Nhà thơ Trần Đăng Khoa:  Có nơi đâu như mảnh đất này?

18.03.2023
Hồ Sĩ Bình
Trong buổi ra mắt hai tập sách Bình Dương - vùng đất anh hùng và Vườn Mẹ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) vào ngày 17 tháng 12 năm 2022 tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Đào Bá Đoàn, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn và nhà văn Trung Trung Đỉnh, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã về tham dự. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thay mặt cho Hội Nhà văn đã phát biểu.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:  Có nơi đâu như mảnh đất này?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Tôi rất hân hạnh có mặt tại đây tham dự buổi ra mắt hai cuốn sách giá trị viết về quê hương chúng ta: Bình Dương - vùng đất anh hùng Vườn mẹ.

Có lẽ không có đâu như ở Việt Nam, sự hy sinh là rất lớn. Có một nhà thơ đã nói rằng: “Nếu như trên mỗi ngôi mộ của người thân chỉ cần thắp lên một ngọn nến, chúng ta sẽ có một dải ngân hà cháy muốt trên mặt đất”… Hầu như nơi nào trên đất nước cũng có liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình nào cũng có bằng Tổ quốc ghi công…

Gần 20 năm trước, tôi và nhà văn Chu Lai tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm Nghĩa trang đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn tại Quảng Trị. Lần đầu tiên Chủ tịch nước đi tàu hỏa, ăn cơm nắm với muối trắng. Khi Chủ tịch nước lội xuống nước để thả hoa trên sông Thạch Hãn bỗng nhiên hai bên bờ ngân vang lên bài thơ:

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sông nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm[1]

Lúc ấy, tôi bàng hoàng nhói lên, hóa ra con sông Thạch Hãn buốt lạnh tận đáy sông như một nghĩa trang bằng nước. Một lần, tôi ra Trường Sa. Trước khi vào đảo chúng tôi cũng thả hoa trên biển. Giữa mênh mông biển lạnh lại nhói lòng với bài ca Hồn tử sĩ như hòa cùng sóng biển. Chúng tôi nhận ra rằng, cả một biển Đông buốt lạnh kia cũng là một nghĩa trang nước…

Và còn bao nhiêu nghĩa trang như thế trên mảnh đất hình chữ S này. 

 Nếu nói về sự hy sinh trên đất nước chúng ta, phải nói ghê gớm nhất chính là dải đất miền Trung, và nơi đây - Bình Dương, Thăng Bình của Quảng Nam là nơi chịu nhiều mất mát hy sinh nhất. Thật không thể tưởng nổi, chỉ một xã Bình Dương mà có hơn 400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gần 1.500 liệt sĩ. Không phải ngẫu nhiên Bình Dương từng hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và một lần Anh hùng trong hòa bình. Anh hùng trong chiến tranh đã khó mà anh hùng trong hòa bình càng khó hơn. Có nơi đâu như mảnh đất này?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhạc sĩ Minh Đức bên lề buổi giới thiệu sách tại xã Bình Dương ngày 17.12.2023

Ở đây còn có sự hiện diện của các Anh hùng Lực lượng vũ trang như anh Thu, chị Cúc[2] những người mà cả nước đều biết đến, nhưng cũng có những anh hùng không có tên, không có trong danh sách được phong tặng. Nhà thơ Nguyễn Duy từng có hai câu thơ rất ấn tượng:

Những gì qua lửa đã thành tro rồi

Những gì còn lại thành sắt thôi.

Các bác các chú ngồi đây là những người còn lại sau cuộc chiến tranh, họ là những thỏi sắt không chỉ qua lửa mà là những thỏi sắt được tô bằng máu, mà máu…thì kinh khủng hơn nhiều. Vì thế hai cuốn sách của chúng ta thật đặc biệt. Tôi từng xúc động vô cùng khi đọc Cát cháy, và sau này là Đất Quảng của nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi xin cảm ơn mảnh đất này đã sinh ra nhà văn Nguyên Ngọc và không phải chỉ có Nguyên Ngọc mà còn những nhà văn khác nữa. Trong quyển sách của chúng ta có nhiều bài viết về người thật việc thật rất hay. Tôi cảm ơn những người đã làm ra bộ sách cùng những người tài trợ đã góp phần huy động để các nhà văn cả nước góp mặt trong bộ sách này. Đất nước ta có nhiều vùng đất anh hùng, nhiều tấm gương anh hùng… nhưng có hai vùng đất đặc biệt nhất, đấy là Thành Cổ Quảng Trị và Bình Dương của chúng ta. Thành Cổ Quảng Trị là vùng đất mà ta hiểu được là nơi sinh ra những người lính để hy sinh. Còn Bình Dương, bên cạnh những chiến sĩ là những người dân bình thường đã chiến đấu, đã ngã xuống như những người anh hùng. Tôi rất mong sẽ có những cuốn sách tiếp theo ra đời để viết tiếp về quê hương Bình Dương.

Nhà văn kính trọng ai, yêu thương ai thì người ấy trở thành bất tử. Nhiều người đã đóng đinh trên cây thập tự giá chữ nghĩa cả ngàn năm, đó là những nhà văn có tài với những tác phẩm văn học để đời… Quân đội ta có những đơn vị anh hùng như Sư đoàn 320, Sư đoàn 312, 316 và các trung đoàn khác nhưng có khi người dân không nhớ, nhưng khi nhắc đến A Sanh[3] một người chèo đò trên Tây Nguyên thì ai cũng nhớ. Tiểu đoàn 307 hầu như ai cũng biết bởi nhà thơ Nguyễn Bính đã viết bài thơ Tiểu đoàn 307 được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc đã lan truyền rộng rãi, được người dân nhớ mãi. Vì thế, tôi mong các nhà văn, nhà thơ cả nước hãy cùng nhau viết tiếp về Bình Dương hòng biến nó trở thành những tác phẩm có sự sống lâu dài.

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chụp ảnh kỷ niệm nhân buổi gặp mặt ra mắt bộ sách Bình Dương - vùng đất anh hùngVườn Mẹ (Trái qua: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, nhà thơ Hồ Sĩ Bình, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Đào Bá Đoàn)

Tôi rất thích hai cuốn sách này tuy nhiên do dày quá mang đi rất khó, xin các anh chị khi biên soạn lại cần tách ra nhiều tập cho dễ đọc, làm thành nhiều cuốn, in mỏng như kiểu cẩm nang du lịch về Bình Dương nhằm phục vụ khách quốc tế, khách nội địa, đồng bào cả nước. Hiện nay Bình Dương mới chỉ được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh, tôi mong sao Bình Dương sớm được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử của quốc gia, như thế mới giữ được vẻ đẹp, giá trị của nó còn không như tình hình hiện nay cứ bung phá theo thị trường rất khó mà giữ được. Chúng ta cần một công văn đề xuất và hai cuốn sách (Bình Dương - vùng đất anh hùng Vườn M) gửi kèm theo thì tôi tin chắc rằng, sẽ rất dễ dàng để Bình Dương chúng ta trở thành không phải chỉ là Di tích Lịch sử quốc gia mà là Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt như Thành Cổ Quảng Trị vậy. Tôi cũng ước làm sao có một bảo tàng đặc biệt của Bình Dương. Những ai từng đến Nga thì biết đến bức tranh tròn của họa sĩ Surikov khắc họa một trận đánh trong lịch sử thật tuyệt vời, đứng trước bức tranh cảm giác như chứng kiến trận đánh ấy diễn ra trước mắt mình. Ngoài tranh ra, cần có thêm âm thanh, âm nhạc nữa. Tôi mong các nhà tài trợ, các mạnh thường quân đã từng giúp đỡ cho bà con, vẫn tiếp tục xây dựng một bảo tàng như thế để phục vụ cho khách du lịch, bà con cả nước. Chúng ta có thể yên tâm vì có những người con của Bình Dương thành đạt ở các nơi và những người yêu Bình Dương để có những bức tranh, những khu triển lãm, bảo tàng Vườn mẹ để giữ lại những vẻ đẹp của cha anh chúng ta trong chiến tranh nhằm tri ân những người đã nằm xuống, tri ân những bà mẹ đã sinh ra những anh hùng.

Tôi không phải là người con của Bình Dương nhưng tôi nguyện sẽ sẵn sàng đóng góp để xây dựng bảo tàng Bình Dương, xem đó là một trường dạy những bài học cách mạng, để truyền lửa cho các thế hệ con em chúng ta.

 

                                                                                          H.S.B lược ghi

[1]Tác giả là nhà báo, nhà thơ Lê Bá Dương.

[2]Trung tướng Nguyễn Trung Thu, nguyên Tư lệnh Quân khu V, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân và bà Trần Thị Cúc, nguyên Xã đội trưởng Bình Dương.

 [3]Tên đầy đủ là Puih San, người dân tộc Gia Rai được mệnh danh là con rái cá, đã từng chèo đò vận chuyển vũ khí hàng hóa bộ đội qua sông Pô Cô, có đêm cùng đồng đội chở hơn 30 chuyến đò, đưa hàng trăm lượt người cùng hàng hóa qua sông an toàn, đã trở thành hình tượng thi ca, cổ vũ bộ đội và nhân dân anh dũng chiến đấu trên mọi chiến trường…