có tiếng tăm, tôi còn ngồi ở ghế nhà trường trung học. Thơ Lưu Trùng Dương viết về anh bộ đội Cụ Hồ từ năm 1947 - 1948. Tập thơ của người lính của ông đã được Giải thưởng văn học Phạm Văn Đồng từ những năm 50 của thế kỉ XX.

Hồi ấy in ấn khó khăn chúng tôi chép thơ ông và thơ Nguyễn Viết Lãm vào sổ tay tùy thân của mình. Năm 1950, tôi cũng là chiến sĩ vẫn mang thơ ông trong ba lô hành quân trên những nẻo đường kháng chiến. Thơ của ông là thơ chiến đấu, thơ của chiến sĩ, thơ của đêm hành quân đánh giặc…".

Nhà thơ Lưu Trùng Dương, nhà báo Lưu Quang Thành và vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Thuận, Hà Nội, 1955.

Lớp độc giả trẻ thời bây giờ chắc không nhiều người nhớ đến thơ Lưu Trùng Dương nhưng với những người đọc thời chiến tranh cách mạng đặc biệt là trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì thơ của ông đã nhiều năm chiếm lĩnh tâm hồn họ. Những bài thơ như Mây biên giới, Đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng, Thương nhất anh nuôi, Mấy lời tâm huyết gửi người lính ngụy… đã trở thành hành trang tinh thần của những người lính năm xưa.

Tự nguyện đi theo cách mạng cầm súng giữ nước, bước chân ông đã trải qua nhiều vùng chiến sự ác liệt, từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Đường 9, Khe Sanh, Tây Nguyên cho đến nước bạn Lào. Đối với Lưu Trùng Dương, công việc văn chương là lẽ sống cuộc đời. Ông làm thơ không phải cho riêng mình, mà để góp phần tham gia kháng chiến, tham gia đánh giặc.

Ông luôn tâm niệm rằng: "Hạnh phúc lớn nhất của một đời thơ là đã viết được những câu thơ có ích cho nhân dân, cho cách mạng." (Tự bạch). Trung tướng Nguyễn Huy Chương - một đồng đội cũ của ông đã viết: "Thơ anh không những vẫn sống trong tâm hồn người lính thế hệ chống Pháp mà còn là một phần hành trang của thế hệ chiến sĩ trẻ ngày nay".

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà thơ Lưu Trùng Dương trân trọng những lá thư, những bài phê bình, giới thiệu thơ mình như những kỷ niệm quý giá. Qua đó có thể phần nào thấy được giá trị và sức mạnh nâng đỡ con người của thơ ca. Nhà thơ Phùng Quán có câu thơ nổi tiếng: "Những phút yếu lòng, vịn câu thơ mà đứng dậy". Hạnh phúc của các nhà thơ thật khó ai có thể đong đếm được. Như con tằm nhả tơ, họ rút ruột dâng hiến cho đời và cũng nhận được ở cuộc đời, ở thơ ca bao điều kỳ diệu.

Đầu năm 1974, đang hoạt động ở chiến trường Khu V, nhà thơ Lưu Trùng Dương phát hiện bị mắc bệnh ung thư vòm họng . Điều trị ở Quân y viện một thời gian nhưng sức khỏe ngày càng giảm sút, cấp trên quyết định đưa ông ra miền Bắc chữa bệnh. Cùng đi ra đợt đó còn có nhà văn Phan Tứ bị chảy máu dạ dầy rất nặng.

Ngày tiễn nhà thơ Lưu Trùng Dương lên đường ra Bắc, anh em trong cơ quan Tuyên huấn và Văn nghệ Khu V ngậm ngùi thương cảm. Nhiều người nghĩ rằng chắc khó gặp lại ông, vì căn bệnh hiểm nghèo như một cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu. Những lời dặn dò, những bàn tay siết chặt, những giọt nước mắt và cả những bài thơ. Trong chiếc ba lô đựng hành trang ít ỏi của một người lính văn nghệ từ chiến trường trở về hậu phương để bước vào một cuộc chiến đấu mới có cả những bài thơ.

Và đúng là "thơ sẽ báo điều gì kỳ diệu hơn chăng?". Từ bấy đến nay, vượt qua bao gian truân, thử thách của số phận nhà thơ Lưu Trùng Dương vẫn tiếp tục sống và không ngừng sáng tác.

ĐÔI ĐIỀU TRONG MỘT ĐÊM CHIA TAY

Luôn nhớ anh, anh Dương…

Nhà thơ Ngô Thế Oanh

Sao thế giới vẫn không như người ta ước mong

nào chiến tranh, nào thiếu thủy chung, nào ung thư, phóng xạ

con người đi giữa bao lo âu vất vả

mà con người chỉ biết mỉm cười thôi

con người đâu có chiếc đũa thần

Và để chống đỡ cái thế giới kia đầy phức tạp lạ lùng

ta chỉ có một trái tim, trái tim trần trụi

với những câu thơ, như một tình yêu không mệt mỏi

mong thơ sẽ báo điều gì kỳ diệu hơn chăng?

Tôi không che giấu nỗi buồn đâu

tôi muốn chia sẻ hết cùng anh

nhưng an ủi anh ư? anh đâu cần thế

cứ giả tính một khả năng tồi tệ

là những cái hạch kia dứt được ta ra

ta vẫn chưa thua cuộc kia mà

nếu có tiếc, ta chỉ tiếc những gì ta chưa kịp nói

và những tiếng chim rừng quá đỗi thiết tha…

Ngắn ngủi sao là những giây phút sắp chia xa

Tôi không nghĩ đến uyraniom hay ung thư đâu…

tôi nghĩ đến một cuộc đấu tranh

tôi nghĩ đến những gì anh sắp viết

đến một tình yêu đắm đuối vô cùng và vô cùng mãnh liệt

như những ngọn thác réo vang tôi vẫn gặp trong những

cánh rừng.

Một đêm cuối mùa xuân năm 1974 ở chiến khu.

BÀI HÁT CHO NGƯỜI KHÁC

Thân yêu tặng anh, anh Dương

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

Đối với anh, hạnh phúc muộn màng sao

Không kịp nói thêm nửa lời về nó

Con sông lớn hứa cho anh gặp bể

Phút này thành tai họa dưới vực sâu

Anh đi trên triền đá ong

Bông trang đỏ, bông hoa bé nhỏ

Dài như kim đâm nát thịt da anh

Biển bắt đầu công việc về đêm

Sóng sủi trắng làm người nhìn tan nát

Ôi Tam Quan… Tam Quan

Anh sống lại nơi biển này bài hát

Tuổi thơ anh đã hát suốt một thời…

Dù điệu vần dại dột của tôi

Cũng nặng trĩu tình tôi vùi trong đất

Cho tôi sống, tôi yêu, tôi khóc

Khóc cũng có khi cần thiết cho đời

Anh thương người con gái qua đường

Mùa đông chiếc khăn quàng nhàu nát

Anh viết mãi những bài ca cho người khác

Anh mang cho họ niềm vui

Họ hái cho anh buổi chia tay nước mắt

Những người sau anh

Tuổi họ chín như quả cây xứ nóng

Tuổi trẻ họ cháy trong anh nóng bỏng

Sẽ không bao giờ nỗi nhớ nguôi đi

Chiều nay đi… từ biệt nơi này

Anh nhận chỗ một chiến trường khác biệt

Chiến trường ấy chúng tôi không đến được

Không ai giúp gì được cho anh

Chỉ có anh

Những câu thơ anh viết cho người khác

Và những tia sóng ngắn

Màn huỳnh quang ghi trận đánh cuối cùng

Nhưng anh không cô độc một mình đâu

Tất cả bạn bè anh

Những câu thơ chưa biết

Và tình yêu bất diệt

Đến giúp sức cho anh

Trong cuộc chiến tranh làm lại tế bào

Anh phải thắng!

Suối Đăk Oa, mùa xuân 1974

 

Nguồn: antg.cand.com.vn