CÂY XANH VÙNG CÁT - Phan Đức Nhạn

16.07.2023
Phan Đức Nhạn

CÂY XANH VÙNG CÁT - Phan Đức Nhạn

CÂY DƯƠNG LIỄU

Dương liễu, loài cây quý của vùng cát. Dương liễu hay còn có tên gọi khác là cây dương hoặc phi lao. Vào cuối thế kỷ XIX người Pháp đã đưa giống cây dương (phi lao) vào ươm trồng ở vùng cát dọc biển tại Việt Nam, tạo ra một kỹ thuật mới nhân giống và trồng đại trà ở Việt Nam. Dương là loại cây rễ cọc, thân cây mọc thẳng, vỏ cây ở giai đoạn đầu trơn bóng, giai đoạn phát triển vỏ thân cây dương trở nên xù xì có thể bong nứt, ruột cây dương đặc chắc, cây càng già màu gỗ càng hồng sẫm, lá cây xanh thẫm, những nhà khoa học lý giải dạng hình kim của lá dương liễu là quá trình chuyển đổi để thích nghi với loài cây sống trong môi trường khô hạn.

Cây dương thích ứng với vùng ven biển có sức chịu gió, chịu hạn kể cả vùng đất nhiễm mặn. Nhân dân ta đã trồng cây dương để chắn gió, chắn cát. Trong chiến tranh, Bình Dương bị tàn phá xơ xác, trở thành vùng đất chết, vùng cát mênh mông, bỏng rát, khó có loài cây nào chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt ấy. Cây dương trở thành sự chọn lựa khả dĩ để đáp ứng nhu cầu phủ xanh vùng cát. Vào mùa mưa các năm 1976, 1977, 1978… nhân dân xã Bình Dương đã trồng hàng chục triệu cây dương, lợp lại màu xanh, làm thay đổi sắc màu của vùng Cát cháy, thành tích ấy đã được Nhà nước vinh danh đơn vị Anh hùng lần thứ 3 cho nhân dân xã Bình Dương.

Cây dương không chỉ góp phần làm thay đổi môi trường sống của vùng đất ven biển mà còn tham gia vào cơ cấu phát triển kinh tế địa phương. Cây dương cung cấp lá, cành, thân làm chất đốt phục vụ dân sinh, thân cây chọn lựa để xây dựng nhà cửa, cây khi còn nhỏ có thể uốn thân, cành. Cây dương được sử dụng trong lĩnh vực cây cảnh, dễ cắt tỉa cành lá để làm hàng rào hoặc trở thành những cây bonsai đẹp mắt.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, căn cứ lõm ở Bình Dương có một cặp cây dương sống vươn cao xanh lá trên vùng cát trắng. Sự tồn tại bất chấp bom đạn tàn phá cặp cây dương đã sống và trở thành biểu tượng của người dân Bình Dương, được người dân đặt tên Thần Dương. Thời ấy từ cánh Tây nhìn về vùng Đông, thấy điểm xanh hai cây dương vươn cao giữa cát trắng mênh mông để định vị căn cứ lõm, Thần Dương như điểm chốt tiền tiêu. Thần Dương còn là Bình Dương còn! Thần Dương còn, vùng Đông còn!

Ai đã từng sống và gắn bó với Bình Dương đều dễ dàng nhận thấy vai trò cây dương liễu trong cuộc sống thường nhật, không chỉ hữu ích trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn trong đời sống tâm linh của người dân Bình Dương.

 

 CÂY XƯƠNG RỒNG

          Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ xương rồng có từ 1.500 tới 1.800 loài thuộc 125 chi khác nhau. Về phân loại, xương rồng thuộc họ Cactaceae, nguồn gốc từ châu Mỹ, vùng sa mạc, có tính đa dạng sinh học, đặc biệt là ở vùng thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, khô cằn như vùng cát biển, sa mạc. Xương rồng chịu hạn tốt vì có mô chứa nước dự trữ, để thích nghi với môi trường khô hạn, lá nó tiêu biến thành gai nhằm hạn chế tối đa sự thoát hơi nước, thân có mô chứa nước dự trữ có lớp cutin dày bao phủ để khỏi mất nước qua biểu bì. Rễ đâm thật sâu xuống lòng đất để tới lớp nước ngầm. Cây xương rồng thể hiện sự bền bỉ, sức sống mãnh liệt, khả năng chịu đựng cao. Nó biểu tượng cho người mạnh mẽ kiên định, có thể vượt qua mọi khó khăn. Thân xương rồng bên ngoài xù xì gai góc nhưng bên trong mọng nước, cũng như có những người, vẻ bên ngoài thì cứng rắn nhưng bên trong lại giàu tình cảm. Ý nghĩa trong tình yêu cũng vậy, nó thể hiện cho sự mãnh liệt, bền bỉ và chung thủy. Dù trải qua khó khăn, thử thách vẫn vượt qua, đâm chồi nở hoa. Ý nghĩa của hoa xương rồng biểu trưng cho tình yêu ươm hoa kết trái, một tình yêu phi thường, trải qua sóng gió và kết thúc có hậu...  Theo lập luận của các nhà thực vật học, cứ có một cây xanh phát triển sẽ mang lại hiệu quả dây chuyền nhiều mặt tích cực chống lại biến đổi khí hậu, về thanh lọc không khí, về cải tạo môi trường... Loài xương rồng với khả năng thích ứng của mình sẽ làm cho môi trường sống ở những vùng khắc nghiệt biến đổi theo chiều hướng tốt hơn. Thân cây xương rồng cũng biến đổi đa dạng về vóc dáng: dẹt hình lá như lưỡi long, hình dây như thanh long… Xương rồng bên ngoài có lớp vỏ xanh, mềm mịn, cấu tạo thể xốp, bao bọc bên trong một tỷ lệ nước rất cao, màu xanh diệp lục ở thân cây làm chức năng quang hợp, góp phần làm giàu oxy, thanh lọc môi trường không khí. Bộ rễ xương rồng rất phát triển. Lá xương rồng đã chuyển đổi thành gai nhằm thích nghi với môi trường. Cây xương rồng trồng bằng thân, dễ như trồng mía. Hoa xương rồng mọc ra từ thân, hoa có nhiều màu sắc sặc sỡ tím, vàng, hồng, cam, đỏ tuỳ loại... trời càng nắng gắt hoa càng thắm màu. Loài hoa bất khuất chịu phong ba. Sắc thắm kiêu sa rất mặn mà. Bão táp cuồng quay cây thẳng đứng. Mưa giông tơi tả vẫn đơm hoa. Âm thầm đón nắng tìm nguồn sống. Lặng lẽ chào sương hứng giọt sa. Nghiệt ngã trời xanh dành thử thách. Xương rồng ẩn bóng cuộc đời ta (Hoa xương rồng - Hồng Cẩm).

Xương rồng có thể dùng làm thực phẩm. Thân nhiều loại xương rồng được dùng như rau để nấu canh, xào, hay chế biến thành món gỏi bằng cách luộc chín, vắt khô, trộn thêm với da heo, đậu phụng và các loại gia vị khác tạo thành một món ăn ngon, lạ miệng. Quả thanh long - một loại xương rồng - chứa nhiều vitamin, gluco, hiện tại thanh long ở Việt Nam thực sự đang là loại quả mang về doanh thu lớn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm ngành hàng rau quả và góp tỷ lệ đáng kể trong tiêu dùng, xuất khẩu. Xương rồng tai thỏ giàu vitamin, chất xơ, khoáng chất và những vi lượng có lợi cho cơ thể, có công dụng giảm cholesterol trong máu, chống ung thư, chữa được bệnh tiểu đương, tăng cường tiêu hóa, giảm cân, giảm đau, bảo vệ tế bào não. Cây xương rồng trồng thành hàng có thể tạo nên một rào chắn đẹp, vững chắc lại thân thiện môi trường. Trong chiến tranh, vùng cát đã xây dựng những phòng tuyến tuyệt vời bằng cây lưỡi long. Ngày nay, việc sử dụng xương rồng làm trang trí nội thất, thiết kế cảnh quan độc và lạ đang thịnh hành theo mô típ thời thượng lại thêm ý nghĩa phong thủy theo tập quán.                                        

Ý tưởng hình thành bảo tàng sống các loài xương rồng trong Vườn Mẹ để lưu giữ một giống cây thể hiện sức sống mạnh mẽ, bền chí, kiên trung, bất chấp những khắc nghiệt từ ngoại cảnh, kiên nhẫn đứng vững như trời trồng thách thức cùng thời gian, dâng cho đời sắc thắm của một loài hoa độc đáo, đáng yêu.

 

CÂY TRE

Cây tre có cả ngàn loài, phân bố rộng khắp rừng núi, miền trung du hay đồng bằng. Nhà văn Thép Mới đã dựng tượng đài văn học cho Cây tre Việt Nam: Tre nứa, trúc mai vầu, mấy chục loại khác nhau nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt, dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhn. Rồi tre lớn lên cứng cáp dẻo giai, vững chắc. Tre trông thanh cao giản dị chí khí như người

       Những trận phong ba bão táp, lũ lụt tràn qua, tre uốn mình chịu trận rồi khi mưa tan, gió tạnh tre lại thẳng mình đứng dậy. Đây là tính chất dị biệt so với các loài cây thân gỗ khác. Tre là loại cây sinh sản hữu tính theo hình thức đẻ nhánh từ gốc và khi tre già thì măng mọc. Trong đời sống văn hóa, từ xa xưa cây tre được biểu trưng cho người quân tử, sống hiên ngang, không cầu cạnh, không van xin nhưng lại nhã nhặn, ôn hoà, kính trên nhường dưới, khi cần là xuất hiện với tinh thần thượng võ: Ngonh mặt coi khinh nghìn lực sĩ. Sẵn sàng làm ngựa các nhi đồng. Tre trong văn học dân gian là câu chuyện Cây tre trăm đốt, trong lịch sử chống giặc ngoại xâm bắt đầu bằng cây gậy thần trong tay Phù Đổng Thiên Vương, tre thành chiến lũy vây chặt quân thù và giữ thế trận lòng dân.                                                                                 

       Cây tre có rất nhiều công dụng. Hàng ngàn năm trôi qua, người Việt biết khai thác sử dụng tre, một cách thành thạo, nhuần nhuyễn để phục vụ con người. Khi sử dụng tre con người biết phát huy tối đa từ gốc tới ngọn, từ rễ tới lá. Tre trở thành bạn đồng hành với con người trong phát triển lịch sử. Đã bao lần tự hỏi: Nếu không có cây tre! Đương nhiên có cây khác nhưng phải thốt lên rằng, cây tre bằng những thuộc tính của mình đã sống và đồng hành cùng người Việt trong mọi thời điểm, không thể so sánh được. Thân tre rỗng ruột, nước trong lóng tre có thể dùng để uống và cứu người trong thời điểm lâm chung, và được đặt tên trúc tịch. Sức chịu uốn, chịu kéo của thân tre đã gợi ý cho con người xác định bài toán biểu đồ ứng suất và đường trung hòa trong sức bền vật liệu. Rễ tre lại gợi ý cho bài toán tính móng cột công trình, gân lá là sườn gia cố tấm mỏng! Thời chiến tranh quê tôi đầy bóng giặc người dân nhận thức dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ, hơn ngàn trang giấy luận văn chương nên mỗi người dân góp cả ngàn ngàn cây chông tre để cắm thành rừng chông bãi ngang, bãi dọc, chông cắm nơi tuyến phòng thủ, chông cắm ngụy trang nơi hầm nắp quây, hầm chông. Tre làm tấm trích trịch để ngăn cát tạo thành hầm hào công sự. Những hàng tre tươi tốt, gai góc là những nơi tốt nhất dấu bên dưới tầng rễ tre những căn hầm bí mật, rễ tre đan dày gia cố nền đất dễ tạo không gian ngầm trong lòng đất, những gốc tre già có thể đục thông lóng để làm thông hơi thông khí cho hầm bí mật. Tre cây được chọn làm hệ kết cấu cột kèo trong khung nhà, tấm phên tre làm vách ngăn phòng hoặc bao che cho các căn nhà tranh vách đất cốt tre. Các đồ dùng trong nhà từ bàn, ghế, giường, chõng, rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng, cối xay; những công cụ lao động từ cán cuốc, đòn gánh, nơm cá, cần câu tới ghe thuyền hoạt động trên sông trên biển... Chốn cung đình, nơi lăng tẩm hình ảnh cây tre được trân trọng và đi vào thi ca... Khi gốc tre già không còn đẻ nhánh thì được sử dụng làm chất đốt, măng tre là loại thực phẩm nhiều chất xơ, chế biến nhiều món ăn ngon hợp với khẩu vị người Việt. Lá tre làm phân hữu cơ để cải tạo đất. Ở những tuyến sông, bờ tre chính là tuyến đê mềm chống sạt lở, tạo cảnh quan thơ mộng nước gương trong soi tóc những hàng tre.

       Tre là loại cây từng gắn bó với hoạt động sống của con người, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Hình ảnh đình làng, giếng nước, lũy tre từng gần gũi, ăn sâu vào trí nhớ tuổi thơ, bóng mát đường thôn, rào dậu trở thành cảnh quan thân thuộc. Những trưa hè nơi bụi tre trong vườn mẹ, ta thường ngồi kể chuyện, đánh ô, đánh đáo, trốn tìm. Khi mặt trời ló rạng, trên ngọn tre ríu rít tiếng chim chèo bẻo, khi hoàng hôn khuất núi chấp chới cánh cò chao liệng ngọn tre… Cơn gió đêm hè làm bờ tre kẽo kẹt như giọng mẹ ầu ơ ru cho con giấc nồng…

 

CÂY HOA SEN

Cây sen là loài hoa phổ biến ở Việt Nam. Sen thích nghi với môi trường nước ở ao hồ đầm, nơi tầng đất bùn càng dày, sen càng thích hợp, sen sống dưới nước nhưng lại là cây ưa nhiều ánh sáng nắng gắt. Sen thường mọc cây vào cuối xuân, đơm hoa kết hạt vào đầu hè, tàn cây vào cuối thu. Sen hữu ích từ củ, lá, hoa, hạt tới hương thơm. Hoa sen là loài cây thân thuộc của dân tộc Việt. Sen mang tính biểu tượng ở nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hóa Việt.

Hoa sen được trân trọng bởi vì cây sen có 5 yếu tố cơ bản diệu kỳ:

* Tính miễn nhiễm: Sen sống trong môi trường bùn lầy nhưng cây sen đã vươn lên và miễn nhiễm: Nhụy vàng bông trắng lá xanh, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

* Tính thanh lọc: Khi cây sen lớn lên, sinh sôi nảy nở có tác dụng làm cho môi trường sống của nó trở nên trong lành, màu xanh diệp lục tăng độ nhả khí ôxy, chuyển đổi dần từ gốc mùi tanh của bùn.

* Tính dịu nhẹ của mùi hương: Hương thơm của sen dịu nhẹ, thoang thoảng, khi ta đứng lặng bên hồ sen để hít sâu thở nhẹ và cảm nhận hương sen lan tỏa...

* Tính thuần khiết: Từ khi hoa nở tới lúc hoa tàn, sen không bị mất nhụy như các loài hoa khác...

* Tính kiên nhẫn: Sen mọc lên trong bùn lầy, hoa kiên nhẫn vươn dài ngó sen, rồi khi đủ tầm thì bung nở, để hoa bật lên giữa màu xanh của lá và nước.

Sen là biểu trưng cho tính cách, nhân phẩm và văn hóa người Việt. 

Hình ảnh cây sen đứng ở vị trí trân trọng trong lòng người Việt từ miền quê dân dã bình dị tới chốn cung đình cao sang. Trong bộ tứ quý, sen được kiến định biểu thị mùa hè, Sen tàn cúc lại nở hoa (Truyện Kiều). Trong câu ca dao: hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên chiếc áo trên nhành hoa sen để tạo cớ, tạo duyên. Nhiều đôi nam nữ khi cưới hỏi, thường chọn bó hoa sen trong lễ nghi ra mắt hai bên gia đình nội ngoại. Hình ảnh hoa sen với họa tiết cách điệu, chạm khắc in ấn rất kỳ công thường được chọn làm những món quà trân trọng để tặng khách thập phương, thể hiện tình cảm trân quý. Nhiều món ẩm thực như chè hạt sen, trà ướp hương sen, xôi vò, cốm gói lá sen... được nhiều người ưa thích. Trong đền thờ, chùa chiền, lăng tẩm, cây sen dường như không thể thiếu. Có lẽ không có loài hoa nào vừa bình dị, vừa cao sang sánh bằng hoa sen. Lá sen xanh đẹp, ngó sen duyên dáng, hoa sen tươi xinh, nhụy sen thơm ngát. Sen thanh tao và gần gũi với đời sống. Sen tập trung nhiều phẩm chất, ý nghĩa cao quý, ý chí sống mãnh liệt là biểu tượng của nghị lực, sự vươn lên mạnh mẽ đầy quyết tâm, thanh tao và yên bình. Sự liêm khiết, chính trực, thánh thiện luôn đi cùng với những bông sen, bởi vậy chữ Sen được viết hoa và nhân cách hóa như tâm hồn, phẩm chất người Việt.

       Với tất cả phẩm cách cao cả, thiêng liêng của hoa sen thật tương đồng với người mẹ. Nghĩ về mẹ, khiến ta nhớ về những bông sen và mỗi khi nhìn sen, tâm hồn ta lại không nguôi nhớ mẹ. Sen được chọn là Quốc hoa-biểu tượng của quê hương, đất nước, con người. Con người ấy chính là Người Mẹ Tổ Quốc. Dù giông gió bão bùng, cuộc đời chênh chao, nghiêng ngả thì sen vẫn thẳng tắp vươn lên đâm chồi, bung nụ; hình ảnh ấy như người mẹ kiên cường, không gục ngã trước mọi thử thách cam go, chắt chiu cho chúng con những thơm thảo ngọt lành. Nếu có ai yêu thương ta suốt cuộc đời này, vòng tay ấm áp đầy yêu thương luôn dang rộng chờ đón ta thì người ấy chỉ có thể là Mẹ.                                         

       Sen trong Vườn Mẹ sẽ là một nơi để những đứa con xa quê có thể về với Mẹ, về với quê hương, về với những bình yên trong tâm hồn mình, thậm chí nhìn một cây sen hoa nở bình yên ở đâu đó thì nơi đó có sự hiện thân của Mẹ. Mẹ là đài sen thờ vọng của cuộc đời con.

 

HOA DẠI, CỎ HOANG

Nhớ lại những năm tháng học tập tại trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, chúng tôi thường kể cho nhau nghe những kỷ niệm về tuổi thơ. Quê tôi ở Bình Dương, Thăng Bình, vùng đất ven biển mênh mông cát. Có nhiều tên gọi cát cháy, cát biển, cát xanh, cát trắng, cát vàng... nhưng cùng chung lãnh địa vùng cát. Cây hoa ở quê cát cũng phải chịu hạn, cũng trải qua quá trình thích nghi để tồn tại. Xương rồng là một trong những loài cây chịu hạn, hoa xương rồng rất đẹp, càng nắng rát hoa càng thắm màu. Hoa bông trang có hương thơm, những chùm hoa chen nhau đứng ra mặt tiền khoe hương sắc. Hoa dủ dẻ mùi hương thơm lừng, những buổi chiều dạo tìm, đứa nào thấy trước đều gọi bạn để xác nhận, bởi vì hoa chỉ ngát hương khi những tia nắng yếu ớt cuối cùng sắp nấp vào sau dãy núi phía Tây. Người hái hoa phải chờ, phải đợi để hoàng hôn chập choạng mới nhanh tay hái hoa. Những bông hoa được cho vào túi áo cài chặt bằng kim băng để giữ mùi hương được lâu hơn. Nhãn rừng lá nhám, thân cây to vượt trội, tới mùa hoa nở rộ, những chú ong bay quanh hết đậu vào bông này lại sẵn sàng chõ mũi vào bông kia, trái nhãn rừng từng chùm chín mọng, màu thẫm xanh đen như chùm nho ngọt lịm. Hoa sim, hoa móc, hoa mua và bao loài hoa khác… Ngừng một giây tôi dành cho loài hoa mới, các bạn biết không-tôi diễn giải có một loài hoa mà khi bắt đầu dừng quang hợp, hết cần nước, hết cần dinh dưỡng để tiến dần về điểm chết thì khi ấy mới thành hoa-hoa bông gió. Bao nhiêu năm sau khi xem phim Về nơi gió cát mới thấy lại hình ảnh bông hoa quay quay như động vật, lúc đứng, lúc đi, lúc chạy, lúc nhảy rồi như cao hứng thì lăn lăn, bay bay trên cát. Khi đọc bút ký nhà văn Gia Vi viết về vùng đất chết Bình Dương lại xuất hiên tên gọi Hoa lông chông. Tôi nghĩ, ra thế từ thuở nào mình đã đặt tên cho loài hoa ấy là hoa bông gió. Hoa bông gió-hoa lông chông, như con người ở đất này có ngại chi mưa gió khắc nghiệt, khổ cực, đói no, tất cả đã từng và vẫn lạc quan với đời như loài hoa bông gió.

       Tôi đã nghe tên trăm loài cây cỏ, đã đọc cả chục loại cỏ cây, trong ký ức vẫn chất đầy cỏ hoang của thời thơ ấu. Hằng năm cứ tới dịp tết Đoan Ngọ, tôi theo mẹ, theo chị lên rừng hoang trên nổng cát để cắt lá mùng năm, lá mùng năm gồm nhiều loại: lá vối, lá chanh, lá ổi, rau má, mã đề, cỏ mực, ngải cứu, ích mẫu và nhiều loài hoa cỏ hoang khác. Sáng sớm mùng năm chọn những bó lá đẹp nhất đem ra chợ bán, phần còn lại chờ tới giờ ngọ (12 giờ trưa) thì nhập chung các loại lá phơi khô để dự trữ, nấu nước uống quanh năm.

       Ở nổng cát vùng này, ngoài lá mùng năm còn nhiều loại cây cỏ hoang khác. Đầu tiên phải nhắc tới là cây cỏ cụm, tên gọi đã mô tả hình dáng loài cỏ hoang dại này sống trên cát bỏng. Lá cỏ mọc từ thân, cỏ luôn bám mặt cát, thân phát triển tới đâu sẽ có rễ mọc theo tới đó. Những mùa nắng gay gắt nhất lá cỏ khô lại, thân cỏ với bộ rễ bám đất giống đoạn thân cây khô, kiên trì chờ đợi khi có nước mưa, cây bung lá mới xanh thẫm. Cỏ cụm là loại cây chống cát bay lý tưởng của tự nhiên. Thời khó khăn thiếu củi rác để làm nhiên liệu, cỏ cụm là sự chọn lựa của người dân quê tôi để bổ sung, thay thế trong đun nấu. Chỉ cần hai yếu tố ấy cũng thấy vị thế của loài cỏ này trên vùng cát bỏng rát.

       Cây cỏ cú (cỏ gấu) là loại cỏ dại được nhà nông tìm nhổ cho sạch, nhưng thật khó, đó là loài cỏ dại có sức sống mạnh mẽ. Ta thử nhổ một ít cỏ cú phơi khô đem ủ làm phân xanh, không ngờ cây cỏ vẫn vươn lên tươi tốt. Nơi rừng hoang cần thảm cỏ phủ xanh để chống cát bay thì rất hiệu quả. Màu xanh của cỏ góp thêm màu sắc dịu bớt cái nắng chói chang vùng cát. Nhớ lại một thời mẹ tôi phơi nhiều nia củ cỏ cú, tôi hỏi phơi cho nó chết hẳn phải không mẹ, mẹ cười, củ cỏ cú là vị thuốc giảm đau, giải nhiệt, kháng viêm và nhiều tác dụng khác, mẹ phơi để bán cho thầy thuốc bắc trong làng. Từ đó khi chăn trâu thấy cỏ cú là tôi nhổ lấy củ về phơi khô để mẹ bán.

       Cây cỏ mực lá xanh bông trắng, cỏ cũng là loài hoa dại ưa mọc trên đất thổ. Lần đầu tiên tôi đi hái về làm thuốc, đó là phương thuốc kết hợp với cây bồ đề, gừng... uống để chống lại chất độc màu da cam theo hướng dẫn của y tế vùng giải phóng (trong những năm chiến tranh chống Mỹ). Cỏ mực còn nhiều công dụng như chữa tóc bạc sớm, rụng tóc, chóng mặt, hoa mắt, cầm máu, rong kinh, mộng tinh, di tinh.

       Cây lác cũng là loài cỏ hoang, mọc ở môi trường nước, tuỳ vùng thổ nhưỡng mà cây lác phát triển nhanh, chậm, cao, thấp. Cây lác phơi khô dệt thành chiếu. Chiếu là dạng tấm trải dùng thông dụng trong mỗi gia đình. Những người nghèo khó hoặc trong chiến tranh người ta cuộn tròn chiếu, buộc chặt thi thể người chết để thay quan tài.

       Còn loài cỏ hoang mang tên rau muống biển. Rau muống biển lá xanh rờn trên cát, hoa màu trắng tinh khôi, hoặc cánh hoa trắng nhụy vàng cài giữa màu tím hình ngôi sao tạo thân hoa tuyệt đẹp. Thân rau mọc dài bò trên cát, rau mọc tới đâu châm rễ tới đó để trực tiếp bổ sung nước và chất dinh dưỡng cho cây phát triển...

       Trên vùng cát cháy này không thể thiếu những loài cỏ hoang, với sức sống mãnh liệt, dù nắng cháy cát bỏng nhưng không thể nào hủy diệt được, cũng như con người nơi đây dù đạn xới, bom cày vẫn hiên ngang, bất diệt.

       Lần này, khi thai nghén ý tưởng Vườn Mẹ tôi lại nhớ tới những loài hoa trên vùng cát quê tôi từ loài cây thảo mộc, từ những cây hoa dại đã trải qua mưa nắng, sóng gió bão bùng phải có trong không gian Vườn Mẹ. Tôi vẫn hằng mong đất và nước, cỏ hoa và người cứ chung sống cùng nhau trong Vườn Mẹ.

 P.Đ.N