Phiêu bồng một cõi - Ngô Phú Thiện

16.03.2016

Phiêu bồng một cõi - Ngô Phú Thiện

“Chưa đi chưa biết Bà Nà...”

Quả thực, nghe câu “giáo đầu” ấy ai cũng thấy có phần hoài nghi. Nhưng sẵn chút máu tò mò thôi thúc, tôi theo chân mấy người bạn làm một chuyến du sơn lên Bà Nà. Đến giữa chốn lưng chừng trời này, chúng tôi mới “ngộ” ra cái điều giản dị: Có đi, mới biết!

Bà Nà không xa lắm, nhưng cần phải có chút trang bị thần kinh, bởi  đường lên cõi phiêu bồng này lắm dốc nhiều đèo gấp khúc. Từ Đà Nẵng lên, loại xe xịn nhất cũng mất hơn một giờ leo núi mới chạm được chân Bà Nà. Đến nơi rồi, mọi sự lo lắng, nhọc mệt sẽ được thiên nhiên hóa giải. Thông thường, khách du lãm “sành điệu” chỉ thích lên đây vào mùa hè. Chúng tôi khác, nên tha thẩn đến với Bà Nà khi tiết trời đã sang thu. Sự lập dị ấy lại hóa hay. Chúng tôi có dịp nhấm nháp chút sắc khí lạ chưa thấy ai nói đến với điểm cao này. Không hiểu từ thời Pháp thuộc, ông Tây lãng tử nào đã xé rừng đến đây và dám nghĩ đến việc xây dựng một thiên đường riêng giữa chốn sơn cùng thủy tận này? Dẫu sao, cũng phải “khá khen con mắt tinh đời” của những kẻ có công đầu khai phá ấy.

 

Cảnh quan Bà Nà hôm nay không còn hoang dã như xưa. Những biệt thự, nhà nghỉ, dịch vụ... đã san sát mọc lên trên mấy đỉnh đồi, trông như những chồi nấm giữa đại ngàn vời vợi. Đặc biệt gần đây, hệ thống cáp treo hiện đại đã kéo một đường thẳng băng từ chân lên tới đỉnh Bà Nà. Nhưng chúng tôi chọn phương án leo đèo để thử cảm giác mạo hiểm. Vừa đặt chân đến cổng khu du lịch, đã thấy mấy cô lễ tân ra đon đả mời khách. Câu đầu tiên, quý cô đã tỏ sự tiếc nuối thay cho chúng tôi: “Các anh lên vào mùa này sẽ không thấy được cảnh bốn mùa trong một ngày của Bà Nà...”. Vâng, tôi đã loáng thoáng nghe chỉ trong một ngày, nơi đây có đủ cả ấm, lạnh, gió, sương! Nhưng không sao, những gì đang hiển hiện trước mặt với những kẻ như tôi, đã có sức hút mạnh hơn cả nam châm.

Khí trời đã vào thu nên nơi đây càng se lạnh. Dẫu vậy, quang cảnh núi rừng này không phải là “Nước trời một sắc/ Phong cảnh ba thu” như câu thơ của Nho sĩ họ Trương. Phải nói ngay rằng Bà Nà là cõi thiên thai của đất trời Đà Nẵng; là Sa Pa của miền Trung đầy nắng gió. Ngay khoảnh khắc này đây, nếu ai còn nấn ná giam mình trong mấy hộp bê-tông ở Nha Trang hay Đà Nẵng thì hẳn còn “lãnh đủ” cái nóng đặc thù của dải đất miền Trung này. Trong khi đó, giữa chốn sơn lâm Bà Nà vẫn hội đủ những gam màu của bốn mùa khí hậu. Ở đây sẵn có sương mù lành lạnh của mùa thu; cũng có nắng nhạt của ngày đông; có màu xanh ngút ngàn trên cây lá mùa hạ và nhất là rực rỡ sắc hoa của mùa xuân. Thế mà có người dám đem sánh vẻ thơ mộng của Bạch Mã để chê Bà Nà chỉ có núi và núi. Đành rằng ở chốn sơn lâm không thể thiếu núi đồi, nhưng đèo núi nơi đây không vô cảm vô hồn. Ngay những cái tên như Núi Chúa, suối Mơ, đèo Mây, đồi Vọng Nguyệt... đã gây ấn tượng đặc biệt với khách muôn phương. Điều đặc biệt nhất đối với chúng tôi là giữa mùa thu mà chốn này vẫn lúng liếng sắc hoa. Vắt vẻo giữa các sườn đồi, ban-công nhà nghỉ không chỉ hoa lan độc chiếm mà có cả hồng tú cầu, huệ trắng, hoa ly ly... với đủ màu roi rói. Những cô nàng quý phái này vốn sinh thành từ đất hoa Đà Lạt, không hiểu tự bao giờ đã “nhập tịch” về đây mà sắc màu có vẻ duyên hơn bản địa.

Có lẽ lúc này với tôi, cảm giác thoát tục nhất là được chạm vào mây, tắm nắng trong mây và hít thở với mây trời! Để tận hưởng không gian có một không hai này bạn không thể bỏ qua 15 phút lơ lửng với cáp treo. Buổi sáng ngồi trong lồng cáp treo chơi vơi nhìn xuống, bạn sẽ giật mình nhận ra chính ta là tiên ông đang phiêu bồng giữa bạch vân tiên giới. Bao nhiêu nỗi nhọc nhằn, bụi bặm của thế nhân chỉ trong chốc lát được gội rửa trong không gian hư thực như chốn bồng lai này!

Buổi trưa. Mọi người đang say nồng trong giấc ngủ muộn. Bỗng bên ngoài có tiếng ai đó reo lên: “Trăng đã lên rồi kìa”! Tôi chồm dậy nhìn qua song cửa, quả thực không thể hình dung được ngày hay đêm; mặt trăng hay mặt trời? Một làn sương dày đặc chừng như muốn lọc hết ánh sáng của tà dương. Chênh vênh trên đỉnh núi chỉ còn lại một quầng đỏ mát dịu, tròn trịa như mặt trăng rằm. Sương ở đây cũng lạ, không mù mờ như khói mà trắng như bông tuyết. Chúng cứ miên man, bồng bềnh trôi vào tận chăn chiếu buồng ngủ và đậu lại thành những hạt thủy tinh lấp lánh. Tôi nghĩ, cần gì phải lên tận Sa Pa lạnh lẽo để xem tuyết rơi vào mùa xuân. Giữa lòng miền Trung, hình như lúc nào Bà Nà cũng ắp đầy sắc xuân lạ lẫm với bất cứ ai có tính hiếu kỳ. Xin mách thêm với mấy chàng lưu linh - chỉ mùa thu Bà Nà mới có - ngồi đối ẩm giữa trời chiều, chẳng khi nào cần dầu gió! Có nơi nào thi vị hơn khi cùng bè bạn ngồi vắt chân giữa lưng trời để nhâm nhi cái se lạnh của hoàng hôn, nhìn mặt trời không bao giờ lặn và lắng nghe khúc nhạc rừng bất tận của chim muông. Quả thực, lúc này bạn sẽ sờ chạm được cõi mộng rất trần thế như Bà Nà.

Du khách từ mọi miền đến đây không tiếc lời khen tặng cảnh quan Bà Nà và con người Đà Nẵng. Riêng tôi, hình như có một chút ghen tị tự hỏi: Tại sao đất trời đã hào phóng, ban tặng cho quê hương này một sông Hàn, cảng biển phía Đông, một Hải Vân phía Bắc lại còn ưu ái một Bà Nà ở phía trời Tây như tiên cảnh? Tại sao giữa miền đất thừa thãi nắng và gió của miền Trung lại có thể sở hữu một không gian phiêu bồng kỳ lạ? Trong cái ngẫu hứng bất chợt, tôi ghép thành câu thơ để tặng Bà Nà:

“...Gối đầu lên thảm sương sa

Ngỡ đây cõi mộng hóa ra...cõi trần”!

N.P.T 

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô