VƯỜN MẸ - ĐIỂM NỔI BÌNH DƯƠNG XƯA VÀ NAY - Huỳnh Bảy

08.12.2021
Huỳnh Bảy
Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam nằm về phía đông bắc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phía nam giáp xã Bình Minh, Bình Đào, bắc giáp xã Duy Nghĩa, đông giáp xã Duy Hải huyện Duy Xuyên, một phần giáp biển Đông và phía tây giáp sông Trường Giang.

VƯỜN MẸ - ĐIỂM NỔI BÌNH DƯƠNG XƯA VÀ NAY - Huỳnh Bảy

Di tích Căn cứ lõm Bàu Bính nhắc nhớ thời oanh liệt chiến đấu của LLVT nhân dân Thăng Bình.

     Tài liệu lịch sử đấu tranh cách mạng của xã Bình Dương giai đoạn 1930-1975 ghi rõ: Nhìn khái quát, lịch sử, địa lý cũng như kinh tế xã hội của xã không khác xa mấy với các làng xã lân cận hoặc với cả tỉnh Quảng Nam nói chung, nhưng cũng có những nét riêng biệt nhất định. Đó là ảnh hưởng của thiên nhiên khắc nghiệt, một cuộc sống thiên nhiên không mấy ưu đãi đã tạo cho người Bình Dương một truyền thống cần cù, chịu khó, nhưng dũng cảm, kiên cường, rộng mở vì nghĩa lớn. Những tính cách ấy của nhân dân Bình Dương được kế thừa và vun đắp, góp phần tạo nên một Bình Dương anh hùng kiên cường trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong xây dựng quê hương hôm nay.

Xưa...

Gắn liền với lịch sử Quảng Nam, từ cuối thế kỷ 19, Bình Dương đã có những thanh niên tham gia đội lính kinh chống Pháp, hăng hái hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Tiểu La - Nguyễn Thành, Nguyễn Duy Hiệu, tham gia phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, phong trào Đông du của Phan Bội Châu - Nguyễn Thành, những cuộc nổi dậy chống xâu, thuế năm 1908, rèn kiếm luyện quân hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa chống cường hào hiếp đáp…

Nhưng, cột mốc được ghi vào lịch sử của Đảng bộ Bình Dương là ngày 09.7.1946, chi bộ Lạc Câu (tiền thân của Đảng bộ xã hiện nay) được thành lập, Chi bộ có 03 đảng viên đó là: Đồng chí Ngô Thanh Dũng, đồng chí Võ Truyền, và đồng chí Phan Nghị. Đồng chí Ngô Thanh Dũng làm bí thư chi bộ, chi bộ lấy tên là Phan Thanh. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở Bình Dương sau này. Có Chi bộ Đảng lãnh đạo, dù ở trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, như quân thù liên tục càn quét nhưng nhân dân Bình Dương vẫn kiên cường đối đầu với giặc Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Nhân dân chấp nhận hy sinh mất mát, bảo vệ quê hương, góp phần cùng cả nước làm nên những chiến công hiển hách.

Từ năm 1954-1960, phong trào cách mạng ở Quảng Nam nói chung, xã Bình Dương nói riêng gặp muôn vàn khó khăn trước các chiến dịch tố cộng, diệt cộng và Luật 10.59 man rợ của Ngô Đình Diệm. Trong những khó khăn ác liệt ấy, Đảng kiên cường bám dân, dân vẫn một lòng tin yêu bảo vệ Đảng để giữ vững ngọn lửa đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Vào cuối năm 1963 và đầu mùa Xuân năm 1964, phong trào cách mạng ở Bình Dương đã bắt đầu nẩy nở trong các tầng lớp quần chúng. Đến đầu tháng 9.1964, tỉnh tăng cường lực lượng vũ trang để hỗ trợ Bình Dương nổi dậy đồng khởi. Chi bộ kết nạp thêm nhiều đảng viên mới, trẻ, khỏe, nhiệt huyết, tranh thủ xây dựng mới hàng trăm cơ sở mật, tổ du kích mật, cơ sở trung kiên, phân đều ở các thôn từ vùng cát, vùng biển đến làng chài Cây Mộc.

 Chi bộ cũng đã thành lập Ban Khởi nghĩa. Ban Khởi nghĩa khẩn trương làm việc, soát xét lại từng cơ sở, nhất là tình hình tư tưởng, chú trọng bồi dưỡng nâng cao ý chí chiến đấu cho cơ sở được cài cắm trong cơ quan địch, cơ sở nội tuyến của ta, nắm trọn vẹn trung đội dân vệ, sẵn sàng hợp đồng tác chiến khi có lệnh, phối hợp với du kích và quần chúng nổi dậy khởi nghĩa.

Thực hiện chiến dịch Thu Đông của Khu uỷ V, Tỉnh ủy Quảng Nam phát động nhân dân nổi dậy giành lại chính quyền, lấy Bình Dương làm trọng điểm và nhanh chóng mở rộng ra trên 7 xã vùng đông Thăng Bình.

Đêm ngày 3.9.1964 tất cả lực lượng chính trị - quân sự của ta nhanh chóng vượt quốc lộ 1A, vượt sông Trường Giang luồn về trú quân tại các cơ sở mật trên địa bàn xã Bình Dương. Và, 12 giờ trưa ngày 5.9.1964, Ban chỉ huy chiến dịch phát lệnh, Lực lượng của tỉnh, huyện cùng với nhân dân và lực lượng du kích xã đã tấn công đồng loạt các trụ sở của bọn tề ngụy và bọn tay sai khác. Bình Dương được giải phóng hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục giải phóng các xã vùng đông Thăng Bình, xã Xuyên Thọ (Duy Nghĩa) và Xuyên Phước (Duy Hải) của Duy Xuyên và trở thành hành lang liên hoàn vững chắc, một hậu phương lớn trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà những năm đầu đánh Mỹ.

Sau sự thất bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt, từ năm 1965 đến năm 1968 đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược Chiến tranh cục bộ. Đế quốc Mỹ ào ạt đổ quân viễn chinh Mỹ, quân đánh thuê các nước thân Mỹ và phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam Việt Nam. Ở Quảng Nam, đế quốc Mỹ từng bước thực hiện các cuộc hành quân tìm diệt và bình định, tại vùng Đông Thăng Bình, đặc biệt là trên mảnh đất Bình Dương, cuộc chiến ngày càng ác liệt gấp bội lần. Nhưng, với tinh thần anh dũng, một tấc không đi, một ly không rời, lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Dương đã chiến đấu ngoan cường. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nhất, Bình Dương xây dựng được lực lượng quần chúng và lực lượng vũ trang mạnh, liên tục tiến công địch cả về chính trị, quân sự và binh vận, cả trên sông, ngoài biển, cả trong xã lẫn ngoài xã. Tổ chức tác chiến và phối hợp tác chiến trên 100 trận, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, bắn rơi 5 máy bay, phá huỷ 21 xe tăng, xe bọc thép và nhiều quân trang, quân dụng, thu giữ và sử dụng hàng chục tấn vũ khí các loại, hình thành nên thế trận chiến tranh nhân dân như thiên la địa võng đúng như lời nhà thơ Liên Nam khi về thăm Bình Dương đã viết:

                                    Đó thép gan đây cũng sắt đồng,

Đó bom nguyên tử đây lòng nhân dân

 

Từ những chiến công vang dội và những tấm gương hy sinh anh dũng của quân, dân Bình Dương. Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần thứ nhất vào năm 1969.

Năm nay đã 72 tuổi, lại vừa thương binh nên sức khỏe không còn như xưa nhưng mỗi khi nhắc lại những trận đánh của du kích và nhân Bình Dương năm xưa, nguyên Phó Bí thư, Chính trị viên xã đội Bình Dương ông Võ Văn Châu mắt như có lửa. Ông kể: Năm 1968, mới 19 tuổi ông đã là Phó Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên xã đội. Ngày 30.8.1969, tại Đại hội Anh hùng Chiến sỹ Thi đua lần thứ nhất, do Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức tại xã Tiên Lãnh huyện Tiên Phước, tôi đã vinh dự được thay mặt Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Dương báo cáo thành tích thi đua của lực lượng vũ trang của xã nhà trước đại hội. Ông còn nhấn mạnh: Đây là cơ sở đầu tiên để Tỉnh ủy Quảng Nam báo cáo về Trung ương và được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang lần thứ nhất. Và danh hiệu cao quý đó là động lực để Đảng, lực lượng vũ trang và nhân dân trong xã vững bước lập nên những chiến công trong những năm từ 1970 đến 1975.  

Sau năm 1969, Bình Dương trở thành chiến trường vô cùng ác liệt của vùng Đông Thăng Bình. Và, năm 1972 căn cứ lõm Bàu Bính ra đời, trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường của lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Dương.

Đưa chúng tôi đến thăm lại Căn cứ lõm thuộc thôn Tư, xã Bình Dương, ông Phan Thanh Toán, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chính trị viên Huyện đội Thăng Bình, cũng là một trong những người lãnh đạo và trực tiếp chiến đấu cùng với đồng đội tại căn cứ lõm, bây giờ nhắc lại vẫn không quên tầm quan trọng và nhiều trận chiến đấu ác liệt tại căn cứ này. Ông kể: Đây là thời kỳ khó khăn nhất của lực lượng vũ trang huyện, tỉnh, của quân dân Bình Dương. Địch chủ trương bình định lấn chiếm vùng đông, xoá trắng vùng tà trú quân. Trong lúc toàn bộ lực lượng vũ trang của huyện đều trụ bám ở đây để giữ địa bàn theo sự chỉ đạo của Huyện uỷ, của Tỉnh uỷ. Muốn bình định thành công thì địch phải chiếm cho bằng được Căn cứ lõm. Do vậy, địch tập trung nhiều lực lượng, vũ khí hiện đại để chiếm căn cứ Lõm. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu ngoan cường, bọn địch luôn bại trận, tổn thất nặng nề. Chiến thắng căn cứ lõm mang lại nhiều ý nghĩa. Trong đó, ý nghĩa nhất là dân tin cách mạng, cùng bám trụ để làm chỗ dựa cho lực lượng vũ trang chiến đấu chứ không chạy đến các vùng tạm chiếm của địch. Qua đó, làm thất bại chủ trương bình định, xoá trắng của giặc.

Ghi nhận những chiến công của quân và dân Bình Dương, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần thứ 2 vào năm 1972.

Trên mảnh đất chưa đầy 20 kilomet vuông này, ai đã từng sống ở Bình Dương trong những năm đáng Mỹ mới nhận thấy hết sự chịu đựng vượt ngoài giới hạn của con người. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Bình Dương đã đóng góp cho kháng chiến: hàng trăm tấn lương thực; sản xuất 2.672 quả mìn tự tạo các loại; rào 4.523 mét rào chiến đấu; tổ chức đánh, tập kích, phục kích… 1.672 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương hàng ngàn tên địch; bắn cháy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và máy bay của địch; có 2.500 nam nữ thanh niên tòng quân tham gia bộ đội và bổ sung cho Huyện, Tỉnh và Khu V. Kết thúc cuộc chiến tranh, Bình Dương có đến 1.347 liệt sỹ, có 4.700.7.800 người dân đã ngã xuống, 350 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 300 thương, bệnh binh; nhiều người nhiễm chất độc da cam, hàng trăm người tù đày, trẻ em mồ côi. Nhiều gia đình, chi nhánh tộc họ không còn một người, bởi các vụ thảm sát man rợ, có 5 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, có 11 di tích lịch sử cách mạng được công nhận di tích cấp tỉnh.

…Và nay

Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, Bình Dương từ trong hoang tàn, đổ nát, đầy rẫy chứng tích đạn bom, khó khăn thử thách tứ bề, nhưng với tinh thần cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân, khẩn trương ra quân khai hoang, phục hóa, phá gỡ bom mìn, làm giao thông, thủy lợi, sắm sửa tàu thuyền, ngư lưới cụ, tích cực tăng gia sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, từng bước khắc phục khó khăn. Nhân dân Bình Dương đã bỏ ra hàng chục năm để trồng và chăm sóc hàng chục triệu cây phi lao, biến hàng trăm hécta bãi cát mênh mông cháy nắng thành rừng xanh mượt mà, vừa chắn cát, chắn sóng biển xâm thực, bảo vệ nguồn nước và môi trường sống, vừa tạo một nguồn lợi kinh tế quan trọng.

Với thành tích này, năm 1985, xã Bình Dương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đảng bộ và Nhân dân Bình Dương vinh dự, tự hào lần thứ 3 được đón nhận danh hiệu Anh hùng.

Những công tích đó là nền tảng, là động lực cho xã bước tiếp, mạnh mẽ và vững chắc trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương. Từ một địa phương có điểm xuất phát thấp, sau năm 1975 Bình Dương có 1 chi bộ với 17 đảng viên, năm 1978 thành lập Đảng bộ có 55 đảng viên. Và hiện nay Đảng bộ có 256 đảng viên, sinh hoạt tại 8 chi bộ.

Trước năm 1985 hầu hết nhà cửa tranh tre vách lá, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân khó khăn quanh năm. Đến nay 100% hộ dân có nhà ở ổn định, nhiều nhà kiên cố, 100% hộ có điện thắp sáng; năm 1995 tỷ lệ hộ nghèo 34,6% đến nay còn dưới 5%.

       Ông Phan Văn Nên, một người dân xã Bình Dương chia sẻ: Trong chiến tranh, dân tin Đảng, nay dân càng tin Đảng. Bởi, Đảng và Nhà nước đã đầu tư  xây dựng các cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông đều khắp và từ đó đời sống người dân đã đi lên. Ông phấn khởi nói thêm: Ngày xưa xe đạp là ước mơ, giờ xe máy là bình thường, và hiện tại nhiều gia đình đã sắm ô tô.

 Đặc biệt, Bình Dương là một xã đã và đang triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của vùng Đông tỉnh Quảng Nam, góp phần cho việc phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, từng bước được đầu tư cơ bản và đồng bộ; cơ quan xã, trường học, trạm y tế được tầng hóa; điện, đường, thông tin liên lạc phủ kín trên các địa bàn dân cư; công cụ sản xuất, phương tiện đánh bắt thuỷ hải sản, các cơ sở dịch vụ, chế biến, làng nghề, phục vụ vận tải, du lịch ngày càng phát huy hiệu quả, giải quyết tốt nguồn lực lao động; thu nhập bình quân đầu người năm 1986 là: 1.000.000 đồng.năm, thì nay đã hơn 35 triệu đồng.

Trên đường đưa chúng tôi đến khu dân cư mới của xã, có đường được quy hoạch rộng hơn 11 mét, vỉa hè hơn 3 mét, có đầy đủ hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng… ông Phan Đình Cường, người dân ở đây đưa tay chỉ về hàng chục ngôi nhà mới, được xây hiện đại, khoe rằng: Anh thấy đó, ở đây như một con phố, chẳng thua gì ở thị trấn, thị xã hay thanh phố. Anh còn phấn khởi: Sướng nhất là Đảng và Nhà nước đã kêu gọi các doanh nghiệp lớn về đây đầu tư. Nhờ vậy, nhà tôi có 3 đứa con đều có việc làm, thu nhập ổn định, nhưng... Ông ngập ngừng, lưỡng lự, vẻ mặt bỗng trầm tư hướng về Bàu Bính, cây Dương thần…

***

Bộ mặt nông nghiệp nông thôn của Bình Dương thực sự đã khởi sắc. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn đang đặt ra cho địa phương nhiều thách thức. Đó là xu thế đô thị hóa, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, hiện đại, những biến động về cơ cấu dân cư, mật độ dân số, nghề nghiệp, môi trường sống, tâm lý xã hội… đang tạo ra nhiều áp lực, thậm chí có nguy cơ phá vỡ những giá trị về lịch sử, về truyền thống.

Mỗi lần về Bình Dương, vùng đất đầy gió cát nhưng rất đỗi anh hùng này trong quá khứ, lại có thêm những khởi sắc mới. Bình Dương đã trở thành vùng đất kinh tế trọng điểm của tỉnh. Những dự án hàng trăm triệu USD đã mọc lên. Mừng, rất mừng. Nhưng yêu quá mảnh đất này nên tôi cứ lo lo: Làm gì để Bình Dương tiếp tục phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn giữ những giá trị truyền thống, giá trị lịch sử…để con cháu đời sau hiểu hơn vì sao quê hương mình đã từng được Đảng và Nhà nước phong tặng 3 lần danh hiệu Anh hùng?

  Cái lo xa bấy lâu nay của tôi lại cũng là trăn trở của một người con sinh ra và lớn lên ở Bình Dương. Đó là anh Phan Đức Nhạn. Nặng nợ với quê hương, bao năm nay anh đeo đẳng, ấp ủ muốn xây dựng một không gian gọi là “Vườn Mẹ”. Nơi ấy là khuôn viên an vị cho 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, một bia ghi danh 1.347 liệt sỹ. Công sự hầm ngầm, trạm phẫu, hào giao thông, bờ làng chiến đấu, điểm tiền tiêu để canh chừng giặc sẽ được tái tạo. “Vườn Mẹ” có làng nghề truyền thống, có hoa, cỏ cây cao bóng mát, có bến nước, đường làng... có không gian bảo tàng các loài hoa xương rồng đa dạng phong phú đã gắn bó với vùng đất này từ nghìn xưa.

 “Vườn Mẹ” hay nói cách khác là một Bình Dương xưa thu nhỏ như anh Nhạn ấp ủ, sau khi được xây dựng, không chỉ để tự hào về quá khứ, mà còn là nơi tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ mai sau chung tay vun đắp vùng đất anh hùng này ngày càng tươi đẹp hơn, xứng đáng với những hy sinh, mất mát…không thể gì bù đắp cho các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng, liệt sỹ những người dân trụ bám đã vì nước quên thân.

Mong và rất mong không gian “Vườn Mẹ” của tác giả không còn là ý tưởng mà trở thành hiện hữu trong nay mai...

 

Đà Nẵng, tháng 9.2021

Nhà báo Huỳnh Bảy

(Đài Phát thanh -Truyền hình  Quảng Nam)