Nỗi ám ảnh của tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng của Thái Bá Lợi - Nguyễn Thế Quang

02.08.2016

Nỗi ám ảnh của tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng của Thái Bá Lợi - Nguyễn Thế Quang

"Câu chuyện Đà Nẵng” (NXB Hội Nhà văn 2016) là cuốn tiểu thuyết thứ 7 của nhà văn Thái Bá Lợi. Không gian của nó là thành phố Đà Nẵng từ khi nước nhà thống nhất cho đến những năm đầu của thời kỳ đổi mới (1975-2000). Cuốn tiểu thuyết chỉ có 330 trang nhưng có đủ loại nhân vật từ những người dân bình thường cho đến các vị lãnh đạo của địa phương đến Trung ương cùng các doanh nhân, kỹ sư, các văn nghệ sĩ và cả các nhà khoa học ở nước ngoài... Tất cả hội tụ về Đà Nẵng với bao vị thế khác nhau, công việc khác nhau cùng bao nỗi vui buồn nhưng đều góp sức cho một thành phố phát triển. Ngoài Trần Dạ và Ba Danh đi suốt tác phẩm các nhân vật khác đến rồi lại đi, đi rồi lại đến, ở lâu hay thoáng qua, dưới ngòi bút của Thái Bá Lợi đều hiện lên sinh động với những nét tính cách riêng không lẫn lộn vào nhau, để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc. Những câu chuyện Đà Nẵng báo chí và dân gian cũng nói đến nhiều nhưng Thái Bá Lợi đã biết chọn, khéo thể hiện và có tài tổ chức đan xen vào nhau gây cho người đọc nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Không cần nhiều lời, các nhân vật đều có cốt cách riêng, có vai trò riêng của mình trong cuộc đời, trong tác phẩm, với nhiều điểm quy chiếu khác nhau làm cho hiện thực đời sống nơi thành phố này từ ngày xa xưa cho đến hôm nay hiện lên ngồn ngộn và sinh động. Đó là người Mẹ của Ba Danh có sắc đẹp, chồng tập kết ra Bắc, giữa bao cạm bẫy của cả hệ thống quyền lực phía “quốc gia”, đã biết hành động khôn khéo và quyết liệt để giữ được sự thủy chung với chồng, lòng trung với Nước và tạo cho con những bước đi vững chắc trong bão táp của cuộc đời. Ba Danh, mang trong mình sự quyết liệt của bà, sự nuôi dưỡng của quê hương và nhiều nguồn giáo dục khác, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa cả thành phố trì trệ sau hai mươi năm thống nhất vươn lên tầm vóc mới. Đó là Trần Dạ lớn lên bên dòng sông Hàn, vui đón “cộng sản” vào thành phố tháng 3/1975, bí thư giỏi trong nhiều năm nhưng quyết từ chức để nuôi mẹ, nuôi con mà vẫn gắn bó với bao buồn vui thăng trầm cùng bao con người ở thành phố này. Anh là chứng nhân của lịch sử và là người phát ngôn cho những người bình dị nơi đây. Đó là nhóm Ba, Nhì, Lệ  những người lao động xởi lởi, tốt bụng, làm nghề xay đá đầu bến phà sông Hàn. Là Thầy Hạ - nhà văn hóa lớn, kho báu của Đà Nẵng. Là kỹ sư kiêm chủ thầu Văn Mình “đêm ngủ cũng nằm mơ cái cầu qua sông Hàn”, dốc toàn bộ tâm lực để xây xong cái cầu xoay độc nhất vô nhị ở Việt Nam và Đông Nam Á. Là Quí - kỹ sư từ nơi xa đến xây cầu quay cho Đà Nẵng, là các nhà thơ đích thực như Thu Bồn, nhà thơ tự phong Xuân Thống… Là Kazik - nhà khảo cổ học Ba Lan, Bảo Thường - hướng dẫn viên du lịch… luôn coi Đà Nẵng là quê hương của mình… Nói về các nhân vật trong câu chuyện Đà Nẵng này không thể không nhắc đến ông Tam lớn - bí thư, ông Tam nhỏ - phó bí thư thành ủy là anh em, ông Hà - Giám đốc sở Công an mẫn cán và lạnh lùng… Tất cả đều hiện lên sinh động dưới ngòi bút kiệm lời mà tài hoa của Thái Bá Lợi tạo nên cục diện sôi động mà dữ dội của Đà Nẵng, để lại dấu ấn rõ nét, thú vị trong lòng người đọc.

Tác phẩm viết theo lối truyền thống, người đọc nghĩ theo lối truyền thống minh họa và ngợi ca, nhưng qua từng trang sách những cuộc chiến hiện dần lên, ngày càng quyết liệt, tạo nên nỗi ám ảnh lớn.

Trần Dạ chứng kiến quân của tướng Nguyễn Chơn tiến vào chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn I của tướng Ngô Quang Trưởng “trong anh như có tiếng reo: thành phố sẽ đổi khác”. Thế nhưng hai mươi năm sau - năm 1996, “toàn bộ ngân sách của Đà Nẵng chỉ bằng ngân sách của Công ty vệ sinh Hải Phòng!”. Từ khi có công cuộc đổi mới, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, Ba Danh lên làm chủ tịch, thành phố đã trỗi dậy khởi sắc nhiều về mọi mặt. Chiếc cầu lớn có trục quay bắc ngang sông Hàn nối hai bờ Đông Tây, nối hai vùng kinh tế, nối lòng dân và ý Đảng sắp hoàn thành thì dân vui mà quan hệ giữa những người cầm quyền rạn nứt ngày càng lớn. Cả Đà Nẵng ngồi đâu cũng nghe chuyện Ba Danh. Người dân bao vùng vui, khen. Ông già chủ quán nói với mọi người: “Tui sống gần hết đời người ở đất này, trong các người cầm quyền, thấy Ba Danh làm được hơn cả”. Thế nhưng Trần Dạ - hiểu Ba Danh, nghĩ anh lòng đau đớn “thời thế đảo điên, bạn bè gặp nạn”. Anh nói với Xuân Thống “Thôi, chiều nay không nói chuyện Ba Danh nữa. Rùng rợn lắm”. Họ trốn vào quá khứ, nghe chuyện đã qua: “ông Lê Duẩn nói ông Giáp sợ Mỹ. Nhưng tôi biết ông Giáp không sợ Mỹ…”. Quí - người chiến sĩ năm xưa, người kỹ sư nay, ngày đêm làm việc cho cái cầu qua sông Hàn vận hành tốt, chứng kiến bao điều xảy ra đã cất lời hỏi Trần Dạ: “Theo bác, chúng ta đang sống ở thời nào?”. Rồi anh tự trả lời: “Thời vua chúa thì không phải vì không có vua. Thời văn minh hiện đại không biết có đúng không? Hay là mình đang sống lơ lửng, chân không đến đất, cật không tới trời”. Quí không trả lời được. Tác giả cũng không trả lời. Câu chuyện dừng lại ở thời điểm: đại lễ khánh thành cầu vừa xong, đã xuất hiện những nghịch cảnh khó tin: Văn Minh bị bắt ngay ở khách sạn, trong xe “còn hai tấm bằng khen, một của chính phủ, một của thành phố về thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển Đà Nẵng”. Ba Danh - chủ tịch thành phố trực tiếp quản lý Văn Minh không hề được biết chuyện này. Về thân phận chủ tịch thành phố của mình, Ba Danh “biết có 5 cơ quan chức năng đề xuất bắt anh nhưng chưa được Bộ Chính trị chuẩn y”, “bèn sang resort F. nói với Phó tổng giám đốc Vinh: “Ông cho tôi nghỉ mấy ngày… Không phải nghỉ mà núp… Núp pháo, pháo bầy”. Lạ thật. Đành rằng, căn nhà của anh không thể chống pháo, còn ở thành phố này có hai tòa nhà lớn trụ sở Thành ủy và Ủy ban thành phố, anh - vừa là Phó bí thư, vừa là Chủ tịch, anh không núp được sao? Ta chợt nhớ: trong những năm ở cương vị người đứng đầu thành phố anh đã không làm việc ở trong hai nhà lầu mới dựng ấy mà ở trong nơi làm việc của những bậc tiền nhiệm trước đây?! Lần theo những bước đi của Ba Danh, người đọc thấy anh rơi vào tình thế phải quyết định như vậy. Từ những tháng đầu trong niềm vui thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Ba Danh muốn lấy sự chân thành và hết mình vì công việc của mình làm chất keo gắn bó mọi người hành động vì việc công”. “Chỉ có công việc, mà công việc ích nước lợi dân thì con người sẽ quên bớt đi những tính toán cá nhân, những mưu mô bè phái, những tham vọng quyền lực sẽ phá tan mọi lao động của một đơn vị, một địa phương, có thể lớn hơn thế nữa”. Chủ tịch Ba Danh có lúc phải hỏi: “Ông Dạ, ông thấy người cộng sản trong chiến tranh với người cộng sản bây giờ có gì khác nhau không?”. Anh cảm thấy giữa anh và các đồng chí, cứ mỗi ngày qua đi, “mỗi lúc một rõ hơn những vết nứt trên bề mặt lớp keo ấy”, “chất keo ấy có dấu hiệu nóng chảy”. Cố cùng những đồng chí khác ngày đêm lo cho công việc, cái cầu được hoàn thành thì đó là lúc anh phải đi “Núp pháo, pháo bầy”. Số phận của anh bây giờ phụ thuộc vào ý kiến của Bộ Chính trị. Bị bắt? Không bị bắt? Không ai biết trước được. Chỉ biết rằng đó là nơi quyền lực tối cao quyết định những việc lớn của Đất nước, đến số phận của cán bộ lớn thuộc diện nào đó. Mọi người hy vọng? Thất vọng? Nhớ lại một chút, mọi người không khỏi lo âu: chỉ nửa tháng trước, Bộ Chính trị đã điều ông Tam lớn - người anh em với ông Tam nhỏ - Phó bí thư - người gợi ý cho Ba Danh rời khỏi Đà Nẵng về làm Bí thư thành ủy này. Tất cả những thay đổi lớn bắt nguồn từ đó. Thế là trong lòng người đọc, nỗi ám ảnh lại dâng đầy sợ hãi, lo lắng! Sự hưng thịnh hay suy thoái, bê trệ của thành phố này, thuộc về ai? Nhà văn Thái Bá Lợi lặng lẽ và nghiêm túc chỉ ra điều đó. Trước đến nay, trong văn học chưa ai đề cập đến cội nguồn ấy. Đó là một điều mới mẻ, mạnh mẽ, đầy bản lĩnh. Câu chuyện Đà Nẵng ngoài đời như thế nào, như thế, khác thế, hay hơn thế chúng ta đã hiểu. Thế nhưng, chỉ dừng lại ở điểm này, hẳn nhà văn Thái Bá Lợi đã biết dựa vào đặc trưng của tiểu thuyết, muốn chuyển đến chúng ta những lời cảnh báo, chỉ rõ những nguy cơ đã và đang tiềm ẩn hay bùng phát ở nơi này hay nơi khác và hậu quả khôn lường của nó. Đó là một tiếng nói thiết tha đầy tinh thần trách nhiệm của một công dân - một Nhà văn.

Câu chuyện Đà Nẵng đâu chỉ có một câu chuyện đó. Đằng sau những số phận nhân vật, ta còn bắt gặp nhiều vỉa tầng chứa đựng những thông điệp khác. Gấp sách lại, một nhóm nhân vật khác vẫn luôn ám ảnh tâm trí chúng ta. Đó là nhóm Kazik, Bảo Thường, Khiết, Thu. Kazik là một nhà khoa học - trưởng đoàn Ba Lan trong Ủy ban Liên quốc gia trùng tu di tích Champa, Bảo Thường - nhân viên công ty du lịch, Khiết - cựu tù nhân Côn Đảo, cô Thu - con một sĩ quan chế độ Sài Gòn. Kazik mải mê tìm chất keo dính, ngày đêm lo trùng tu Tháp Chàm Mỹ Sơn, sững sờ trước vẻ đẹp đầy bí ẩn của phố cổ Hội An “tài sản của nhân loại”. Thế nhưng, Kazik đột ngột mất, ai sẽ là người biết và dám bỏ công sức để khai thác vốn quý văn hóa ở nơi này? Người đọc lại liên hệ đến những di tích văn hóa của Đà Nẵng đang bị tháo dỡ... Những bậc thầy ôm cả tài sản văn hóa lớn bị lãng quên, phải mưu sinh bằng việc đóng sách cũ. Người đọc hỏi: Người nước ngoài (Kazik) lo khôi phục văn hóa cho Việt Nam chết thì có con họ (Bartlome) kế tục, còn người Việt Nam mình có ai làm, có ai thay? Câu chuyện Đà Nẵng lại cùng đặt ra những vấn đề hệ trọng khác ám ảnh người đọc.

Chiến tranh chia cắt đã qua đi, nhưng tình cảm sâu thẳm của những con người mà 20 năm qua ở hai chiến tuyến bao giờ hòa hợp được. Khiết - một cựu tù nhân Côn Đảo, rất quý, rất tin, rất yêu Thu. Cô con gái của viên sĩ quan Cộng hòa này rất yêu, kính và tin Khiết nhưng luôn mặc cảm tội ác của cha mình là người tra tấn Khiết và bao người khác mà không dám đến với anh. Mẹ cô rất muốn hai đứa hạnh phúc trong tổ ấm gia đình nhưng không thể, đành buồn bã nhìn cả hai đi vào nương mình trong cõi Phật? Còn mọi người thì cũng lặng lẽ nhìn, không ai có một cố gắng nào vun vào cho sự xóa bỏ quá khứ đau lòng ấy!

Cứ thế, qua từng dòng chữ, nhà văn Thái Bá Lợi lặng lẽ đặt ra bao vấn đề lớn của đời sống, chỉ ra bao khiếm khuyết, sai lầm để chúng ta cần làm thay đổi cho tốt hơn. Tác phẩm của anh càng đọc, càng ngẫm nghĩ, ta càng thấy nổi lên bao lớp quặng của những ý tưởng tốt chồng lên nhau, ám ảnh chúng ta. Có người bảo Câu chuyện Đà Nẵng, Thái Bá Lợi viết theo lối cũ, tác phẩm kém hấp dẫn. Tôi nghĩ, anh đã có những tác phẩm viết theo bút pháp hiện đại rất thành công như Khê ma ma, Minh sư, anh dư sức để viết tác phẩm này theo cách tân đó. Thế nhưng, anh vẫn viết theo cách viết truyền thống. Đó là sự lựa chọn của anh để tác phẩm đến với mọi người, mang đến những cảnh báo cần thiết. Nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Hoan cho rằng đây là sự mạo hiểm. Đúng thế. Đặt trong bối cảnh hiện nay, trong sự lặng lẽ của Văn chương, thì cho ra cuốn sách này, Thái Bá Lợi còn là nhà văn dũng cảm, dám đứng ở mũi nhọn trong cuộc sống, đem Văn chương tham gia trực tiếp vào cuộc sống sôi động của Nhân Dân. Chính vì thế mà Câu chuyện Đà Nẵng là một cuốn sách có sức hấp dẫn lớn.

N.T.Q