Bong bóng cá mùa xuân - Liêu Nhi

28.01.2016

Bong bóng cá mùa xuân - Liêu Nhi

Những con cá mắt lồi, ươn ướt buồn và hay ngáp miệng, mùa khô, chúng lẩn vào đất cát. Đứa bé nhớ chúng và khóc, đứa bé làm đám tang tiễn chúng vào lớp đất nâu và đốt vài cọng cỏ (vì cậu nghĩ rằng cỏ sẽ lại hóa sinh, mọc ra những cây cỏ khác, đâm bông, những hạt cỏ mùa sắp khô sẽ là thức quà cho đàn cá thân yêu và bóng cỏ sẽ làm cho những cặp mắt bớt sáng chói). Và, mùa mưa, đàn cá lại ngoi lên từ mặt đất, quanh các bờ tường gạch cũ, từ những khóm cây, từ những hạt mưa đầu mùa bốc khói. Nhưng đứa bé đã hết reo mừng.

Không biết tự bao giờ, y thích mân mê những vết sẹo, mỗi vết sẹo trên một đồ vật nào đó luôn mang cho y một nỗi thương tâm và y thấy những gì khiếm khuyết luôn gần gũi với y. Những con tem bị trầy xước, rách góc lại làm cho y nghĩ đến những tấm thẻ bài chòi. Mỗi tấm thẻ bài chòi úa màu để từ năm ngoái, năm kia luôn làm y thổn thức. Bởi y nhìn thấy những gương mặt quen thân, già nua đang mỉm cười cùng y trên những vết ố thời gian.

Và mỗi vết ố thời gian trên tấm thẻ bài chòi như một cái tên đã đi vào quá vãng. Những buổi chiều đầu năm, y hay ngồi khóc một mình, y biết rằng làm như vậy là không tốt nhưng dường như mỗi khi mùa xuân đến, y cảm nhận được rằng có những mùa xuân khác đã mọc từ phía nghĩa trang. Mùa xuân của nghĩa trang bao giờ cũng thấm đẫm sương và nỗi hoang tịch. Nỗi cô tịch của mùa xuân đôi khi đi vào vòm họng và bật ra thành tiếng hát, y hát miên man như gió trời, hát như chưa từng hát và hát như cả thiên thu đang nổi trôi, nhào lộn giữa lồng ngực.

 

Y đã gửi một lá thư, y mân mê con tem in hình cá. Y ra phố, phố đông và bụi, ý thức lờ mờ của gã nông dân mùa nhàn rỗi khiếm y thèm ăn một đôi vú đàn bà bất kỳ trong dòng người kia như ăn một con cá chiên xù vì y nghĩ rằng rồi họ cũng sẽ chết. Nhưng trước khi chết, cái bóng của mỗi một người trong bọn họ đã in xuống mặt đất, chúng kết thành trứng và nở ra những linh hồn kỳ dị.

Kỳ dị và buồn tới mức y không thể tưởng tượng được gì thêm và bật khóc như đứa rồ. Và có vài đứa ngớ ngẩn nhìn y thăm dò, soi mói, y biết bọn chúng bị thiểu năng trí tuệ, soi mói là dấu hiệu dễ nhận biết của chứng này.

“Ở thành phố này, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 người điên đi qua ngã tư, 1.000 người ngớ ngẩn đứng nhìn đèn đỏ và 1.000.000 người ù lỳ mong đèn hết đỏ, đèn bật xanh và tuồn vào cơ quan, công xưởng như một đàn cá vừa nhìn thấy ánh sáng” ý nghĩ rác rưởi này từ đâu lại nhập vào y, ám lấy y.

 Điều quan trọng hơn, làm đau đầu hơn hết vẫn là con số một trăm kia. Vì phần lớn chúng đứng ở góc tường ba rọi, nạc không trọn, mỡ không xong nên mọi chuyện ngớ ngẩn hay thông tuệ cũng đều cứ tròn quay như cái bánh đa nhúng mè.

Giả sử khi anh mong một nỗi thống khổ, thì nếu có thêm may mắn như khuyết hỏng một phần nào đấy trên thân thể, một cách cụ thể, y sẽ thành công trong việc đánh động lòng thương cảm của người khác. Và bi kịch có khá hơn, cái đó gọi là luật bù qua chế lại của Thượng Đế vốn rất lười biếng và đôi khi keo kiệt bởi Ngài đã quá bận, quá mệt với sự bao dung và siêng năng của mình.

 

Đứa bé có khuôn mặt khá giống y, cái mũi túi mật, đôi mắt sáng nhưng buồn, đôi khi ánh lên tia nhìn thăm dò và cô đơn. Đứa bé chống tay xuống sàn, lết nhanh về phía đứa anh của nó (người mà nó thích gọi bằng ba hơn cha mẹ nuôi của nó, dường như lòng yêu thương của thằng anh trong trẻo và xứng đáng làm cha hơn trong ý nghĩ của đứa bé) rồi chỉ ngồi như sợ anh nó sẽ bốc hơi nếu nó lơ đễnh.

Nhưng dẫu sao thì nó cũng may mắn hơn khối đứa con rơi khác. Vì trong lúc bị bỏ rơi, đâu đó trên cánh đồng, một con chó háu ăn nào đấy đã xơi mất một cái chân và một phần bộ phận sinh dục của nó. Nó trở thành đề tài nóng bỏng của nhân tính hay nhân đạo gì đó, nó được cưu mang.

Và nó nghiễm nhiên có được một gia đình. Gia đình nhận nó về nuôi trở nên nổi tiếng dù họ muốn hay không muốn vậy. Một khi sự nổi tiếng quá bước đến thăm anh, anh cưỡng lại cũng không được, bất kỳ trên ý nghĩa nào, anh bắt buộc phải nổi tiếng. Và cái gì làm rơi nước mắt thì dễ gây nổi tiếng.

Y tiếp tục bước, y vò nát cái hóa đơn và ném xuống lỗ cống (có thể, ở đó nó lại tái sinh và nở ra một loài hóa đơn khác sống cùng loài trứng hay bóng người, như giấy tiền vàng mã cõi âm). Y muốn khóc khi nghĩ đến đứa con mà ả đã vứt bỏ, nhưng y không cưỡng nổi ý nghĩ vứt bỏ đứa con của nàng như y từng không cưỡng nổi ý định biến nàng thành đàn bà và ả ra đời từ con người trơ trọi và cô độc của nàng.

Và y biết ả đang sống ở đâu đó trong thành phố này, lạy trời ả cũng xem truyền hình giống y, và ả đừng bày trò vào bưu điện gửi một lá thư về một địa chỉ bằng cách không để tên thật trên phần người gửi.

 

Những con cá mắt lồi đã chết, có lẽ linh hồn của chúng hóa thành những cây nấm mọc lên nơi bức tường có nhiều mảng vôi rơi vãi và chúng cùng bầu bạn với lũ mèo cô đơn cũng giống như bầy chuột cống lúc sắp mùa đông.

Y đã mua thật nhiều tem in hình đàn cá mắt lồi. Nhưng chúng không có chân, nên linh hồn chúng không có đứa nào bị chó hoang ăn mất một cái chân.

Y nhìn vào một trong những con tem y sắp dán. Y thấy điều gì đó không nói thành lời được. Y chỉ nhớ mang máng là loài cá thì không thể mọc chân và những cái nấm mọc ra từ linh hồn đàn cá, chúng lớn lên và trôi trong cơn mưa đầu mùa, những cái nấm may mắn sẽ được nằm trang trọng trên món lẩu, nơi chúng được đón nhận cảm giác trọn vẹn của thống khổ và an lạc.

 

Có đêm, y mơ thấy thành phố mọc toàn nấm dại và y nghĩ là một cái nấm bong bóng cá rất mơ hồ, lúc đậm, lúc nhạt, phơi lửng dưới nắng chiều. Y hét thật to, không ai nghe thấy tiếng của y. Và con cá mắt lồi trong chậu nước từ từ uốn mình thành những khối nấm, từ những khối nấm màu cỏ mục lại mọc ra những gương mặt. Họ cười nói và đi bâng quơ vào một khu vườn.

Giữa khu vườn, giữa đoàn người bất động, y bất giác nhận ra một pho tượng của y. Pho tượng bằng thạch cao hình như người ta đã đúc được cả ngàn năm rồi thì phải! Nhưng lúc đó y cầm một chiếc bình bát, khoác cà sa vàng và nụ cười toàn giác, không méo mó và ngơ ngác như y đang là.

Bất chợt y thấy buồn, y thấy nhớ những con người của mấy ngàn năm trước. Bây giờ họ là những bông hoa cải đang trổ trong khu vườn. Mỗi bông hoa nở dưới mặt trời, trong khu vườn này hiện hữu như một lời trò chuyện, như một khuôn miệng đang kể về tiền kiếp của y và họ. Và đâu đó, y thấy mình cũng là một bông hoa của mùa xuân.

Y tiếp tục bước đi và ai đó ngáng vào chân của y làm y đau điếng, thét lên một tiếng. Một bàn tay nhỏ xíu nắm lấy vai y, thỏ thẻ: “Ba ơi!”. Y vẫn chưa hiểu ra điều gì, ngoài kia, nắng chiều đầu xuân đã nghiêng chếch từ phía núi. Y thấy lồng ngực nghèn nghẹn, y hít căng tràn mấy lần và thở ra.

Tối nay, y lại tiếp tục hô hát bài chòi. Y xem việc này như một sự trì chú mà ở đó, mọi người nghe bài kinh trì chú của y sẽ giải thoát mọi thứ muộn phiền, sẽ cùng y đón gió xuân! Lại một mùa xuân, những bong bóng cá tuổi thơ bay rợp trời!

L.N 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế