ĐI CÙNG Ý TƯỞNG VƯỜN MẸ - Phan Đức Nhạn
Không gian “Vườn Mẹ” có nhiều địa chỉ quan trọng. Đó là khu nổng cát có địa hình đặc biệt, chỗ cao nhất chừng 40m so với mực nước biển từng là chứng tích qua các thời kỳ. Khu vực di tích thảm sát trảng Trầm, khu vực căn cứ lõm Bàu Bính, đặc biệt hai cây dương thần, hàng cừ Cây Mộc trên sông Trường Giang sẽ được kết nối trực tiếp với khu 1 và khu 2. Phần diện tích trảng Thóc nhân dân đang trồng hoa màu sẽ được quy hoạch thành khu rau màu Vườn Mẹ giữ nguyên hình thức sở hữu hiện tại, người dân đã được nhà nước xác lập sở hữu sẽ được tiếp tục canh tác trên đất của mình và cây trồng được xác định quy hoạch theo mùa cho các loài hoa và rau màu. Một đường nước theo dấu tích cũ sẽ được cải tạo nâng cấp để vừa đảm bảo chức năng cấp thoát nước trong khu vực, đồng thời tổ chức hệ thống giao thông kết nối để tăng tính mỹ quan, phục vụ khách tham quan mô hình sản xuất mới. “Vườn Mẹ” sẽ tạo thêm một địa chỉ mới có sức sống trường tồn cùng thời gian để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và góp phần phục vụ kinh tế địa phương. “Vườn Mẹ” sẽ được xây dựng trên cơ sở đóng góp từ cộng đồng và những nhà hảo tâm, để duy trì hoạt động cần tạo cơ chế chính sách và tính pháp lý vững chắc, chặt chẽ để một công trình của nhân dân được vận hành thông suốt, hiệu quả, bền vững.
Từ khi đất nước có xã tắc, sông núi có thần dân thì hình thành cộng đồng lớn, trong cộng đồng ấy có làng xóm, ruộng vườn. Khái niệm vườn là diễn giải từ xa xưa. Ở vùng Châu Ô, Châu Lý - tính đến nay cũng ngót nghét 700 năm. Phủ Thăng Hoa, làng Lạc Câu cũng có từ thuở cha ông mang gươm đi mở cõi. Lạc Câu có cả trăm vườn. Nhân dân cùng nhau sinh sống trong cộng đồng gắn bó keo sơn, nặng tình làng, nghĩa xóm, đêm hôm tối lửa, tắt đèn có nhau. Trải qua thăng trầm dâu bể chống lại địch hoạ, thiên tai, người làng Lạc Câu đã tôi luyện, chống chọi để sinh tồn, từ đó đã hình thành tính cách riêng, dân Bình Dương không biết làm gì khác ngoài làm cách mạng (Nhật ký Chu Cẩm Phong). Đúng là câu chuyện về một địa phương khi ra ngõ gặp anh hùng, giặc tới nhà đàn bà cũng đánh, đánh mà còn cái lại quần cũng đánh. Giặc điên cuồng dùng vũ khí tối tân đánh phá bằng cách hủy diệt thì dân Bình Dương cũng thi gan tuyên chiến còn một người là còn trận địa, còn trận lòng dân. Căn cứ lõm Bàu Bính chỉ gần 600 con người già trẻ, gái trai mà đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng mấy ngàn tên Mỹ - ngụy và chư hầu với đủ loại binh chủng: hải, lục, không quân cùng vũ khí chiến tranh hiện đại của chúng suốt trong hai năm 1970-1972. Giặc càn, giặc xúc, giặc phá sạch, đốt sạch, còn ta thì một tấc không đi, một ly không rời. Mỹ tới, Mỹ đứng, Mỹ ngồi, Mỹ nằm, Mỹ lết rồi cuối cùng Mỹ thua, Mỹ chạy, Mỹ cút… Đất Bình Dương thấm máu, cát bỏng, cát cháy vẫn thuộc về dân Bình Dương. Ý tưởng “Vườn Mẹ” là sự lựa chọn một không gian hiện thực, một vị trí mang tính lịch sử của thế hệ hôm nay dành để tôn vinh quá khứ vinh quang, hùng tráng và cũng không ít tàn khốc, thương đau ở một vùng đất và con người của một địa phương anh hùng. “Vườn Mẹ” là một thực thể sống chan hoà giữa làng, xóm, vườn tược không bị chia cắt, được hình thành từ chân lý của dân - do dân - vì dân.
Vườn Mẹ có ba phần:
Phần một: Là quần cư hiện hữu có diện tích hơn 30 ha, gồm những cư dân địa phương từng sống lưu truyền hàng chục đời tiếp nối nhau theo lịch sử hình thành và phát triển tại địa phương. Những cơ sở hạ tầng chung, riêng được khẳng định duy trì để phát triển bền vững và thân thiện. Đường biên hiện hữu của từng mảnh vườn được xác lập trong quá khứ, được công nhận tính sở hữu tư nhân, phù hợp với quy định pháp luật. Khi lập quy hoạch là khẳng định yếu tố chỉnh trang, tổ chức lại hạ tầng chung theo hướng hiện đại. Ranh giới phần 1 với phần 2 là đường biên tự nhiên, không có rào cứng, không bị chia cắt.
Phần hai: Là không gian mà hiện trạng cơ bản là phần đất công, có diện tích trên 20 ha được duy trì ở hình thức sở hữu chung, không chuyển đổi dạng thức sở hữu đang do địa phương quản lý. Phần 2 nay sẽ được quy hoạch theo hình thức phân khu chức năng:
Khu 1: Nổng ông Cửu Họp nơi cao nhất khu vực trong kháng chiến chống Mỹ là nổng chốt phòng thủ, đánh địch, trú ẩn của cán bộ và du kích và là nơi ẩn chứa nhiều yếu tố tâm linh, được chọn triển khai những hạng mục tiêu biểu, cốt lõi:
* Công viên nghĩa trang dành chỗ cho 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, một phần đất dự trữ không quá 10%. Một đài vinh danh ở trung tâm công viên nghĩa trang tạo điểm nhấn kiến trúc cho “Vườn Mẹ”.
* Khu vực liền kề bên trái là hoa viên dành để suy tôn người Mẹ Việt Nam qua các thời kỳ: từ Mẹ Âu cơ, bà Trưng, bà Triệu, bà chúa thơ Nôm… và các Bà Mẹ Việt Nam tiêu biểu.
* Khu vực liền kề bên phải đặt bia ghi danh 1.347 liệt sỹ của Bình Dương và hoa viên để tưởng nhớ tới lớp người tiền bối của vùng đất này từ thời mở cõi
* Hồ sen và hoa viên kết hợp nhà nghỉ chân cho khách thăm viếng, tham quan…
Khu 2: Khu vực từ nổng ông Bút tới nổng cây Mít Nài:
* Trong lòng đất: tái hiện các chiến hào, hầm hào, hầm trú ẩn, hầm tránh pháo, công sự bí mật, hầm cho thương bệnh binh, trạm phẫu …
* Trên mặt đất: là bảo tàng các loài hoa xương rồng và những loại thảo mộc đặc hữu vùng cát như mít nài, nhãn rừng, phi lao, tre, cau, lông chông cỏ cụm... Chốt tiền tiêu, chòi canh, công sự phòng ngự…
* Bảo tàng di tích chiến tranh, nhà truyền thống…
Khu 3: Từ nổng ông Táo lên nổng ông Nhánh tới bến Miếu sông Trường Giang có:
* Cây dương liễu trồng theo tuyến có bề rộng cần thiết để tạo kết nối tới hai cây Dương Thần ở khu vực gần sát “Vườn Mẹ”.
* Đình làng, nhà văn hoá, khu nhà sinh hoạt cộng đồng gắn liền sân chơi thể thao, văn hoá giải trí, văn hoá ẩm thực …
* Tái tạo làng nghề nông nghiệp, những kiểu nhà truyền thống hiện hữu trên vùng đất này qua các thời kỳ.
* Tái hiện hoạt động làng nghề truyền thống gắn với sông nước, một đoạn cầu tre trên sông Trường Giang để người dân nhớ lại cây cầu tre được làm bằng phương pháp truyền thống, kết hợp cầu tàu thuyền đưa đón khách bằng tuyến đường thuỷ trên sông Trường Giang.
Phần ba:
Những không gian liền kề có nhiều ý nghĩa lịch sử sẽ được kết nối với phần một và hai trong “Vườn Mẹ”.
* Hàng cừ gỗ đóng trên sông Trường Giang để cản trở hoạt động của chiến thuyền quân Pháp.
* Khu di tích thảm sát Trảng Trầm lính Nam Hàn đã tàn sát 73 người dân vô tội năm 1969.
* Di tích lịch sử cấp tỉnh căn cứ lõm Bàu Bính (1970-1972)
* Hai cây Dương thần một biểu tượng sống và chiến đấu kiên cường của nhân dân Bình Dương thời chống Mỹ.
* Khu Trảng Thóc nơi phù hợp để phát triển vùng rau sạch và các loài hoa.
P.Đ.N