“Vườn Mẹ” - ý tưởng cho tương lai
Trong bút ký “Cát cháy” của nhà văn Nguyên Ngọc, con người và mảnh đất nơi đây luôn hiên ngang, kiên cường và dũng cảm như cây dương vững chãi trong phong ba bão tố, như cây xương rồng nở hoa trong cát
Từ năm 1965, Bình Dương là vùng giải phóng của ta, vì thế vùng đất này trở thành cái gai trong mắt kẻ thù và kẻ thù đã không tiếc bom đạn, thủ đoạn tàn bạo nhất để xóa sổ Bình Dương.
Mỗi gốc thông, bụi xương rồng, bờ tre, ngọn cỏ nơi đây, đều bị kẻ thù không tiếc bom đạn trút xuống, hòng xóa sổ sự sống, mầm xanh của mảnh đất này, bởi chúng biết, còn màu xanh là còn sự sống; còn một người dân là còn cách mạng và còn Bình Dương là còn ngọn cờ cách mạng ở vùng đông Quảng Nam.
Trong khói lửa ác liệt của chiến tranh, dẫu kẻ thù cày đi sát lại mảnh đất này bằng không biết bao nhiêu bom đạn, nhưng vẫn không thể khuất phục được ý chí của người dân, cán bộ, du kích Bình Dương, họ kiên gang và kiên cường như cây dương bám chặt trong lòng đất Mẹ. Ngày ấy đã có một cây dương được người dân gọi là “cây dương thần”, vững vàng qua bao bom đạn của kẻ thù.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, ai về vùng đông về vùng cách mạng Bình Dương đều nhắm hướng cây dương thần ấy mà tìm về. Vì họ luôn tin rằng “cây dương thần” còn, là nhân dân còn, là cách mạng còn. Ở Bình Dương, căn cứ trong lòng dân, chính là căn cứ vững chắc nhất, mạnh mẽ nhất để đương đầu với mọi sự tàn bạo của kẻ thù.
Bà Trịnh Thị Huyền, nguyên là Huyện ủy viên huyện Thăng Bình, Bí thư chi bộ xã Bình Dương. Trong suốt những năm chiến tranh, người Bí thư, tuổi mới ngoài 20 này đã hoạt động xông xáo, gan dạ, nhiệt huyết, gắn bó mật thiết với nhân dân, khiến kẻ thù phải nể phục và trao thưởng lớn cho những ai chỉ điểm hoặc bắt được bà. Nay tuổi ngoài 70, bà lặng lẽ, một mình trong ngôi nhà trống vắng.
Bà Trịnh Thị Huyền cho biết: Căn cứ lõm Bàu Bính ở Bình Dương (thành lập năm 1970) chính là một căn cứ như vậy. Nói là căn cứ, nhưng thực chất nó chỉ là những hầm hào được đào sâu trong lòng đất. Lực lượng chủ yếu là du kích và đội công tác địa phương với khoảng vài chục người, nhưng được sự đùm bọc, che dấu, tiếp tế của người dân, đã đánh trả quyết liệt hàng chục đợt càn quét của kẻ thù. Bàu Bính là ngọn đuốc cách mạng luôn rực cháy ở vùng đông Quảng Nam trong suốt những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
May mắn hơn những chị em du kích cùng trang lứa, nữ xã đội trưởng Trần Thị Cúc đã có một gia đình yên ấm. Bản thân bà được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) vì những chiến công và đóng góp của gia đình cho cách mạng. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, mỗi lần về lại vùng cát Bình Dương, ký ức đau thương về gia đình có 6 người thân bị địch tàn sát chỉ trong 10 phút, cùng những hình ảnh quả cảm về những người mẹ, người chị đã hy sinh bảo vệ du kích, cán bộ, bảo vệ cách mạng luôn ám ảnh bà không nguôi. Bà Cúc không giấu được tự hào và cảm phục khi nói rằng, mỗi người con Bình Dương, hễ còn sống là còn chiến đấu, còn góp sức cho cách mạng… như AHLLVTND Phan Thị Nga, tuổi mới ngoài 20, trước lúc hy sinh vẫn hô vang dội Hồ Chí Minh muôn năm. Và có biết bao bà Mẹ Việt Nam anh hùng như mẹ Phạm Thị Diệm có 6 con là liệt sỹ; gia đình mẹ Dương Thị Siêm có 5 liệt sỹ… không thể và không thể kể hết những gương hy sinh của các mẹ các chị và người dân như thế ở Bình Dương. Tất cả đã góp máu xương, công sức tô thắm cho lá cờ Tổ quốc, cho danh hiệu 2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân của vùng đất này.
Bước ra khỏi chiến tranh, không có gia đình nào ở Bình Dương là không có đau thương mất mát, có nhiều gia đình, tộc họ không còn ai thờ phụng. Cả xã chỉ có khoảng 7 ngàn dân, nhưng có đến 4 ngàn 700 người chết. Mỗi tấc đất quê hương đều thắm đẫm máu xương của bao thế hệ, để đến hôm nay, dường như mỗi mầm sống của cỏ cây hoa lá đều mang linh hồn của người nằm xuống.
Rất và rất nhiều gia đình, người trước ngã xuống, người sau tiếp bước theo cách mạng, để đến ngày hòa bình, mảnh đất này đã ghi danh 1347 liệt sĩ và hàng trăm thương bệnh binh.
Không có nơi đâu, nỗi đau của những người mẹ, người vợ cứ chất chồng theo năm tháng, khi tỷ lệ bình quân mỗi người mẹ hiến dâng cho đất nước lần lượt 2 đến 3 con liệt sĩ. Toàn xã có hơn 1 ngàn người mẹ ngã xuống, trong đó gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng. Quả thật không có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau của những người mẹ.
Mỗi khi hương khói cho người thân, không ai bảo ai, mọi người đều không quên cắm những nén hương vào những cồn cát, bụi cỏ, bờ tre để tưởng vọng những người đã ngã xuống vì mảnh đất này.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi về Bình Dương dự lễ ra mắt cuốn sách “Bình Dương, vùng đất anh hùng” đã so sánh, nếu như đất nước chúng ta đã có nghĩa trang trên biển để tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Trường Sa; chúng ta đã có nghĩa trang bằng sóng nước để tưởng nhớ tri ân các liệt sỹ đã hy sinh trên dòng Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị; thì ở Bình Dương chúng ta cũng có nghĩa trang mang hình hài của cát để tri ân những người dân, người mẹ không có nhiệm vụ cầm súng, nhưng họ đã nằm lại để bảo vệ mảnh đất này, bảo vệ sự nghiệp cách mạng Đảng.
Nhà văn Hồ Duy Lệ, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam -Đà Nẵng, là người có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn khi viết về vùng đất Bình Dương anh hùng. Ông cũng là người góp công biên soạn và xuất bản “tuyển tập Chu Cẩm Phong”. Chu Cẩm Phong là nhà văn, liệt sĩ được phong tặng danh hiệu AHLLVTND đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước.
Trong cuốn nhật ký ấy, nhà văn Chu Cẩm Phong cũng đã viết về một gia đình cách mạng tiêu biểu ở Bình Dương, đó là gia đình bà Bảng và chú bé Nhạn 15 tuổi đã theo cách mạng.
Chú bé Nhạn ngày ấy, nay là ông Phan Đức Nhạn, nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa XI, năm nay gần tuổi 70, ông chính là cậu bé “du kích nhỏ” “mang khẩu súng trường, báng súng chạm đất, nòng súng cao vượt đầu, hiếu động, hỏi nhiều câu ngồ ngộ, lanh lợi và thuộc nhiều thơ của Tố Hữu, Thu Bồn…”(Nhật ký chiến tranh)
Ông Phan Đức Nhạn không hề hay biết mình là nhân vật trong cuốn “Nhật ký chiến tranh” và càng không thể ngờ rằng hình ảnh về mẹ mình, anh chị em mình, đã được nhà văn Chu Cẩm Phong ghi lại chân thật trong nhật ký, chỉ đến khi nhà văn Hồ Duy Lệ trao cho ông cuốn nhật ký chiến tranh, ông Nhạn đã không ngăn được cảm xúc khi đọc lại những trang viết về gia đình mình.
Ông Phan Đức Nhạn là người may mắn sống sót trong gia đình có Mẹ và 3 anh chị em là liệt sỹ. 5 năm chịu 4 cái tang, nên ông thấm thía nỗi đau gia đình và nỗi đau chung của quê hương Bình Dương.
Đau đáu với nỗi đau riêng của gia đình và nỗi đau chung của những người con Bình Dương còn sống hôm nay, ông Phan Đức Nhạn đã nung nấu ý tưởng xây dựng một không gian Vườn Mẹ để ghi ơn những người Mẹ VNAH và những người con đã hy sinh vì ngày hòa bình của đất nước.
Ý tưởng xây dựng không gian Vườn Mẹ của ông Phan Đức Nhạn đã nhận được sự hoan nghênh và góp ý của nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng nơi đây không chỉ ghi nhớ và vinh danh các Mẹ VNAH, các AHLS đã hy sinh cao cả cho độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là không gian văn hóa, tâm linh, lịch sử mang ý nghĩa giáo dục chính trị, văn hoá, xã hội lớn lao.
Ông Phan Diễn, nguyên Thường Trực ban Bí thư Trung ương Đảng khi đến thực địa tại xã Bình Dương và tìm hiểu về dự án không gian Vườn Mẹ đã nhận xét không gian Vườn Mẹ sẽ là nơi giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ý chí và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và vững mạnh cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Kiến trúc sư nổi tiếng Nguyễn Văn Tất, nguyên là Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam và các cộng sự đã sẵn sàng góp sức thực hiện ý tưởng không gian Vườn Mẹ. Theo ông, đây sẽ là công trình rất hay, rất đẹp và cũng rất khó thể hiện. Dẫu khó, nhưng có thể làm được bằng tình cảm chân thành và sự trân trọng, đam mê, với tầm tư duy văn hóa sâu sắc và trình độ nghệ thuật cao. Nó sẽ là một công trình không mang một hình khối cụ thể mà nó sẽ là một không gian tâm thức, tưởng vọng linh thiêng mà mỗi khi chúng ta tìm đến.
Giờ đây, không gian Vườn Mẹ không chỉ là một ý tưởng cụ thể, của một người cụ thể là ông Phan Đức Nhạn mà nó đã thật sự thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người con Bình Dương, những người con đất Quảng, yêu mến vùng đất này, trân trọng ý nghĩa của việc làm này, để cùng nhau chung tay thực hiện ý tưởng Vườn Mẹ trở thành hiện thực trong tương lai.
Ở đó sẽ là một không gian Vườn Mẹ nhập tràn sắc xanh, phải chăng đó là màu xanh của sự sống; màu xanh của đức hy sinh, lòng quả cảm; màu xanh của hy vọng, của khát vọng hòa bình và tương lai tươi sáng!
Hôm nay, vùng đất Bình Dương, vùng đất 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng đang có sự đổi thay kỳ diệu. Chúng tôi tin rằng, vùng đất anh hùng này, không chỉ là ngọn cờ đầu trong đấu tranh cách mạng mà sẽ lại tiếp tục gánh trên mình sứ mệnh tiên phong cho sự phát triển của vùng đất Quảng.
Trên hành trình ấy, mỗi người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất này đang viết tiếp những trang sử xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh dựa trên nền tảng văn hóa vững chắc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống yêu nước, cách mạng cùng khát vọng hòa bình, khát vọng đi lên cùng đất nước.
V.Q