Giữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc Tư

28.01.2016

Giữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc Tư

Lúc đó chỏng đít chai không còn giọt rượu, Sa đòi về. Út Nữa muốn uống thêm. Hai nói Hai buồn ngủ, muốn thì đong chai rượu dời mâm nhậu lên cầu. Mấy đứa nhỏ vẫn thường dọn chén đũa ra ngoài, mượn theo dĩa mồi, bình nước đá, Hai có đóng cửa quán thì tụi nó cũng nhậu xình xang ca ong ỏng tới nửa đêm. Nhưng tối đó Sa quyết nghỉ chơi, nó nói vợ nhằn rát quá, phải ngồi nhà canh chừng cái bụng bầu sắp bể nay mai. Út Nữa nói thằng nào về trước thì không anh em gì nữa, sau này đừng nhìn mặt nhau. “Cái mặt mày cũ queo con gái còn không muốn nhìn, tao thèm gì”, Sa vừa nói vừa cười. Lúc Sa bước ra cửa thì thằng Nữa chụp cây dao gọt khế trên bàn, từ phía sau xốc tới.

Bà chủ quán rượu kể tới đó thì ngưng, đột ngột như cây dao cán vàng xiên ngọt ngay dưới bả vai. Xung quanh vẫn im lặng, người ta chờ coi câu chuyện còn xung đột nào kịch tính hơn không. Một con người đổ xuống đâu mà đơn giản như chó con gà con vậy. Sốt ruột, quan tòa lên tiếng trước, ủa hết chuyện rồi sao ? Nhân chứng ngơ ngác gật đầu chừng như chính bà cũng không tin được chuyện tới đó là hết, ờ, vậy thôi. Kể gì nữa bây giờ. Xong rồi.

Không phải thâm thù hay vấp chân lỡ tay đâm bạn, cũng không phải nhầm lẫn, càng không phải dọa chơi rồi lỡ tay.

Tòa mở phiên xử Út Nữa diễn ra sau cúng trăm ngày anh Sa, lễ gọi là thôi khóc. Nhưng vợ anh Sa vẫn réo tên người khuất, tay ẳm đứa trẻ bú ngằn ngặt, tru khàn tiếng ông Nữa ơi đền chồng lại cho tôi. Vài nhân chứng kể chuyện hôm thằng Sa cưới, Nữa còn làm rể phụ bưng khay trầu rượu đi đầu. Giờ một đứa đứng lẻ giữa sân tòa, giữa trăm con mắt ngó, hai tay gại gại trên thanh rào chắn ngang giữa anh ta với tự do, mà không biết phải đến mười ba năm sau mới qua khỏi. Hỏi sao xiên dao thấu đến khe giữa hai que xương ức của thằng bạn, Út Nữa nói “bữa đó trong người bực bội”, giọng thành thực như giải thích với ông nội sao lại suốt ngày trèo cây tụt xuống, “chán, không biết làm gì”.

Hồi ấy Nữa chừng mười lăm tuổi. Da thịt dậy thì căng như sắp nổ tung. Rực như một đống lửa rùng rùng ở bên trong. Không biết làm chuyện gì cho cạn sức, nó kiếm mấy cây dừa lão trèo lên ngọn, nhảy qua lại mấy con mương ranh cho bớt bức bối trong người.

Mạnh cùi cụi, từ đẻ ra bà mẹ không tốn đồng bạc thuốc nào cho Út Nữa. “Thằng Út mà khó nuôi, chắc tao chết sớm”, bà mẹ thường nói vậy. Nữa ăn gì cũng được, thứ gì bỏ vô miệng cũng có vẻ ngon lành. Cơm nguội ăn với chuối xiêm chấm muối tiêu nó hớn hở bằng ngang thịt gà, không kén chọn ỏng eo.

Nhà chỉ phiền mỗi chuyện thằng nhỏ lớn mau, quá chừng tốn vải. Quần áo Nữa để lại không ai mặc được. Không rách đáy thì chúng cũng sứt vai, mẻ tà. Người nó sẹo chồng sẹo, không phân biệt nổi đâu là sẹo bị dá xắn đứt cổ tay lúc đào hang bắt chuột, sẹo bỏng té vô nồi chè đậu trắng đang sôi, sẹo của những lần đánh lộn tụi con trai bên xóm. Vải cho nó không chỉ may quần áo, mà để xé ra băng bó đâu đó trên người.

Lúc bị nhà chức trách còng tay dẫn ra khỏi nhà, Út Nữa vẫn là thằng con trai hai mươi đầy sức sống. Cái vùng rừng dầm chân nước mặn chỗ nhà tù mà nó bị đưa tới, sẽ ngấu ngốn sức trai, vắt nó đến muối ứa ra đầu.

Án kêu rồi, người trong nhà tiếc đã không kể cho quan tòa nghe, chuyện Út Nữa có lần đòi đi lính. Quãng đó biên giới lại động. “Tao mà có cây súng, bắn tụi nó đã tay luôn”, Út Nữa thường vắt mông trên nhánh me, mơ mộng. Bà mẹ sởn gai ốc, nói hay ho gì chuyện bắn giết nhau. Ai đó thở dài, súng cất vô kho mới vài ba năm thì bị bới đem ra, đạn còn chưa kịp ngủ nghê gì. Út cười ngất, “súng đạn khoái khạc lửa chớ cần gì ăn ngủ”.

Vài thằng con trai trong xóm sợ bị đưa ra biên giới, rủ nhau uống rượu rồi chặt một đốt ngón tay ngoéo cò súng. Có đứa lớ rớ chặt nhầm ngón trỏ bàn tay trái, phải kê lóng, cầm bằng như chết hai lần. Chửi um mấy thằng bạn hèn nhát, Út Nữa chửi luôn viên đại úy đã từ chối mình hôm đăng lính, lý do lãng xẹt: mắt lé kim. Má nó giấu chuyện tốn gần trăm giạ lúa, chạy dúi tay để họ nghĩ ra được lý do gạt tên thằng con. Chồng bà từng trối, nhà giữ được đàn ông mới mong giữ được đất. Mà đất ruộng thì giăng giăng.

Những chuyện kiểu vậy mà kể ở sân tòa, án biết đâu được bớt năm bảy tháng. Như chuyện Út Nữa chỉ mới học đến nửa lớp năm. Chữ biết nó, nhưng nó thấy tụi nó lạ huơ, nên vẫn thường lẫn lộn giữa sương với xương, mùi với mùa. Những bữa ngó nó học bài, bà mẹ tuyệt vọng thấy cuốn sổ với thằng nhỏ không ăn nhập gì nhau. Người một đằng sách đi một nẻo, mà chẳng hy vọng có ngã ba nào cho tụi nó gặp.

Ngồi được tới lớp năm đã là chuyện thần kỳ, cũng vì cô Hương Lý. Mang guốc, mặc áo dài, gái văn khoa thơm phức mùi hoa lài tới xứ Nhơn Thành dạy học. Tiên mất cánh về trời, nhưng đường đất nhà quê không cách nào làm cô lấm bụi, sình bùn chưa bao giờ làm vai và lưng cô thôi thẳng. Lý thường lén dạy học trò ca “Chuyến tàu hoàng hôn”, chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngã xế tà. Nhà trường làm biếng không rầy, cô Hương Lý xui tụi nhỏ hát mỗi lúc hoàng hôn sắp về nẻo tối, ánh nắng còn lưu luyến ngoài lưng đồi thì nhận tin xưởng xà bông nhà cô bị tịch biên, họ bảo cô quay về Sài Gòn. Ai cũng biết sau đó cả nhà cô sẽ ra khơi hít hà gió biển, trốn chạy cái ngột ngạt của đất liền.

Út Nữa bỏ học. Nó coi thường những ông thầy ngày nào mới tới còn nghiêm ngắn phẳng phiu, chỉ mấy hôm sau bị cái không khí buồn chán của nhà quê, bị rượu trắng tẩm mềm, rài rạc. “Tới đái mà mấy ổng còn đái không ngay, sao dạy tui ?”, nó nói vậy, xé sách dán diều.

Ba tháng hai mươi mốt ngày trước phiên xử buồn tẻ, Út Nữa đi coi mắt một cô bên sông. Về làu bàu chê, “cái hông không trắng”. Xảy ra vụ cãi cọ nhỏ khi chú lẻn vô bếp lật áo dòm sườn cô gái, bị mắng “đồ nhà quê vô học”.

- Anh có nhiều đất thây kệ anh, có ngồi trên núi lúa thì cũng là thứ người

hôi sình.

Câu nói trong lúc tức giận của cô gái đã diễn tả đúng cảm giác của nhiều người, về quyền năng bắt đầu mất đi của đất.

Riêng Út Nữa không thấy tổn thương bởi câu nói và cái quắc mắt nọ, nó chỉ hận con gái trong xóm không ai có cái hông trắng như hông cô giáo Sài Gòn từng gõ guốc tới Nhơn Thành chín năm trước. Những sáng gió thốc vào cửa lớp, tà áo cô bay lên để lộ đôi hông mịn như cánh bông sứ. Vài bữa mưa, giữa giờ ra chơi cô giáo để yên cho thằng nhỏ học trò lấy tay bịt chặt lên chỗ áo xẻ tà, nó nói “để cô khỏi lạnh”. Trang nghiêm như đang chạm tay vào tượng thánh. Như buông tay những tinh thể kim cương sẽ chảy mất, hông cô bớt óng ánh đi.

Tuyệt vọng không tìm được cái hông bông sứ nào giống vậy, có lần Út Nữa đòi bỏ đi. Lúc ấy xóm Nhơn Thành cũng vào mùa Chán  Chết, như quãng một tháng trước phiên tòa tẻ nhạt.

Chừng hai tháng ròng giữa lúc lúa no đòng đòng cho đến khi lúa chín, dịch chán lây lan đến từng nóc gia trong xóm. Ngoài đồng hết chuyện người làm, lúa được trời tưới mưa, hong nắng. Những người đàn bà không có chữ “thảnh thơi” trong từ điển cuộc đời, nên chẳng nấu nướng thì may vá, hay nằm lửa ở cữ, bửa củi, vớt bèo. Chỉ đám đàn ông con trai bỗng dưng thấy tháng ngày dài quá, dài đến buồn nôn. Ngâm mình trong rượu bã bợt như hèm, sục sạo giãy nãy trên thân thể đàn bà, cầm cây rượt đánh con cũng thấy không làm sao hết ngày. Cái nhàn hạ làm sức vóc lực điền bứt rứt. Bên Thơm Rơm có ông Tam còn tự đốt nhà mình, ngó lửa liếm rào rào vách lá, tàn đóm tán loạn cho đỡ buồn. Út Nữa nói sẽ bỏ nhà đi, chưa biết đi đâu, nhưng khỏi bị Chán Chết ăn mòn là được. Bà mẹ ngờ thằng con mình muốn tìm kiếm những cái hông rực rỡ.

Đập Chà Là đứt đôi đêm trước hôm Út Nữa ra đầu lộ đón xe đò. Nước xối vô đồng, lúa ngập lút ngọn. Nhìn vạt đất linh đinh lé đé, bà mẹ cố nén nhẹ nhõm, giả bộ kêu trời ơi xót quá. Đám cua đồng xoi lỗ mội vỡ đập, đã giữ chân thằng con trai ở lại.

Một buổi chiều, Út Nữa đang ngồi đầu cầu đón gái ngang qua để ghẹo chơi thì anh Sa trờ tới, rủ uống một chai cho đỡ sầu. Ờ, uống thì uống, sẵn có mấy trái khế với mắm lòng anh Sa xin cho cô vợ đang cấn bầu thèm chua, và rượu bán ngay bên cầu. Không biết rượu nấu bằng men gì mà uống vô nghe bải hoải. Vậy mà một thằng còn đòi về nửa chừng, hỏi sao không bực bội.

N.N.T 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế