Bài thơ Đèo Cả của Hữu Loan - Chế Diễm Trâm

02.08.2016

Bài thơ Đèo Cả của Hữu Loan - Chế Diễm Trâm

Giở những trang thơ thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, có một “tam tuyệt thi” cứ lừng lững trong tâm trí bạn đọc: Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Hải Phòng 19/11/1946 của Trần Huyền Trân, Đèo Cả của Hữu Loan. Ba bài thơ được sáng tác cùng một năm (1946), cùng tập trung khắc chạm hình tượng đất nước, con người Việt Nam trong cuộc binh lửa gian khổ, thiếu thốn, hy sinh nhưng lãng mạn, hào hoa, anh dũng qua một lối thơ tự do đến bung tỏa, bạo liệt...

Hữu Loan (tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Loan) sinh năm 1916 tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình nông dân rất nghèo và đông con. Thấy con sáng dạ, học đâu nhớ đó nên cha mẹ ông không quản vất vả để ông được ăn học. Năm 1937, Hữu Loan lên thị xã Thanh Hóa học trường Collège (Trung học) và được giới thiệu làm gia sư cho nhà ông Lê Đỗ Kỳ, Tổng Thanh tra Nông lâm Đông Dương, sau này là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này cũng là bố vợ Hữu Loan. Năm 1941, sau khi thi đỗ Tú tài Tây ở Hà Nội, Hữu Loan về lại Thanh Hóa vừa dạy học vừa tham gia Việt Minh. Cách mạng mùa thu bùng nổ, Hữu Loan làm Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn và ít lâu sau được điều lên làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách bốn Ty Giáo dục - Thông tin - Thương chính - Công chính. Năm 1946, theo yêu cầu ở trên, ông gia nhập quân đội, được cử làm chủ bút báo Chiến sĩ quân khu IV, Trưởng ban tuyên huấn Sư đoàn 304 ở Huế.

Đèo Cả (địa giới tự nhiên của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên) bấy giờ là phòng tuyến của quân ta. Quân Pháp và Nhật tuy bị ta cầm chân ở Mặt trận Nha Trang nhưng lực lượng vẫn rất mạnh, nôn nóng muốn chọc thủng căn cứ đèo Cả, đánh ra Tuy Hòa để bắt liên lạc với các đội quân viễn chinh phía Bắc. Cũng thời gian này, rất nhiều chiến sĩ trên các chuyến tàu Nam tiến chi viện cho Nam Bộ kháng chiến đã dừng lại “trấn ngự” trên con đèo lịch sử này. Nhà thơ Hữu Loan khao khát vào đèo Cả thâm nhập thực tế. Một người bạn là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 79 cấp cho ông một con ngựa. Ngựa thuần người khác đã dùng hết, chỉ còn con ngựa đực bất kham. Vốn có “máu tráng sĩ”, Hữu Loan nhận cưỡi. Vừa ra khỏi thị xã Tuy Hòa, gặp ngựa cái, chú ngựa bắt đầu sinh sự. Hữu Loan vẫn ghìm cương thúc ngựa đi được nhưng bị nó trả thù, cứ nhè những gốc cây cà người cưỡi vào. Có lần bị nó tông mạnh vào cành cây, áo móc vào cành, treo người ngang vách đá, “tráng sĩ” phải đu cành mới thoát được.

Đèo Cả - bài thơ đầu tay của Hữu Loan - ra đời từ chuyến đi đó, đăng trên báo Chiến sĩ với bút danh là “Hữu”. Từ chiến trường, báo Chiến sĩ về đến Việt Bắc. Dọc đường mưa ướt nát hết đoạn cuối nhưng phần đầu bài thơ của tác giả Hữu đã chiếm hết tâm hồn nhà thơ Xuân Diệu đến mức trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Xuân Diệu phải hối hả “đến đèo Cả để gặp bài thơ Đèo Cả”(1). Hữu Loan gửi bài thơ về tặng cô học trò nhỏ Lê Đỗ Thị Ninh, làm trái tim cô học trò nhỏ từ lâu đã run rẩy vì “thầy Loan” tài hoa nay càng thêm thổn thức. Để rồi mùa xuân năm 1948, “Nàng cười xinh xinh / Bên anh chồng độc đáo / Tôi ở đơn vị về / Cưới nhau xong là đi” (Màu tím hoa sim)...

Dãy Trường Sơn chạy dọc sống lưng đất nước, thỉnh thoảng lại vươn về phía biển tạo nên những dãy đèo trập trùng. Đèo Cả - con đèo kéo từ chân núi Đá Bia đến Đại Lãnh dài khoảng mười hai cây số - là lần dan díu cuối cùng của mạch núi hùng vĩ với biển cả bao la. Những vách núi sừng sững nhô ra biển tạo nên cái thế đứng kỳ vĩ:

Đèo Cả!

Đèo Cả!

Núi cao ngút!

Mây trời Ai Lao

Sầu đại dương*

Dặm về heo hút

Đá Bia mù sương

Theo Đại Nam nhất thống chí, thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông từng hành quân qua đây, sai quân mài vách núi dựng bia đá phân định ranh giới Việt - Chiêm nên đặt tên núi là Thạch Bi (Đá Bia). Trên đường thiên lý Bắc Nam xưa, người xưa phong núi Đá Bia là “Nam thiên đệ nhất trụ” (cây trụ kỳ vĩ nhất trời Nam). Đứng ở đây tưởng có thể nhìn thấy mây trôi về tự biên giới Ai Lao. Núi, nước, biển, trời, mây, sương... tụ lại trong cái nhìn không gian - thời gian đa chiều của người tiếp giữ hồn thiêng núi sông, hào khí dân tộc.  

Đèo Cả được xây dựng trên cái tứ đượm màu bi tráng của thời đại. Chủ thể trữ tình nhìn thẳng vào hiện thực gian khổ, hào hùng bằng cái nhìn tỉnh táo nhưng không thiếu mơ mộng. Núi rừng hiểm trở, hoang dại, thú dữ rình rập, lam sơn chướng khí, sốt rét và cái đói dày vò, hình hài, tóc râu sạm nắng gió dữ dằn nhưng vẫn đầy hùng tâm tráng chí: 

Dưới cây

bên suối độc

Cheo leo chòi canh

như biên cương

Tóc râu

 trùm vai rộng

Không nhận ra

người làng

Ngày thâu

vượn hú

Đêm canh

 gặp hùm lang thang...

Rất nhiều người nhận xét thơ Hữu Loan “bi hùng như hơi thơ Đỗ Phủ”(2). Không khí Đường thi ẩn hiện trong những nét bút cổ kính (bóng núi cao ngất, mây trời ngưng đọng, bóng ngựa gầy trên đường mòn heo hút, chòi canh biên tái mù sương...). Song, Đèo Cả vẫn đậm tinh thần hiện đại cùng phong vị sử thi. Chiến sĩ đèo Cả tuy sống cực kỳ thiếu thốn, gian khổ vẫn bền gan, nung nấu chí căm thù, khắc sâu truyền thống cha ông, trọn vẹn nghĩa tình đồng đội, đồng chí - những tình cảm mới của một thời dân nước:

Gian nguy

lòng không nhạt

Căm thù

 trăm năm xa

Máu thiêng

sôi dào dạt

Từ nguồn thiêng

ông cha

(…) Nhớ lần thăm Đèo Cả

hậu phương từ rất xa

Ăn với nhau bữa heo rừng

công thui chấm muối

Trên sạp cây rừng

ngủ chung

nửa tối

Biệt nhau

 đèo heo

canh gà

Màn đêm, bóng tối không chỉ có ở đoạn này, nó trở đi trở lại dọc bài thơ năm lần. Những cuộc đụng độ khốc liệt, “Giặc từ Vũng Rô bắn tới / Giặc từ trong tràn ra”, một đường hầm dài mười bốn ki lô mét là nơi trú ngụ chính của Vệ quốc quân và dân quân, Hữu Loan thử chui qua một cái tuy nen dài khoảng năm ki lô mét, khi ra đến ngoài trời, bị ánh nắng làm cho quáng mắt đến bật ngửa ra. Ấn tượng dữ dội đó đã giúp ông khắc chạm xuất thần không - thời gian bóng tối như một ám ảnh nghệ thuật làm sáng bừng lên khí phách trượng phu, bản lĩnh can trường, tinh thần lạc quan của những người đi kháng chiến:

Nhưng Đèo Cả

vẫn đứng vững

Đèo Cả Nam

máu giặc

mấy

lần

nắng

khô

Một câu thơ với lượng thơ không nhiều (chín tiếng) nhưng có đến sáu bước thơ. Đây có lẽ là câu thơ “phiêu” nhất, hào sảng nhất của Đèo Cả, đúng như nhà thơ Trịnh Thanh Sơn nhận xét: “Sảng khoái nhất, ran rỉ, sướng nhất, có lẽ là đoạn này. Tất cả những gập ghềnh, gian nan phút trước, để dồn cho khí thế người chiến thắng ở đoạn này. Thơ dồn nén sự hoan hỉ tự nhiên của những con người sống chết với non sông đất nước”(3).

Hữu Loan sở trường bút pháp trữ tình kể chuyện như Những làng đi qua, Hoa lúa, “chín” nhất là Màu tím hoa sim. Từ thời Đèo Cả, thơ Hữu Loan đã bộc lộ thiên hướng đi thẳng vào hồn người bằng lối kể bộc trực, hồn nhiên như cách sống, cách nghĩ, cách cảm của người lính:

Sau mỗi lần thắng

Những người trấn Đèo Cả

Về bên suối đánh cờ

Người hái cam rừng

ăn nheo mắt

Người vá áo

thiếu kim

mài sắt

Người đập mảnh chai

vểnh cằm

cạo râu

Những nét phác họa thô tháp nhưng sống động đã khơi lên tư duy thơ kháng chiến - thơ gắn với hiện thực cuộc đời - khác với Thơ Mới lãng mạn trước đó không lâu. Tài của Hữu Loan ở chỗ ông biết nắm bắt những khoảnh khắc rất thực, rất đời nhưng cũng rất đắt làm cho người đọc không thể không ngạc nhiên, sững sờ. Cái cảnh tượng và không khí người lính sau những giờ phút chiến đấu căng thẳng, về bên suối đánh cờ, hái cam rừng ăn nheo mắt, mài kim vá áo, đập mảnh chai cạo râu đi vào thơ thật mới lạ và cảm động.

Nhiều người vẫn tự hỏi không biết năm 1946 Hữu Loan đã tiếp cận lối thơ bậc thang Maiacôpxki chưa bởi vì mãi đến năm 1948, Nhà xuất bản Vệ quốc quân mới in Ba bài thơ của Maiacôpxki; đến năm 1954, Hội Văn nghệ Việt Nam mới ấn hành Sáu bài thơ Maiacôpxki do Hoàng Trung Thông dịch qua Trung văn có tham khảo bản tiếng Pháp. Nhưng dẫu thế nào thì Hữu Loan vẫn là tác giả sở trường thơ bậc thang. Có thể ở bài này bài khác, thể thơ này không hợp cho lắm nhưng với Đèo Cả thì thơ bậc thang tỏ ra đắc địa, nhất là phần cuối, làm cho bài thơ khép lại nhưng mạch thơ vẫn trôi đi man mác, bâng khuâng. Đèo Cả và người trấn đèo Cả đi cùng năm tháng, bất tử cùng sông núi bằng một lối “kết mở” vang vọng dư âm, ngân nga cảm xúc:

 Suối mang bóng người

soi

những

về

đâu?

Đèo Cả mang âm hưởng gân guốc và bề thế với lối thơ tự do - bậc thang, thể thơ  dễ tái hiện ngoại cảnh đầy kịch tính và bộc lộ được nội tâm chứa chan xúc động; giọng điệu trầm hùng nhưng phóng khoáng; thi ảnh hiện đại mà cổ kính, vừa góc cạnh vừa mờ ảo, giàu sức khơi gợi; tiết nhịp vững chãi, chắc khỏe; ngôn từ mộc mạc, tự nhiên và đầy sáng tạo... Ngay từ bài thơ đầu tay, Hữu Loan đã bộc lộ hồn thơ độc đáo, “một tâm hồn ứ mọng cảm xúc và vọt ra thành câu chữ một cách tự nhiên, mạnh mẽ, qua thơ ta thấy được con người tác giả: thẳng thắn và ngang tàng” (Võ Văn Trực)(4).

Vũ Bằng mệnh danh Hữu Loan là “thi sĩ ăn cơm kê vàng nổi tiếng vì bài thơ tím”(5). Tuy Đèo Cả không “nổi đình nổi đám” như Màu tím hoa sim nhưng nó vẫn là một trong những bài thơ hàng đầu của thơ ca cách mạng. Hữu Loan cùng Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Trần Mai Ninh, Quang Dũng... tiên phong đưa thơ kháng chiến cuốn theo cảm hứng bi hùng. Đèo Cả thể hiện một cảm quan chân thực đến sống sít, lãng mạn đến bay bổng, sở hữu một tình điệu ngang tàng đến phóng túng. Dù cùng trang lứa với một loạt thơ ca kháng chiến, Đèo Cả vẫn có một hình hài, một gương mặt “đẹp lạ” - một  cái đẹp “máu lửa” và “ngông” đến tột cùng...

C.D.T