Con thiên nga đen lẻ bạn - Hồ Việt Khuê

05.06.2020

Anh và cô đi dạo trong công viên gần nhà. 

Trong thành phố này, cứ vài khu dân cư lại có một công viên nhỏ. Công viên gần nhà cô nằm bên một cây cầu và có một hồ nước rộng. Những cây khuynh diệp được trồng cách quãng đều đặn hai bên những con đường bê-tông trong công viên đang lặng lẽ xếp lá chào ánh nắng chiều còn rướn mình trên ngọn cây cao. Gió nhẹ và hơi nước phảng phất làm không khí thật dễ chịu. Hai người ngồi nghỉ trên chiếc băng gỗ đặt trên bãi cỏ trước mặt hồ.

Con thiên nga đen lẻ bạn - Hồ Việt Khuê

Đàn vịt thấy bóng người từ xa rẽ nước bơi đến. Cô mở túi vải lấy một ổ bánh mì, bẻ những mẩu nhỏ rồi quăng cho chúng. Đàn vịt lao vào tranh mồi, có con chúi đầu rúc rỉa chỉ thấy hai chân quẫy đạp. Từ xa, một con thiên nga đen tuyền sải cánh trên mặt nước lao đến. Cô bước đến mép nước, bẻ miếng bánh to, dang tay quăng ra xa cho con thiên nga, nó trườn chiếc cổ dài nuốt vội miếng bánh trước khi mấy con vịt ùa tới.

- Bạn nhỏ của em đó!

Cô cười, chỉ con thiên nga đen nói nhỏ nhẹ không muốn người khác nghe được, ngoài anh.

- Trước đây còn một gia đình thiên nga trắng nữa nhưng không biết chúng đi đâu. Con thiên nga đen này ở đây đã mấy năm nay, có lẽ vì nó cô đơn nên đi đâu rồi cũng vậy thôi…

Cô lại đến bên mép nước quăng một mẩu bánh mì ra xa, đám vịt ùa tới nhưng cổ chúng ngắn quá, con thiên nga đen chỉ hơi nghiêng đầu đã táp được miếng mồi. Anh ngồi lặng yên nhìn dáng cô từ phía sau. Cô cắt tóc ngắn, hai vai thon gầy. Ngày xưa cô để tóc dài xõa ngang vai và anh thường trêu cô mũm mĩm vì dáng người thấp đậm. Vậy mà đã ba mươi năm.

Trong công viên có rất nhiều con quạ đen. Chúng đang cố bám chặt những chiếc móng nhọn vào các cành cây xương xẩu. Chúng bất động, không tỏ vẻ bồn chồn dù đêm đang dần buông bóng.

Anh thắc mắc:

- Em à! Đám quạ này làm tổ quanh đây phải không?

Cô ngước nhìn anh lạ lẫm, có ý chờ anh giải thích.

- Nên chúng không vội về…

Cô níu tay anh và nhìn sâu vào đôi mắt đã đầy bóng tối của anh. Anh nghe thoảng mơ hồ bên tai:

- Cũng có thể chúng không về tổ vì không ai, không điều gì chờ chúng!

Anh xoay người ôm chặt bờ vai cô. Con thiên nga đen cô đơn. Bầy quạ không vội vàng về tổ vì không điều gì chờ chúng. Cô tựa đầu vào ngực anh. Hai người cứ ngồi như thế rất lâu. Đàn vịt đã tản mát vào bờ bụi. Con thiên nga không thấy người bạn lớn quăng bánh mì nữa cũng đã sải cánh đến đụn đất cỏ mọc rậm rạp giữa hồ, nó dang rộng hai cánh và ngẩng cao chiếc cổ dài như đang lấy đà cất cánh, trông nó thật ngạo nghễ và cô độc trước khi bị dìm vào bóng tối. Từ phía xa, ánh đèn xe loang loáng lao vút trên cầu và những ngọn đèn vàng trong công viên đã sáng lên ấm áp. Có tiếng đập cánh của một con quạ lướt ngang chỗ anh và cô rồi buông một tiếng kêu ảo não. Anh đỡ cô đứng lên và hai người rời chiếc băng gỗ, nơi cô ngồi một mình không biết bao nhiêu buổi chiều để đợi đêm đến.

***

Ngày anh tiễn cô ra phi trường để bay sang nước Úc đoàn tụ cùng gia đình, cô nhắc anh hàng trăm lần: "Anh phải chờ em khoảng năm năm để em đi làm, ổn định cuộc sống, rồi em về nước… cưới anh". Anh luôn gật đầu cho cô yên lòng nhưng cô buộc anh phải hứa thành lời. Anh đã dõng dạc hứa sẽ đợi cô năm năm, mười năm vì anh hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của cô dành cho mình. Sáu năm sau cô về nước và giục anh làm lễ cưới nhưng lúc này mẹ anh đã quá già yếu và rất cần sự có mặt của anh trong chuỗi ngày còn lại của bà.

Mấy hôm nay cô đã đưa anh đi ăn uống, mua sắm ở nhiều khu thương mại của người Việt. Anh ngạc nhiên khi thấy nhiều đường phố rực rỡ bảng hiệu toàn chữ Việt. Phở. Cơm sườn. Bánh mì. Chè. Canh chua. Cá kho tộ. Tạp hóa. Thời trang. Hớt tóc. Hải sản đông lạnh. Thịt bò… Sông Hương. Sài Gòn. Cần Thơ. Thu Thủy. Thúy Nga. Mộng. Hằng. Kiều Diễm. Thuận Phát. Vạn Lợi… Ở các nơi đó, chủ quán và nhân viên phục vụ nói toàn tiếng Việt cho anh có cảm giác như đang ở một khu phố trong nước và anh không phải vận dụng đến vốn ngoại ngữ ít ỏi không quen sử dụng của mình. Cô nhắc chuyện cũ:

- Năm xưa nếu anh chấp thuận, em đã thuê một ki-ốt để bán cà phê Việt Nam. Các quán cà phê Việt Nam đông khách lắm, nhiều người dân bản xứ cũng thích cà phê Việt Nam hơn cà phê pha chế truyền thống của họ.

Cô không tỏ vẻ trách móc dù sau khi mẹ anh qua đời, cô đã nhiều lần yêu cầu anh đến với cô.

Hai người kéo ghế ngồi trước hiên một quán cà phê, cô kêu hai ly cà phê sữa đá. Cô phục vụ mang ra hai phin cà phê, một hũ sữa và chiếc bình thủy tinh nhỏ đựng những viên đá nhỏ trong suốt, thêm một hộp khăn giấy. Anh ngạc nhiên vì cung cách phục vụ như ở các quán trong nước. Anh nhìn cô với ý nghĩ nếu cô là chủ quán cà phê chắc quán đông khách đàn ông lắm vì cô đẹp một cách quyến rũ. Bây giờ, sắc đẹp của cô đã tàn phai nhưng vẫn còn phảng phất nét xưa. Khách ra vào quán liên tục, mỗi lần cánh cửa mở ra, anh lại nghe ồn ào những âm thanh quen thuộc của khách trò chuyện bằng tiếng Việt, cũng như ở mấy bàn bên cạnh, họ trò chuyện lớn tiếng nhưng không làm anh khó chịu mà còn cảm thấy được lấp đầy điều gì đó thiếu vắng từ ngày anh đến xứ này.

Cô giới thiệu:

- Quán cà phê này có nhiều loại khách là dân buôn bán, chủ cửa hiệu, người bỏ mối hàng hóa, tài xế xe tải và cả những người già… ngồi tiếc thương dĩ vãng như ba em và mấy người bạn của ông.

Hôm trước cô đã đưa anh đến thăm người suýt là ba vợ của anh. Khi anh đến, ông và các bạn đang có một tiệc nhỏ. Ông lịch sự mời anh vào bàn tiệc. Sau vài ly rượu vang, họ hỏi anh về nhiều chuyện xảy ra trong nước mà họ nghe tin trên báo đài nước ngoài, trên mạng xã hội. Anh trung thực trả lời những gì anh biết nhưng họ tỏ vẻ không tin về những thay đổi đang diễn ra trên quê hương họ đã xa cách quá lâu, có lẽ vì trong lòng họ còn bám bóng ma quá khứ. Trong câu chuyện, họ hay nhắc đến ngày xưa của mình nên cô mới xếp hạng họ là những người già ngồi tiếc thương dĩ vãng.

Một chiều khác, trên băng gỗ dài trong công viên nhìn ra hồ nước, chăm chú nhìn con thiên nga đen lẻ loi, cô hỏi mà không có ý chờ câu trả lời của anh:

 

- Sao anh trốn em?

- Vì anh không thể đánh cắp tuổi thanh xuân của em.

Anh trả lời cô ngay vì đó là câu hỏi đã dằn vặt anh suốt bao năm. Anh đã viết một bức thư dài giải thích vì sao anh không thể đi nước ngoài định cư dù nơi đó có người yêu thương anh chờ đợi. Năm đó cô đã hai mươi bảy còn anh đã ngoài ba mươi và là một kẻ nửa thầy nửa thợ. Anh đã bắt đầu mệt mỏi và biết rằng mình không còn đủ sức khỏe thể xác cũng như tinh thần để khởi động một cuộc sống khác ở một môi trường hoàn toàn xa lạ. Và nhất là anh không thể bám vào cô như bám vào cái phao dù là một cái phao tự nguyện. Bức thư không được gửi đi nhưng anh đã im lặng suốt một thời gian dài và không liên lạc với cô. Rồi cô lấy chồng là một người bản xứ cùng sở làm. Và bé An An ra đời nhưng họ đã chia tay chỉ sau vài năm chung sống. An An đi làm cách nhà hai giờ lái xe, trong lần cuối tuần về thăm mẹ An An đã gặp anh và không tỏ vẻ ngạc nhiên, chắc cô đã kể chuyện về anh với con gái mình. Cô đã dạy con tiếng Việt từ nhỏ và hai mẹ con dùng tiếng Việt lúc ở nhà nên An An nói rất sõi, tuy không viết thạo tiếng quê mẹ. Điều này làm cô hối tiếc vì cô không có nhiều thời gian ở bên thời ấu thơ của con, ngày tháng đó cô phải làm nhiều việc để tự lập về kinh tế.

Vùng này nhiều gió và nhiệt độ thất thường trong ngày nên các khu nhà hiếm khi mở cửa. Mọi người đi làm, đi mua sắm về là đóng kín tất cả cửa, cả những ô cửa kính trên tầng một. Đêm, sau bữa cơm, anh và cô thường ngồi trong gian trước trên tầng một, trước ô cửa kính rộng nhìn xuống con đường ngang nhà. Con đường rộng và chạy dài thẳng tắp không bóng người, xe nên càng rộng và dài hun hút dưới ánh đèn vàng. Gió quăng quật các cành lá của hai hàng cây bên đường làm tăng thêm vẻ buồn bã và ảm đạm của những ngôi nhà một tầng sơn màu xám có trồng nhiều loại hoa trước sân bên trong hàng rào thấp sơn trắng.

Cô nhấc phin cà phê, thả vào ly mấy viên đường, khuấy đều rồi đẩy về phía anh. Hương cà phê Việt Nam thơm lừng trong không gian hẹp ấm cúng. Nửa tháng qua anh như người chân không chạm đất. Đúng hơn, từ lúc cô xuất hiện thình lình trước cửa phòng anh thuê ở Sài Gòn. Không biết bằng cách nào cô đã có thông tin về anh.

- Anh nói dối em. Anh không hề dan díu với cô nào đó và phải có trách nhiệm với người ta, đúng không?

Ngày đó, anh đã loan tin như thế để cô thôi tìm anh. Khi quay về Úc, cô đã đặt vé bay khứ hồi cho anh đến thăm cô.

- Em muốn thức đến giờ anh ra phi trường.

Cô nhỏ nhẹ và đến ngồi sát bên anh trong chiếc sofa, tựa đầu lên vai anh như những ngày xa xôi. Hai người cứ im lặng như thế đến khi An An lấy xe ra khỏi gara.

Trên đường đến phi trường Melbourne, An An bất chợt hỏi anh:

- Bác đến thăm mẹ cháu được bao lâu rồi.

Anh thắc mắc không hiểu vì sao cô bé lại hỏi thế.

- Mười lăm ngày.

- Sao bác không ở chơi với mẹ cháu lâu hơn. Mẹ cháu rất cô đơn…

Ngập ngừng giây lát rồi An An tiếp lời:

- À! Mà trưa nay mẹ cháu phải vào bệnh viện rồi.

- Mẹ bệnh gì?

Anh nôn nóng. An An thoáng ngạc nhiên:

- Mẹ cháu không nói với bác à! Mẹ cháu phải phẫu thuật tim, đây là lần phẫu thuật thứ hai rồi.

Cả người anh bỗng run nhẹ. An An quay sang.

- Bác lạnh à! Cháu mở máy sưởi ấm nha.

Anh hốt hoảng:

- Không! Không! Bác bình thường…

Anh nhớ tới cuộc điện thoại cô báo tin đăng ký vé máy bay khứ hồi Sài Gòn Melbourne cho anh, trước khi chào tạm biệt, cô đã nghẹn ngào: "Anh đến với em nha, có thể đây là lần gặp gỡ cuối cùng của chúng ta". 

Truyện ngắn của HỒ VIỆT KHUÊ
 (nld.com.vn)