QUÊ HƯƠNG THẤM ĐƯỢM LÒNG NGƯỜI - Phan Thanh Bốn

08.12.2021
Phan Thanh Bốn
“Ngày nay chúng ta có quyền giữ gìn từng tấc đất quê hương và sẵn sàng làm đẹp thêm, làm ý nghĩa hơn trên mảnh đất ấy sống lại, như là bảo tàng của di tích sống. Tôi rất hoan nghênh và rất ủng hộ những ý tưởng tốt đẹp của người anh, người bạn - kỹ sư Phan Đức Nhạn đưa ra đề xuất xây dựng không gian “Vườn Mẹ” nhằm gìn giữ mãi mãi cho thế hệ mai sau. Tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương anh hùng, chúng ta phải có nghĩa vụ làm cho quê hương ta ngày càng tốt đẹp hơn”.

QUÊ HƯƠNG THẤM ĐƯỢM LÒNG NGƯỜI - Phan Thanh Bốn

 

Di tích lịch sử Hàng Cừ trên sông Trường Giang thuộc thôn Cây Mộc thể hiện tinh thần đoàn kết, mưu trí, sáng tạo của quân và dân Bình Dương - Thăng Bình, đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế những tổn thất về người và tài sản của nhân dân Bình Dương trong những năm kháng chiến chống Pháp.

 Tôi nguyên là xã đội trưởng xã Bình Dương thời kỳ 1970-1971, nguyên Bí thư xã Bình Dương thời kỳ 1975-1981, nguyên Huyện ủy viên Huyện ủy Thăng Bình, nay nghỉ hưu ở tại thị trấn Hà Lam. Mới đây, cùng nhiều anh em bạn bè được tìm hiểu về ý tưởng xây dựng không gian “Vườn Mẹ” của kỹ sư Phan Đức Nhạn, tôi rất cảm xúc và vô cùng trân trọng!

 Quê hương là chùm khế ngọt,… nếu ai không nhớ không lớn nổi thành người (Quê Hương - Giáp Văn Thạch.Đỗ Trung Quân). Chúng ta may mắn được sinh ra và lớn lên trên quê hương dày truyền thống cách mạng, dù hiện nay công tác, học tập, làm ăn sinh sống xa tận nơi đâu, nhưng hẳn lòng mỗi người vẫn đau đáu nhớ về quê hương đất tổ, với câu người ly hương chứ không ly tổ. Do đó, khi được đọc bài “Vườn Mẹ” của tác giả Phan Đức Nhạn, bản thân tôi cảm nhận, đó thực sự là một công trình xứng đáng, để tri ân quá khứ của các bậc tiền nhân có công khai làng, lập ấp, của các thế hệ ông cha chiến đấu ngoan cường trong quá trình giữ nước của quê hương Bình Dương.

Tận xa xưa, ông bà tổ tiên ta từ đất trời phương Bắc với câu Bắc địa Triệu Cơ vũ trụ sơn hà kim bất cải, Nam thiêng khai khẩn xã thôn điền địa cổ truyền lai, nếm mật nằm gai, băng rừng, vượt suối mở non sông, gầy sự nghiệp… Từ một vùng đất hoang sơ dọc theo phía Đông sông Trường Giang, từ cồn cát nóng cháy, từ đầm lầy hoang vắng, ông bà ta đã dựa vào các triền đồi để sống, chiến đấu, tồn tại và phát triển. Các địa danh đã đi vào lịch sử, ăn sâu, thấm đượm trong lòng của những người con xa xứ: Cát Cao, Cây Mộc, Hóc Miếu, Lạc Câu, Tam Vị, Ba Gò, Bàu Bính, Bàu Đang, Bàu Hoành, Bàu Gộc, Trảng Mểnh, Trảng Trầm, Trảng Dài, Trảng Động, Trảng Lương, Trảng Thóc, Trảng Đửng, đồi ông Nhánh, đồi ông Họp, đồi ông Thế, đồi ông Bạn, đồi ông Cà, đồi ông Mong, đồi ông Tân, đồi ông Đối, nổng ông Mận, nổng Mít Nài, nổng ông Phật… đã đi vào lịch sử huyền thoại, với dòng Trường Giang hiền hòa thơ mộng, đêm đêm với bao lời ca tiếng hát ru dịu tâm hồn của người dân quê ta. Phía Đông là vùng biển Đông rộng lớn, thuyền bè ra khơi, đi lộng mang về ắp đầy tôm cá, hải sản. Mảnh đất rất hiền hòa thơ mộng, nhưng rất dũng khí hiên ngang, như ngọn thủy truyền hung dữ nhấn chìm kẻ thủ khi đụng đến. Cồn cát đem lại bao sự sống cho các thế hệ cư dân Bình Dương, nhưng cũng rất sục sôi cháy bỏng thiêu đốt quân thù trong những lần địch lùng vây càn quét.

Từ thuở khai cơ nghiệp, ông cha ta đã dựa vào các triền đồi, sông, trảng, tạo ra thế và lực để vượt qua bao khắc nghiệt của thiên nhiên, lợi dụng địa hình đồi nổng, để chiến đấu với quân thù hung hăng tàn ác, đánh giặc chiếm đồi…, nhờ có những đồi nổng cao, nhờ có những lùm cây, bụi rậm mà chúng ta vừa trú quân, vừa nắm được lực lượng của địch từ hướng đi, hướng đến để tổ chức bám đánh địch 100 trận - 100 thắng. Trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bình Dương một lòng, một dạ đoàn kết, sẵn sàng dốc hết nhân tài, vật lực cho cách mạng, để cùng cả nước đánh thắng hai tên thực dân, đế quốc lớn, hùng mạnh.

            Chiến công vang trận hóc miếu đánh Tây

            Hàng cừ kia ta xây thành chiến lũy

            Cản tàu giặc tiến công bằng đường thủy

            Cả Thăng An hò reo hoan h

            Mừng chiến công đầu ta đánh được quân Tây

Để chặn đánh được giặc Tây, nhân dân Bình Dương tổ chức hàng ngàn người lên tận đường ray xe lửa cách hàng chục cây số, tháo gỡ từng thanh ray, khiêng về cắm ngang sông Trường Giang ở đầu thôn Cây Mộc, cản tàu giặc Pháp để đánh và bắt sống được giặc Tây; đến thời kỳ đánh Mỹ - Chiến công đầu nở hoa trong lòng địch.

Cùng cả nước, Bình Dương bước vào chiến dịch vùng lên đồng khởi, kháng chiến trường kỳ, Đảng bảo đi là đi, Đảng bảo đánh là thắng. Ngày 5.4.1964, nhân dân Bình Dương nhất tề đứng dậy đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng quê hương. Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Bình Dương một lòng một dạ đi theo Đảng làm cách mạng đến cùng, dù bọn địch dùng trăm mưu ngàn kế cày ủi, xúc dân, bắn giết, đốt sạch nhà cửa nhưng nhân dân Bình Dương quyết không sợ, nhà tan cửa nát cũng ừ, quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, cả nước là chiến trường, toàn dân là lính, từ lùm cây, ngọn cỏ, từ quả bầu, quả bí, ổ gà ở Bình Dương cũng đánh được giặc, bọn địch đụng đến mỗi tấc đất của Bình Dương cũng bị mìn, lựu đạn của du kích gài sẵn, trên những đồi cao, bãi cát trống hàng triệu cọc dương, cọc tre vót nhọn cao khoảng 3-4m cắm dày để chống trực thăng đổ bộ, dưới đất hàng ngàn hầm chông tre, chông quạt chặn đứng các cuộc lùng vây, càn quét của bọn địch với chiến thuật nhân dân du kích, chiến tranh du kích; phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tổ chức đánh hàng ngàn trận, diệt hàng ngàn tên địch, bảo vệ từng lũy tre làng, từng địa danh của mảnh đất quê hương mà ông cha ta đã dày công khai cơ lập nghiệp.

Những đồi cao, nổng cát, những địa danh lịch sử không những là chiến hào đánh giặc mà còn che chở cho đồng bào tránh được những cơn lũ lịch sử. Tôi còn nhớ trận lụt lịch sử năm 1964, nước ngập lút mái nhà, bà con nhờ những đồi nổng để súc vật và người lên tránh lũ. Địch đã mở nhiều trận càn cày ủi, san bằng nhưng không sao làm được, hễ xe húc vào là chạm mìn, cháy đứt xích, nhân dân cán bộ, du kích quyết tâm bảo vệ đến cùng, dù hy sinh tất cả. Nhiều mẹ lăn mình cản đầu xe tăng giặc như mẹ Thuật, mẹ Hởn, mẹ Hòa, mẹ Bảng, mẹ Thảo, mẹ Nghiêu… và hàng trăm bà mẹ sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ từng tấc đất quê hương.

            Phải nói rằng, lớp trước ngã, lớp sau xốc tới, hậu phương thi đua với tiền phương, tất cả thanh niên trong làng đều tham gia kháng chiến chống quân xâm lược, có hàng ngàn gia đình đều có người thân hy sinh.

            Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn rỉ máu. Ôn lại truyền thống hào hùng của lớp lớp cha ông đã hy sinh xương trắng, máu đào, tô thắm ngọn cờ vinh quang của dân tộc, để nhắc nhở động viên thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi lòng yêu nước của mẹ cha, lớp đàn anh đi trước.

Ngày nay chúng ta có quyền giữ gìn từng tấc đất quê hương và sẵn sàng làm đẹp thêm, làm ý nghĩa hơn trên mảnh đất ấy sống lại, như là bảo tàng của di tích sống. Tôi rất hoan nghênh và rất ủng hộ những ý tưởng tốt đẹp của người anh, người bạn - kỹ sư Phan Đức Nhạn đưa ra đề xuất xây dựng không gian “Vườn Mẹ” nhằm gìn giữ mãi mãi cho thế hệ mai sau. Tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương anh hùng, chúng ta phải có nghĩa vụ làm cho quê hương ta ngày càng tốt đẹp hơn.

            Trước đánh giặc để lo giữ nước

            Nay hòa bình vừa giữ nước vừa tăng gia

            Kế thừa truyền thống ông cha

            Giữ gìn phẩm chất quê ta anh hùng”.

            Thế hệ trước Bình Dương đã bước

            Thế hệ này ta chẳng chịu thua đâu

            Trước đánh giặc nay đào sâu trong lòng đất

            Nở cho đời bông hoa nhỏ yêu thương

            Bình Dương trước, Bình Dương nay

            Bình Dương vẫn giữ trước sau anh hùng...

 

Quảng Nam - 9.2021

Phan Thanh Bốn

(Nguyên xã đội trưởng Bình Dương 1970)