Hình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ Phương

28.01.2016

Hình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ Phương

Trong nghệ thuật Champa, hình tượng khỉ được gợi ý từ sử thi Ramayana, một thiên tình sử của Ấn Độ giáo thu hút mọi tầng lớp nhân dân qua nhiều thế kỷ. Nội dung chính của Ramayana là ca ngợi đức hiếu hạnh và lòng can đảm của Công chúa Sita cũng như lòng quả cảm, sức mạnh và tài năng của Hoàng tử Rama. Đặc biệt trong sử thi này nổi bật hình tượng khỉ thần Hanuman là người đã bảo vệ mối tình đầy sóng gió của Sita và Rama.

Sử thi Ramayana được truyền tụng khắp vùng Nam Á và Đông Nam Á. Nhiều học giả cho rằng hình tượng Tôn Ngộ Không của Ngô Thừa Ân dựng lên trong bộ Tề Thiên Đại Thánh chính là một sao chép của hình tượng Hanuman nhưng theo tinh thần và thẩm mỹ truyền thống Trung Hoa.

Khỉ thần Hanuman và Công chúa Sita của sử thi Ramayana

Theo truyền thuyết, sử thi Ramayana được viết bởi đạo sư Valmiki vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trải qua nhiều thế hệ kế thừa và phát triển, Ramayana đã có rất nhiều biến thể, cốt chuyện sau đây là nội dung cơ bản của sử thi này: Công chúa Sita nổi tiếng với sắc đẹp thùy mị, đức tính thông minh, nhân hậu và can đảm. Nàng là con gái của Nữ thần Đất Bhumi và là con nuôi của đức vua nhân từ Janaka cai quản kinh thành Mithila. Khi Sita đến tuổi cập kê, đức vua Janaka tổ chức lễ cầu hôn cho nàng; ngài tuyên bố vị hoàng tử nào nâng và kéo được cây cung thần Pinaka của Thần Siva sẽ cưới được Công chúa Sita. Trong số các hoàng tử tham dự lễ cầu hôn, Hoàng tử Rama của kinh thành Ayodhya là người dũng mãnh nhất. Chàng chẳng những đã nâng được cây cung thần Pinaka mà còn kéo gãy nó làm đôi trước sự kinh ngạc của đức vua Janaka và quần thần. Vua Janaka vui mừng vì đã chọn được người chồng xứng đáng với vẻ đẹp và đức hạnh của Sita. Lễ cưới được tổ chức trọng thể tại kinh thành Mithila giữa Sita với Rama và ba người em gái họ của Sita với ba người em trai của Rama.

Nhưng niềm vui của đôi tân hôn chưa được bao lâu, thì, Rama và Sita cùng với người em trai trung thành là Laksmana bị lưu đày. Trong khi lưu đày, nhân lúc Rama đi vắng, Sita bị một con nai vàng mê hoặc chạy lạc vào rừng sâu. Con nai vàng này là hóa thân của Quỷ vương Ravana-mười đầu. Vì vậy, Sita đã bị Ravana bắt cóc đem giam ở vườn Ashoka trên đảo Sri Lanka. Sau đó, Rama và Laksmana được Tướng khỉ Hanuman trợ lực đã đánh thắng Ravana, cứu được Sita về lại kinh thành Ayodhya nơi Rama được phong làm quốc vương và Sita được phong làm hoàng hậu.

Nhưng giống tố lại nổi lên khi Rama nghi ngờ sự trinh bạch của Sita  trong khi bị bắt cóc và giam cầm bởi Ravana tại đảo Sri Lanka. Để chứng minh sự trinh bạch của mình, Sita đã nhảy vào lửa. Ngọn lửa thiêng của thần lửa Agni đã chứng minh sự trinh bạch và lòng chung thủy của Sita khi chính thần Agni hiện ra trao Sita tận tay Rama; và ngài tuyên bố rằng, Công chúa Sita bị Ravana bắt cóc chỉ là một Sita-ảo tướng. Lòng nghi ngờ đã tan biến nên từ đó đôi lứa chung sống tràn đầy hạnh phúc và cai quản vương quốc Ayodhya ngày càng thịnh vượng.

Trong Ramayana, hình tượng Hanuman nổi bật với đức tính thông minh, đảm lược và trung thành. Hanuman, là con trai thần Gió Vayu và mẹ là Anjana, một thiên nữ apsara, cho nên Hanuman còn được gọi là Pavan-suta (con trai của gió). Vì thế, mặc nhiên Hanuman sở hữu được tám món thần thông, đó là: (1) Anima: khả năng thu nhỏ kích thước của vạn vật; (2) Mahima: khả năng tăng kích cỡ vạn vật;

(3) Lagima: khả năng biến vạn vật trở nên không trọng lượng; (4) Garima: khả năng tăng trọng lượng của vạn vật; (5) Brapti: khả năng đi đến bất cứ nơi nào và có được bất cứ điều gì; (6) Parakamya: khả năng điều khiển ý chí mà vật khác không thể cưỡng lại; (7) Vastiva: khả năng làm chủ vạn vật; (8) Istiva: khả năng biến hình thành một vị thần với sức mạnh sáng tạo và hủy diệt1.

Với những khả năng phi thường đó, Hanuman đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của Rama đánh bại Quỷ vương Ravana; là người tham gia bảo vệ mối tình của Rama và Sita. Vì thế hình tượng khỉ Hanuman đã nổi bật trong Ramayana cùng với Rama và Sita trở thành ba nhân vật chính của bộ sử thi này.

Một trong những chương hấp dẫn nhất trong Ramayana là cảnh Hanuman chỉ huy đoàn quân khỉ xây một cây cầu bằng đá nối liền đại lục Ấn Độ với đảo Lanka (Sri Lanka) để đánh bại Ravana, cứu được Sita về cho Rama.

Hình tượng khỉ trong nghệ thuật điêu khắc Champa

Trong nghệ thuật điêu khắc Chàm, chủ đề “Lễ cưới Công chúa Sita và Hoàng tử Rama” đã được thể hiện trên một đài thờ phát hiện tại Trà Kiệu hay Kinh thành Sử tử (Simhapura) vào nửa sau thế kỷ thứ 7 (657-687). Bằng một thủ pháp tạo hình sinh động và tài hoa các nghệ sĩ Champa đương thời đã thể hiện bốn cảnh của đài thờ này với sự miêu tả 61 nhân vật xuất hiện trong các phân cảnh của một đám cưới hoàng gia. Tất cả những nhân vật này đều được trang điểm bằng đồ trang sức và y phục lộng lẫy và sống động trong từng tư thế và cử điệu riêng biệt. Trong đó, nổi bật với cảnh Rama kéo gãy cây cung của thần Pinika trước mặt đức vua Janaka và cưới được Sita. Với vẻ đẹp hiếm có và nội dung độc đáo, Đài thờ Trà Kiệu đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 1 vào năm 2012. (Hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng)

Tuy nhiên, hình tượng khỉ của Ramayana trong điêu khắc Chàm chỉ được thể hiện sinh động tại nhóm ba tháp Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Qua các cuộc khai quật tại đây vào năm 2001 và 2007, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một hệ thống đế-tháp (foundation-base) bằng sa thạch chạm trổ các chủ đề thuộc Ramayana thiên về các cảnh “Con nai vàng quyến rũ Sita”, “Sita bị bắt cóc và bị lưu đày trên đảo Lanka”; “đoàn quân khỉ của Hanuman tổ chức xây cầu đá bắc qua đảo Lanka để đánh bại Ravana-mười đầu và cứu được Sita”.

Riêng cảnh Sita chống đối Ravana tại vườn Ashoka, trong quyển thứ năm tựa đề Sundarakanda của bộ sử thi, thể hiện tại nhóm tháp Khương Mỹ, đã được các nhà lịch sử nghệ thuật chuyên nghiên cứu về Ramayana cho rằng đây là tác phẩm điêu khắc duy nhất thể hiện chủ đề này trong toàn bộ các nền nghệ thuật tạo hình ở Đông Nam Á cũng như Nam Á. Những bức chạm này đã chỉ ra mối quan hệ nghệ thuật sâu sắc giữa nghệ thuật Champa với nghệ thuật Java ở Indonesia, và, đặc biệt với nghệ thuật Chola ở Nam Ấn2. Niên đại của các bức chạm Khương Mỹ được xác định vào khoảng thế kỷ 10-12, chúng được chế tác trong những lần trùng tu nhóm đền-tháp này bởi các vương triều Champa.

Hình tượng khỉ trên các phù điêu đế-tháp của Khương Mỹ được diễn tả bằng một thủ pháp linh hoạt, hài hước, đầy kịch tính; sinh động và tinh nghịch trong các kiểu dáng đa đạng. Đó là các chú khỉ vác đá trĩu nặng trên vai, xử dụng các loại nhạc khí như trống, xập xỏa, kèn… động viên nhau trong công việc nặng nề và khẩn cấp để xây cho được cây cầu đá bắc ngang qua eo biển. Đặc biệt, tác giả của các bức chạm này đã nhấn mạnh đến tính hài hước của chủ đề khi tinh nghịch thể hiện hình tượng các chú khỉ bị rùa cắn vào dương vật trong lúc vượt biển xây cầu đến Lanka.

Hình tượng Hanuman có trái tim nóng bỏng nhiệt tình, khát vọng chiến thắng cái ác, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân; câu chuyện tình bi tráng của Sita và Rama thu hút hàng triệu trái tim qua bao thế hệ. Vì thế, những nhân vật trong Ramayana đã được các nghệ sĩ khắc họa sinh động trong từng chi tiết trên những đền đài lộng lẫy của Ấn Độ giáo được xây dựng qua nhiều thế kỷ từ Nam Á cho đến Đông Nam Á.

Trong đó, những bức phù điêu hoàn chỉnh của nhóm tháp Khương Mỹ đã góp một tiếng nói riêng vào nền điêu khắc Hindu của Châu Á bằng việc chọn những chủ đề sáng tạo độc đáo và bằng một thủ pháp điêu khắc ấn tượng đã thể hiện hình tượng Hanuman và đoàn quân khỉ sống động trong ngôn ngữ tạo hình đầy cá tính của nghệ thuật Champa3.

 

1 Đây là một khả năng quen thuộc mà chúng ta có thể nhận biết qua hình tượng Tôn Ngộ Không trong Tề Thiên Đại Thánh của Ngô Thừa Ân; điều này cũng chỉ ra sự ảnh hưởng của Ramayana đến tác phẩm này.

2 Cecialia Levin, “Recasting the Sacred Heroes: A New Discovery of Sculptural Epic Narration from Ancient Champa”, trong Interpreting Southeast Asia's Past: Monument, Image and Text, (E. Bacus, I. Glover &P. Sharrock, biên tập), tr. 85-99, NUS Press, Singapore 2008.

3 Một phần các bức chạm ở đế-tháp của nhóm Khương Mỹ hiện được bảo quản và trưng bày tại chỗ.

T.K.P 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế