Văn học thiếu nhi đang ở đâu? - Trần Đức Tiến

02.08.2016

Văn học thiếu nhi đang ở đâu? - Trần Đức Tiến

Tôi có cảm giác - nếu lầm thì xin các nhà văn bỏ qua, nếu đáng quan tâm thì hãy cùng nhau suy nghĩ tiếp - hình như nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi hiện nay chưa bao giờ tự đặt ra câu hỏi: văn học thiếu nhi của chúng ta đang ở đâu?

Với bất kỳ công việc nào, biết được chất lượng sản phẩm của mình làm ra đang ở mức nào; tốt hay chưa tốt; hơn hay kém so với thiên hạ... là rất cần thiết để từ đó, mình có thể phấn đấu làm tốt hơn. Văn học cho trẻ em cũng vậy.

Tất nhiên, với câu hỏi vừa đặt ra - văn học thiếu nhi của chúng ta đang ở đâu, câu trả lời không đơn giản. Vì đây là câu hỏi đánh giá chất lượng của một sản phẩm đặc thù: sản phẩm văn chương. Mà văn chương thì xưa nay nhìn nhận, đánh giá khác nhau là chuyện thường. Trong bài viết này, tôi thử đưa ra cách nhìn nhận của riêng mình.

Tôi chọn vị trí quan sát là một bạn đọc bình thường. Tôi không chọn vị trí nhà văn, mặc dù tôi là người viết cho thiếu nhi. Tôi cũng không chọn vị trí của nhà lý luận phê bình, vì tôi không làm công tác nghiên cứu hay phê bình. Văn chương làm ra là để phục vụ bạn đọc rộng rãi. Vậy thì theo tôi, các nhà văn, ở đây là các nhà văn viết cho thiếu nhi, nên tỉnh táo và bình tĩnh nghe những ý kiến nhận xét qua cái nhìn của những người đọc bình thường.  

1. Điểm qua về tình hình sáng tác cho thiếu nhi sau đổi mới.

a) Về đội ngũ sáng tác: Nếu tính tất cả những người có sáng tác cho thiếu nhi được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc in thành sách, thì rõ ràng so với những thời kỳ trước, đội ngũ sáng tác cho các em đông vui hơn lên rất nhiều. Sự “đông vui” này cũng nằm trong sự “đông vui” của những người sáng tác văn thơ nói chung. Tôi nghĩ điều này rất dễ thấy, và ở đây chỉ cần đưa ra một dẫn chứng: chỉ tính riêng nhà xuất bản Kim Đồng - đơn vị dẫn đầu về số lượng sách xuất bản cho thiếu nhi - thì số ấn phẩm văn học không ngừng tăng lên qua từng năm, cho đến gần đây là 4 đầu sách/ 1 tuần. Nếu kể cả số tác phẩm được xuất bản ở các nhà xuất bản khác, tôi nghĩ trẻ em Việt Nam tha hồ có sách văn học để đọc.

Tuy nhiên, còn có một thực tế khác cần nhìn nhận: tính nhất thời của các cây bút viết cho thiếu nhi. Sự thiếu ổn định, hay nói cách khác là thiếu chuyên nghiệp này, thể hiện ở mấy điểm:

- Thứ nhất: Nhiều cây bút sáng tác có vẻ tùy hứng, nhất là những cây bút trẻ. Họ nổi lên bằng tác phẩm này tác phẩm khác qua một cuộc thi, cuộc vận động sáng tác nào đó, rồi nhanh chóng “mất hút”. Nếu có cuộc thi, cuộc vận động khác thì lại có những cây bút khác xuất hiện...

- Thứ hai: Rất ít những nhà văn chuyên nghiệp chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi. Số nhà văn này hiện nay có thể đếm được trên đầu ngón tay. Những nhà văn khác có viết cho thiếu nhi, cũng chỉ là nhân dịp này dịp kia, hoặc coi việc viết một tác phẩm thiếu nhi giống như bài tập thể dục lúc nghỉ giải lao, sau một thời gian tận tâm tận lực cho văn chương người lớn.

b) Về chất lượng tác phẩm: Như trên đã nói, đánh giá chất lượng văn chương là việc nan giải của muôn đời. Quan niệm thẩm mỹ, kiến thức, sự từng trải, kể cả tâm thế... của người đọc là những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá nói trên, không những khác nhau, lại còn thay đổi qua từng giai đoạn, thời kỳ. Với tư cách là một bạn đọc bình thường, tôi nhận thấy:

- Chúng ta đã có những tác phẩm được đông đảo các em tìm đọc, thậm chí săn đón, trong đó trước tiên phải kể đến những tập truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Trong nhiều năm liền, mỗi lần nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra sách mới đều có thể coi là một sự kiện của văn học thiếu nhi. Nhiều nhà phát hành sách đặt mua sách của ông với số lượng lớn. Đông đảo bạn đọc ở khắp mọi miền háo hức đón chờ... Với tôi, Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn rất có tài. Tác phẩm của ông đem đến niềm vui cho hàng triệu bạn đọc nhỏ tuổi. Thử hình dung nếu thiếu ông, các em sẽ thiệt thòi như thế nào?

Tuy nhiên, trường hợp như Nguyễn Nhật Ánh quá hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất. Và với ông, bên cạnh sự thừa nhận những thành công vang dội, vẫn còn những quan điểm, những cách đánh giá khác. Một số người cho rằng: Nguyễn Nhật Ánh chỉ thỏa mãn được thị hiếu của số đông bạn đọc có nhu cầu không khắt khe lắm về thẩm mỹ, về ý nghĩa nhân văn... đối với một tác phẩm văn học. Số bạn đọc này bao giờ cũng chiếm tỉ lệ áp đảo trong công chúng, còn bạn đọc có “nhu cầu cao”, tinh tế, sâu sắc, thì rất ít. Theo tôi, đây cũng là một ý kiến rất đáng lưu ý. Bởi vì giá trị thực sự của một tác phẩm văn học có những khi không hẳn tương đồng với số lượng bạn đọc. Nhìn vào thực tế sáng tác của chúng ta trong thời gian vừa qua, tôi cũng cảm thấy dường như còn thiếu những tác phẩm thật xuất sắc có khả năng vượt qua được sự thử thách của thời gian - những tác phẩm có ảnh hưởng mạnh mẽ, lâu dài đến việc hình thành nhân cách, góp phần làm giàu có thêm đời sống tinh thần, tình cảm cho các em.

Như vậy, theo tôi, văn học “thỏa mãn số đông” hay “thỏa mãn số ít” như trên đều cần thiết và phải được coi trọng như nhau. Nhưng nếu được cái này mà mất cái kia thì cũng cần phải xem lại một cách nghiêm túc sự phát triển hài hòa của một nền văn học - ở đây là văn học cho trẻ em.

c) Về sự phát triển của các thể loại:

Thơ và văn xuôi cho thiếu nhi những năm qua đều có những thành tựu. Tuy nhiên, có một thực tế: thơ ngày càng ít cơ hội được in ấn, xuất bản hơn với văn xuôi.

Theo thống kê sơ bộ 3 năm gần đây nhất của Nhà xuất bản Kim Đồng, trong văn xuôi, nhiều hơn cả là các sáng tác thuộc loại hình mà tôi tạm gọi là truyện sinh hoạt - những truyện về đời sống, sinh hoạt, học tập... thường ngày của các em (chiếm xấp xỉ 50%). Thứ hai là truyện đồng thoại (khoảng 25-30%). Loại truyện lịch sử, giáo dục truyền thống chỉ chiếm khoảng 17-18%. Cuối cùng là truyện giả tưởng, kỳ ảo: 7-8%.

Tôi cho rằng, nhiều người viết truyện sinh hoạt, có lẽ vì ít gặp khó khăn hơn viết các loại khác đòi hỏi nhiều công phu nghiên cứu, tìm hiểu (truyện lịch sử), hoặc trí tưởng tượng phong phú (đồng thoại, giả tưởng, kỳ ảo…). Không phủ nhận việc viết truyện sinh hoạt cũng cần tưởng tượng, hư cấu. Song, rõ ràng với thể loại này, tài “bịa đặt”, tưởng tượng không đòi hỏi phải 100% như viết truyện giả tưởng, kỳ ảo. Trong khi đó, ai cũng biết tưởng tượng là một phẩm chất cần thiết, quý giá như thế nào đối với trẻ thơ, và ngay cả với người lớn. Cuộc sống sẽ dần trở nên cằn cỗi, khô héo nếu thiếu tưởng tượng và mơ mộng.

Không hiểu sao, cá nhân tôi luôn ao ước văn học thiếu nhi của ta có được những cây bút, những nhà văn kiểu Roald Dahl (nhà văn Anh, 1916-1990). Thế giới trong tác phẩm của ông là hoàn toàn do ông tưởng tượng, “bịa đặt”, đầy rẫy chuyện phi thường, kỳ lạ, thậm chí kỳ cục, nhưng vẫn dễ dàng chấp nhận, bởi sự hợp lý của tinh thần nhân văn thấm đẫm qua từng câu chuyện. Chúng ta thiếu những nhà văn kiểu Roald Dahl, với những tác phẩm bay bổng trí tưởng tượng như của ông.

2. Một số điểm yếu của văn học thiếu nhi:

Theo tôi, có một số điểm yếu cố hữu mà sách văn học cho thiếu nhi của chúng ta thường mắc phải:

- Các bài học luân lý, đạo đức thường được các nhà văn lồng ghép vào tác phẩm khá lộ liễu. Đây có thể là kết quả của sự ám ảnh quá nặng nề của quan niệm “văn tải đạo”. Đương nhiên văn học không thể nói những chuyện vu vơ, vô bổ, nhưng văn học hoàn toàn không phải là môn học đạo đức hay luân lý. Những “bài học” cho trẻ, nếu có, phải được ẩn kỹ sau những câu chữ hồn nhiên, tự nhiên. Tôi từng giật mình khi lướt qua mục lục tập truyện ngắn của một cây bút khá quen thuộc viết cho thiếu nhi, với những cái nhan đề đại khái như: Lòng kiên nhẫn quý như vàng, Hãy biết chia sẻ với mọi người, Vui lên để sống, Đừng làm kẻ hèn nhát, v.v… Giời ạ! Chả nhẽ văn chương lại có thể dễ dãi, trắng trợn đến thế sao? Mà lại là viết cho các em. Chả trách trẻ em ngại đọc sách, sợ luôn học môn văn.

Văn hay cho trẻ em, theo tôi, phẩm chất đầu tiên của nó phải là sự hồn nhiên tươi tắn, gần gũi với đời sống. Sau nữa, phải có sức hấp dẫn đối với các em. Còn ý nghĩa của nó là điều mà các em sẽ tự cảm nhận được, không lúc này thì lúc khác. Các nhà văn không nên sốt ruột. Một tác phẩm hay sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ cho trẻ ngay từ khi chúng chưa kịp hiểu hết ý nghĩa của nó, và sẽ còn đi theo chúng suốt đời.

- Thiếu sự hài hước và trí tưởng tượng. Hài hước và tưởng tượng chính là hai trong số những phẩm chất cốt yếu tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm viết cho các em. Hài hước và tưởng tượng giúp người đọc duy trì được trạng thái hưng phấn, dẫn dắt người ta đến những vùng đất lạ, những chân trời lạ, những thế giới lạ. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa tới nay, các em vẫn mê đọc những chuyện khoa học viễn tưởng hoặc thần tiên, ma quỷ... Hài hước và tưởng tượng là những phẩm chất quý giá của con người. Với trẻ em, chúng rất cần được nuôi dưỡng, kích thích, và điều này có sự đóng góp vô giá của văn học.

- Tốc độ chậm. Tôi muốn nói đến mạch văn, sự biến hóa của câu chữ và diễn biến của những tình tiết. Nhanh tạo ra sự cuốn hút. Với trẻ em lại càng không nên rề rà. Chỉ cần chậm lại một chút là sự chú ý của các em dễ bị ngắt quãng. Và khi đã bị “ngắt” rồi thì “nối” lại rất khó. “Ngắt” độ dăm ba lần trong mấy trang đầu thì cuốn sách có nguy cơ bị bỏ dở vĩnh viễn.

Để tạo ra tốc độ nhanh, một số tác giả thường dẫn chuyện bằng đối thoại (cho các nhân vật trò chuyện với nhau). Thủ pháp này khá hiệu quả, có lẽ vì tâm lý thông thường của số đông là thích “hóng chuyện” qua người khác hơn là tự mình tìm hiểu câu chuyện. Tuy nhiên, đối thoại như con dao hai lưỡi. Trò chuyện có nội dung, ngôn ngữ độc đáo thì thú vị, hấp dẫn. Trái lại, sẽ rất dễ trở thành tẻ nhạt, lảm nhảm.

- Bịa đặt vụng về. Cái này khác với trí tưởng tượng. Tưởng tượng không phải là bịa đặt tào lao, mà là sự thăng hoa kỳ diệu của trí óc trong quá trình nghiền ngẫm, “làm việc” với những dữ kiện thực tế. Ngay cả trong những điều tưởng tượng có vẻ xa thực tế nhất (thế giới thần tiên, ma quỷ... chẳng hạn), bao giờ cũng có hạt nhân thực tế. Chúng ta bắt gặp trong một số tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện nay, nhất là trong truyện đồng thoại, có những “nhân vật” là cái bàn cái ghế, con chó con mèo, hoa lá cây cỏ... Chúng đi lại, nói năng, hành động, suy nghĩ, triết lý... như con người. Nhưng do thiếu một hạt nhân hợp lý nào đó mà câu chuyện trở thành vụng về, sống sượng.

3. Cần làm gì cho văn học thiếu nhi phát triển?

Không hiểu với người khác thế nào, chứ với tôi, khi đọc một số tác phẩm viết cho thiếu nhi xuất sắc của các nhà văn nước ngoài được dịch ra tiếng Việt trong những năm gần đây, tôi luôn cảm thấy kinh ngạc, phấn khích vì sự hấp dẫn lạ lùng và ý nghĩa sâu sắc của chúng. Chẳng hạn: Momo, Chuyện dài bất tận (M.Ende), Peter Pan (J.M. Barrie), Mắt sói (D.Pennac), Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm (M.Haddon), Nhóc Nicolas: những chuyện chưa kể (Goscinny & Sempé), Cédric tôi thích đi học (Laudec & Cauvin), Pippi tất dài (A. Lindgren), Cún bụi đời (...), Chuyện con mèo dạy hải âu bay (Sepulveda), Khu vườn bí mật (F.H. Burnett)... hay gần đây là một loạt tác phẩm của Roald Dahl. Trong số đó, có những tác phẩm đã ra đời cách đây năm, bảy chục năm (như Nhóc Nikolas), hoặc trăm năm, hơn trăm năm (như Khu vườn bí mật).

Kinh ngạc, phấn khích, rồi tự mình đặt ra những câu hỏi: Cái gì đã làm nên sự hấp dẫn lạ lùng đó? Các nhà văn Việt Nam có thể viết được như thế không? Tại sao chúng ta chưa viết được như thế?...

Tôi mạnh dạn và thành thật nói ra suy nghĩ của mình, nếu chưa đúng thì xin các nhà văn rộng lòng chỉ bảo, nếu khiến ai tự ái thì tôi xin lỗi, rằng: rất tiếc là chúng ta hầu như chưa có những tác phẩm tầm cỡ như vậy.

Vậy cần phải làm gì để văn học thiếu nhi của ta có thể hay hơn, phát triển hài hòa hơn?

- Năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có những động thái tích cực với văn học thiếu nhi: thành lập Ban văn học thiếu nhi, chuẩn bị thành lập giải thưởng hằng năm cho văn học thiếu nhi, tổ chức hội thảo, trại sáng tác, vận động sáng tác, v.v... Cùng với Hội Nhà văn, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan khác cũng có thể có những hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy văn học thiếu nhi phát triển. Làm thế nào để các nhà văn viết cho thiếu nhi yên tâm với công việc của mình, làm việc một cách chuyên nghiệp hơn, và lao động sáng tạo cũng như thành quả của họ phải được xã hội nhìn nhận một cách xứng đáng - tôi nghĩ đó là những gì đang thiếu, và các nhà văn viết cho thiếu nhi đang cần ở sự đáp ứng của xã hội.

- Nhận thức đúng về vị thế của văn học thiếu nhi: viết cho thiếu nhi cũng quan trọng, vinh quang, cần thiết... chẳng kém gì viết cho người lớn. Phải làm cho những người viết trẻ biết yêu và tin khi quyết định chọn con đường sáng tác cho các em.

- Điều cuối cùng, cũng là điều có tính chất quyết định, là ở chính bản thân các nhà văn viết cho thiếu nhi. Chúng ta đã thực sự trăn trở với trang viết của mình, đã thực sự ham học hỏi và làm việc chuyên cần, đã thực sự cầu thị, biết mình đang ở đâu so với các đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới, để nỗ lực tự vượt lên mình hay chưa?

Tháng 4-5, 2016

T.Đ.T