Âm nhạc Việt Nam 1975-2020: Những đổi thay nhìn từ góc độ quản lý ca nhạc

30.11.2020
Nguyễn Thị Minh Châu
Đời sống âm nhạc 45 năm qua kể từ khi đất nước thống nhất có khá nhiều biến động. Không biến động sao được trước sự chuyển giao giữa hai thế kỷ và hai thiên niên kỷ, trước sự du nhập liên tiếp thành quả văn minh nhân loại từ các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 và 3 rồi bắt đầu hướng tới “4.0”, trước những đổi thay của đất nước từ cơ chế quản lý bao cấp sang kinh tế thị trường…

Âm nhạc Việt Nam 1975-2020: Những đổi thay nhìn từ góc độ quản lý ca nhạc

Sinh hoạt âm nhạc luôn chịu tác động trực tiếp từ đời sống chính trị xã hội, từ chính sách và phương thức quản lý văn hóa nghệ thuật. Vậy nên hoạt động âm nhạc có đổi mới để ngày càng đa dạng hơn hay không là nhờ nỗ lực của người làm nhạc, người thưởng thức nhạc và người quản lý âm nhạc. Nói rõ hơn, tiến trình phát triển ngành nhạc phụ thuộc không chỉ vào giới nhạc (những người hoạt động ở các lĩnh vực liên quan đến sáng tác, biểu diễn, giáo dục đào tạo, lý luận phê bình, dàn dựng chương trình, in ấn xuất bản, báo chí truyền thông…), cũng không chỉ vào vai trò tác động của công chúng, mà còn vào một nhân vật mang tính quyết định trong kiến tạo môi trường âm nhạc: nhà quản lý.

Nhà quản lý hoạch định đầu tư phát triển nghệ thuật âm nhạc ra sao và tôn trọng sáng tạo của người làm nhạc mức nào? Nhà quản lý coi trọng giáo dục âm nhạc đại chúng mức nào và cân đối nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng ra sao?

Gần nửa thế kỷ qua đã để lại cho giới quản lý ca nhạc những thành tựu đáng ghi nhận và không ít kinh nghiệm thực hành qua những vấp váp. Nhìn nhận vấp váp luôn chiếm phần quá nhỏ so với thành tích trong các bài viết mang tính tổng kết của nhiều thập niên quen chạy theo hình thức báo công. Cứ bàn hơi sâu về cái dở là có thể bị xem như phần tử cực đoan tiêu cực. Thực ra chẳng ai muốn cực đoan chỉ săm soi cái dở, hơn nữa, phải là người có cái nhìn tích cực lạc quan mới ngộ ra rằng: bài học từ sai lầm trong quá khứ không hoàn toàn là cái dở, mà nó thực sự có giá trị khi luôn được xem xét để cân nhắc điều chỉnh hiện tại, sao cho tương lai không bao giờ còn vấp lại nữa.

Dám thay đổi quan điểm nhận thức hay biện pháp thực hành cho hợp lý hợp tình, tinh thần và hành động đó đáng được trân trọng không kém thành tích, bởi mỗi lần vượt qua được quan niệm ấu trĩ lỗi thời, loại bỏ được những biện pháp cứng nhắc thiển cận là ta đã hạn chế được ít nhiều hậu quả đáng tiếc cho sự phát triển nghệ thuật âm nhạc nước nhà.

Sự thay đổi quan niệm đã làm được những điều đáng kể trong gần nửa thế kỷ qua trong kế thừa cái cũ vốn có cũng như trong tiếp nhận cái mới từ bên ngoài. Khái niệm “cái cũ vốn có” đương nhiên là nhạc cổ truyền. Còn “cái mới bên ngoài” bao gồm các thể loại nhạc mới tiếp nhận từ phương Tây, từ ca khúc đại chúng cho đến hòa tấu giao hưởng thính phòng, trong đó tính cả các nhánh của nhạc giải trí và các xu thế khác nhau của nhạc hàn lâm chuyên nghiệp. Thể loại ca khúc thuộc họ “mới”, nhưng ở thời điểm nhất định nhìn về quá khứ thì bài hát của giai đoạn trước cũng có thể được coi là “cái cũ vốn có”.

Nhớ lại hơn 10 năm hậu chiến: những nếp nghĩ cũ từ thời chiến không còn phù hợp với thời bình, những xáo trộn bộn bề trong tổ chức, những khái niệm lý luận còn mơ hồ và thực tế tự phát khó kiểm soát không ít lần đã đẩy các cơ quan quản lý ca nhạc vào tình cảnh lúng túng bị động. Thêm một minh chứng cho luận điểm Heghen: “Cái gì hợp lý thì tồn tại…”. Đã đến lúc đổi mới tư duy để chấm dứt thói quen suốt những năm chiến tranh, đó là chỉ chú trọng vai trò giáo dục, tuyên truyền, cổ động, tụng ca của âm nhạc và cương quyết loại bỏ yếu tố giải trí. Đã đến lúc cần trả lại chức năng giải trí vốn có trong âm nhạc, trả lại tình ca cho đời sống tinh thần của người dân vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh ác liệt để đối mặt với hoàn cảnh thiếu hụt mọi thứ của thời hậu chiến.

Nếu nhận thức được điều này sớm hơn, có lẽ các chương trình ca nhạc “quốc doanh” cuối thập niên 70 đã không quá nghèo nàn khô cứng, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thiếu tình ca, rồi vì khủng hoảng thiếu mà sau đó liên tiếp bùng phát những “trào lưu” như nhạc tiền chiến, nhạc Sài Gòn trước 1975, nhạc hải ngoại.

Và nếu nhận thức được sớm hơn, nhiều bài hát tình yêu để đời được viết với tinh thần kịp thời nhập cuộc của giới nhạc đã không bị phê phán trên báo chí. Mùa xuân bên cửa số của nhạc sĩ Xuân Hồng - cựu Tổng thư ký Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh - không được chấp nhận ngay từ câu mở đầu: “Cao cao bên cửa số có hai người hôn nhau”. Hôn là phải cấm thôi! Một cựu Tổng thư ký khác - nhạc sĩ Hoàng Hiệp bị chỉ trích là người chuyên viết nhạc đỏ lại xoay sang viết nhạc vàng “anh anh em em” và một số tình ca của ông bị loại khỏi chương trình ca nhạc. Người giữ kỷ lục có nhiều ca khúc bị cấm nhất là nhạc sĩ Trần Tiến, kể không xuể: Giai điệu Tổ quốc, Đôi mắt mang hình viên đạnThành phố trẻVết chân tròn trên cátChiếc vòng cầu hônĐiệp khúc tình yêuTạm biệt chim énMùa xuân gọi…, đặc biệt là chùm ca khúc trong chương trình du ca Trần trụi 87. Vì những ca khúc này mà tác giả bị kiểm điểm lên xuống. 20 năm sau, tác giả của quá nhiều bài hát “có vấn đề” đã được trao Huân chương Lao động hạng Ba và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).

Nhắc lại những hiện tượng bài ca đi cùng năm tháng từng bị “quy tội” như thế để thấy đánh giá chất lượng nội dung tác phẩm của các nhà quản lý ở thời điểm khác nhau có thể rất khác nhau. Quan điểm có thể xoay chuyển tới 180 độ!

Nhận thức không theo kịp thời thế thường dẫn đến những biện pháp cực đoan: quản không được thì cấm. Không thể dùng chính sách triệt để ngăn sông cấm chợ như trước thời điểm mở cửa giữa những năm 80, giải pháp tình thế là đưa ra dăm ba danh sách những ca khúc Sài Gòn trước 1975 được phép sử dụng. Cách chữa cháy này gây nhiều bất cập trong quản lý biểu diễn không chỉ trong những thập niên cuối thế kỷ trước, mà tới thập niên thứ hai của thế kỷ này vẫn nảy sinh những rắc rối trong cấp phép, càng lộ thêm điểm yếu của cơ chế xin cho. Sau 45 năm non sông liền một dải, các nhà quản lý vẫn đang loay hoay với câu hỏi treo: có nên bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975?

Thực tế đã có những động thái cởi mở dần trong xu hướng hòa hợp dân tộc. Hận thù có thể hóa giải, nhiều cựu chiến binh Việt - Mỹ còn trở thành bạn hữu của nhau, huống hồ người Việt với người Việt. Tôi vô cùng cảm động được biết qua trang Facebook của anh hùng phi công Phạm Phú Thái những câu chuyện và hình ảnh cuộc gặp gỡ đầy tình người giữa anh với các cựu phi công Mỹ nửa thế kỷ trước đã bắn rơi máy bay anh hoặc bị anh bắn rơi, rồi những lời từ biệt thắm tình bằng hữu của các cựu phi công Mỹ trước sự ra đi của anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.

Đó là những người lính trực tiếp cầm súng đối đầu nhau, còn trong văn học nghệ thuật, nhất là trong âm nhạc, nơi kết nối hiệu quả nhất giữa người với người thì sao? Từ 1/4 thế kỷ nay đã có nhiều cuộc gặp gỡ thân thiện giữa các nhà văn cựu chiến binh Việt - Mỹ với vai trò sứ giả hòa bình. Nếu thơ ca chính là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa hai dân tộc, thì đương nhiên thơ ca cũng luôn là mối liên kết tình người giữa những đứa con cùng màu da từng ở hai chiến tuyến. Tôi nhớ mãi câu chuyện lần đầu tiên gặp lại nhạc sĩ Văn Cao sau khi thống nhất đất nước, nhạc sĩ Phạm Duy đã tặng bạn mình chiếc áo khoác đang mặc trên người không phải vì bạn thiếu áo, mà vì “yêu nhau cởi áo cho nhau”...

Trong lĩnh vực lý luận âm nhạc, trước kia phủ nhận hoàn toàn “âm nhạc chế độ cũ”, nay đã có không ít trang viết phân tích giá trị nghệ thuật ca nhạc Sài Gòn trong các công trình nghiên cứu khoa học mang tính sử nhạc. Trong lĩnh vực quản lý âm nhạc, nhạc sĩ nghệ sĩ định cư nước ngoài trước không dám mơ ngày trở về, nay được tạo điều kiện làm chương trình riêng và tham gia những hoạt động âm nhạc trong nước.

Trở lại tinh thần đổi mới tư duy trong những thập niên cuối thế kỷ trước. Cùng với việc nhìn nhận vai trò giải trí của âm nhạc còn có sự thay đổi quan điểm về “nhạc nhẹ”. Một quá trình tự đấu tranh với chính mình trong nhận thức: khởi đầu là sự chuyển đổi từ thái độ cực đoan phủ nhận nhạc nhẹ như thứ nhạc đồi trụy cần ngăn cấm triệt để, sang chấp nhận có chọn lọc chỉ loại nhạc nhẹ của phe Xã hội chủ nghĩa; rồi từ chấp nhận một phần cho đến quan niệm “mở” hơn, coi nhạc nhẹ như một nhánh tất yếu trong sinh hoạt ca nhạc.

Sau thời điểm mở cửa năm 1986, “nhánh tất yếu” dần dần biến thành “chính yếu” của thị trường âm nhạc cuối thế kỷ XX và gần như chiếm vị trí độc tôn trong sinh hoạt âm nhạc đầu thế kỷ XXI. Nhạc nhẹ, nhạc thị trường, nhạc trữ tình… tóm lại tất cả các loại nhạc có thể cùng gọi chung là nhạc giải trí luôn lấn át nhạc chính thống và nhạc cổ truyền. Một trong những nguyên do lại liên quan đến quản lý: sự thả nổi. Thực trạng mất cân đối này đương nhiên đã dẫn đến quan niệm lệch lạc coi nhạc giải trí là đại diện duy nhất của nhạc Việt.

Không chỉ với nhạc mới, mà trong cách nhìn nhận nhạc cổ cũng có những cuộc đổi mới tư duy sau khi phải trả giá đắt vì đã ngược đãi vốn cổ.

Giới nhạc đã vượt qua những lẫn lộn khái niệm giữa nhạc cổ với nhạc cải biên (tức sáng tác mới cho nhạc cụ cổ truyền) của một thời trót để cái mới mang danh cái cổ trong các chương trình âm nhạc dân tộc, và tình trạng cái mới buộc phải đóng vai “giả cổ” đã góp phần làm mất dần đất sống của vốn cổ.

Giới nhạc cũng gắng thoát khỏi những ngộ nhận nghiệt ngã về giá trị của nhiều loại hình nhạc cổ để còn kịp níu giữ vốn quý trước nguy cơ thất truyền, trong đó có 9 di sản được Nhà nước cho lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản phi vật thể truyền khẩu của nhân loại hoặc di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đó là nhã nhạc cung đình Huế, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam bộ, ví giặm Nghệ Tĩnh, bài chòi Trung bộ, hát then vùng núi phía Bắc.

Đã có những điều chỉnh trong nhận thức về phương pháp lưu truyền vốn cổ gồm hai chuỗi hành động song song bổ trợ nhau chứ không thay thế nhau (như từng lấy nhạc cải biên thay thế nhạc cổ): thứ nhất, bảo tồn và phát huy; thứ hai kế thừa và phát triển. Song từ nhận thức đến thực hành còn quá nhiều khó khăn thử thách, nhất là cho giới quản lý. Không quản lý khéo thì hậu quả khó lường trong việc phục chế và bảo tồn nhạc cổ.

Thực tế cho thấy không ít hiện tượng biến tướng lễ hội âm nhạc dân gian và nguy cơ xa dần cái gốc trong diễn tấu nhạc cổ chỉ vì quá ưu tiên mục tiêu thương mại và danh lợi của người tổ chức. Song thực tế cũng vừa cho thấy một biểu hiện tính linh hoạt trong quản lý qua một sự việc nóng hổi tính thời sự: đó là quyết định kịp thời dừng hết mọi lễ hội dân gian trên toàn quốc để tránh đại dịch Covid-19. Cái rủi có thể biến thành cái may, nếu như tình trạng buộc phải hạn chế lây lan dịch bệnh đúng vào mùa lễ hội đem lại khoảng lắng cần thiết cho người quản lý các cấp cùng tĩnh tâm nhìn lại mục tiêu và phương thức tổ chức sự kiện, loại bỏ được các hiện tượng khoa trương trục lợi để các lễ hội dân gian thực sự mang ý nghĩa nhân văn và tôn vinh nét đẹp của văn hóa truyền thống.

Trong thái độ ứng xử với di sản tổ tiên còn một nỗi băn khoăn lớn cho giới nhạc, đó là mức độ sử dụng dân ca trong sáng tác mới. Với định hướng “dân tộc và hiện đại”, người làm nhạc luôn coi việc mượn giai điệu dân ca là thủ pháp hữu hiệu để tạo nên sản phẩm “đậm đà bản sắc dân tộc”. Liều lượng và cách thức thế nào, vận dụng hay lạm dụng, sáng tạo hay sao chép là còn tùy vào nhân cách và bản lĩnh nghề nghiệp của tác giả. Song ở đây nếu thiếu khả năng thẩm định của người tổ chức và kiểm duyệt chương trình ca nhạc, thì cứ mãi tràn lan những bài hát chẳng khác gì dân ca. Đạo nhạc hiển nhiên là phạm luật bản quyền tác giả, nhưng thả ga vô tư “đạo” của tác giả vô danh, của tổ tiên lại được phép ư?

Vấn đề bản quyền ngày càng trở nên thách thức các nhà quản lý, khi họ thường buộc phải vào cuộc để xử phạt chữa cháy. Thực tế đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao trong mọi hoạt động âm nhạc, nên người quản lý trong vai trò trọng tài càng phải trưởng thành hơn trong hiểu biết âm nhạc và pháp luật, mặt khác họ không thể bỏ qua sự tham vấn từ các luật sư và chuyên gia âm nhạc. Thời đại kết nối toàn cầu, liên quốc gia, liên ngành đang mở ra cơ hội mới cho nhà quản lý biết vận dụng mối liên kết bề rộng giữa các cố vấn chuyên sâu của các lĩnh vực liên quan.  

Không thể hòa nhập vào sự kết nối toàn cầu, nếu phủ nhận hoặc hạn chế vai trò của internet. Không nắm bắt được tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật, một phần văn nghệ sĩ thế hệ trước có thể nói “không” với một thế giới tuy ảo mà hiệu quả rất thật trong quảng bá tác phẩm và tương tác với công chúng, nhất là công chúng trẻ. Còn nhạc sĩ trẻ thì sao, đương nhiên họ đã không bỏ lỡ những thay đổi mang tính tương tác đa chiều trong mọi khâu của hoạt động âm nhạc: sáng tác, biểu diễn, quảng bá, khai thác, học hỏi, thưởng thức... Họ có quyền vận dụng thành quả văn minh nhân loại, từ đó góp phần hiệu quả hơn trong quảng bá văn hóa âm nhạc Việt Nam, không những với công chúng Việt mà hướng tới bất cứ đâu phủ sóng internet trên hành tinh này. Cái quyền đó đáng được nhận sự ủng hộ từ các nhà quản lý.

Nếu thời đại công nghệ thông tin đòi hỏi văn nghệ sĩ điều chỉnh tư duy và cách thức sáng tạo, thì với nhà quản lý là sự đòi hỏi điều chỉnh tư duy và cách thức quản lý. Thay vì dị ứng với internet và mạng xã hội, nhà quản lý thức thời hẳn biết hiệu quả mức nào trong việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực quản lý, tận dụng diễn đàn ảo vào mục tiêu mở rộng môi trường âm nhạc, đầu tư số hóa cho âm nhạc cũng như văn học nghệ thuật nói chung. Hà cớ gì lại bỏ lỡ những điểm cộng mà không gian số đem lại: cơ hội tiếp cận, kết nối và tương tác cho cả ba đối tượng - sáng tạo, thưởng thức và quản lý âm nhạc.

Hiện tại và phía trước còn nhiều thử thách nhưng cũng mở ra những khả năng thay đổi trong quản lý. Chẳng hạn riêng với đối tượng làm nhạc, muốn khích lệ sáng tạo thì cần có những chính sách thoáng hơn, hợp lý hơn. Không thể mãi duy trì thói quen hình thức giáo điều trong đánh giá tác phẩm: chỉ nhắm vào yếu tố chính trị tư tưởng qua nội dung lời ca và gần như không để tâm đến giá trị nghệ thuật trong ngôn ngữ âm nhạc. Cũng không thể duy trì những yếu tố tiêu cực của cơ chế “xin cho” trong việc xét duyệt phong tặng đang làm mất dần giá trị của các giải thưởng, danh hiệu, học hàm, học vị. Không thể có một tương lai âm nhạc phát triển rực rỡ nếu như chưa đầu tư thích đáng cho môi trường giáo dục khuyến khích tối đa sự sáng tạo. Cũng không thể khắc phục hiện tượng chảy máu tài năng trẻ, một khi chưa tạo được điều kiện hoạt động thuận lợi trong nước và liên quốc gia.

Trước bối cảnh toàn cầu chuyển biến quá nhanh quá mạnh, muốn hội nhập thế giới thì phải bắt kịp thời đại, mà muốn theo kịp thời đại trong lĩnh vực sáng tạo âm nhạc, thì cũng phải theo kịp thời đại trong quản lý âm nhạc. Lịch sử không dừng lại, nhân loại luôn tiến về phía trước. Người thức thời không sợ và không ngại đổi thay, mà còn vui mừng vì vẫn có thể đổi thay. Tinh thần đổi mới của mấy thập niên qua luôn cần liên tục nâng tầm một cách uyển chuyển khéo léo trong tương lai, để hướng tới gây dựng một môi trường âm nhạc phù hợp với thời đại mà vẫn hài hòa và cân đối, độc đáo và nhân văn.

(hoinhacsi.vn)