Bên chén rượu đầu năm - Thanh Quế

28.01.2016

Bên chén rượu đầu năm - Thanh Quế

Vào dịp đầu năm mới, đến thăm nhà nhau, anh em sáng tác thường trao đổi với nhau nhiều chuyện: chuyện đời, chuyện thời sự, chuyện gia đình, cơ quan… rồi quanh đi quẩn lại vẫn là chuyện sáng tác. Tôi xin ghi lại vài mẩu chuyện mà tôi đã kể cho bạn bè nghe trong những cuộc trao đổi đó.

 

* Giọng văn quá “hoa mỹ”:

Một lần, tôi được tờ báo tỉnh nọ mời chấm một cuộc thi truyện ngắn. Có truyện kể về một chị vốn là du kích trong chiến tranh, nay lớn tuổi chưa có chồng, đã phấn đấu học tập để làm phóng viên một tờ báo ngành Lâm Nghiệp. Lần ấy, đi công tác viết bài, chị gặp một người đàn ông từng trải, lớn tuổi, am hiểu nhiều về rừng núi. Anh giúp chị tìm hiểu thực tế. Sau đó, họ gặp đi gặp lại nhiều lần và đã yêu nhau. Tình yêu đang đỉnh điểm thì anh hy sinh vì cứu một con đò chở các em đi học mùa mưa lũ bị lật. Chuyện có vẻ mùi mẫn và cảm động, cớ sao đọc mãi, tôi vẫn không thích, không muốn đưa vào giải dù các thành viên khác trong ban giám khảo đã xếp giải. Tôi chưa “phản bác” được với họ nên cứ đọc đi đọc lại truyện ngắn ấy. Cuối cùng, tôi vỡ lẽ: mình không thích vì tác giả đã dùng giọng văn quá “hoa mỹ” để diễn đạt tâm trạng và tình cảm của hai anh chị, những người lớn tuổi, và đã từng trải, tạo ra một truyện ngắn nhạt nhẽo và có vẻ

giả giả...

* Cái thực:

Nhiều người cho rằng, tôi chỉ viết được cái thực đã chứng kiến mà ít hư cấu. Thực ra, trong tất cả văn và thơ tôi, tôi đều hư cấu, hư cấu sao cho nó thực như chính cuộc đời với hình tượng, nhân vật và ngôn ngữ đều phải thực. Tôi thường gặp những tác phẩm mượn cớ “hư cấu” mà đọc xong ta có cảm giác nó giả tạo thế nào ấy. Người ta có thể “hư cấu” con người “bay lên sao Hỏa” hay nói chuyện với người đã mất... nhưng quá trình diễn tiến của cái truyện hay bài thơ ấy đưa nó đến những việc ấy một cách hợp tình hợp lý, thì ta vẫn cảm giác đó là sự thật và ta chấp nhận.

* Làm sao viết truyện ngắn hay?

Mùa hè qua, Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức một cuộc tọa đàm với chủ đề “Làm sao để viết truyện ngắn hay?”. Nhiều ý kiến đưa ra rất xác đáng. Một nhà văn có tên tuổi nói: “Muốn viết một truyện ngắn tốt trước hết phải tìm ra cái tứ như tứ thơ vậy. Rồi từ đó triển khai cốt truyện và dựa trên các chi tiết hay, mới lạ để viết”. Một nhà thơ đã viết nhiều truyện ngắn hay tâm sự: “Muốn viết những truyện ngắn hay phải viết những gì mình bức xúc. Đã gọi là truyện phải có cốt truyện. Cốt truyện hay dựa trên những chi tiết hay, xúc động rút ra từ sự quan sát cuộc sống”. Một nữ nhà văn phát biểu: “Tôi không thể nghĩ viết truyện ngắn mà không giàu tưởng tượng, liên tưởng lại hay được”. Vài ba cây bút trẻ nhắc đến việc muốn viết truyện hay phải có vốn sống, phải biết quan sát rồi chắt lọc những sự kiện, chi tiết trong cuộc sống mà đưa vào truyện và họ lấy truyện ngắn của họ để dẫn chứng.

Riêng tôi, tôi không lên phát biểu vì nghĩ mọi ý kiến các anh chị đều hay cả. Có lẽ chỉ cần góp ý thêm là người viết cần phải đọc nhiều, không những về văn học mà cả triết học, lịch sử, tâm lý… Cần phải có một vốn văn hóa cao để có thể viết tốt được. Ông thầy vĩ đại dạy ta viết là sách. Muốn viết truyện ngắn hay phải đọc nhiều loại truyện ngắn hay trong nước và thế giới.

* Điềm tĩnh:

Hồi còn là sinh viên sử học tôi được học các thầy rất có tiếng: Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm... mà sau này nhắc đến nền sử học nước nhà mọi người đều gọi họ là tứ trụ của ngành. Tôi nhớ năm 1964, thầy Phan Huy Lê dẫn chúng tôi đi thực tập ở khu vực Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Trong một lần do tranh luận chi tiết gì đó về thành Cổ Loa, 5, 6 anh em chúng tôi cãi nhau đỏ mặt, tía tai, tay đấm xuống bàn ầm ầm. Vừa lúc đó, thầy Phan Huy Lê đi qua, thầy chỉ nhăn mặt, nói “khổ quá” (từ “khổ quá” thầy chỉ dùng khi thật bức xúc) rồi nói với chúng tôi:

- Đừng to tiếng với nhau nữa. Ta đi tìm một quán nước chè uống đi cho “hạ hỏa”. Điềm tĩnh mới nghiên cứu khoa học được các em...

Tôi nghĩ trong công việc viết văn cũng vậy. Điềm tĩnh khi quan sát cuộc sống, điềm tĩnh chế ngự cảm xúc, điềm tĩnh trong sáng tác, điềm tĩnh trong việc in ấn cũng rất cần thiết.

* Học ngoại ngữ:

Vào một ngày năm 1979, không nhớ rõ ngày nào, tôi đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên. Sau khi hỏi thăm sức khỏe của nhau, ông góp ý thơ tôi (mà ông cho là thật thà quá) rồi hỏi:

- Quế biết thứ tiếng nước ngoài nào?

Tôi giật mình, thưa:

- Dạ lúc ở phổ thông em học tiếng Trung Quốc, lên Đại học học tiếng Nga, nhưng học sơ sơ, đi chiến trường mấy năm giờ quên cả, coi như không biết tiếng nào anh ạ.

Ông nói quyết liệt:

- Vậy là không được. Biết thêm một ngoại ngữ là mở thêm một cánh cửa để ta nhìn ra ngoài. Em phải học lại thật kỹ một trong hai thứ tiếng ấy. Học thật tinh thông để đọc sách của người ta, mình mới mở mang cho thơ mình được.

Lúc tôi ra về, ông dặn:

- Quế phải nhớ chuyện ngoại ngữ lúc nãy, phải học thật tốt một trong hai thứ tiếng ấy. Anh sẽ kiểm tra đấy.

Cứ ngỡ ông nói vậy rồi quên. Tôi cũng để cho ngày tháng trôi qua không chịu “ôn luyện ngoại ngữ”. Vậy mà một lần ghé qua Đà Nẵng, ông hỏi tôi:

- Việc học ngoại ngữ của em thế nào rồi?

Tôi ấp úng:

- Dạ, dạ, em giở sách cũ ra, nhưng học một mình khó quá, nên...

Ông đốp luôn:

- Em chẳng chịu cố gắng gì cả. Ở đây có thằng Phan Tứ nó giỏi mấy thứ tiếng, em cứ tự học có gì hỏi nó...

- Dạ, tôi ấp úng...

- Dạ, dạ cái gì. Học đi chớ bữa sau hỏi lại chẳng chịu học là tôi “bửa” đó...

Sau lần ấy, tôi không có dịp gặp anh Chế Lan Viên nữa. Anh ở xa rồi mất. Nghĩ lại chuyện anh nói tôi thật ân hận...

* Đọc của nhau:

Có một ngày đầu xuân tôi đến thăm một nhà thơ bạn. Anh vừa đi đâu về, tay cầm mấy tập thơ, mặt đỏ gay vì uống nhiều bia rượu. Thấy tôi nhìn mấy tập sách trên tay, anh quẳng luôn nó xuống gầm giường rồi nói:

- Thơ của thằng H vừa tặng ấy mà, dở như cứt, ai thèm đọc...

Tôi nói:

- Thơ nó cũng được chứ anh, giàu tình cảm và có nhiều chi tiết rất thú vị.

- Được, được cái gì - anh lè nhè - tôi bảo nó dở là nó dở, ông khen mặc ông.

- Thế anh đã đọc nó lần nào chưa?

- Đọc làm gì? Tôi chả thèm liếc qua nữa là... đọc làm quái gì cho nó mỏi mắt...

Nhìn thái độ của anh, tôi không dám nói gì nữa. Ra về, tôi thầm nghĩ: Sao có nhiều người sáng tác không thèm đọc của nhau mà cứ “phán” đại như thế. Mỗi người dù viết hay hay chưa hay cũng có những nét riêng của họ mà ta không có được. Đọc họ, giúp cho ta có thêm những kiến thức, những cảm xúc, những chi tiết trong cuộc sống mà ta chưa biết. Nếu họ viết dở cũng giúp ta tránh bớt những cái dở.

T.Q 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế