Những đứa con của cát - Nguyễn Nhã Tiên

02.08.2016

Những đứa con của cát - Nguyễn Nhã Tiên

Bọn trẻ rượt đuổi tung tấy cát vào nhau đã đời rồi hả hê nằm xuống trên cồn cát, đứa nào cũng trong cái tư thế dang rộng chân tay như phơi mở hồn nhiên tự do giữa đất trời. Chẳng rõ vào phút giây đó, cát trắng mềm mại thơm tho ấy đã ban phát cho bọn trẻ những gì khoái cảm mà tất cả đồng loạt nhịp hai, nhịp ba vỗ tay rập ràng, rồi hát lên vang trời bài ca: Ông giẳng ông giăng/ ông giẳng búi tóc/ ông khóc ông cười/ mười ông một cổ... Vừa dứt bài đồng dao xưa rơ xưa rích, bọn trẻ lại nhịp nhàng bắt qua bài hành khúc du mục: Từng đoàn người tay nắm tay/ đi vào rừng trong bóng đêm/ Bước âm thầm dấu chân hòa mình cùng rừng núi...

Chỉ mỗi mình con Hiệp là không hát. Nó phớt lờ quay mặt về phía rừng dương, hai bàn tay vốc cát trắng thả bay bay theo gió. Hết nắm cát này nó lại vốc tiếp nắm khác, lại thả bay bay kiểu như chơi trò giê lúa. Cũng chẳng rõ con Hiệp nghe ra từ cát mách bảo những gì, nó vụt đứng dậy quay qua phía bọn thằng Ty, thằng Hưng, thằng Hòe, nói cứ y như “bà già non” lên lớp: "Hát dở ẹc mà cứ gân cổ lên hát, chẳng lẽ từ xưa tới giờ mấy ông tướng không lớn lên thêm được chút mô à”. Rồi như để chứng tỏ cái chút “lớn thêm" của mình, con Hiệp dang hai tay ra múa. Theo từng ngón tay của nó xòe ra, cát trắng rơi rơi mịn màng cùng với tiếng hát trong veo của con Hiệp bay bay trong gió thoảng ...Cát trắng thơm tho lùa vào trong nắm tay, nào ngờ cát úa tuôn ra...

Thằng Ty ngồi ngẩn ngơ nhìn con Hiệp. Mới có một năm thằng Ty chuyển lên học ở trường huyện, vậy mà giờ trông con Hiệp đã ra dáng người lớn, lại còn giọng hát đa cảm đến không ngờ.

Trong bọn trẻ con xóm cồn Chiêm, thằng Ty là đứa lớn tuổi nhất. Vì phải học trường trung học trên thị trấn nên cuối tuần nó mới được về nhà. Thực ra con đường từ xóm cồn Chiêm đến thị trấn chỉ độ hơn vài chục cây số, thằng Ty có thể đi xe đạp thật sớm rồi về trong ngày cũng được. Nhưng ba mẹ nó ngại mưa nắng đường xa ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học của con, nên gửi nó ở trọ nhà một người quen trên phố huyện. Cả năm học rồi vậy mà thằng Ty xem ra vẫn chưa thích nghi cảnh thị trấn. Đi học thì thôi chứ về nhà trọ là nó lại vẫn cái cảm giác lẻ loi một mình. Những lúc như thế thằng Ty thấy nhớ lũ bạn trẻ con xóm cồn Chiêm da diết, nhớ cả cái cồn cát trắng mênh mông cùng với cánh rừng dương suốt đêm ngày không bao giờ cạn tiếng vi vu.

Quê bọn trẻ là vùng đất cát đồi gò cằn cỗi. Cái xóm nhà lá của thằngTy, con Hiệp, thằng Hưng, thằng Hòe nằm ở rìa làng bên dòng sông lấp lại càng gieo neo hơn, nhất là mùa nắng nóng bước chân trên cát tới trường đứa nào cũng tưởng như phỏng rộp bàn chân.

 Sinh ra từ cát, ăn ở với cát, và dĩ nhiên ngày kia tháng nọ bọn trẻ cũng chỉ có mỗi thứ trò chơi với cát. Chúng đào giếng, xây nhà, tung cát vào nhau chơi trò đánh giặc giả... Cát trắng tràn ngập trong con mắt tuổi thơ. Có những lần trăng khuya, sau khi hát ca rồi chạy nhảy hò reo mệt nhoài, có đứa còn nằm lăn ra trên cát ngủ ngon lành. Chúng thân thiết với cát đến như thế nên chẳng lạ gì khi nghe người xóm cồn Chiêm bảo: “Hễ vì lý do gì đó năm ba bữa mà không thấy bọn trẻ con ra nô đùa trên cồn thì cả cái cồn cát màu trắng bỗng đổi màu xám ngắt, trông âm u buồn buồn như năm mất mùa”. Cả thằng Ty, con Hiệp, thằng Hưng, thằng Hòe cũng đều quả quyết một trăm phần trăm như thế. Ngày nào mà không được chạy ra vui đùa với cát, là chúng nhớ, chúng nghe như cát gọi tên từng đứa, cứ thấy xốn xang cồn cào nôn nao trong cả bữa ăn giấc ngủ.

 Nhưng thằng Ty kể từ buổi lên học trường huyện ở thị trấn còn hơn thế nữa. Nào phải nó nhớ cát không đâu, mà còn nhớ bọn trẻ xóm cồn, nhớ thằng Hưng, thằng Hòe, và nhất là nhớ... con Hiệp. Mỗi lần nghĩ đến cái sự nhớ mông lung ấy là thằng Ty thấy dị. Da mặt đỏ ra, nó có cái cảm giác như bị ai đó, con mắt nào đó soi mói nhìn thấu gan ruột của mình. Thằng Ty nhìn trước nhìn sau, rồi cúi gầm xuống đưa hai bàn tay ra che mặt như giấu đi nụ cười bẽn lẽn vô duyên của mình.

 

Ai cũng biết bọn trẻ xóm cồn Chiêm là những cây văn nghệ thiếu nhi thuộc hàng “sao” ở làng. Mười lần như chục, những gương mặt thằng Ty, thằng Hưng, thằng Hòe, con Hiệp đều không thể thiếu. Đã bao lần thi đua văn nghệ vào các dịp Trung thu hay ngày Quốc tế thiếu nhi, bọn trẻ cồn Chiêm đều bợ về làng giải thưởng hàng đầu. Có lần thi đua văn nghệ ở xã, đêm biểu diễn đến nơi rồi thì bất ngờ con Hiệp ngã ra cảm sốt. Thà thiếu một giọng nam thì còn hú họa, bởi bọn trẻ không thiếu, thế nhưng ác một nỗi lại thiếu con Hiệp. Thằng Ty vò đầu bức tóc. Thằng Hưng quay quắt nói “thua là cái chắc”. Thằng Hòe ngậm miệng như tịt ngòi nổ. Cuối cùng thằng Ty liều chạy đến nhà con Hiệp cầu cứu: “Mi ráng đi có được không?”. Con Hiệp bảo: “Hiệp còn mệt lắm”. Thằng Ty nói: “Tau sẽ cõng mi tới tận sân khấu”. Con Hiệp ngượng đỏ mặt mày nói: “Tụi nó cắp đôi chết”. Thằng Ty vốn thường hay sợ con Hiệp giận dỗi, vậy mà nó nổi nóng: “Cắp đôi cái gì, tiết mục này mà bỏ là từ đây về sau bỏ luôn, không văn nghệ văn gừng gì nữa”. Thấy thằng Ty xừng cồ giận dỗi, con Hiệp gật đầu lia lịa bảo: “Ừ, ừ”, rồi len lén trốn nhà ra ngõ phía sau vườn cho thằng Ty cõng chạy lên sân bãi. Trăng thu sáng vằng vặc. Thằng Ty cõng con Hiệp mà như cõng... cục đất. Nó đi như chạy, băng qua cồn cát, băng con đường rợp bóng hàng dương dọc theo bờ dòng sông lấp.

 Con Hiệp hai tay ôm chặt cổ thằng Ty, không hiểu vì run hay vì xấu hổ mà nó cứ tụt xuống hoài. Mỗi lần như vậy, thằng Ty phải dừng lại lấy đà  hất ngược con Hiệp thót lên lưng. Có lúc mệt hụt hơi, nó còm ròm: “Mi ngồi trên lưng còn không nổi, đi kiểu này trễ giờ mất còn thi đua với ai”. Riết rồi hai đứa cũng kịp đến nơi. Bọn thằng Hưng, thằng Hòe ngồi đợi từ bao giờ, cả hai thấy thằng Ty cõng con Hiệp miệng thở phì phò, chúng nó vỗ tay reo lên như vỡ tung sân bãi.

 Đêm thi đua văn nghệ lần ấy bọn trẻ xóm cồn Chiêm lại mang về giải thưởng hàng đầu. Cũng từ đó, qua hai cái miệng như cái loa của thằng Hưng và thằng Hòe, bọn con nít xóm cồn hễ gặp thằng Ty con Hiệp ở bất cứ đâu là chúng nó nhao nhao lên lêu lêu cắp đôi hai đứa. Thoạt đầu, thằng Ty và con Hiệp nghe lũ con nít trêu chọc, hai đứa còn rượt đuổi ngăm nghe bọn trẻ con. Vậy rồi nghe riết lại thấy quen quen, thấy vui vui. Nhất là thằng Ty, hình như từ đó nó biết... nhớ. Một nỗi nhớ không tên không tuổi, chả rõ thứ gì. Nhưng thằng Ty nhận ra rằng, nếu như con Hiệp vì việc nào đó, về quê ngoại chẳng hạn, phải đi vắng xóm cồn đôi ba bữa, thì đúng là những ngày ấy cát trắng trên cồn Chiêm mới thực sự buồn buồn đổi màu xám ngắt.

Cũng chính năm ấy, thằng Ty chuyển lên học trường ở thị trấn. Một buổi sớm mai, thằng Ty con mắt hoe hoe đỏ, ngồi sau xe máy cho ba nó chở lên thị trấn gửi ở trọ nhà một người quen để tiện việc đi lại học hành. Đêm trước ngày nó đi, bọn trẻ rủ nhau ra cồn cát đốt lửa trại tưng bừng hát hò để tiễn thằng Ty sáng mai về phố huyện. Trong ý nghĩ  của từng đứa, làm như là thằng Ty đi tới tận đẩu tận đâu xa tít cuối trời. Thằng Ty chẳng hát nổi bài nào, nó ngồi rưng rưng nhìn  ánh lửa cháy đỏ bập bùng. Tự dưng nó nói như nói với ai ở đâu đâu: “Hình như  khi mình càng ngày càng lớn lên thì quê quán càng ngày càng xa dần?”. Con Hiệp ngồi nghe, nó thấy thằng Ty lớn hơn bất cứ lúc nào. Cả bọn trẻ bỗng dưng thẫn người ra, ánh mắt đứa nào cũng long lanh ngân ngấn ướt như tư lự trước ngọn lửa đỏ hồng hào. Chính khoảnh khắc ấy, bàn tay bọn trẻ tự lúc nào đã nắm chặt vào nhau . Vậy rồi con Hiệp cầm tay thằng Ty dung dăng dung dẻ nói cười: “Thôi, đừng đứa mô lớn hết, cứ nhỏ miết như ri là đẹp nhất”. Chả biết lời con Hiệp khích lệ nhường nào mà bầu không khí sôi nổi hẳn lên rồi tất cả lại rập ràng: Ông giẳng ông giăng/ ông khóc ông cười/ mười ông một cổ...!

 

Con Hiệp cúi xuống vốc đầy cát trong lòng hai nắm tay, nó chầm chậm bước đi gieo hết nắm cát này lại tiếp nắm cát khác. Thằng Hưng, thằng Hòe ngơ ngác nhìn theo con Hiệp yểu điệu bước chân, bàn tay đưa lên múa vung vãi cát trắng rơi rơi, bất chợt hai đứa lầm thầm: “Con khùng”. Thằng Ty vội đưa cả hai bàn tay bịt miệng thằng Hưng và thằng Hòe nói khẽ vào tai chúng: “Tụi bay khùng thì có”.

Bắt đầu kỳ nghỉ hè rồi bọn trẻ lại tha hồ chơi với cát. Vui nhất là thằng Ty. Vừa ở thị trấn về là nó ơi hỡi bọn trẻ chạy ra cồn như gọi bầy. Cứ tưởng rồi vẫn như ngày nào, bọn trẻ lại vang lừng Ông giẳng ông giăng, ai ngờ bị con Hiệp “lên lớp” mắng. Thằng Ty ngạc nhiên nhìn chăm chăm theo dáng con Hiệp múa trên cát. Bàn tay xinh xắn của nó múa tới đâu là cát từ những ngón tay trắng muốt tuôn xuống như nước chảy đến đó. Nhưng điều làm thằng Ty bất ngờ nhất, nể nhất là bài hát con Hiệp ca lên uyển chuyển theo từng động tác của nó: Cát trắng thơm tho lùa vào trong nắm tay/ nào ngờ cát úa tuôn ra... Thằng Ty nhớ ngày lớp học của nó liên hoan để nghỉ hè, cô chủ nhiệm  đã hát bài ca này nghe hay đến... chảy nước mắt. Thế mà bây giờ con Hiệp cũng thuộc lòng bài ca ấy, mà lại hát hay không thua gì cô chủ nhiệm lớp nó. Thằng Ty đưa tay kéo cả thằng Hưng và thằng Hòe, cả ba cái đầu chụm lại, nó rỉ vào tai từng đứa: “Con Hiệp nó lớn hung rồi”. Con Hiệp chẳng nghe thằng Ty thầm thì những gì với thằng Hưng, thằng Hòe. Dường như nó chỉ còn nghe mỗi gió rừng dương bên cồn cát đang đồng ca với nó: Ân tình trong lúc đôi mươi/ bao giờ cũng vẫn mau phai/ cho ngàn thông réo tên ai!.

Gác khói bay, mùa hạ 2016

N.N.T