Vẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh Tân

28.01.2016

Vẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh Tân

Những thông tin thú vị về con đường sáng tác, những tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Svetlana Alexievich (người Belarus) - chủ nhân của giải Nobel văn học năm 2015, qua góc nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc, đã đem đến cho người nghe những sự “thức tỉnh”.

 

Buổi nói chuyện của nhà văn Nguyên Ngọc với các văn nghệ sĩ, người yêu văn học Đà Nẵng, về giải Nobel văn học 2015, do Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức, ngày 24-12 vừa qua.

Chiến tranh qua góc nhìn của phụ  nữ

Theo nhà văn Nguyên Ngọc, giải Nobel văn học 2015 rất đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên, giải Nobel văn học được trao cho một nhà văn chuyên viết những tác phẩm văn học không hư cấu. Bằng việc trao giải Nobel văn học cho nữ văn sĩ Svetlana Alexievich, dư luận thế giới cho rằng, Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển đã dấn thân vào hai sự cam kết chính trị. Cuộc dấn thân thứ nhất là “chính trị” theo nghĩa thông thường, bởi nữ văn sĩ Svetlana Alexievich là một nhà văn đấu tranh cho dân chủ và tự do. Thứ hai, là cuộc dấn thân văn học, thực hiện một cam kết văn học: cam kết về sự triệt phá ranh giới của các thể loại văn học. Bởi với loạt tác phẩm của Svetlana Alexievich, bà đã sáng tạo ra một thể loại văn học mới: Tiểu thuyết không hư cấu!

Là một nhà báo, bà Alexievich sớm nhận ra sự “chật chội” của thể loại báo chí trong việc phản ánh những vấn đề rộng lớn, sâu sắc của hiện thực. Đó là lý do bà đến với văn học. Tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng trong sự nghiệp của bà là tiểu thuyết Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ. Tác phẩm được Alexievich hoàn thành từ năm 1982, nhưng phải đến năm 1985, sau khi vượt qua các cuộc kiểm duyệt gắt gao, tác phẩm mới được xuất bản lần đầu ở Liên Xô. Năm 1987, lần đầu tiên tác phẩm này được nhà văn Nguyên Ngọc dịch và xuất bản tại Việt Nam (NXB Đà Nẵng). Tại buổi nói chuyện, nhà văn Nguyên Ngọc đã chia sẻ những thông tin thú vị xung quanh tác phẩm này trong những ngày đầu xuất bản, cả chuyện về cuộc trao đổi giữa Alexievich với người kiểm duyệt. Ở đó, nữ văn sĩ đã khẳng định sức mạnh của hiện thực, của “sự thật” đối với tác phẩm văn chương, vượt lên những ràng buộc, những chỉ trích để chạm đến trái tim của triệu triệu độc giả.

Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ đã ghi lại “sự thật” về cuộc chiến tranh đã lấy đi sinh mạng của 1/4 dân số Belarus! Cứ 4 người dân Belarus thì có 1 người chết vì chiến tranh. “Thế giới tuổi thơ của tôi là thế giới đàn bà, tôi không nhớ mặt người đàn ông nào trong làng cả”, nữ văn sĩ từng nói. Và trong cái thế giới không có đàn ông ấy, buổi tối, Alexievich như bị “nam châm hút” tới những nơi mà các bà già, những phụ nữ có chồng đã chết, họ cũng không còn cha, chú, bác, anh, em, những người phụ nữ khác hoặc chồng chết, hoặc không lấy chồng (vì không có đàn ông để lấy nữa)... tất cả họ ngồi với nhau và nói về chiến tranh. Cả tuổi thơ Alexievich đã “tắm” trong cái không khí ấy, trong bầu không khí chiến tranh do những người đàn bà kể lại, chiến tranh qua con mắt của người đàn bà!

Trong hành trình đi và viết, người phụ nữ “lỗ tai” Alexievich nhận thấy, lời nói hằng ngày rất quan trọng, văn học dường như đã bỏ qua lời nói sinh động của con người trong đời sống! Và với Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, bà đã sáng tạo ra loại tiểu thuyết lời nói. Không có lời bình, nguyên liệu hiện thực từ những tự sự của hàng trăm phụ nữ tham gia trong chiến tranh thế giới thứ hai được Alexievich chắt lọc tối đa, nữ văn sĩ đã tạo nên một tác phẩm về chiến tranh gây “chấn động” toàn Liên Xô những năm cuối thế kỷ 20! Cuốn sách được in đến 2 triệu bản ngay trong lần xuất bản đầu tiên.

Trong lời giới thiệu cuốn Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ (NXB Đà Nẵng), nhà văn Nguyên Ngọc đã nói rằng, “Alexievich đã cho ta nhìn cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên Xô, trong chiến tranh thế giới thứ hai một cách khác - đàn ông nhìn chiến tranh khác, đàn bà nhìn chiến tranh khác. Người đàn bà có thiên chức sản sinh và bảo bọc sự sống, vì vậy, trong bản chất của người đàn bà đối kháng quyết liệt với chiến tranh. Đàn ông kể về chiến tranh bằng lý trí, còn người đàn bà họ sẽ cảm nhận chiến tranh bằng cảm xúc, bằng tất cả sự rung cảm, đối kháng quyết liệt với chiến tranh”. Ở đó, chỉ có những người đàn bà mới có những cảm nhận đầy nữ tính như: ngửi được “mùi nhà” từ con người và hành trang của một nữ y tá trở lại chiến trường sau chuyến nghỉ phép, chỉ có những nữ y sĩ có cảm nhận như “bế một đứa con” khi ôm cái chân bị cắt của thương binh, người bị thương quá nhiều khiến họ có cảm giác như cả nhân loại đang bị thương...

Thức tỉnh

Ngoài mô tả chiến tranh qua góc nhìn nhân vật nữ, Alexievich cũng viết về chiến tranh qua góc nhìn trẻ em trong cuốn Những nhân chứng cuối cùng. Với phụ nữ và trẻ em, giết kẻ địch cũng là giết một con người, đầy ám ảnh. Chiến tranh qua con mắt của phụ nữ và trẻ em vì vậy thật và khốc liệt hơn. Những tiểu thuyết nổi bật tiếp theo của Alexievich được nhà văn Nguyên Ngọc lần lượt giới thiệu với tất cả sự trân trọng gồm: Những quan tài thiếc, Lời nguyện cầu và Kết thúc con người đỏ. Tiếp tục lựa chọn những chi tiết đắt, vẫn những lời bình chừng mực, sâu sắc, tác giả của tiểu thuyết Đất nước đứng lên tiếp tục dẫn dắt người nghe chạm đến những vấn đề bản chất, sâu xa nhất của cuộc chiến tranh Liên Xô - Afghanistan, về thảm họa hạt nhân Chernobyl, về cái ác trong chính con người, qua các tác phẩm của nữ văn sĩ Alexievich. Riêng với tác phẩm thứ 5 - Kết thúc con người đỏ, theo nhà văn Nguyên Ngọc, nữ văn sĩ người Belarus đã động chạm đến những vấn đề hết sức cơ bản, lâu dài và sâu sắc của nhân loại: ở đó, cái ác không đến từ xã hội mà nó đến từ bên trong con người. Vì vậy, con người luôn trong trạng thái “đung đưa giữa thiện và ác”, vì vậy, họ “phải biết sợ chính mình”. Và với tác phẩm quan trọng này, người ta đã ví Svetlana Alexievich là Dostoesky không hư cấu! 

Qua cái nhìn của Nguyên Ngọc, văn học qua tác phẩm của Alexievich đã thực sự tạo nên những sự “thức tỉnh”, đem con người dần thoát khỏi những ảo tưởng về sức mạnh của chính mình, ảo tưởng về những sự áp đặt... Chính sự “thức tỉnh” sẽ giúp con người vươn đến gần hơn sự tự do, như nữ văn sĩ Alexievich chỉ cảm nhận được tự do thực sự, như lần đầu tiên bà biết đến hai chữ thiêng liêng ấy, là sau chuyến trở về từ Afghanistan, khi bà nhìn thấu “một sự thật khác” của cuộc chiến tranh này.

Còn đối với những văn nghệ sĩ và người yêu văn học có mặt tại hội trường Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật sáng 24-12, họ cũng đã có một cuộc “thức tỉnh” về sức sống, giá trị đích thực của văn học, về cội nguồn giản dị của những sáng tạo không biên giới!

Khép lại buổi nói chuyện, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết, ông đang dịch cuốn Kết thúc những con người đỏ. Nhà văn cho rằng, sự có mặt của cuốn tiểu thuyết này ở Việt Nam, là rất quan trọng!

 

“Giải Nobel Văn học 2015 được trao cho Svetlana Alexievich để tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta. Những dòng văn phi thường giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về cả một thời đại của thế giới - thời đại Liên bang Xô Viết” (Công bố của Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển).

T.T 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế