Một số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu Hiền

16.03.2016

Một số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu Hiền

Văn học trinh thám Việt Nam ra đời muộn và có truyền thống rất mỏng so với thế giới. Điều này có thể giải thích từ nhiều góc độ: hoàn cảnh lịch sử, sự cô lập quá lâu so với văn minh nhân loại, văn học chủ yếu chịu sự ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, bối cảnh xã hội thuần nông trì trệ, không có nhiều sự kiện giật gân, tư duy văn học thiên về duy cảm hơn duy lý… Nhắc đến văn học trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XX không thể không kể đến tên tuổi của Thế Lữ.

Thế Lữ được mệnh danh là “người khởi đầu của những khởi đầu”. Không chỉ là một trong những nhà thơ khởi xướng ra “một thời đại trong thi ca”, với những tác phẩm văn xuôi đặc sắc, Thế Lữ còn là một trong những nhà văn đặt những viên gạch đầu tiên để khai sinh ra dòng văn học trinh thám - kinh dị trong văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Ở thể loại truyện (bao gồm cả truyện kinh dị và truyện trinh thám), cùng với Phạm Cao Củng, Bùi Huy Phồn ở miền Bắc, Bửu Đình, Huy Đức ở miền Nam, Thế Lữ cũng đã tạo được những dấu ấn, đặc điểm, sắc màu riêng trong tác phẩm của mình. Trinh thám của Thế Lữ pha trộn giữa trinh thám suy luận và trinh thám hành động - hình thức đặc biệt của văn học trinh thám phương Tây vào những năm 30 của thế kỷ XX.

Trước khi đến với truyện trinh thám, Thế Lữ được biết đến như một cây bút văn xuôi độc đáo của bút nhóm Tự lực văn đoàn với một loạt truyện kinh dị, huyễn tưởng như Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh… Không dừng lại ở truyện kinh dị, Thế Lữ đã thử sức ở loạt truyện trinh thám về chàng phóng viên Lê Phong và đã thực sự thành công ở thể tài này đặc biệt là ở kỹ thuật viết truyện. Thủ pháp của truyện trinh thám chịu quy định bởi những đặc thù của đề tài, chủ đề và mục đích của thể loại. Nằm trong phạm vi văn học đại chúng và gắn với mục đích giải trí, văn học trinh thám không đòi hỏi người viết phải quá chú trọng đến tính văn chương. Nhưng với tác động của đề tài tội ác, những bí ẩn, vùng tối trong đời sống xã hội, truyện trinh thám buộc phải có những thủ pháp riêng biệt. Chính vì thế thủ pháp trần thuật của truyện trinh thám phải đạt được ba mục đích cơ bản:

- Thứ nhất: Tạo sự bí ẩn nhằm đánh lạc hướng người đọc.

- Thứ hai: Tạo sự sáng tỏ, dẫn dắt người đọc đến việc giải đố bí ẩn.

- Thứ ba: Tạo độ mỏng, sự nhẹ nhàng cho truyện kể.

Hầu như các thủ pháp trong truyện trinh thám đều nhằm mục đích đáp ứng ba yêu cầu cơ bản trên. Thủ pháp trinh thám chủ yếu liên quan đến cách phô diễn tức là cách kể chuyện. Đó là những thủ pháp nhằm phụ trợ cho sự kiện, lôi cuốn và tạo ra những khoái cảm đặc trưng cho người đọc khi tiếp cận thể loại này.

1. Thủ pháp tạo không khí trinh thám

Không khí trinh thám toát lên từ bề sâu là cảm giác về cái bí ẩn, li kỳ, kích thích thần kinh người đọc. Và toát lên trên bề mặt là cách thức sắp đặt sự kiện sao cho có tính vấn đề nhất, xây dựng những yếu tố bí ẩn (có thể là bí ẩn hóa những sự kiện bình thường), văn phong trinh thám - hình sự, những đối thoại điều tra, sự lập luận, suy luận có tính logic, hình thức câu hỏi đặt vấn đề…

Thế Lữ trong thể loại truyện trinh thám đều chọn cách trực tiếp đưa vào vụ án ngay từ những trang đầu tiên nhằm tạo nên không khí trinh thám cho tác phẩm. Thế nhưng mỗi một truyện lại có một cách mở đầu riêng nhằm mục đích tạo sự hấp dẫn cho các vụ án. Trong Lê Phong phóng viên, sau khi Lê Phong được nhận vào làm phóng viên của tờ báo Thời Thế, tác giả khéo léo giới thiệu về chuyến công tác của chàng phóng viên lên phủ Lạng Thương để điều tra về bọn buôn lậu thuốc phiện và súng. Tâm lý người đọc đang đón đợi một câu chuyện kể về quá trình đột nhập vào hang ổ của bọn buôn lậu. Hai bức điện tín gửi cho báo Thời Thế ngay khi Lê Phong đã có mặt ở phủ Lạng Thương “Thời Thế Hà Nội - Lập tức gửi phái viên lên phủ Lạng Thương. Án mạng. Quan trọng lắm. Phóng sự tiến hành. Lê Phong” [1, tr. 26], “Phái viên lên ngay. Cần lắm. Cần lắm lắm. Lê Phong, phủ Lạng Thương” [1, tr. 27] kích thích sự tò mò của bạn đọc: Liệu án mạng xảy ra có liên quan gì đến vụ buôn lậu mà Lê Phong đang điều tra hay không? Còn phóng sự tiến hành?Về vụ điều tra hay buôn lậu? Cách mở đầu như thế có tác dụng tạo không khí trinh thám, tạo ấn tượng về cái bí ẩn cho câu chuyện.

Trong Những nét chữ, mở đầu câu chuyện là bí mật về bức thư gửi đến cho Lê Phong với nét chữ mềm mại của một người đàn ông bí ẩn để thử tài trinh thám của chàng phóng viên. Cách mở đầu như thế khiến cho người đọc như bước vào ma trận mà tác giả bày ra. Mỗi một bạn đọc sẽ có một giả thuyết về nhân vật người đàn ông bí ẩn và mục đích viết bức thư. Sau khi kiến tạo xong không khí trinh thám cho câu chuyện, Thế Lữ mới bắt đầu giới thiệu về vụ án mạng của Tuyết Mai. Đây là một cách xử lý rất sáng tạo, khiến cho chuyện vụ án hòa nhập một cách tự nhiên vào những câu chuyện vụ án khác.

Không khí trinh thám còn được tạo nên từ các yếu tố bí ẩn như: những thôi thúc tâm lý bất thường, những con người, chi tiết, sự kiện bí ẩn, khó hiểu (cái khó hiểu cũng tạo cảm giác li kỳ, gợi trí tò mò), những sự vật hàm chứa bí ẩn như cuốn sổ, bức thư…Trong Những nét chữ, ta bắt gặp nhiều lần hình thức thư từ, nhật ký, ghi chép cá nhân…có tác dụng kích thích sự tò mò của người đọc. Đó là bức thư của người đàn ông bí ẩn gửi cho Lê Phong để thử thách tài trinh thám, là nhật ký của Tuyết Mai - cô gái thông minh, có khiếu văn thơ, là lá thư có bài thơ Chơi núi cảm tác gây nên cái chết bất ngờ của Tuyết Mai. “Bài thơ lục bát…trong đó toàn những câu buồn vẩn vơ, chứ không có gì là khác lạ” [1, tr. 101] lại khiến cho cô em gái của Đào Đăng Khương hoảng hốt và tìm đến cái chết bằng các thuốc độc cực mạnh ngay đêm hôm đó. Trong truyện Gói thuốc lá, yếu tố bí ẩn được thể hiện bằng tấm danh thiếp mà trước khi chết Đường đang nhìn. “Tấm danh thiếp khổ lớn, úp mặt. Sau lưng cái danh thiếp có một hàng chữ viết hoa bằng bút chì: X.A.E.X.I.G.” [1, tr. 357]. Dòng chữ bí ẩn ấy xuất hiện bên cạnh cái chết của Đường kích thích sự tò mò của người đọc khi dõi theo hành trình phá án của phóng viên Lê Phong. Chính thủ pháp ấy đặc biệt phát huy tác dụng trong việc hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc đến với hành trình phá án của chàng thám tử trẻ tuổi, tài ba.

2. Thủ pháp đánh lạc hướng

Đánh lạc hướng là thủ thuật thường thấy trong truyện trinh thám nhằm gây ra khó khăn cho quá trình tư duy, lập luận của người đọc, kích thích họ tìm ra lời giải. Trước một vụ án mạng, thám tử phải đối mặt với rất nhiều giả thuyết, nhân chứng đôi khi gây “nhiễu” cho quá trình điều tra.

Trong Lê Phong phóng viên, chi tiết con dao cắm sâu vào ngực của nạn nhân Đào Ngung được xác định là một thứ khí giới nhỏ của người Thổ, Mán đem theo trong lúc đi rừng. Con dao này khiến cho bạn đọc và cả nhân viên của sở Liêm phóng nghi ngờ thủ phạm giết Ngung là một người Thổ hoặc những người thường xuyên làm ăn, buôn bán với người Thổ. Không những thế, để gia tăng mối nghi ngờ này, nhà văn đã sáng tạo ra chi tiết bức thư nặc danh được gửi đến sở Thương chính tố cáo bọn buôn lậu. Những chi tiết này khiến cho người ta hình dung đến một vụ trả thù tàn khốc của bọn buôn lậu thuốc phiện. Thế nhưng, kết quả cuối cùng Lê Phong công bố thực sự gây bất ngờ. Thủ phạm của vụ án mạng là Lường Duỳn - một người khách lai giàu có, thông minh, lại có quan hệ thân thiết đã từng cưu mang Ngung. Việc sử dụng thủ pháp đánh lạc hướng bạn đọc của Thế Lữ trong câu chuyện này đã được phát huy tác dụng tối đa.

Cũng với thủ pháp này, trong truyện Gói thuốc lá, chi tiết người lạ

đến gõ cửa nhà Đường với giọng nói trọ trẹ, khác lạ mà ông cụ khai báo với

Lê Phong cùng với bức thư của Đường gửi cho Lê Phong kể về mối thù hằn với Nông An Tăng - con của một người Thổ khiến cho người đọc tin chắc kẻ giết Trần Văn Đường là một người Thổ vì ân oán trong quá  khứ của hai người cha. Người lạ mà ông cụ nhìn thấy được miêu tả một cách khá cụ thể và tỉ mỉ. “Một người con trai bằng trạc Huy… Người ấy hỏi hai ba lần tôi mới hiểu rằng muốn lên chơi với cậu Đường… nghe thấy tiếng nói lại khác lạ… tôi khóa cửa còn nghe thấy nói mấy câu hình như bằng tiếng Khách thì phải” [1, tr. 360]. Lá thư của Đường gửi cho Phong chiều hôm đó đã củng cố thêm lòng tin về mối nghi ngờ của Lê Phong. Trong quá trình điều tra, chính thám tử Lê Phong cũng gặp không ít khó khăn bởi những chi tiết nhằm đánh lạc hướng thám tử và bạn đọc.

Thủ pháp đánh lạc hướng đặc biệt phát huy hiệu quả trong câu chuyện vụ án về cái chết của Trần Thế Đoàn (Mai Hương và Lê Phong). Mảnh giấy có mấy hàng chữ, lối chữ in hoa, được vạch bằng bút chì rơi xuống đất trước mặt Lê Phong thông báo trước về cái chết của vị bác sĩ cùng với sự xuất hiện trong chớp nhoáng của Mai Hương ở đầu tác phẩm khiến Lê Phong hồ nghi mối liên hệ giữa cô gái xinh đẹp này với cái chết bí ẩn, đột ngột của Trần Thế Đoàn trong buổi lễ phát bằng trường Y. Cuộc rượt đuổi truy tìm tung tích ở đầu tác phẩm diễn ra vô cùng ly kỳ, gay cấn và đôi lúc

Lê Phong đã phải thốt lên: “Thôi, ta đã bị nó lừa rồi!”, “Ồ! Con giặc cái! Con giặc cái! Nó đáo để thực! Thật ra nó biết mình thế nào cũng mắc mưu…” [1, tr. 294]. Bạn đọc lúc này như bị lạc vào ma trận vì không thể lý giải liệu cuộc truy đuổi Mai Hương có liên quan gì đến nguyên nhân của vụ án mạng xuất hiện ở đầu tác phẩm hay không. Ngay cả giây phút Lê Phong bị rơi vào tình thế nguy hiểm, cả Lê Phong và người đọc đều không hình dung được người dàn dựng và đánh lạc hướng Lê Phong là Mai Hương.

Có thể nhận thấy, trong truyện trinh thám Thế Lữ những chi tiết nhà văn sáng tạo đánh lạc hướng suy luận của bạn đọc thường được đặt ở đầu tác phẩm. Cách kiến tạo này làm gia tăng tính hấp dẫn, kích thích sự tò mò của bạn đọc. Nó đặc biệt phù hợp với mục đích giải trí của các tờ báo lúc bấy giờ. Điều này giải thích nguyên nhân vì sao trong một thời gian dài, với việc đăng tải nhiều kỳ những câu chuyện trinh thám của Thế Lữ, tạp chí Phong hóa đã thu hút sự quan tâm, chú ý của một số lượng độc giả rất lớn.

So sánh cách kiến tạo các chi tiết đánh lạc hướng với truyện trinh thám của Phạm Cao Củng, chúng tôi nhận thấy, ở rất nhiều câu chuyện nhà văn Phạm Cao Củng trực tiếp miêu tả hành trình phá án của thám tử ngay từ mở đầu. Không có nhiều những chi tiết nhằm mục đích đánh lạc hướng bạn đọc như trong truyện của Thế Lữ.

N.T.T.H 

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô