Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương Việt

30.03.2017

Nhớ về chiến khu xưa, là nhớ rừng núi cao, suối sâu, thác dữ, muỗi mòng. Nhớ những ngày oằn lưng với chiếc gùi và cây súng vắt ngang vai, với những đêm mưa dầm, sốt rét rung người, bụng thóp rau dớn, bên bếp lửa bập bùng nơi nhà sàn cùng bà con dân tộc. Nhớ những ngày quần nhau với giặc, ngập ngụa trong khói lửa B52, bom napan khét lẹt và chất độc màu da cam tanh tưởi ghê người. Nhớ về tuổi thơ vụng dại, rồi bạn bè, đồng chí... Sao tôi còn nhớ cả những điều vu vơ, những nét chấm phá tình cờ của quá vãng, mênh mang choáng ngợp cả trí tưởng mình.

Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương Việt

1.

Có những lần đi ngang qua trường. Vẫn là mái trường xưa, chỉ thiếu đi một vài góc nhỏ, những luống hoa vạn thọ vàng, vài hàng chuối nước và chiếc cổng trường thay màu trang điểm. Ở đó tôi ngu ngơ chờ Cúc, áo trắng sân trường và mái tóc dài huyền hoặc làm tôi thẩn thờ. Ôi Chrysenthems! Tôi đã viết thư cho Cúc bằng cái tên gọi đó “Chrysenthems” (Kym Cúc). Thế mà, dễ đến ba mươi năm sau cuộc chiến yên bình tôi mới gặp lại thật tình cờ. Cúc đã là người viết văn, viết báo. Hôm ở nhà ông anh rể của Cúc, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Bội Liên - cầm trên tay tập thơ: “Đêm trăng cố quận” của ông, lơ đễnh, Cúc hỏi tôi: Còn nhớ Hội An không? Tự trái tim sâu thẳm tôi đấy - Những con đường phố Hội êm đềm cả mùa lá rụng, những tàng phượng vĩ chói đỏ khi hạ về, những gánh quà rong trong tiếng rao đêm xa vắng, những mái chèo lơi dưới bến sông Hoài, những mái ngói rêu phong im lìm muôn thuở, mùi trầm hương lễ giáo trong tiếng chuông chùa đồng vọng và cả ngôi trường chúng ta - tất cả như ngay trong căn phòng chúng ta đang sống vậy. Ở đó không gian, thời gian, âm thanh, ánh sáng, vui buồn, hạnh phúc, đoàn tụ, chia xa như vây bọc chúng ta. Làm sao quên được...

Lại càng không quên cái đêm đám cảnh sát ngụy ở thị xã, bất ngờ ập vào nhà trọ còng tay Cúc, cùng với một cặp truyền đơn, bản tin vắn và mấy tập mỏng in thơ Tố Hữu, Quang Dũng, Hồng Nguyên chưa kịp chuyển đi. Chúng bỏ Cúc lên xe cây chở về đồn tống giam. Và những ngày sau đó là đòn tra, vì Cúc là con nhỏ Việt cộng. Cái “con nhỏ Việt cộng” từ chợ Bà ra đi học, nay vẫn còn làm văn, làm báo nghiệp dư âm thầm ở tuổi 60 nơi thành phố bên sông Hàn, sau ngày hòa bình trở về trên xứ sở này.

2.

Tôi đã gặp Duy Phương, không phải ở phố Hội vốn thanh bình, mà nơi chiến tranh diễn ra ác liệt trên miền Tây xứ Quảng. Cách bến đò Tân Thuận, đầu nguồn con sông Thu Bồn không xa, và quá nửa là đất Bà Huỳnh, Bà Xá heo hút, đầy muỗi mòng, thú dữ. Phương về ở đó, xã Quế Bình, trong một mùa xuân cách mạng. Đất giải phóng 1964, lũ lụt chết người, thiếu gạo muối, thuốc men và bọn địch thậm thụt vào ra đánh phá. Vùng giải phóng mở dần ra. Phương không trở lại mái trường xưa nữa. Và Phương đã trở thành cô cán bộ tuyên - văn - giáo của huyện nhà.

Không lâu, tôi lại gặp Phương, như đã từng gặp ở đâu đó trong rủi ro của chiến tranh. Nhưng lòng tôi đã phải thắt lại, nước mắt nuốt thầm trước một thân thể tật nguyền, lê đôi chân đã chết trên đôi nạng gỗ. Kẻ thù đã giết chết tuổi thanh xuân của Phương trong gang tấc. Chỉ vì Phương không thể chịu được khi nhìn đồng đội của mình đã ngã xuống trong một trận tập kích bất ngờ của địch vây siết. Phải bảo vệ máy móc, tài liệu và dìu anh em đi băng bó và không để bọn địch bắt sống mình. Chúng cố giằng Phương ra, cô ôm chặt lấy gốc cau trước sân, trì lại, miệng chửi như tát nước vào mặt bọn quỷ dữ trong tiếng máy bay trực thăng gầm rú. Nhưng làm sao chống chọi nổi trước đám lính hùng hổ, vừa nổ súng, đánh đập, vừa lùng sục, hò hét. Phương lả người. Bọn chúng đã lôi được Phương lên trực thăng, chở ra hạm tàu. Và những ngày sau đó là những đòn tra tấn, hành hạ Phương đến thân tàn, đôi chân dập nát, tê liệt nhưng chúng không thể nào cạy răng khai thác được ở cô chút bí mật nào về cách mạng.

Bây giờ thì đôi mắt no tròn, đen nhánh của Phương vẫn cười, và nụ cười trên đôi môi của cô có chút đượm buồn xa vắng. Đúng thôi, cái lẽ muôn thuở trong một con người, trong muôn một hoàn cảnh của số phận đều như vậy để mà sống.

Tôi có viết về Phương (không biết nên gọi thể loại nào của văn chương cho đúng), nhưng rồi cũng để cái đề tựa thật sáo rỗng “Phương và tiếng hát đỏ”. Số là khi Phương lãnh án tù, hai chân bị địch tra tấn tê liệt, nằm một chỗ, suốt ngày Phương ca hát, mà hát toàn những bài ca cách mạng như say đắm, cuốn hút người nghe. Bọn địch chỉ biết hậm hực. Chuyện đã đăng ở báo Phụ nữ Việt Nam khá lâu rồi, khi tôi còn ở Hà Nội. Tôi có đưa Phương đọc thì phải. Nhưng văn chương, chữ nghĩa chỉ làm công chuyện không mấy thánh thiện ở những trường hợp như thế này. Còn bây giờ, Phương đang sống với những ngày còn lại, ít ra là trong lòng bè bạn và kỷ nệm về chiến tranh chưa xa được Phương kể lại trong tác phẩm “Tôi nghe tôi hát” như một tráng ca lai láng sắc màu cuộc đời đầy ắp buồn vui.

3.

Những ngày cuối đông, tháng Chạp năm 1967. Trong cái giá lạnh của núi rừng, mà như có lửa. Tất bật, dồn nén, chờ đợi... Tại khu rừng đại ngàn Nhụ Sơn, miền Tây thị xã Tam Kỳ, có trên hai mươi cô gái vừa được đưa từ thành phố, thị xã ra vùng giải phóng để chuẩn bị cho một ngày trọng đại. Vì nhiệm vụ “cơ mật”, các cô gái phải bị “cách ly” hoàn toàn, tập trung cho học tập, và sau đó đưa vào  lại thành phố. Cậu giao liên Tài, cậu em thân  thiết của tôi ở cùng cơ quan có “diễm phúc” đón và đưa các cô về cứ, đã không giữ được bí mật rỉ vào tai tôi: “Có một cô đẹp như tiên sa!”. Chắc cô gái ấy có vẻ đẹp như thế nào đây, Tài không diễn tả nỗi nên mới nói vậy. Thế mà trong cơ quan đám trai trẻ chúng tôi đã nhanh chóng thì thầm lan truyền về nàng tiên chưa hề thấy mặt, chưa biết chính danh, chưa rõ nguồn cơn nào cô lại được chọn để lên chốn rừng thiêng nước độc này, rồi nay mai phải ra tuyến lửa...

Sau ngày tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 68, các cánh quân trở về lại đơn vị. Buổi họp mặt đầu tiên của cơ quan không báo trước. Trong nỗi đợi chờ, tay bắt mặt mừng, kẻ còn người mất, sau chiến dịch trở về. Tôi đã bàng hoàng, sửng sốt và choáng ngợp, đến không tin vào mắt mình nữa. Cái cô gái “như tiên sa” đấy ư - Thanh Tuyền của Snack Bar Thiên Thu ở thị xã đây sao! Tôi như muốn ào đến ôm lấy Tuyền. Nhưng rồi kịp đè nén sự hồi hộp đến nghẹt thở nơi lồng ngực mình.

Tôi chưa là người thân thiết nhất của Tuyền, nhưng là “đồng hương” nay là “đồng chí” với nhau mới toanh, và có lúc những anh chàng “Xuân tóc đỏ” bốc đồng chúng tôi như Nguyễn Nho Sa Mạc, Hoàng Thị Bích Ni, Hồ Luân, Nguyễn Khánh Trường, Huyền Châu, Hoàng Yên Xuân... vừa đi học, vừa làm thơ mơ mộng, ca ngợi quê hương, cầu nguyện hòa bình, đã làm “cái đuôi”, “cái bóng” của Tuyền giai nhân, ngày còn lang thang đèn sách đứa ở Tam Kỳ, Vĩnh Điện, đứa ở Hội An, Đà Nẵng. Nay gặp nhau rồi, ăn chung một nồi cơm, uống chung một ca nước, mắc võng gần nhau, tôi có dịp nhìn Tuyền say đắm, thẩn thờ, hàn huyên với nhau cơ man nào là chuyện, không như hồi nào, tối thứ bảy, chủ nhật tụm nhau dưới ánh đèn Thiên Thu Bar để khao khát ngắm Tuyền, đắm theo lời ca ẻo lả “Buồn vào hồn không tên, khi thức giấc nửa đêm, nhớ chuyện xưa vào đời”..., nghĩ lại mà buồn cười!

Và có lẽ, chúng tôi là hai người thân nhất trong cơ quan, kể từ cái ngày định mệnh gặp lại nhau ấy, hơn ba mươi năm sau, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ thương Tuyền không nguôi. Nhớ đôi mắt Tuyền cười, đôi tay ngọc ngà giờ chai sạn vì phát rẫy, tuốt lúa và những cơn sốt rét rừng vùi dập thân em...

Tuyền từ Tam Kỳ, thôi làm ở quán bar (một cơ sở cách mạng của người bà con) về quê và trở thành cô giáo vùng giải phóng Thăng Bình vừa mới mở ra. Chưa được mấy ngày thì được trên điều lên rừng làm nhiệm vụ mới. Sau Tết Mậu Thân, Tuyền được giữ lại làm việc ở báo Giải Phóng. Cơ quan đóng ở nóc Ông Đề, trong ngôi nhà sàn nhỏ của bà con dân tộc Cơtu, bên con sông Vàng, gần mỏ vàng Bông Miêu. Những lúc rỗi rảnh, Tuyền mắc võng đung đưa, ê a học tiếng dân tộc và thường nhẩm hát một mình. Tôi đã nhiều lần bắt gặp và lắng nghe. Tuyền không chỉ đi hái rau rừng giỏi, nấu ăn ngon, biên tập tin, bài tinh tế mà còn hát khá hay... “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi. Tính tình tang, đàn cô hát trên nương, trên bản làng. Cô đi tìm ai, tìm người yêu bên bờ suối, chắc. Không, không, không. Cô đi tìm đàn em nhỏ chưa biết chữ trên đỉnh núi cao, cao...”. Tôi trộm nghe Tuyền hát, và rồi nằm lòng bài hát đó như một cõi riêng.

Chưa bao giờ cuộc chiến tranh lại gian khổ và ác liệt như năm sáu chín. Địch phản ứng bằng những trận B52 rải thảm, bom tọa độ, pháo bầy khốc liệt, càn quét liên miên. Đường dây giữa vùng đông với vùng tây tắc nghẽn. Gạo mắm thiếu hụt, đau ốm hành hạ không từ một ai. Giữa những ngày quê hương khói lửa ngút trời ấy, Tuyền đã nằm xuống lặng lẽ. Sức nặng của chiếc gùi 50kg trên đôi vai cô gái mảnh dẻ, cùng với chứng đau tim không ai biết và một đêm thức trắng ở nhà dân vùng ven để xay giã, giần sàng hàng chục ang thóc, nhanh chóng cùng anh em gùi gạo về cơ quan trước khi trời sáng đã làm Tuyền lả người khi đang lần dò từng bước leo lên con dốc cao Phường Mít. Tuyền không bước nổi nữa!

Mấy hôm sau được nghe kể lại. Sớm ấy, có một cán bộ trên đường đi công tác, khi lên đỉnh dốc dừng lại dò la tình hình địch đổ quân gần đấy, anh bắt gặp một cô gái nằm thiếp trên chiếc võng buộc vào thân cây, da mặt cô tái xanh, mắt nhắm nghiền, mái tóc trễ nải xõa buông xuống nền đất, chiếc xắc con để trên người. Cô gái trong tình trạng hôn mê, nhưng thoáng nhìn, vẫn phảng phất một dáng vẻ thư sinh và gương mặt đẹp hồn hậu. Anh chưa kịp tìm cách cứu cô gái, thì cô tắt thở qua cái cựa mình và tiếng rên hao hụt. Anh đã cùng vài dân làng gần đó chôn cất cô trong chiếc võng làm áo quan, chèn vài viên đá núi làm mộ. Chiếc xắc con anh đã chuyển về cơ quan qua đường giao liên, khi anh đọc được trong cuốn nhật ký, biết được nơi cô công tác.

Tuyền phải nghỉ lại nơi đỉnh đèo, chờ anh em cơ quan xuống khiêng cô về. Nhưng mấy ngày đó bọn Mỹ đổ quân chốt các lối đi vùng An Lâu, Phường Mít. Tuyền đã nằm lại đỉnh đèo đang mùa hoa sim, mùa hoa tím cả một vùng chiến khu heo hút nắng gió và mây ngàn. Không ngờ, nơi đây lại là nơi an nghỉ cuối cùng và mãi mãi của Tuyền như một định mệnh.

Tuyền của tôi. Tôi nói của tôi, mặc dù tôi chỉ có với Tuyền ánh mắt, nụ cười sâu thẳm, nhưng những dòng nhật ký của Tuyền đã nói như thế rồi... “Có một ngày nào đó phải không anh, ngày đẹp làm sao. Anh là của ai, anh có biết không? KS, 5/3/69...”. Hai năm, sau ngày Tuyền qua đời, tôi mới đọc được những lời sâu nặng của Tuyền, do Việt Tiến, bạn tôi, cất giữ rất lâu rồi trao lại cuốn nhật ký riêng tư đó.

Tôi không nói về sắc đẹp, tính nết của Tuyền nữa. Tuyền đã chết trong tôi! Và tôi đã viết về Tuyền trong một bút ký đăng ở báo Giải Phóng Xuân 1969 có tên “Mùa rước kiệu Bà” - “...Hằng năm vào tiết thanh minh, làng chợ Được có Lễ hội rước kiệu Bà náo nhiệt. Tuyền là cô gái duy nhất trong làng nhiều lần được chọn để trang điểm ngồi trên kiệu hoa, được dân làng khiêng đi trong cờ phướn, chiêng trống, nhã nhạc, hương trầm và xướng lễ tưng bừng. Lễ rước cầu vọng cho đất nước thái bình, dân cư lạc nghiệp, yên vui... Tuyền là hiện thân, hình ảnh của nữ thần sắc đẹp và đức tính nhân hậu, bao dung của Đức Bà...”.

4.

Chẳng hạn, Thu Hồng, từ thị xã ra vùng giải phóng làm cô giáo giữa bốn bề giặc càn, bố ráp, lấn đất giành dân, đốt trường không còn nơi dạy học, Hồng lên luôn chiến khu và được điều về làm báo Giải Phóng. Hình ảnh cô phóng viên chiến trường có đôi mắt tròn đen nhánh, mái tóc dài chấm chân đã làm mê mệt mấy vị thủ trưởng bên tỉnh đội Quân giải phóng, mỗi lần Hồng sang lấy tin, viết bài. Cuối năm 1970, Hồng đã là Hội trưởng Phụ nữ huyện Tiên Sơn. Cái huyện mới thành lập, được mệnh danh “4Đ” (đói, đau, địch, đỉa), ai nghe đến cũng phát gờm. Tay yếu, chân mềm, thân gái dặm trường, Hồng đã đến cái nơi thâm sơn cùng cốc để lăn lộn với phong trào đầy thử thách nói trên.

Trong một trận càn, pháo địch đã cắt đứt đôi chân của Hồng. Bọn Mỹ cho trực thăng chở thẳng Hồng ra hạm đội đậu ngoài biển khơi để chữa trị. Lành bệnh, Hồng bị địch đưa về giam lỏng ở bệnh viện Quảng Ngãi, với cái tên khai báo khác đi: “Nguyễn Thị Tâm”. Bằng mọi cách Hồng đã liên lạc được với tổ chức và gửi tiền về Tam Kỳ đóng Đảng phí hằng tháng để làm tin, rằng Hồng đang sống và hoạt động ở một môi trường thử thách khác. Không biết vì cám cảnh, vì cảm tình, vì khâm phục, hay hệ lụy trước vẻ đẹp mê hoặc của Hồng, anh chàng y tá, hộ lý cấp một chăm sóc cho Hồng, đã yêu Hồng và hai người đã có với nhau một mụn gái, sinh nở trong một điều kiện và tình huống thật trớ trêu.

Sau ngày hòa bình, năm 1975 Hồng về sống trong một túp lều nhỏ ở chợ quê Cây Sanh, xã Kỳ Thọ, buôn bán vặt vãnh làm vui và nuôi con gái ăn học, cộng với tiền phụ cấp của nhà nước vừa đủ thuốc men. Con gái Hồng xinh đẹp, học giỏi và là hoa khôi nữ sinh thanh lịch của chính ngôi trường ở thị xã Tam Kỳ nơi ngày xưa Thu Hồng đèn sách.

Những năm chín mươi, có nhiều cựu chiến binh Mỹ bị chính quyền Mỹ buộc đi đánh nhau ở miền Nam Việt Nam được sang thăm lại chiến trường xưa. Trong số đó, có một bác sĩ người Mỹ đã trực tiếp chữa trị vết thương cho Hồng trên một hạm đội ngoài khơi Thái Bình Dương, xin sang Việt Nam với mục đích tìm Hồng “cô thương binh Việt cộng” yêu kiều, rắn rỏi. Ông đã mất một tháng trời lặn lội từ Hà Nội vào Đà Nẵng, Chu Lai, Quảng Ngãi. Nhờ sự trợ giúp của chính quyền địa phương, ông đã tìm được Hồng tại thị xã Tam Kỳ. Ông đã khóc vì quá vui sướng và toại nguyện. Sau đó ông đã van xin Hồng, con gái Hồng và mong được chính quyền cho phép, tạo điều kiện để ông được đón mẹ con Hồng sang Mỹ nuôi nấng, chăm sóc, cho con gái Hồng học hành thành tài rồi trở về Việt Nam làm việc. Ông coi việc ông làm là một phần tạ lỗi với nhân dân Việt Nam, vì những gì mà quân đội viễn chinh Mỹ đã gây ra trên đất nước này, mà Hồng vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng, mà ông đã chứng kiến và thức tỉnh.

Lại một tình huống trớ trêu đến mủi lòng.

Ông là một người Mỹ có thể tốt bụng, thật lòng, tấm lòng của một người thầy thuốc có lương tri chân chính. Nhưng Hồng đã cám ơn ông. Hồng không đi, vì không phải còn một nửa thân thể tật nguyền, mà vì Hồng đã có quá nhiều kỷ niệm ở quê hương này. Mảnh đất đã thấm bao xương máu người thân, bạn bè, nay đã xanh lại màu xanh nguyên thủy, có cả tuổi xanh của một thời áo trắng học trò, mà Hồng đã gửi những dấu yêu, cũng như khổ lụy cùng năm tháng. Và hơn thế nữa, bây giờ con gái Hồng đã trưởng thành, đã làm cái công việc mà mẹ nó đã làm cách đây gần 40 năm - một nhà báo trẻ của đất nước thanh bình. Hồng đón bạn bè làm báo Giải Phóng ngày ấy, trong ngày con gái đi lấy chồng. Tôi thấy Hồng tì nửa người còn lại trên đôi nạng gỗ nhìn con gái với ngấn lệ mừng.

5.

Và Mai. Đào Mai. Cô sinh viên khoa sử, đại học sư phạm Hà Nội vừa vào chiến trường mà cũng là về lại quê hương mình sau bao nhiêu năm theo mẹ tập kết ra Bắc. Cha cô ở lại, và ông đã trở thành vị lãnh đạo hiếm hoi của tỉnh, trụ bám suốt những năm đánh Mỹ ở vùng Nam Tam Kỳ. Mai chỉ nghe bà con, anh em gọi cha cô là ông “Sáu Bạc”. Vì thế, Mai mong có giây phút bất chợt nào đó gặp cha, người mà cô hằng thương nhớ, để nhìn tường tận khuôn mặt cha, được nắm tay cha, ngã vào lòng ông thỏ thẻ, chia sẻ với ông nỗi gian khổ mà cô vừa hiểu được ở vùng đất lửa này.

Nhưng những ngày cuối năm 1967, cả cơ quan như xáo động, tất bật với hàng núi công việc. Không ai còn nghĩ đến việc thăm viếng, nghỉ ngơi, thư từ. Các cánh quân trong Ban Tuyên - Văn - Giáo đã phân công xong. Buổi họp “tuyệt mật” diễn ra trang nghiêm chưa từng có. Tôi nhớ trong buổi lễ tuyên thệ của cơ quan trước khi xuất quân đi làm nhiệm vụ hôm đó, Mai vừa ràn rụa nước mắt, vừa reo lên trong nỗi vui mừng, lần đầu tiên được nhận túi báo chí, truyền đơn, chiếc máy ảnh và cây súng các - bin, cùng tổ phóng viên báo Giải Phóng và Hội Văn nghệ giải phóng đi cánh bắc Tam Kỳ, về thị xã, như một mũi tuyên truyền xung kích, trực tiếp tham gia chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền sắp diễn ra.

Nhưng hai hôm sau, một tin dữ báo về. Tổ phóng viên ba người của Mai bị địch phục kích ở dốc Ngọc Tú. Đêm tối, bị lạc nhau, không quen đường, quen hướng, Mai bám lại tại chỗ, nổ súng bắn trả bọn giặc và đã hy sinh. Sáng ra, địch lùng sục được xác Mai, chúng dã man cắt đầu Mai bêu trên cọc tre, cắm giữa đường dốc, rồi rút quân. Anh em du kích và bà con địa phương đã chôn cất Mai, chăm sóc ngôi mộ như người thân trong làng.

Nửa tháng sau, công tác từ thị xã trở về, tiện đường ông Sáu Bạc ghé vào tòa soạn báo Giải Phóng đóng ở dốc ông Đồi, thôn 6, xã Kỳ Quế, thăm anh em, nơi con gái ông về đây làm báo. Quá bất ngờ, ông nhận chiếc gùi của con ông, do tòa soạn trao lại. Đôi tay run, nước mắt nhạt nhòa, ông lần mở và đọc được lá thư con ông viết dở dang, chưa kịp gởi cho mẹ và cho ông... “Con Đào Mai, gửi ba Đào Đắc Trinh - Sáu Bạc...”. Người ông rung lên từng hồi. Ông không đọc được nữa...

Anh em chúng tôi như lặng đi bên ông trong nỗi mất mát không cùng này. Tôi bỗng chợt nhớ đến câu nói của Lỗ Tấn trong một tạp văn của ông “Người chết, chỉ chết thật khi họ chết trong lòng người sống”.

Những tháng ngày chưa xa đã về một khoảng trời nào trong ký ức. Không có sự nghiệp cách mạng lớn lao này, không có những đồng chí, đồng đội và cả những con người vốn chân yếu tay mềm, “nhi nữ thường tình” bằng tình yêu cuộc sống và sự hăm hở thanh xuân, đã tham gia vào cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc, biết đâu sẽ trở thành một vùng kỷ niệm nào khác.

Con đường vào đời, lập thân có muôn vạn nẻo. Mỗi thân phận đều có niềm vui, nỗi đau và hạnh phúc trong cái quy luật muôn đời, như tôi vừa lãng đãng nhớ lại. Nhớ lại thật tình cờ về những cô gái, như sự tình cờ của họ gặp nhau trong chiến tranh, trong cây bút, cây súng và sự lãng mạn thần kỳ của một thời đánh giặc.

Quanh ta có biết bao sự tích và rồi sẽ trở thành cổ tích ở những thế kỷ mai sau. Tại sao không. Thưa các anh chị và các bạn viết văn, làm báo hôm nay.

 

Xứ Quảng, cuối năm 2016

H.H.V