Từ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy Hằng

16.03.2016

Từ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy Hằng

Trong việc cảm thụ thơ ca hiện nay, có một thực tế là tình trạng thiếu vắng sự đồng cảm giữa người đọc và người viết. Lý do là, không ít độc giả vẫn còn quen theo cái khung tiếp nhận cũ, nên khó cảm thụ cái lạ và mới; còn về phía các tác giả, thì họ không muốn lập lại cái cũ. Đó là một thực tế không vui trong đời sống văn nghệ. Nhân đề cập vấn đề này, xin đơn cử một trường hợp qua ba bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đông Nhật, và thử “giải mã” qua vài cảm nghĩ dưới góc nhìn của triết lý Phật giáo như một ví dụ về việc tiếp nhận văn học đối với những dạng thơ tương tự.

Đầu tiên là bài Quà tặng

Khi tôi khép mắt tập trung, trên cái nền đất hình vuông dưới chân cội bồ đề ngài Anan không một ngọn lá; khi tôi mở mắt, một chiếc lá xanh phớt vàng đang run rẩy trong bàn tay vô hình của gió.

 

Chiếc lá sẽ tan vào đất cho những lá khác xanh trên cành.

Bài thơ không có các “chữ hay”, trong cảm thụ thẩm mỹ quen thuộc. Không có “chữ hay”, nhưng những chữ bình thường vẫn gợi lên điều gì không bình thường, và thậm chí… vô lý, bởi vì đã khép mắt tập trung thì không thể thấy ngọn lá nào, nghĩa là ở trạng thái vô hình thì không thể xuất hiện cái hữu hình. Rồi khi mở mắt, một chiếc lá xanh phớt vàng. Màu xanh khởi đầu cho cái mới. Màu vàng là cái tàn úa, là cái chết, cũng là sự kết thúc. Nhưng xanh phớt vàng thì đó là cái sống trong cái chết. Sự “pha màu” này tự nói về lẽ vô thường của cuộc đời: có sanh thì có diệt. Chiếc lá ấy đang run rẩy trong bàn tay vô hình của gió, nghĩa là ở trạng thái vô hình (không có) mà lại còn ở trong gió (là cái không nắm bắt được). Cả hai, đều chỉ để nói lên điều không có thực.

Rồi: Chiếc lá sẽ tan vào đất cho những lá khác xanh trên cành. Đó là lời giải bày về sự tuần tự trong tiến trình sanh - diệt để mọi sự vật vận động theo quy luật vũ trụ. Đồng thời, cũng nói lên tình yêu và sự trao gửi từ đời sống này qua đời sống kế tiếp. Đó là cái nghĩa diệu lý của tánh Không, là nơi bắt đầu và kết thúc, kết thúc để bắt đầu.

Một bài thơ khác:

Nhẩm đếm

đôi khi mơ giấc mơ của đá

giữa không tên lặng suối ngàn.

đôi khi hát bài ca buồn

lời nôn nao bỗng nghẹn

 

đôi khi quên ngày vui

tình em đã tắt

 

đôi khi không còn

mơ giấc quên

Ở đoạn mở đầu, chữ “mơ” được lặp lại trong cùng một câu: mơ giấc mơ của đá. Đã mơ thì không có thật, mà lại giấc mơ của đá nữa; là cái không có thật trong cái không - không có thật. Câu thứ 2: giữa không tên lặng suối ngàn. Không tên, có thể hiểu là không có; mà còn thêm chữ lặng, cũng là không có gì cả. Trong cả hai câu, những chữ là chỉ để nói về cái lý không. Không cái gì được gọi là có cả.

Đoạn thứ 2: Đôi khi hát bài ca buồn / lời nôn nao bỗng nghẹn. Buồn mà hát ca không được. Nghĩa là không có lời nào được nói ra.

Đoạn thứ 3: Đôi khi quên ngày vui / tình em đã tắt. Quên ngày vui và tình đã tắt, nghĩa là muốn quên nhưng không quên được. Không được, vì nó đã tắt, vì vốn nó chưa từng xảy ra.

Đoạn kết: Đôi khi không còn /  mơ giấc quên. Câu này có 7 chữ; trong đó 3 chữ không, chữ mơ, chữ quên đều có chung một nghĩa: không.

Quan sát toàn bài, sẽ gặp hai chữ -chìa - khóa (chữ để giải mã), là chữ cuối của câu đầu và câu kết (đá, quên). Về nghĩa, đá là vật vô tri vô giác, có mà như không có. Còn chữ quên là không nhớ không biết; cũng có nghĩa là không. Bài thơ được tổ chức theo bố cục tròn, vẽ điểm xuất phát và kết thúc bằng những từ lặp lại. Đến đây, thì rõ thêm cái ý: lý Bát Nhã vốn là Không, cái không của không-không có. Về hình thức, bài thơ gồm 4 đoạn 2 câu, với số lượng chữ giảm dần ở mỗi đoạn. Nhịp thơ cũng chậm dần theo mỗi đoạn. Đoạn một: 7 từ-6 từ, đoạn hai: 6 từ-5 từ, đoạn ba: 5 từ-4 từ, đoạn kết: 4 từ-3 từ.

Ba từ kết thúc: mơ giấc quên, là mơ cái “không có”? Và thêm một chút “quan sát” nữa: các chữ trong toàn bài được bố trí theo kiểu hình khối, với một tam giác ngược. Có thể tác giả muốn “vẽ” bài thơ để nói lên điều gì trong tư tưởng Phật giáo?

 

Hai bài thơ trên, tạm gọi là thơ thiền và thơ suy tưởng; được viết theo thể thơ văn xuôi (Quà tặng) và thơ hợp thể (Nhẩm đếm). Bài thứ ba (thơ hiện thực, thể tự do): Bài ca của gió, là tự sự về cuộc đời của một người (cũng là của nhiều người). Xin trích đoạn kết, để xem những lời của gió sẽ dẫn người đọc đến đâu?

Tôi sẽ chia tay anh, từ cái quán ăn

 ồn ào này.

Không tiễn đưa.

Dù đôi khi tôi cũng thích sự đưa tiễn.

 Nó làm cho người ta trẻ hơn.

Cả tôi và anh sẽ chìm vào sự vô danh

của thành phố.

Thành phố không ngừng sống. Biết và không biết từng lớp người đến và đi.

Hãy mặc cho nỗi êm dịu không tên kia trùm xuống chúng ta xuống cuộc đời. Như cái bóng. Anh có thấy như thế không?

Những cái bóng, dài ra hay ngắn lại và tan đi giữa bao quầng sáng quay cuồng .

Nhưng đôi mắt chúng ta, trước khi đời đời yên tĩnh đã lặng lẽ trả lời.

Cái bóng ly nước trên bàn và cái ánh trăng kia là MỘT.

Anh có thấy không ?

Sự việc được mô tả là một cuộc chia tay, nói lên cái chấm dứt, cái không còn. Chia tay, mà không tiễn đưa. Nghĩa là cả hai điều này đều không xảy ra. Rồi: Cả tôi và anh sẽ chìm vào sự vô danh của thành phố. Đã chìm là hết, thế mà còn thêm sự vô danh của thành phố. Vậy là, ngay cả cái thành phố ấy cũng không có thật. Nhưng trong cái không có, vẫn có cái không ngừng sống. Biết và không biết. Câu thơ này diễn tả tính nhị nguyên của vạn vật: cái này có thì cái kia cũng có. Câu tiếp: Hãy mặc cho nỗi êm dịu không tên kia trùm xuống chúng ta / xuống cuộc đời. Như cái bóng. Đã không tên nghĩa là không có danh, mà còn Như cái bóng. Tức là, cái không có danh bao trùm cái không có sắc, mà cái sắc đó cũng không phải là sắc. Rồi Những cái bóng, dài ra hay ngắn lại. Rõ ràng là, ngay cả cái dài - ngắn của cái bóng cũng tan đi, nghĩa là không có cái bóng nào hiện diện để có thể tan đi. Và đôi mắt chúng ta, trước khi đời đời yên tĩnh. Yên tĩnh, ở đây là đôi mắt đã không còn nữa. Nhưng đôi mắt ấy lại lặng lẽ trả lời. Thật là nghịch lý, vì đã không có đôi mắt thì làm gì có sự trả lời của đôi mắt ấy? Mà lại lặng lẽ nữa. Tóm lại, tất cả đều không có, không có thành phố, không có những đôi mắt, không có sự trả lời nào cả.

Đoạn kết: Cái bóng ly nước trên bàn và cái ánh trăng kia / là MỘT.

Để giải thích câu này,có hai cách hiểu. Nhờ ánh trăng kia mới thấy được cái bóng ly nước. Có nghĩa, cả hai cái ánh và cái bóng này, cũng chỉ là một. Cách hiểu thứ hai: Chỉ có cái bóng của ly nước, chứ không có ly nước nào trên bàn cả. Nghĩa là, cái ánh trăng kia và cái bóng chỉ MỘT mà thôi.

Đến đây, tưởng như bài thơ đã kết thúc. Nhưng không phải, bởi vì ở đoạn đầu:

Tôi sẽ ngồi trước tấm khăn bàn trắng. Trăng sáng ư? Tôi không biết.

Nhưng cái bóng của ly nước làm tôi tưởng là ánh trăng / chẳng soi vào khoảng không nào cả.

Ngay khi hỏi trăng sáng ư? và tự trả lời tôi không biết, có thể thấy cả câu hỏi và câu trả lời chỉ diễn ra trong tâm trí tác giả, vì thực tế không có ánh trăng. Vì sao nói không có ánh trăng? Chính tác giả đã trả lời: nhưng cái bóng của ly nước làm tôi tưởng là ánh trăng. Đã không có ánh trăng thì không thể soi vào cái gì cả. Kết thúc: Cái bóng ly nước trên bàn và cái ánh trăng kia / là MỘT. Nhưng không có ly nước hay ánh trăng thì làm sao có Một? Thì ra cái Một ở đây chưa phải là cái Một của chân lý tối hậu mà đang còn là cái Một tưởng tượng và giả định, là sản phẩm của mạt-na thức.

Câu cuối: Anh có thấy không? Câu hỏi này không cần thiết, vậy tác giả hỏi để làm gì? Có phải sau khi dẫn chúng ta đi qua sự hoang mang dằng dặc, tác giả muốn xô đẩy người đọc đến trước một bờ vực để nơi ấy, lời giải đáp có thể hiện ra? Có vẻ như đây là một công án thiền? Có thể gợi nhớ “âm thanh của một bàn tay vỗ” (!?)…

Khi đọc hết ba bài thơ, dường như không còn thấy chữ. Và không bám vào nghĩa của chữ. Rồi chợt hiểu, chỉ khi ấy và chỉ bằng cách ấy, mới có thể nắm bắt được cái điều ẩn chứa đằng sau những chữ.

Thời điểm viết ba bài thơ này là: Bài ca của gió (năm 2000), Nhẩm đếm (2002), Quà tặng (2013). Dường như cả ba đều ra đời trong những cơn xuất thần, khi ý thức tạm lui bước để nhường chỗ cho tàng thức. Điều này có nghĩa: bài thơ tốt nhất là bài xuất hiện trong lúc “điên” nhất! Và ở cả ba, không kể đến hình thức hay thể loại, có thể nghiệm ra rằng, tác giả muốn chuyển tải nội dung về triết lý tánh Không trong Phật giáo, mà mấu chốt nằm ở chỗ “vạn pháp quy Tâm”?

T.H.T.H 

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô