Nhạc Việt đương đại tìm về văn hóa dân gian
Chạm được cảm xúc của khán giả
Những ngày cuối tuần trên phố đi bộ ở thủ đô Hà Nội, không khó để bắt gặp những nhóm sinh viên tình nguyện hay các câu lạc bộ hát, nhảy lại ca khúc Để Mị nói cho mà nghe - bản hit của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, pha chút R&B, cùng nhạc rap, nhạc điện tử sôi động, cộng với phần MV khai thác các tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Vợ nhặt, Lão Hạc, Tắt đèn, Số đỏ… đã chạm được cảm xúc của khán giả. Tại nhiều địa phương khác, các bạn trẻ cũng hào hứng cover (hát lại, nhảy lại) Để Mị nói cho mà nghe cùng với những sáng tạo của riêng mình.
Chia sẻ về sự thành công của ca khúc, Hoàng Thùy Linh cho hay: “Một tác phẩm hay xoay quanh 3 yếu tố chân - thiện - mỹ, Để Mị nói cho mà nghe dung hòa được cả ba yếu tố này. Chân và thiện chính là mượn hình tượng văn học để truyền tải thông điệp sống tích cực, cổ vũ người trẻ dám thể hiện bản thân mình. Mỹ là những hình ảnh trẻ trung, đậm bản sắc vùng cao Tây Bắc cùng với vũ đạo duyên dáng, bắt mắt”.
Không chỉ Hoàng Thùy Linh, nhiều sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ khác cũng được công chúng đón nhận trong việc khai thác chất liệu dân gian, tạo thành một xu hướng rõ rệt trong đời sống âm nhạc thời gian qua như ca sĩ Bích Phương với MV Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau, Hòa Minzy với MV Không thể cùng nhau suốt kiếp, Chipu với MV Anh ơi ở lại, Cung đàn vỡ đôi…
Mới đây nhất, trong MV Người ơi người ở đừng về của Đức Phúc được viết theo thể loại Reggaeton (dòng nhạc khiêu vũ mang âm hưởng Latinh) kết hợp với yếu tố dân ca Quan họ Bắc Ninh. Sau khi MV được ra mắt, nhiều khán giả cho rằng, Người ơi người ở đừng về là một bản nhạc World Music ấn tượng. Đây cũng là cách làm thường thấy của các nhà sản xuất góp phần truyền bá văn hóa của dân tộc đến công chúng.
Cầu nối văn hóa
Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có những tác phẩm thành công bằng việc lấy cảm hứng từ chất liệu dân tộc, âm nhạc truyền thống ở các vùng, miền hay tín ngưỡng dân gian. Các nhạc sĩ như Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương, An Thuyên… đều tạo dựng tên tuổi trong nền âm nhạc nước nhà bằng những sáng tác như vậy. Tiếp sau đó là thế hệ các nhạc sĩ Quốc Trung, Lê Minh Sơn… ghi dấu đậm nét với dòng nhạc dân gian đương đại. Họ đã tạo nên những món ăn tinh thần đáng giá với những giai điệu thấm hồn dân tộc nhưng vẫn gần gũi với cuộc sống hiện đại.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, dù sống trong thời đại nào, các nhạc sĩ đều tìm đến giá trị truyền thống và kết hợp với tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một ngôn ngữ âm nhạc, một phong cách âm nhạc mang hơi thở dân tộc. Những nghệ sĩ trẻ hôm nay vẫn tiếp tục tìm kiếm, phát huy bản sắc dân tộc trong âm nhạc và tạo được sự đồng điệu từ người nghe.
Tuy nhiên, những người trẻ có những góc nhìn trẻ trung, tươi mới hơn về văn hóa, truyền thống dân tộc. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng, đó là điều tích cực bởi sẽ giúp văn hóa dân gian gần gũi hơn với giới trẻ. Chưa kể, những chất liệu văn hóa dân gian đã nằm sẵn đâu đó trong mỗi người Việt nên những sáng tạo được lấy cảm hứng từ những chất liệu ấy dễ dàng đi vào lòng người hơn.
Không chỉ ở Việt Nam, việc sử dụng chất liệu truyền thống, dân gian, lịch sử là xu hướng chung của âm nhạc thế giới. “Hầu hết tác phẩm nổi tiếng của các ban nhạc châu Âu, Mỹ đều mang hơi thở dân gian, truyền thống của đất nước họ. Vì vậy, việc các nghệ sĩ trẻ hiện nay khai thác chất liệu này rất đúng đắn và có cơ hội bước ra thế giới”, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh chia sẻ.
(baodanang.vn)