Cảm nhận từ Lý Sơn - Huỳnh Viết Tư
Từ lâu tôi đã có ý định sẽ ra thăm đảo Lý Sơn nhưng chưa thực hiện được. Vùa qua, anh Nguyễn Tri Thắng và Nguyễn Đình Hạnh, Ban Giám đốc công ty TNHH Sơn Hà tại thành phố Hồ Chí Minh điện mời tôi tham gia chuyến đi đến đảo Lý Sơn cùng đoàn công tác thực hiện đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho ngư dân hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa”.
Đoàn gồm có: Công ty TNHH Sơn Hà, Hiệp hội các Doanh nhiệp Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng, các Luật sư của đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh và đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, Tổng cục An ninh 1 Bộ Công an và một số nhà doanh nghiệp.
Đúng 8 giờ, từ thành phố Đà Nẵng xe chạy đến 4 giờ chiều thì đến cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi lên tàu ra đảo Lý Sơn. Ngồi trên boong tàu dưới nắng chang chang và những cơn gió lồng lộng, mặt biển mênh mang in sắc trời xanh thẩm trải dài ngút tầm mắt. Xa xa, Lý Sơn với đảo Lớn và đảo Bé dần hiện ra, lòng tôi thấy dâng lên một tình yêu đất nước vô bờ. Tàu cập bến, chúng tôi nhanh chóng xuống tàu để vào đảo cho kịp dự lễ kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ và dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ huyện đảo Lý Sơn lúc 19 giờ.
Lý Sơn là hòn đảo rộng chưa đầy 10km2 với hơn 20 nghìn dân, nằm cách đất liền 15 hải lý*, được tạo nên từ những nham thạch phun trào của 5 ngọn núi lửa cách đây chừng ba chục triệu năm. Vùng đất này còn có tên gọi khác là Cù Lao Ré, vốn được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1992. Với địa chất, địa hình và cảnh quan nơi đây, đảo Lý Sơn như là đảo Jeju ** của Việt Nam. Hòn đảo này không chỉ nổi tiếng với nghề trồng tỏi mà còn thu hút nhiều du khách đến khám phá vì nó ẩn chứa một vẻ đẹp kỳ ảo, làm xao xuyến lòng người mà khó nơi nào có được...
Sau một đêm nghỉ ngơi, ngày hôm sau Đoàn phối hợp cùng UBND huyện đảo Lý Sơn tổ chức các hoạt động theo kế hoạch đã đề ra gồm Hội thảo khoa học “Các vấn đề pháp lý và trợ giúp pháp lý cho ngư dân hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa”; lễ ký kết “ Hợp tác triển khai đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho ngư dân hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa trong hai năm 2014-2015”; chương trình Tư vấn, trợ giúp pháp lý và tặng quà cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn; thăm và tặng quà trạm T18 Hải quân, các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tối đến Đoàn tổ chức đêm văn nghệ “Giữ vững chủ quyền biển đảo”, giao lưu cùng bà con ngư dân, thanh niên, lính đảo…
Kết hợp giữa các buổi công tác, Đoàn dành thời gian cho việc thăm các danh lam thắng cảnh trên đảo. Dưới ánh nắng chan hòa, những luống tỏi, hành, dưa hấu vươn mình trên nền cát trắng nóng bỏng với sức sống lạ kỳ, khiến tôi liên tưởng đến truyền thuyết An Tiêm ngày xưa…Từ nhà nghỉ Hoa Biển nằm ngay trên bờ biển, nhìn ra có thể thấy được những con tàu đang neo đậu và một số tàu khác đang lướt sóng ra khơi. Những cây bàng phong ba (bàng vuông) dọc theo bờ kè, lá xanh biếc, thân cứng cỏi, vươn thẳng kiên cường. Trên đảo không có điện lưới nên giữa biển khơi mà vẫn cảm thấy oi nồng. Ngẫm lại càng thấm thía lời anh Trần Văn Nguyên, Chủ tịch huyện chia sẻ với Đoàn về những khó khăn của huyện đảo nào là bão tố luôn rình rập đe dọa nơi biển khơi, nào là tàu Trung Quốc ngăn cản quấy phá làm bà con ngư dân càng thêm lo lắng. Trong thời gian giàn khoan Hải Dương 981 hiện diện ở Hoàng Sa từ đầu tháng năm đến giữa tháng bảy, 14 trong tổng số 426 tàu thuyền của đảo Lý Sơn bị thiệt hại nặng nề vì các vụ va đụng, gây hấn từ tàu Trung Quốc. Thiệt hại ước tính lên tới nhiều trăm ngàn đô la. Anh Nguyên còn tâm sự: “ Trường Sa, Hoàng Sa như vườn nhà để bà con ngư dân Lý Sơn chăm sóc, khai thác. Đây là nguồn mưu sinh nên ngư dân vẫn kiên gan bám biển để đánh bắt và làm phên dậu bảo vệ bờ cõi”. Anh Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và anh Thái Hiền Lương - nguyên Bí thư Trung ương đoàn, hiện công tác tại Văn phòng chính phủ, thay mặt Đoàn chân tình bày tỏ tình cảm của Đoàn đối với những ngư dân huyện đảo, đặc biệt là những ngư dân có tàu hư hại nặng do bị tàu Trung Quốc đâm vừa qua. Cả đoàn, khách và chủ gắn kết với nhau chặt chẽ cùng với ngư dân Lý Sơn giữ vững biên cương Tổ quốc, trao yêu thương đến những người mẹ, người chị chờ chồng ra đi mà không bao giờ trở về.
Chúng tôi được xe của huyện đưa lên đến đỉnh Thới Lới cao nhất đảo, với cột cờ luôn phất phới lá cờ đỏ sao vàng giữa biển trời lộng gió vào buổi trưa. Chắc ở đây vào lúc bình minh hay hoàng hôn thì sẽ đẹp hơn. Nhìn sang bên cạnh là miệng núi lửa mà vết tích còn sót lại với những nham thạch phân hủy thành đất đỏ phì nhiêu bao quanh một hồ nước rộng lớn, cung cấp nước ngọt và nhiệt năng cho cả đảo. Lớp đất đỏ này được bà con đem về rải trên đồng, phủ thêm lớp mùn cỏ cây và cát trắng lấy từ lòng đại dương, tạo nên cánh đồng hành tỏi xanh tươi. Ngồi trên núi Thới Lới mà ngắm biển về đêm, trong lung linh kì ảo ánh trăng, gió dịu dàng cuốn theo hương muối của biển hẳn thi vị lắm.
Rời đỉnh Thới Lới, chúng tôi đến chùa Hang, một hang động lớn nhất đảo thờ phật, được tạo thành từ thế kỉ 16 từ một vách đá dựng đứng cao gần 20m ở ngọn Thới Lới, do nước biển xâm thực. Hang có bề ngang 30m ăn sâu vào núi trên 25m theo kiểu hàm ếch. Ở trong hang, có những kỉ đá, giường đá rất đẹp. Trước cửa hàng là dãy bàng cổ thụ cành lá sum xuê phủ kín cửa hang và tượng Quan Thế Âm nhìn hướng ra biển Đông. Sau bữa cơm chay được mời tại chùa Hang, mọi người đến cổng Tò Vò, nơi tập trung những ngôi mộ gió và thờ cúng những hùng binh một thời. Đây là một thắng cảnh độc đáo với những ngọn núi nhô ra giữa không gian vô tận của trời và đất trông như bức tranh thủy mặc khổng lồ. Chúng tôi có cơ hội ngắm đàn cá tung tăng bơi lội, các rặng san hô màu sắc sặc sỡ…Ven bờ biển từ chùa Hang đến hang Câu là một khung cảnh hùng vĩ với một bên là vách núi sừng sững, một bên là trời biển mênh mông làm mê đắm lòng người.
Bước vào làng trên đảo, cảm giác thật ấm áp, nhà cửa đều được xây dựng kiên cố để chống bão. Cuộc sống người dân nơi đây tương đối khá nhờ vào việc đánh bắt hải sản và trồng hành, tỏi. Những ngôi đền, chùa cổ linh thiêng khác ở trên đảo đều mang dấu ấn lịch sử như miếu bà Chúa Ngọc, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng Núi lửa, di tích Hải đội Hoàng Sa – Trường Sa, Âm Linh Tự và một số ngôi mộ cổ…Đặc biệt, đình làng An Hải (trước kia gọi là Lý Hải) ngôi đình làng cổ nhất Quảng Ngãi, là nơi tổ chức các lễ hội, sinh họat văn hóa được xây dựng năm 1820, đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét chính của kiến trúc ban đầu, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngoài ra còn có chùa Đục được xây dựng rất sống động trong một hang đá trên núi giếng Tiền. Ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng triệu năm trên đảo để lại một lòng chảo - miệng núi, trơ gan cùng năm tháng. Chúng tôi phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được chùa. Tượng Quán Thế Âm cao 27 mét sừng sững trước chùa, các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người dân, Đức Quán Thế Âm từng ngự ở đây, trấn giữ và che chở cho dân đảo bình yên, tránh được thiên tai, địch họa.
Trong lòng đảo Lý Sơn còn ẩn chứa Cụm di tích Hải đội Hoàng Sa được lập ra từ thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn như đền Âm Linh và mộ lính Hoàng Sa (xã An Vĩnh) là nơi thờ đội hùng binh Hoàng Sa được xây dựng giữa thế kỷ 17. Ngày đó, những chuyến hải trình đánh bắt gian nan bằng phương tiện thô sơ đến đảo Hoàng Sa đã làm cho rất nhiều binh lính bỏ mình trên biển. Tưởng nhớ đến họ, người dân trên đảo Lý Sơn xây dựng đền Âm Linh để thờ phụng. Đây là di tích lịch sử quan trọng, chứng minh một cách trung thực chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ thời xa xưa. Nơi đây tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và lưu giữ những ngôi mộ của người lính Hoàng Sa…Lý Sơn còn có di tích nhà thờ Phạm Quang Ảnh và nhà thờ Võ Văn Khiết. Hai nhân vật trên cùng là đội trưởng đội Hoàng Sa, đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các di tích này có giá trị giáo dục to lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta.
Một điểm nhấn trong các cụm di tích ở Lý Sơn là Nhà trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được khánh thành vào năm 2010 ở ngay trung tâm huyện lị. Phần sảnh của công trình là tượng đài cao hơn 4m khắc họa 3 chân dung. Người đứng giữa là cai đội với một tay chỉ thẳng về hướng biển Đông, một tay đặt lên cột mốc chủ quyền khắc chữ Hán Nôm “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên cai đội là hai dân binh, bên phải là một người cầm giáo, bên trái là một người vác lưới trên tay. Đây là những đại diện của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, từ thời chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo Hoàng Sa và lập đội Bắc Hải, phụ trách các đảo xa ở phía nam quần đảo Hoàng Sa (nay là quần đảo Trường Sa). Nhà trưng bày có tổng diện tích 180m2, gồm 3 phòng trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật, tranh ảnh có giá trị lịch sử góp phần minh chứng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn từ lâu là một bộ phận không thể tách rời lãnh thổ Việt Nam.
Ra đảo Lý Sơn, được tham quan các di tích, cảnh đẹp, được nghe các cụ lớn tuổi kể chuyện Hải đội Hoàng Sa, về những người con đất đảo anh hùng đã hy sinh xương máu để bảo vệ Hoàng Sa thân yêu; được tận mắt thấy hàng trăm ngôi mộ gió nghi ngút khói hương, chúng tôi ai cũng thấy mình thêm yêu đất nước và có trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương hơn.
Chúng tôi thuê tàu đến đảo Bé. Nếu như đảo Lớn người dân ở đông và một phần tự nhiên được con người tác động thì đảo Bé vẫn còn giữ nguyên những nét hoang sơ với thiên nhiên hùng vĩ giữa vùng trời biển bao la. Bãi đá trầm tích núi lửa, nơi đây tạo nên những vịnh nhỏ có bãi cát trắng tinh, nước biển trong xanh, dịu êm vỗ bờ, thấy rõ từng viên đá san hô, từng hòn sỏi, con ốc dưới đáy biển. Các cô gái trong đoàn không cưỡng được sức hút đến kỳ lạ của biển trời non nước, đã theo nhau ngâm mình trong lòng biển ngắm cảnh mê hoặc giữa trần gian. Chúng tôi đã đặt sẵn các món ăn đặc sản của đảo: cá dìa nướng, mực trộn, ốc mặt trăng xào, cua huỳnh đế, gỏi rong biển, cá tà ma xào chua ngọt… Bữa ăn tối được bày ra ở ngay bãi biển. Sẽ là thiếu sót khi không thưởng thức những món hải sản tươi sống khi đến Lý Sơn. Ở đây bạn có thể đặt nhà hàng chế biến hoặc có thể mượn nhà dân các dụng cụ và tự mình chế biến những món ăn theo cách riêng. Chiều xuống vội, chúng tôi rời đảo Bé khi màn đêm bao phủ, trong niềm nuối tiếc “ước gì thời gian quay trở lại”!
Với vị trí địa lý ở xa đất liền, những cư dân, ngư dân sống ở Lý Sơn đều phải đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn. Không chỉ nguồn nước ngọt, điện lưới quốc gia, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng chưa được quy hoạch đầu tư đúng mức, mà còn thiếu nhiều tiện nghi khác của cuộc sống. Giữa bốn bề sóng gió, những cơn bão tố ập đến bất cứ lúc nào vào mùa biển động; người dân ở đây như được tôi luyện để can trường hơn, cứng cỏi hơn. Họ biết cách vượt qua những khó khăn, gian khổ, biết cách chiến đấu để chiến thắng thiên nhiên và chiến thắng chính mình. Đã từ lâu, Nhà nước có chiến lược biển, đầu tư cho phát triển kinh tế biển chính là đầu tư cho các vùng biển đảo. Nhưng qua sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam, có những hành động hung hăng, trái đạo lý và tính nhân đạo vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, chúng ta cũng phải giật mình nhìn lại: Chúng ta đã thật sự quan tâm đúng mức, đầu tư đúng mức cho các vùng đảo xa để những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; để những nơi đảo xa trở thành phên dậu cho bờ cõi quê hương, cho sự phát triển kinh tế của đất nước và là cơ hội cho sự bứt phá đến với những vùng đất nhiều khó khăn về vị trí địa lý.
Rời Lý Sơn, chúng tôi cảm nhận được điều thật lớn lao là ngoài giá trị về du lịch thì Lý Sơn còn được biết đến bởi là nơi lưu lại nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam. Với những bằng chứng vật thể và phi vật thể còn lưu lại hàng trăm năm qua và xa hơn nữa, Lý Sơn đã chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc.
Tháng 8/ 2014
H.V.T
Ghi chú: (*) 1 hải lý = 1852 m
(**) Đảo Jeju là đảo núi lửa, nằm cách bờ biển phía nam của Hàn Quốc 130km.