NHỮNG DÒNG TÂM CẢM - Phan Thị Chính

08.12.2021
Phan Thị Chính
Những ngày cuối tháng Bảy, cầm trên tay tờ Thời nay- chuyên đề của báo Nhân dân, tôi rất xúc động khi đọc được bài viết “Vườn Mẹ” đăng ngày 27.7.2021 của tác giả Phan Đức Nhạn. Bên trong những dòng cảm thức chân thật, giản dị đậm chất nhân văn của tác giả, tôi có thêm cảm nhận về một dự án mang giá trị văn hóa rất sâu xa, đó là “Vườn Mẹ”. Tôi nghĩ, nếu được hiện thức hóa, đây sẽ là một công trình sáng tạo, một địa chỉ đỏ, một không gian kết nối lý tưởng đối với các thế hệ người con Thăng Bình, Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

NHỮNG DÒNG TÂM CẢM - Phan Thị Chính

        Là thế hệ hậu sinh, được bày tỏ suy nghĩ của mình với một đề án lớn vốn được thai nghén, ấp ủ từ hơn mười năm nay của một bậc cha chú của mình, tôi cảm thấy háo hức, nhưng cũng có phần dè dặt. Cũng may cho tôi là được tác giả, chú Phan Đức Nhạn truyền lửa để tôi mạnh dạn bày tỏ những cảm xúc của mình.

        Trước hết, tôi rất thích cái tên gọi “Vườn Mẹ”. Tác giả đã tinh ý không đặt tên là Trung tâm bảo tồn di tích... hay Khu bảo tồn di tích... như nhiều nơi đã làm, mà là “Vườn Mẹ”. Hai chữ rất bình dị, gần gũi, thân thương!

Từ bao đời nay, người Việt thường trồng các loại cây rau màu, cây ăn quả, cây gia vị… trên không gian vườn gắn với ngôi nhà ở của mỗi gia đình. Các mảnh vườn ấy không những đã góp một phần đáng kể tăng thu nhập kinh tế, giải quyết được nhu cầu thực phẩm cho gia đình mà còn là không gian để con người hòa hợp, gắn kết với thiên nhiên, môi trường. Chọn mô hình vườn cho dự án là để chọn kết cấu kiến trúc xây dựng nhằm tôn tạo, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa địa phương trên nền tảng vẻ đẹp truyền thống, hồn cốt của nông thôn, quê hương Việt Nam, đồng thời ký thác vào trong từng chất liệu, cấu trúc chi tiết nhỏ cả hơi thở của cuộc sống đương đại.

        Hơn nữa, với tác giả, tên Vườn ở đây không chọn gắn với các bậc sinh thành khác như ông, cha... mà là mẹ. Phải chăng, ở thời đại nào, phụ nữ cũng là nhân tố quan trọng của gia đình và xã hội. Phụ nữ Việt Nam vốn được sinh ra và lớn lên từ nền văn minh lúa nước, từ xứ sở đầy tiếng chim, giàu hoa thơm và quả ngọt, từ những khúc hát ru ngọt ngào của bà, của mẹ, từ những kỳ tích huyền thoại của dân tộc. Phụ nữ Việt Nam, qua các chế độ xã hội, các thời kỳ lịch sử, với thiên chức cao quý của người mẹ, người vợ, với những đóng góp lớn cho cuộc đời, họ đã làm nên những bức tượng đài tuyệt diệu tạc sâu trong lòng bao thế hệ.Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với nhiều tấm gương nữ tiêu biểu trên cả nước đã thầm lặng cống hiến, đã chiến đấu dũng cảm, kiên trung, bất khuất trước kẻ thù; phụ nữ xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cũng đã góp phần làm rạng rỡ non sông gấm vóc, xứng đáng với  tám chữ Vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang. Vì lẽ đó, ơn nặng nghĩa sâu, để tưởng niệm, tri ân sự hy sinh cao đẹp của các thế hệ bà và mẹ, không gian “Vườn Mẹ” sẽ dành một khuôn viên làm nơi an vị vĩnh hằng của 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng của xã Bình Dương. Theo tác giả, trước hết là để làm vơi bớt phần nào đó nỗi ray rứt khi biết rằng có một số mẹ đến nay đã không còn người thân ở quê để lo việc mồ mả, hương khói; hoặc để đó đây, không còn hình ảnh những nén nhang được thắp lên lẻ loi, phảng phất trầm hương ẩn hiện trong các khu vườn vắng vẻ. Và theo dự kiến, trong “Vườn Mẹ” sẽ có một đài tưởng niệm, có Bia Ghi danh 1.347 liệt sỹ của xã Bình Dương, những tấm gương yêu nước thương nòi, có cả nam lẫn nữ, người già, người trẻ, cán bộ và nhân dân. Trong số các liệt sỹ, chắc hẳn không ít người trước lúc hy sinh chưa thể nói được một lời trăn trối với những người thân yêu, trong đó có người mẹ của mình. May mắn và hạnh phúc của chúng ta là có được ngày hôm nay, được hưởng thụ thành quả từ máu xương, mồ hôi và nước mắt của các thế hệ đi trước, ta còn nợ họ rất nhiều, thì ta thêm nặng nợ với biết bao người mẹ. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã từng thấu cảm: Ta đi trọn kiếp con người. Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa). Tình mẫu tử trên thế gian này vốn thiêng liêng và bất tử! Thử hỏi, có người con nào không được phôi thai từ mẹ: Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ. Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu? (Macxim Gorki). Với đời con, mẹ là dòng sữa ngọt ngào, là lời ru trìu mến, là công đức vô lượng, là chín chữ cù lao. Các bà, các mẹ ta đã dành cả một đời thầm lặng nuôi nấng và dạy bảo các con cho đến lúc trưởng thành; dạy cho con mình phải biết yêu quê hương, đồng bào, đất nước; phải giàu tình yêu thương, sống có nghĩa có nhân; có ý chí và nghị lực; đầy trí tuệ và bản lĩnh,... Để khi Tổ quốc cần thì mỗi người con ấy sẵn sàng gác tình riêng lại để tham gia cách mạng, kháng chiến, một lòng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Với những giá trị nhân văn cao sâu mà mẹ đã mang đến cho cuộc đời này như thế, chọn cái tên“Vườn Mẹ” (chữ Mẹ được viết hoa) sẽ gợi lên được rất nhiều ý niệm và hàm chứa những giá trị giáo dục rất sâu. Còn ở nghĩa bóng, mẹ còn dùng để chỉ Tổ quốc Việt Nam. Tầm phổ quát cho ý nghĩa tên gọi “Vườn Mẹ” còn ở chỗ đó.

        Mặt khác, không gian “Vườn Mẹ” được chọn triển khai tại làng Lạc Câu, xã Bình Dương là rất ý nghĩa, một xã nổi tiếng với ba lần được Đảng và Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng: Hai lần với danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (vào năm 1969, 1972) và một lần với danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985). Theo đó, bên cạnh khuôn viên an vị mộ của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, vườn còn tái tạo các công sự hầm ngầm, trạm phẫu, hào giao thông, bờ làng chiến đấu, điểm tiền tiêu, các hình ảnh nhân chứng, vật chứng thời chiến... Ngoài ra, vườn còn kiến tạo một không gian sinh tồn có đường làng, cổng ngõ, lối đi; nhà văn hóa; có các làng nghề truyền thống địa phương; có cây cao bóng mát, hoa cỏ. Đặc biệt, sẽ lưu giữ các loài xương rồng đa dạng phong phú vốn gắn bó với vùng cát trắng từ ngàn xưa, loài cây có sức sống mãnh liệt, vẫn nở hoa dưới cái nắng miền Trung khắc nghiệt như tính cách riêng của con người nơi đây. Tất cả hài hòa trong một bảo tàng sống, thực sự sống với nhiều giá trị văn hóa đẹp, sẽ được tiếp nối lưu truyền và nhân lên qua các thế hệ.

         Một không gian sống “Vườn Mẹ” sẽ được dựng lên trên chính mảnh đất quê nghèo đã từng bị hàng ngàn tấn đạn bom và vũ khí các loại của kẻ thù cày xới, băm nát trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Mảnh đất lưu dấu 11.33 di tích lịch sử cấp tỉnh của huyện thời kháng chiến gắn với nhiều địa danh, tên tuổi đã được lưu vào sử sách như Hàng Cừ - Cây Mộc, Trạm Tiền tiêu Đồi Sanh; Nhà bà Nguyễn Thị Lang - Nơi đạt Trạm phẫu dã chiến; Vụ thảm sát tại Trảng Trầm; Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Nguyễn Thép (Thơ); Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Nguyễn Trái; Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Đặng Trà (Trì); Trường Hòa Bình - Điểm tuyển quân - Nơi đặt cầu danh dự; Căn cứ lõm Bàu Bính; Vườn nhà ông Phan Trái - Nơi đặt trạm cải tiến vũ khí; Địa điểm cơ sở cách mạng nhà ông Phan Tựu… Mảnh đất thấm đẫm máu xương, mồ hôi và nước mắt của hơn 4.700 người đã ngã xuống với hơn nửa số dân của xã trong thời chiến khốc liệt. Có đến 12 trong 16 đồng chí làm Bí thư Đảng bộ xã và 13 trong 16 đồng chí Xã đội trưởng đã hy sinh, các đồng chí còn sống chủ yếu là thương binh, bệnh binh. Bao vết thương lòng mãi còn dai dẳng với hơn 300 thương bệnh binh, hàng trăm người bị tù đày, hàng trăm dân thường bị thương tật do bom đạn địch rất nhiều nạn nhân chất độc và trẻ em mồ côi,… Nhiều gia đình, tộc, họ không còn người nối dõi vì các vụ thảm sát tiệt diệt kinh hoàng của địch. Từ trong máu lửa, trong lòng đất mẹ đã và vẫn ươm mầm khát vọng, ý chí và niềm tin, để từ đó đã bật dậy sự sống. Một sức sống lạ thường từ trong mất mát, tang thương, đổ nát, điêu tàn do chiến tranh để lại trên miền quê cát trắng. Biết bao phong trào yêu nước đã được đẩy mạnh, nhân dân đã biến đau thương thành hành động, với tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo, bất khuất, với truyền thống anh hùng cách mạng, họ bắt tay vào tháo gỡ bom - mìn khai hoang vỡ hóa, cải tạo ruộng vườn, làm giao thông, thủy lợi, tích cực tăng gia sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế, xã hội. Sức sống của quê hương ấy đã được thổi vào hàng triệu cây phi lao, biến hàng trăm héc ta bãi cát hoang sơ thành rừng cây xanh tốt, vừa chắn cát, chắn gió, bảo vệ nguồn nước và môi trường sống, vừa tạo ra nguồn lợi kinh tế để cứu đói. Từ đó, năm 1985, xã Bình Dương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, một lần nữa, cái tên Bình Dương được tiếp tục tỏa sáng. Với những dấu ấn lịch sử vẻ vang, trang trọng, thiêng liêng ấy, sẽ trở nên giá trị hơn khi chọn xã Bình Dương là địa điểm, là điểm tựa cả chất lẫn hồn để triển khai không gian “Vườn Mẹ” với tầm quy mô.   

      Nếu hiểu thêm tác giả của “Vườn Mẹ”chính là người con ưu tú của xã Bình Dương, được sinh ra, lớn lên, tham gia hoạt động cách mạng tại quê hương từ thời niên thiếu; sớm được tôi luyện, trưởng thành từ phong trào cách mạng; là cán bộ hưu trí, Đại biểu Quốc hội khóa XI, từng kinh qua nhiều chức vụ, trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, thì địa điểm trên đúng là nơi tìm về vô cùng ý nghĩa. Rất tâm đắc, chú Phan Đức Nhạn là người con xa quê nay đã chọn về với vườn của mẹ. Về với mẹ là về với tình mẫu tử cao cả, thiêng liêng và bất diệt. Về với mẹ cũng có nghĩa là về ông bà, cha anh, người thân của mình; là về với gia đình, nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương, cội nguồn và dân tộc, về với nguồn cảm hứng vô tận. Về để dựng xây, ký thác và tiếp tục kết nối,… để “Vườn Mẹ” sẽ là một địa chỉ đỏ, là bảo tàng lưu giữ, bảo tồn những di sản, chứng tích quý giá; nơi tôn nghiêm dành để tri ân công đức, sự hy sinh, những cống hiến cao cả của các vị anh hùng, liệt sỹ cách mạng, các bậc tiền bối, thế hệ cha ông đi trước trong các cuộc đấu tranh vệ quốc và trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại Văn hào nước Pháp - Victor Hugo cho rằng, lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ, thì “Vườn Mẹ” hôm nay sẽ là một không gian kết nối lý tưởng giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Các thế hệ hôm nay và mai sau nếu được đến đây tham quan, học tập, sẽ có thêm nguồn tư liệu phong phú và bổ ích để hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa địa phương. Qua đó, đạo lý uống nước nhớ nguồn, các bài học làm người, thái độ ứng xử đối với quá khứ, cách hành xử trong hiện tại để hướng tới tương lai tốt đẹp của con người,… các giá trị vĩnh hằng của văn hóa truyền thống ấy sẽ càng được nhân lên và truyền đời mãi mãi.

Sẽ là niềm vui, niềm tự hào của tất cả chúng ta nếu ý tưởng không gian “Vườn Mẹ” sớm được hoàn thành và đi vào hoạt động. Khi một số xã vùng Đông Thăng Bình trở thành địa chỉ nối dài của Khu Kinh tế Mở Chu Lai, khi Thăng Bình, nhất là vùng Đông trở thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông tỉnh Quảng Nam, khi tốc độ đô thị hóa tại vùng Đông ngày càng thu hút nhiều dự án kinh tế, xã hội lớn đầu tư, trong đó có xã Bình Dương, thiết nghĩ, ưu tiên quy hoạch để xây dựng nơi đây các công trình lịch sử - văn hóa là vô cùng cần thiết. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn, kết nối văn hóa du lịch các vùng miền trong và ngoài nước để khắp nơi có cơ hội biết đến một xứ sở với nhiều câu chuyện về đất và người một thời bi tráng đẹp hơn cả huyền thoại; xứ sở của nhiều loài hoa xương rồng vẫn khoe sắc, tỏa hương trên cát như sức sống kỳ diệu của một trong những quê hương tiêu biểu ở mảnh đất Quảng Nam Trung dũng Kiên cường.

 

Quảng Nam – 8.2021

Phan Thị Chính

(Phó Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Thăng Bình)